Đi câu trên biển đêm
Sau cú vung cần phát ra tiếng ‘vút’, mồi và lưỡi câu xé gió lao đi trong đêm rồi rơi tõm vào làn nước. Ròng rọc quay đều thu dây kéo rê mồi và lưỡi câu về hướng tàu kích thích tính háu ăn của cá dữ. Chúng lao đến đớp mồi và bị mắc câu, cố vùng vẫy tìm cách trốn thoát, nhưng vẫn bị kéo lên khỏi mặt nước..
Những tiếng “vút” trong đêm
Những tia nắng cuối ngày tắt lịm trên đỉnh núi phía tây, tôi cùng 7 “cần thủ” lên tàu cá QNg 48139TS của ngư dân Bùi Thiên, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) rời bến cá Sa Huỳnh hướng ra biển. Chiếc tàu gỗ công suất 33CV rẽ sóng ra khỏi cửa biển giữa hoàng hôn lộng gió. Anh Thiên đánh tay lái khá điệu nghệ, tàu lướt nhẹ đến gần bãi rạn rồi buông neo.
Các “cần thủ” lắp những ống thép mỏng thành cần câu, gắn ròng rọc và buộc dây nhợ, mồi câu với gương mặt tràn trề hy vọng. Chiều dần vào tối. Tàu bập bềnh trên sóng nước. Sóng rì rầm vỗ vào thân tàu như lời thầm thì của đại dương. Khơi xa, hàng trăm tàu cá của ngư dân lung linh ánh điện vàng tựa phố thị vào đêm. “Khi không có gió bão, ngư dân ra biển đánh bắt cả ngày lẫn đêm. Kẻ ra khơi, người đánh bắt gần bờ kiếm tiền nuôi sống gia đình…”, anh Thiên tâm sự.
“Cần thủ” dàn hàng ngang trên boong tàu nhìn về phía bãi rạn với những tảng đá lớn và nhiều khối bê tông chìm trong làn nước. Đấy là nơi trú ngụ của các loài cá hồng, mú, nhồng, vược, hố… Những loài này chuyên rượt đuổi, săn bắt cá nhỏ bất kể đêm – ngày. Các anh đưa cần ra sau rồi vung đến phía trước phát ra tiếng “vút” như ngọn roi quất vào màn đêm.
Mồi và lưỡi kéo theo dây câu xé gió lao ra xa trước khi rơi tõm rồi chìm vào biển đêm huyền bí. Ròng rọc quay đều thu dây kéo rê mồi và lưỡi câu về hướng tàu nhằm kích thích tính háu ăn của cá dữ. Những chiếc cần tiếp nối vung từ sau ra trước, ròng rọc quay đều thu dây cứ tiếp diễn. Thỉnh thoảng có tiếng xuýt xoa tiếc rẻ khi lưỡi câu mắc vào bãi rạn phải giật đứt dây, mất mồi câu giả 100 – 300 nghìn đồng.
“Cần thủ” hành nghề khi trời dần vào tối.
“Mồi giả khá đắt so với mồi thật nhưng khi kéo rê tạo tiếng động kích thích những loài cá dữ. Chúng nghe tiếng động và thấy mồi chạy trong nước lầm tưởng mồi thật nên lao tới đớp liền. Xui rủi lắm mới mất mồi chứ bị hoài thì tiền đâu chịu nổi”, anh Lê Đỗ Hoàng Châu chia sẻ.
Các “cần thủ” móc mồi thật là những con lươn, lịch lớn tầm ngón tay và dài chừng hai tấc. Chúng bị lôi ra khỏi lọ nhựa, uốn éo tìm cách trốn chạy thì bị đôi bàn tay của “cần thủ” nắm đầu và đuôi giật nhẹ khiến toàn thân lờ đờ trước khi móc vào lưỡi câu. Tàu lắc lư như đang đùa giỡn với sóng ngoài khơi xa vỗ vào bờ.
Video đang HOT
Nước gần thân tàu bỗng lạo xạo như tiếng mưa rào rơi trên mái tranh nghèo trong đêm khuya thanh vắng. Đàn cá nhỏ phóng lên cao rồi rơi xuống nước, cố sức chạy thoát thân khi bị cá lớn truy đuổi. Điều ấy nhóm lên niềm hy vọng trong lòng các “cần thủ” lão luyện khiến các anh cần mẫn vung cần – thu dây câu trên biển đêm lộng gió. Chợt có tiếng reo “dính rồi” khiến cả tàu hồ hởi, tinh thần phấn chấn.
Anh Nguyễn Tấn Bảo thu dây câu và kéo con cá hồng khá lớn đang giãy giụa lên khỏi mặt nước giữa tiếng cười nói rộn ràng. Tiếng ai đó nhắc khẽ: “Cá đang ăn, đừng rọi pin xuống nước”. Niềm vui chưa tan, thì anh Võ Duy Sỹ hào hứng: “Dính nữa rồi. Chắc cá lớn nên kéo nặng lắm!”. Có tiếng nhắc nhở: “Từ từ thôi chứ đứt dây sẩy cá thì tiếc lắm!”. Bóng người bước vội qua tôi đến phía cuối tàu lấy vợt lưới vớt con cá hồng khá lớn lên khỏi mặt nước. “Như vầy là gặp may rồi. Nhiều bữa câu cả buổi nhưng đành về tay không…”, anh Sỹ cười tươi.
Kiên nhẫn đợi chờ
Sao khuya nhấp nháy phía trời xa. Những “cần thủ” kiên nhẫn đợi cá cắn câu. Biển cả cho họ những ngọn gió mát lành xua đi mệt nhọc, vợi âu lo trong cuộc sống thường ngày. Hơn mười năm qua, họ cùng nhau đến bờ biển hay thuê tàu ra bãi rạn để vung cần rồi thu dây kéo rê mồi câu những con cá dữ. Những lúc như thế giúp họ rèn luyện tính “kiên nhẫn đợi chờ” với niềm hy vọng câu được cá lớn hiện hữu trong tâm trí. “Có bữa được 6 con cá lớn, nhưng cũng lắm lúc chẳng có con nào cắn câu. Vậy nhưng, anh em chúng tôi vẫn cứ rủ nhau đi. Biển giã mà anh! Phải kiên trì thì mới câu được cá…”, anh Sỹ bộc bạch.
Gần bước qua tuổi ngũ tuần, anh Phan Văn Đại vẫn cùng các “cần thủ” trẻ lênh đênh trên sóng nước biển đêm. Anh đeo kính rồi tỉ mẩn móc mồi như người thợ sửa chữa đồng hồ chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Anh cẩn thận nhìn phía sau đề phòng lưỡi câu móc vào bạn đồng hành rồi vung cần ra trước. Chừng giờ đồng hồ, anh nghỉ tay bật lửa, châm thuốc rì rầm chuyện trò. “Lúc trước cá nhiều câu sướng lắm. Giờ nhiều người đánh bắt theo kiểu tận diệt, nên ngày càng khan hiếm, phải kiên nhẫn mới câu được. Được con cá to cảm thấy sướng lắm, khó có niềm vui nào bằng…”, anh Đại bộc bạch. “Có người lần đầu câu được cá to nhảy cẫng lên hò reo như trẻ thơ, trông vui lắm”, anh Châu góp chuyện.
Anh Châu câu được cá hồng nơi bãi rạn.
“Biển như ruột thịt…”
Sóng vỗ về đưa tàu cá rời xa bãi rạn, dẫu chiếc neo bằng sắt đã buông vào lòng biển. Thuyền trưởng Bùi Thiên vui vẻ nổ máy, điều khiển tàu đến vị trí thuận lợi cho các “cần thủ” vung câu trong đêm vắng. Gần 30 năm bám biển mưu sinh, anh từng phải đối mặt với bao trận cuồng phong khi lênh đênh trên sóng nước. Cơn bão Linda diễn ra vào năm 1997 gây bao đau thương cho con dân đất Việt ám ảnh tâm trí của anh đến tận giờ.
Ngày ấy, anh là tài công, ôm vô lăng điều khiển tàu cá hành nghề giã cào đôi trên vùng biển phía nam. Tàu anh cùng một chiếc khác đang kéo lưới chợt thấy nhiều tàu cá “chạy thục mạng” vào đảo Côn Sơn (Côn Lôn hay Phú Hải, là đảo lớn nhất trong quần đảo Côn Đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Hỏi thêm thông tin, anh biết có bão lớn đang rượt đuổi phía sau. Anh cùng bạn chài vội thu lưới rồi mở hết tốc lực khi biển trời tối sầm, ẩn chứa tai họa khó lường.
Khi cách đảo chừng 3 hải lý, tàu cá anh đang điều khiển bị những cơn sóng dữ nhấn chìm xuống lòng biển sâu. Anh cùng 10 thuyền viên bám vào phao và thùng xốp ngoi ngóp giữa sóng nước, rồi được tàu cá đi cùng cứu vớt đưa vào bờ. “Phải nói là anh em tôi vô cùng may mắn mới thoát nạn. Khi đó, tàu thuyền chìm không biết bao nhiêu mà kể, bà con chết nhiều lắm…”, anh Thiên nhớ lại.
Sau cơn bão kinh hoàng ngày ấy, anh lại lên tàu lướt sóng vươn khơi. Những chuyến biển xuôi nam – ngược bắc giúp anh nuôi sống gia đình. Giờ anh trở về mưu sinh trên biển quê nhà với nghề câu mực, buông – kéo lưới gần bờ. Anh sẵn lòng điều khiển tàu đưa “cần thủ” ra bãi rạn câu cá hay đưa du khách lênh đênh trên sóng nước ngắm Sa Huỳnh “cát vàng – biển xanh”. Giọng anh rì rầm hòa cùng sóng biển kể chuyện quê mình và nỗi gian truân đời ngư phủ.
Những người phụ nữ đợi chờ trong âu lo với lời cầu mong: “Vái trời khởi ngọn gió đông/ Cho ghe tôi chạy, cho chồng tôi vô”. Lời tâm sự của chàng ngư phủ khiến người vợ trẻ thổn thức: “Đêm nay anh gối tay nàng/ Ngày mai ra biển gối giàn dây neo”… “Đời ngư dân lắm hiểm nguy và cơ cực! Nhưng đã vướng vào nghề rồi thì khó bỏ được lắm. Không còn đủ sức ra khơi nên tôi chuyển sang mưu sinh gần bờ cho đỡ nhớ. Tôi xem biển như ruột thịt, gắn bó với nhau gần trọn cuộc đời…”. Lời người đàn ông dạn dày sóng gió nhẹ tựa cơn gió, lướt trên sóng nước miên man.
Theo chân thủy triều xuyên biển
Dân phượt khắp thế giới hè nào cũng mê mẩn với những cuộc đi bộ xuyên biển lộng gió mát rượi, từ bờ ra những hòn đảo xanh tươi và ngược lại.
Trong đó có các cung đường thủy triều tuyệt đẹp dọc biển Đông, mà nhiều người dân nước mình tới nay vẫn chưa từng biết đến.
Đi bộ từ đảo về đất liền tại vùng biển Hàm Thuận Nam
Sóng gió hoang sơ
Tháng 6 trời xanh mây trắng. Tôi trong đoàn phóng viên do Lửa Việt Tours mời tham gia trải nghiệm chuyến famtrip "Theo trăng lên rừng xuống biển" dừng chân tại chặng cuối chương trình ở đảo Kê Gà thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Phong cảnh ngoạn mục hiển hiện ngay từ Bến cá, nơi du khách dừng chân để lên thuyền. Những bãi đá hoa cương dáng hình kỳ lạ dựng đứng trên nền cát trắng, điểm sắc xanh của dứa dại, muống biển mọc lan tận mép nước trong vắt như tấm gương phản chiếu mây trời.
Chóp đỉnh Hải đăng Kê Gà cao 66 mét tính từ chân tháp hình bát giác do người Pháp khởi công năm 1897, chính thức hoạt động từ năm 1900. Ngoài kiến trúc tinh tế, cảnh quan nên thơ, ngọn hải đăng này còn được xác nhận cổ nhất, cao nhất bởi trung tâm sách kỷ lục Việt Nam, trong số 99 ngọn hải đăng giúp tàu thuyền định hướng, xác định vị trí về đêm, suốt chiều dài bờ biển từ Móng Cái đến Hà Tiên và các đảo thuộc lãnh hải nước ta.
Vùng biển khá hoang sơ, nên tới giờ du khách vẫn ra đảo bằng thuyền thúng hoặc cano do ngư dân cầm lái. Chủ 2 chiếc cano đưa đoàn famtrip ra đảo là ông Lâm Hoàng Bảy, tên thường gọi Bảy Tèo, 56 tuổi. Ngồi trên ghế đá dưới rặng sứ già, ông Bảy ôm vai chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ-Chủ tịch Lửa Việt Tours kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đổi đời. Dòng họ ông xưa nay quen nghề chài lưới, nguy hiểm mà chỉ đủ ăn. Tới khi biết làm du lịch, kinh tế mới khá giả.
"Trước năm 1997 chả có ai ra đảo chỉ để chơi. Thầy Mỹ tới đây thuyết phục tui dùng thuyền thúng chở du khách tham quan Hải đăng Kê Gà. Vùng này mỗi năm thủy triều đều có các đợt rút ra thật xa đúng vào 3 tháng mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 6. Đều đặn 2 đợt giữa và cuối tháng theo lịch âm, 29-30-Mùng 1, và 13 đến 16 âm lịch, cứ hoàng hôn xuống là nước rút ra xa tới cả cây số, đúng 1 tiếng sau nước lại dâng lên. Cứ mỗi ngày sau, giờ triều xuống lại chậm hơn 1 tiếng. Như hôm nay đúng 5 giờ chiều nước sẽ rút rất nhanh. Đó chính là lúc du khách không cần thuyền, cứ xách dép chân không lội thẳng từ đảo về bờ, mát lạnh, đã lắm! Mùa hè những năm trước, Lửa Việt nhờ tui tổ chức nấu ăn luôn, nhiều bữa phải mượn thêm gần chục người giúp làm bếp phục vụ tới hai trăm khách"- ông Bảy vui vẻ kể.
Ông Mỹ hào hứng tiếp lời: Lần đầu tiên nghe lời Bảy Tèo cuốc bộ qua biển, bọn mình vừa lội vừa run. Đêm đó 7 giờ tối thủy triều mới rút, ông Bảy cầm đuốc phăm phăm bước trước, anh em hồi hộp lần theo. Qua lại trót lọt mấy chuyến liền mới dám tin chắc có thêm sản phẩm an toàn mới để làm tua. Nhờ cung đường xuyên biển này, mà gia đình ông Bảy xây nhà lớn, mua đất trồng thanh long, sắm được 2 ca nô chở khách thay thuyền thúng. Dân quanh vùng cũng sống khấm khá, no đủ hơn xưa.
Dạo chơi trên đảo tới 5 giờ chiều, chúng tôi cùng chứng kiến mực nước biển cuộn dần về xa. Cả đoàn quần đùi xách dép, vác máy lội thẳng vào doi cát dẫn vào bờ dài khoảng 1 km, cong vòng trắng mịn như vành trăng. Gió biển lồng lộng, nước mát ràn rạt dưới chân. Hoàng hôn phủ xuống, thủy triều vẫn tiếp tục rút, phơi ra cả thềm cát mênh mông.
Cung đường Moses
Dọc biển Đông nước ta có không ít đảo gần bờ, nhỏ mà đẹp như đảo Kê Gà, diện tích trung bình 5-6 hecta mỗi đảo, với các cung đường bộ rẽ biển theo thời điểm thủy triều lên xuống lệch nhau.
Soi bóng xuống làn nước biếc xanh của vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa có dãy Điệp Sơn gồm 3 đảo. Mỗi sớm mai khi thủy triều hạ, doi cát rộng hơn 1 mét nổi lên nối liền đảo giữa với đảo Điệp Sơn lớn. Đảo Nhất Tự Sơn trong vịnh Xuân Đài ở thị xã Sông Cầu, cách thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên 50km có cung đường ẩn hiện theo con nước dài khoảng 300m.
Tại đây, từ đầu tháng đến ngày rằm (âm lịch) thủy triều xuống từ một giờ trưa đến bốn giờ chiều. Nửa tháng còn lại thủy triều rút từ năm giờ đến chín giờ sáng, lúc đó du khách dễ dàng đi bộ hoặc đạp xe qua đảo, lên đỉnh ngắm toàn cảnh vịnh rất nên thơ với làng nước mắm Gành Đỏ, xóm chài Mỹ Thành, Cù Lao Ông Xá.
Ngư dân Bảy Tèo với chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ
Trong số các đảo thủy triều, Hòn Bà ở vùng biển Bãi Sau (TP Vũng Tàu) là đảo nhỏ thuộc hàng "em út" với diện tích nửa hecta, cách mũi Nghinh Phong chỉ khoảng 200 m. Lối ra Hòn Bà khi thủy triều rút không phủ đầy cát mịn như những đảo khác, mà là nền đá xám bám đầy rêu trơn và hàu sắc cạnh, bước không cẩn thận rất dễ trượt ngã, đổ máu. Ngoài miếu Hòn Bà quanh năm được ngư dân chăm chỉ hương khói, hòn đảo nhỏ này hấp dẫn giới trẻ mê "tự sướng" trên bãi đá phong hóa đầy biến ảo, và soi đuốc thám hiểm các hang động luồn sâu vào tim đảo như Hang Phật, Hang Âm Phủ, Hang Dơi.
Hằng năm, người Việt vẫn bỏ ra tiền tỷ để du lịch đến những đảo thủy triều nổi tiếng trên thế giới, như đảo Eilean Tioram hùng vĩ ở cửa biển Loch Moidart, Scotland; Đảo Mont Saint-Michel ở Normandy với Tu viện Saint-Michel Abbey do nước biển dâng mà ngày càng cách xa bờ; Cù lao ngoài khơi thành phố Mumbai-Ấn Độ có nhà thờ Hồi giáo Haji Ali Dargah cổ xưa lộng lẫy; Chuỗi đảo Koh Nang Yuan ở Koh Tao, Thái Lan kết nối với nhau bằng con đường cát trắng tự nhiên, khi nước ròng vẫn ẩn mình dưới đáy biển xanh...
Đặc biệt, hằng năm Hàn Quốc còn tổ chức Lễ hội Biển Tách Đôi Jindo trên con đường tự nhiên dài gần 3km nối hai hòn đảo Jindo và Modo, vào độ cuối xuân đầu hạ. Khi thủy triều rút xuống tới mức thấp nhất, du khách từ hai đảo sẽ cùng vượt qua doi cát giữa biển, gặp gỡ vui đùa rồi nhanh chóng lội vào bờ trước khi triều dâng.
Các hòn đảo thủy triều nổi tiếng kể trên hầu hết được đầu tư, khai thác, xây nên những công trình thơ mộng tuyệt đẹp trên biển. Còn đảo thủy triều nước mình đa số hoang sơ, ít người biết đến, là cơ hội cho các nhà đầu tư, và là điểm hẹn quyến rũ cho những nhóm bạn yêu thích treking, khám phá.
Lịch sử thế giới từng ghi lại nhiều sự kiện liên quan đến hiện tượng lên xuống của thủy triều. Thời chiến, việc triều hạ thấp tới mức lộ ra nền đường dưới đáy biển trong một vài giờ có thể dẫn tới sự sống còn, chiến thắng hay thất bại của những đạo quân, tùy năng lực dự báo thủy triều của người lãnh đạo. Năm 1798, đoàn kỵ binh tùy tùng hoàng đế Napoleon (Pháp) đột ngột bị thủy triều dâng, nhấn chìm khi băng vịnh Suez gần bán đảo Sinai, nơi Kinh Thánh ghi nhận hành trình nhà tiên tri Moses đưa dân Do Thái vượt qua biển Đỏ.
Lạc lối ở Ninh Thuận - vùng đất muốn núi có núi, muốn biển có biển, có cả sa mạc lộng gió nên thơ Du khách chẳng việc gì phải cất công ra tận nước ngoài khi có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi cao, biển xanh, cát vàng ngay tại Ninh Thuận. Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Ninh Thuận được thiên nhiên ban tặng cho một vẻ đẹp độc đáo khó tìm thấy ở những vùng đất khác. Thế nhưng, nơi này...