Đi chợ đặc sản “rặt đồng” mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long
Nằm giữa vùng tứ giác Long Xuyên trù phú, nổi tiếng xa gần với các đặc sản mùa nước nổi, chợ cá đồng Phú Hội, huyện An Phú (An Giang) mùa này tuy mới bước vào đầu mùa lũ tấp nập ngày đêm xuồng ghe cập bến.
Mỗi ngày có hàng tấn cua, ốc, cá, tôm và các loại rau đồng như bông sống, rau muốn, bông điên điển …về đây để giao thương, mang tiêu thụ khắp nơi.
Chợ cá đồng nằm ngay ngã tư sông Kinh Ruột (ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, huyện An Phú). Theo những cao niên tại đây, thì chợ cá này được hình thành từ xa xưa, chủ yếu mua bán, trao đổi các mặt hàng đặc sản “rặt đồng” của mùa nước nổi, như: cá linh, cua đồng, rắn bông súng, cá sặc, cá rô,…
Cũng là chợ như bao vùng quê khác, nhưng chợ Phú Hội có nét độc đáo riêng nhóm chợ lúc 3 giờ sáng và 12 giờ trưa.
Chợ nằm ở vị trí khá thuận lợi, là nơi giáp với biên giới Campuchia cũng là vùng “rốn lũ” có nguồn tôm cá hào sảng, chủ yếu là do nước tràn đồng, được ngư dân quanh vùng đánh bắt, rồi đem về chợ Phú Hội bán.
Chợ cá đồng Phú Hội hoạt động kinh doanh quanh năm nhưng thời điểm sôi động nhất là mùa lũ từ tháng 7 đến hết tháng 11.
Chợ nhóm lúc đêm khuya chủ yếu là mua bán mặt hàng cá linh. Cá linh được ngư dân chuyển đến các vựa cá, rồi sau đó các chủ vựa chuyển lên xe tải đến các chợ đầu mối cho bạn hàng kịp buổi chợ sáng.
Riêng các loại cá khác thì được thu mua lúc chợ chiều.
Chợ cá đồng này không những nổi tiếng về sự đa dạng chủng loại tôm, cua, ốc, cá, mà sản lượng cũng thuộc dạng “khủng” khó chợ nào ở miền Tây sánh kịp.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ vựa ốc ở đây cười vui, nói: “Bình quân một ngày cơ sở thu mua từ 1-2 tấn ốc các loại, giá bình quân từ 15.000 -22.000 đ/kg. Tôi mang tiêu thụ cho thị trường TP.HCM và các nhà hàng, quán nhậu ở miền Tây”.
Video đang HOT
Còn Bà Lê Thị Tám, chủ cơ sở thu mua ốc bươu vàng của dân Campuchia mang qua bán tại xã Phú Hội cho biết: Bình quân một ngày thu mua gần 20 tấn ốc, chủ yếu thuê người lễ ruột ốc đem đi bán cho các hộ nuôi cá làm thức ăn.
Trung bình nơi đây có gần 10 vựa cá lớn nhỏ có thể thu mua từ 7-10 tấn cá, tôm các loại/ngày.
Nhờ tập trung được lượng lớn nên so với nhiều chợ khác thì giá cá, tôm, cua đồng ở chợ Phú Hội khá… “mềm”, thu hút được thương lái từ nhiều địa bàn khác đến đây mua bán.
Ngoài cá tôm ra chợ này đặc biệt bán các loại rùa, rắn, chuột…
….đến các loại rau đồng như bông súng, điên điển, rau nhút
Anh Trần Tuấn Nghĩa ở ấp Phú Thuận, phấn khởi: “Năm nay, nước về sớm hơn so với mọi năm, nên hơn tháng nay, ngày nào tôi cũng ra cánh đồng Phú Hội đặt dớn, lú,… từ 3 giờ sáng, sau đó mang cá ra đây bán lại cho thương lái. Ngày nào trúng mánh thì được 400 .000- 500.000 đồng, còn hôm nào ít nhất thì cũng được 200.000 đồng.
Cá linh mùa này tuy còn nhỏ bán với giá khá cao từ 45.000 -50.000 đồng/kg (cá còn sống), đối với cá làm sạch tuột giá 150.000 -170.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Thoa, một thương lái mua cá linh, cho biết: “Ngày nào cũng vậy, tôi chạy ghe lên đây thu mua khoảng vài trăm kí đến 1 tấn cá linh từ các hộ đánh bắt, sau đó chở về chợ đầu mối Long Xuyên bán lại.
Sản vật ở đây toàn là đồ tự nhiên và cách mua bán ở đây vô cùng vui vẻ, hào sảng. Không có cảnh tranh cãi, mọi người hòa đồng, cởi mở.
Niềm vui của vợ chồng anh Trần Tuấn Kiệt, khi mang cá tôm ra chợ bán xong được khoảng tiền 700.000 -1 triệu đồng/ngày.
Ngoài ra nơi đây còn xuất hiện chợ lưu mang cá tôm, rau đồng đem đi bán khắp nơi trong xã.
Theo Lê Hoàng Vũ (NNVN)
Đặc sản mùa nước nổi khan hiếm vì lũ chưa về
Nhiều loại đặc sản mùa nước nổi ở miền Tây như cá linh, bông điên điển, tôm, cá, cua, ốc... đang khan hiếm khi lũ chưa về.
Bông điên điển - đặc sản mùa lũ trở nên ít ỏi và giá khá cao, tại các chợ 40.000-50.000 đồng một kg.
Bên căn nhà sàn cặp bờ sông Chung Thăng (nhánh sông Hậu), ông Phan Văn Đon ở xã Phú Hội, huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang ngao ngán: "Lũ năm 2010 nước lên tới đây nè, chớ đâu có thấp gần 2 m như bây giờ. Lũ không có, thanh niên xứ này bỏ đi miền Đông làm mướn gần hết rồi". Đến ngày 10/10, mực nước đầu nguồn ở miền Tây rất thấp, trên sông Tiền chỉ đạt 2,70 m, sông Hậu 2,31 m, đều chưa đạt báo động một.
Trên cánh đồng xã lũ Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp mực nước thấp, tôm cá không nhiều nên chỉ có vài người đánh bắt, khác với không khí tấp nập mấy năm lũ đẹp. Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết, trong những ngày đầu tháng 10, mực nước có dâng cao lên đôi chút là do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với những trận mưa gần đây ở khu vực Tây nguyên và Nam Lào. Triều cường đang rút nên mực nước ở đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu cũng giảm dần. Cuối tuần này đến giữa tuần tới, sẽ có đợt triều cường mới, cộng với nước từ thượng nguồn về muộn làm mực nước đầu nguồn nhích lên và đạt đỉnh mùa nước nổi ở mức 3,2 m tại Tân Châu.
Sau nhiều giờ đặt dớn (bẫy cá), ông Trần Văn Ứng ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp thăm chỉ được mớ cá linh non ít ỏi.
Ngay trong vùng đệm vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) cũng rất ít cá tôm. "Nhiêu đây là ít rồi. Chứ mấy năm nước về mạnh, cá trong vùng đệm này nhiều lắm, thả lưới một hai giờ là gỡ đầy một thao, mất cả buổi trời. Một người giăng lưới kiếm khoảng 100 kg cá một ngày là bình thường. Năm nay lũ kém nên tôi chỉ kiếm được 5-7 kg cá một ngày", nông dân này cho biết.
Trước đây, mùa nước nổi mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng từ cá tôm cho người dân An Giang, Đồng Tháp. Nhưng nay nước không về, nhiều người đặt lú hàng giờ vẫn... về tay không.
Anh Huỳnh Văn Giang ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang tranh thủ sửa lại những cái lọp hồi năm trước để đem ra ruộng nước bẫy cua đồng kiếm thêm thu nhập. "Mấy ngày nay, nước về chút đỉnh nhưng cá tôm ít lắm, cua cũng vậy. 250 cái lọp này mỗi ngày đêm chỉ kiếm 10 kg cua đồng, bán được hơn 150.000 đồng", anh Giang nói.
Các năm trước có lũ, mỗi ngày các vựa cua, ốc bưu ở huyện biên giới An Phú, tỉnh An Giang thu mua 10-12 tấn, cung ứng cho thị trường TP HCM, miền Đông và cả Hà Nội. "Năm nay cua, ốc rất ít, chỉ 3-5 tấn mỗi ngày, hàng chủ yếu từ Campuchia về", chủ vựa cho biết.
Bông súng đồng - loại rau đặc sản ngày càng ít đi khi lũ không về miền Tây.
Ở vùng Tây sông Hậu, không có lũ, chuột sinh sôi đã cắn phá nhiều diện tích lúa Thu Đông khi vừa ngậm sữa. Nhiều lão nông lo lắng chi phí sản xuất vụ lúa Đông Xuân tới sẽ tăng nhiều vì ruộng đồng không được bồi đắp phù sa, không có lũ tháo chua rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh, sâu bọ gây hại...
Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng nói: "Lũ không về, cũng không có phù sa. Nhiều cánh đồng hàng năm xả lũ nhưng nay khô hạn, nông dân đốt đồng được. Điều này chưa từng xảy ra".
Ông Đồng lo ngại mặn sẽ xâm nhập vào sớm hơn và đề nghị Bộ Nông nghiệp tổ chức hội thảo chuyên sâu về việc miền Tây không có lũ để đánh giá cụ thể, xác đáng các tác hại, nguy cơ cũng như giải pháp ứng phó lâu dài.
Theo Cửu Long (VnExpress)
Đặc sản miền Tây khan hiếm vì lũ không về Nhiều loại đặc sản mùa nước nổi ở miền Tây như cá linh, bông điên điển, tôm, cá, cua, ốc... đang khan hiếm khi lũ chưa về. Bên căn nhà sàn cặp bờ sông Chung Thăng (nhánh sông Hậu), ông Phan Văn Đon ở xã Phú Hội, huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang ngao ngán: "Lũ năm 2010 nước lên tới...