Đi bước nữa, coi chừng hụt chân
Theo một thống kê chưa xác thực, số lượng người đi bước nữa sau khi ly hôn luôn cao hơn người sống một mình. Con người vốn vậy – khi trái tim còn rung động, họ luôn khao khát được kết duyên.
Tú – một phụ nữ trung niên, nhân viên một bưu điện huyện – trợn mắt: “Điên hay sao mà lại lấy chồng, bấy nhiêu đó chưa đủ sao”. “Bấy nhiêu đó” là những điều chị Tú đã trải qua trong hôn nhân, để khi bước ra, chị thấy mình may mắn.
Ai dại, ai khôn?
Ảnh minh họa
Lần kết hôn đầu, người ta về với nhau khi tuổi đời còn khá trẻ, tâm trạng hồ hởi, tình yêu ngời trong mắt. Sau đổ vỡ, hầu như ai cũng tin mình đã rút được một ít kinh nghiệm. Nhưng “có huông hay sao ấy”, chị Nguyễn Hằng – giám đốc dự án một công ty xuất nhập khẩu ở Tân Bình (TP.HCM) – nói về cuộc hôn nhân lần hai của mình.
“Tưởng sẽ không bao giờ lấy chồng nữa, vì cuộc hôn nhân kia đã quá ê chề. Sợ bị phản bội, sợ những cơn ghen chết lần chết mòn mình trong những đêm dài. Tôi nói với cha mẹ sau khi ly hôn, sẽ ở vậy nuôi con. Vậy mà tình yêu đến, lúc mình thấy cần một người đàn ông đi ra đi vào, thấy con trai cần có một người đàn ông định hướng. Nhưng mọi thứ dường như đi vào vết xe đổ. Chồng sau không trăng hoa, nhưng lại không thể thương con trai tôi. Cậu bé cũng không thể chấp nhận một người lạ chiếm lấy tình thương của mẹ mình. Anh ấy đánh con khi tôi không có nhà. Thằng bé cứ âm thầm chịu đựng đến trầm cảm. Nhưng có lẽ, đã ly hôn một lần, những lần sau, có bỏ nhau, tôi nghĩ cũng vậy thôi” – chị Hằng kể. Hơn một năm hôn nhân lần hai cho chị thêm một cô con gái và thêm hàng vạn ngày xỉ vả mình vì đã tái hôn.
Khôn dại trong đời chẳng thể nào định nghĩa, đặc biệt là trong chuyện tình cảm. Khi đã sa vào mớ cảm xúc rối rắm đó, làm sao chúng ta đủ dũng khí để khước từ. Nhưng kết hôn lần nữa lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bao nhiêu người, chưa kịp “hoàn hồn” đã vội tái hôn, rồi chưa kịp tận hưởng hạnh phúc mới, lại đường ai nấy đi.
Video đang HOT
Không là phép thử
Chưa có thống kê về số người đi bước nữa sau ly hôn. Cũng không ai khẳng định đó là thiên đường cuộc sống, là tìm thấy ý nghĩa đích thực của hôn nhân. Nhưng thực tế, có rất nhiều người xem hôn nhân như phép thử của cuộc sống.
An Như – nhân viên kiểm nghiệm thực phẩm – thấy mình đã hơn 30 mà vẫn “rảnh” nên khi được mai mối một anh tài xế đường dài, đã nhanh chóng gật đầu. Cô chép miệng: “Ở không được thì bỏ, để khỏi mang tiếng ế chồng”. Như ở không được thật. Phép thử của cô đã thành công, nhưng Như bảo, cô không lấy chồng nữa, vì quá phức tạp. Dễ gì có ai đó yêu mình, thương con và hiểu được những trục trặc của cuộc hôn nhân trước để hạn chế những xung đột không đáng. Như cũng ngại phải làm quen, đãi bôi với một gia đình mới, những lời xì xầm mới. Chưa kể chuyện con em, con anh, con chúng ta; làm sao để con mình không thiệt thòi, để người ta không nhìn mình là “dì ghẻ”, để những đứa trẻ không khó khăn khi sống chung nhà với nhau. Có đáng không khi phải cộng thêm vào đời mình một người nữa? Không muốn thất bại, tốt nhất là đừng làm.
Minh Châu – giao dịch viên ngân hàng S., mới 36 tuổi đã kết hôn đến lần thứ tư. Ngoài ngoại hình xinh đẹp, Châu là con gái độc nhất trong một gia đình khá giả. Cuộc hôn nhân lần hai, Châu có một đứa gái, những tưởng đã yên, vậy mà vẫn chia tay. Nhiều thứ lặp đi lặp lại đến mức Châu nghi ngờ chính bản thân không biết sống, không biết chấp nhận những bất ổn thường có của hôn nhân. Rồi Châu nghiệm ra, dường như càng kết hôn nhiều lần, người ta lại thường so những mặt không được của người kia với người cũ, lại khó chấp nhận nhau, khó dung hòa. Nên “tốt nhất là đừng tái hôn” – Châu ngậm ngùi đúc kết.
Để đừng bước hụt
Quanh ta có nhiều mẹ đơn thân rất thành công, con cái ngoan ngoãn. Họ hầu như không lo chuyện kiếm cha cho con mình. Những bé trai lớn lên từ những ngôi nhà đó vẫn yêu mẹ, vẫn hiếu thuận và vẫn trưởng thành. Những người biết rút kinh nghiệm từ hôn nhân, để bước ra và sống cuộc đời ung dung, tự chủ sẽ làm việc mình thích, ăn mặc theo ý mình, đi chơi khi thấy mệt… Mẫu số chung của phụ nữ ly hôn sống một mình là xinh hơn, trẻ trung hơn và thần sắc tốt hơn. Họ không cần kết hôn nữa.
Thực ra, tái hôn không phải là điều to tát, nếu chúng ta luôn sống tích cực, quan niệm thoáng hơn, đồng thuận trong việc xây dựng hạnh phúc mới thì kết hôn cũng vui và nên làm. Nên xem cuộc hôn nhân trước như bài học lớn để điều chỉnh cho cuộc hôn nhân sau. Nhưng cũng đừng vì hạnh phúc của mình mà vội bỏ con, chạy tìm hạnh phúc mới, khiến chúng tổn thương.
Trước cánh cửa hôn nhân mới, bước vào hay không là do mình. Ngôi nhà mới là thiên đường hay địa ngục cũng do mình. Hạnh phúc trong tay, giữ bằng cách nào là cả một nghệ thuật. Bằng không, tự mình thôi, cũng đủ một đời rồi.
Lan Khôi
Theo phunuonline.com.vn
Đã ly hôn nhưng vẫn bị gọi lên tòa về tài sản vợ chồng
Hiện tại chúng tôi đã ly hôn, tôi sống tại Pháp. Nhưng vẫn bị tòa án Việt Nam mời về làm việc liên quan đến tài sản của chồng. Tôi có nên về không?
Chào bạn,
Trước hết xin cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về trường hợp của mình đang gặp phải. Tôi xin đưa ra tư vấn nhằm giúp bạn tháo gỡ thắc mắc đối với vấn đề sau khi ly hôn nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích của bạn như sau:
Ảnh minh họa
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Tài sản riêng của vợ, chồng như sau: "Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng".
Khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về đương sự trong vụ việc dân sự là "Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan".
Ảnh minh họa
Theo như bạn đề cập, mảnh đất tại Việt Nam do ba chồng bạn tặng chồng bạn trong thời kỳ hôn nhân nên mảnh đất này được coi là tài sản riêng của chồng bạn. Do đó bạn không có quyền sở hữu đối với mảnh đất này. Mặc dù trong thời kỳ hôn nhân với chồng cũ, hai vợ chồng bạn cùng xây dựng căn nhà thuộc sở hữu chung của bạn và chồng bạn, tuy nhiên bản án sơ thẩm tại tòa án Grenoble, Pháp tuyên về việc chồng bạn được quyền sở hữu toàn bộ căn nhà đã có hiệu lực. Do đó, bạn không còn quyền sở hữu đối với căn nhà trên, và căn nhà là tài sản riêng của chồng bạn.
Vì vậy, căn nhà này là tài sản riêng của chồng bạn và bạn không liên quan đối với tranh chấp về đất giữa chồng bạn và các thành viên trong gia đình nhà chồng. Bạn không bắt buộc phải quay trở về Việt Nam, tuy nhiên phải có đơn thể hiện rõ vấn đề này và có văn bản yêu cầu vắng mặt trong quá trình tố tụng. Bạn có thể chứng thực tại lãnh sự quán tại Pháp và gửi về tòa án nhân dân ở Việt Nam đã có văn bản thông báo đến bạn trước đó.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng
Theo phunuonline.com.vn
Hẹn hò lại từ đầu sau khi ly hôn Sau khi ly hôn, chấm dứt một mối quan hệ cũ, không ai cấm bạn không được bắt đầu một cuộc hẹn hò mới. Tuy nhiên, điều này cũng phải được thực hiện khéo léo theo một số quy tắc quan trọng. Hình ảnh minh họa 1. Bạn nên trung thực với người mới Hẹn hò sau khi ly hôn có thể là...