Đi cả … nghìn dặm!
Khó có thể thống kê hết thiệt hại do sự cố mất điện chiều 22-5 dẫu biết chắc đó là con số rất lớn. Đó là thiệt hại vật chất vô cùng lớn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng chục triệu người ở 22 tỉnh, thành miền Nam bị đình đốn, đảo lộn nhiều giờ.
Còn không thể tính đến những khó khăn, phức tạp đối với sinh hoạt, cuộc sống của người dân, trong đó có không ít người bệnh nặng. Cứ nhìn vào hình ảnh giao thông ở TP.HCM do hệ thống đèn giao thông mất tín hiệu, gây ra sự hỗn loạn cũng đã thấy ảnh hưởng tai hại từ sự cố mất điện.
Chưa nói đến việc sau khi 22 tỉnh thành của Việt Nam gặp sự cố về điện, một vài khu vực của Thủ đô Phnom Penh, Campuchia cũng chìm trong bóng tối bắt nguồn từ sự cố tại Việt Nam. Đường dây 500KV chính là nguồn cung điện cho Campuchia, 40% điện của nước này là do Việt Nam cung cấp.
Thiệt hại, ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng vậy mà nguyên nhân gây ra sự cố mất điện diện rộng như vậy lại rất… vớ vẩn. Chỉ vì một chiếc xe cẩu, hay nói chính xác là sự bất cẩn của người điều khiển chiếc xe cẩu chở cây mà huyết mạch năng lượng quan trọng cho đời sống và sản xuất của khu vực chiếm tới một nửa nền kinh tế đất nước bị làm đứt.
Mặc dù ngay sau đó ngành điện đã tìm ra nguyên nhân và nhanh chóng khắc phục hậu quả, đồng thời bày tỏ mong muốn khách hàng thông cảm, song hậu quả là không thể xem thường.
Video đang HOT
Đây là lần đầu tiên sự cố nghiêm trọng do lỗi chủ quan của con người đã gây ra một sự cố ảnh hưởng tới hàng chục triệu người, thiệt hại vật chất không tính được. Qua sự cố này cho thấy, ngoài vấn đề tổn thất về kinh tế thì ngành điện mất uy tín lớn từ sự yếu kém trong quản lý. Chỉ một sự cố rất đơn giản mà đã xảy ra hậu quả lớn. Theo các chuyên gia, từ nguyên nhân dẫn đến sự cố này có thể thấy, mặc dù đã qua nhiều lần làm quy hoạch lưới điện nhưng bài toán an toàn cho hệ thống điện vẫn chưa được đặt ra đúng mức. Người ta thường nói “Sai một li đi một dặm” là thế.
Thế nên, sự cố hy hữu này bên cạnh việc cảnh báo về việc về chủ động phòng ngừa rủi ro, bảo vệ an toàn hành lang lưới điện… cũng cảnh tỉnh mỗi người về tác hại khôn lường do bất cẩn gây ra.
Và dù với lý do gì, người dân – khách hàng của ngành điện rất khó cảm thông với lời xin lỗi cùng các lý do để ngụy biện. Các sự cố sẽ vẫn có thể xảy ra nếu những giải pháp an toàn, những chế tài xử lý, nâng cao ý thức cộng đồng vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong phát triển lưới điện.
Theo ANTD
Mất điện toàn miền Nam: Mối nguy từ đường truyền "độc đạo"
Sự cố mất điện toàn miền Nam vào chiều ngày 22/5 khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính an toàn của đường dây 500kV.
Vào lúc 14h ngày 22/5 đã xảy ra sự cố trên đường dây 500kV Di Linh - Tân Định làm mất liên kết hệ thống điện 500kV Bắc - Nam, dẫn đến hệ thống điện miền Nam mất điện toàn bộ (khoảng 9.400MW). Nguyên nhân được xác định do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500kV ở khoảng trụ 1072 - 1073 gần Trạm biến áp 500kV Tân Định. Vào lúc 15 giờ 54, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa vào vận hành trở lại đường dây 500kV Bắc - Nam và từng bước khôi phục hệ thống điện miền Nam.
GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, là "kiến trúc sư trưởng" của đường dây 500kV Bắc Nam cho biết: Đây là một sự có hy hữu hoạt động không đúng quy trình an toàn gây ra, chứ không phải là hệ thống điện thiếu an toàn hay có vấn đề gì. Nếu cần cẩu cách đường dây chỉ 5m là có thể xảy ra phóng điện tại chỗ, đứt dây, vì điện trường tỏa ra của đường dây 500kV rất mạnh. Trên thực tế, sự cố tương tự cũng đã từng xảy ra ở đường dây 220kV. Với đường dây 500kV, chỉ cần khoảng cách khoảng 5m là đã xảy ra phóng điện, gây mất điện. Đường dây 500 kV trước đây cũng từng gặp sự cố.
Năm ngoái cũng đã xảy ra sự cố tương tự. Lúc 7 giờ 26 ngày 4/10/2012, các tổ máy của Nhà máy điện Cà Mau 2 (công suất 750MW) đang vận hành đã đột ngột ngừng do sự cố bên trong nhà máy. Sự cố này đã khiến hệ thống điện dao động mạnh và gây nhảy 2 đường dây 500kV Đăk Nông - Phú Lâm và Di Linh - Tân Định, hệ thống điện miền Nam vận hành độc lập, tần số sụt giảm. Để tránh rã lưới hệ thống điện khu vực miền Nam, các rơ le bảo vệ được chỉnh định tự động đã sa thải phụ tải gây mất điện ở một số nơi thuộc khu vực miền Nam như: Đồng Nai, TPHCM, Vũng Tàu, An Giang, Long An...
Xe cần cẩu trồng cây là nguyên nhân sự cố mất điện.
Khó khắc phục khi có sự cố
Theo GS.TS Trần Đình Long, đường dây 500kV kéo dài từ Nho Quan (Ninh Bình) đến Hà Tĩnh, từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng và từ Đà Nẵng vào các tỉnh miền Nam. Vì là đường độc đạo nên lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Hiện tại mạng lưới truyền tải điện cả nước phụ thuộc chính vào 2 đường truyền 500kV mạch 1, mạch 2 truyền tải điện từ Bắc vào Nam. Ngoại trừ các trường hợp sự cố xảy ra, 2 đường dây này đảm bảo cung ứng điện ổn định. Việc truyền tải điện phụ thuộc vào 1 trong hai đường dây này nên khi xảy ra sự cố, ngành điện sẽ rất lúng túng trong việc xử lý sự cố. Việc sử dụng hành lang điện theo quy định sẽ an toàn, nhưng rất nhiều nơi không thực hiện đúng điều này.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, khi nào các nhà máy nhiệt điện chạy than miền Bắc, miền Trung hoàn thành, sẽ hình thành hệ thống mạch vòng (các nhà máy phát điện được đấu nối lên đường dây 500kV, liên kết bằng mạch vòng), khi ấy truyền tải điện sẽ giảm gánh nặng do không phải truyền tải thẳng. Thế nhưng, trước khi hệ hống mạch vòng có thể triển khai, việc mạng lưới điện quốc gia phụ thuộc lớn vào đường dây 500kV để truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao khi 1 trong 2 đường dây, thậm chí cả 2 đường dây gặp sự cố.
Theo Luật Điện lực Việt Nam và Nghị định hướng dẫn về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp với đường dây 500kV là 8m. Ngoài ra, khoảng cách từ độ võng thấp nhất của đường dây 500kV đến điểm cao nhất của phương tiện giao thông đường bộ (4,5m) phải cách 5,5m mới đảm bảo an toàn.
GS.TS Trần Đình Long cho rằng, để đảm bảo an toàn lưới điện thì không chỉ riêng ngành điện mà cần phải có quy hoạch, giao thông... tính toán kỹ ở những khu vực có đường dây cao thế đi qua.
Sau khi xảy ra sự cố, các chuyên gia EVN cho biết, để khắc phục sự cố, Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia phải xử lý theo quy trình. Do đó, việc đóng điện phải đóng dần dần chứ không đóng được cùng một lúc. Ngay sau khi sự cố xảy ra, đã khôi phục và đóng điện được, tuy nhiên để đóng điện hoàn toàn cần có thời gian và phụ thuộc thao tác trên lưới.
Theo vietbao
Tiết kiệm 576 triệu đồng nhờ Giờ Trái đất 2013 Theo thống kê từ Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia, trong 60 phút tắt đèn của chiến dịch Giờ Trái đất 2013 từ 20h30 đến 21h30 ngày 23-3-2013, công suất của hệ thống điện giảm được 401 MW, điện năng tiết kiệm được là 401.000 kWh, tương ứng với 576 triệu đồng. Mặc dù giá trị kinh tế của sự...