Đi bộ đến trường an toàn: không chỉ là mong muốn
Một con đường đi bộ đến trường an toàn, thân thiện cho trẻ ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội có thể sẽ không chỉ là mơ ước khi có những con người đang ngày đêm trăn trở, tìm hiểu và quyết tâm thực hiện bằng được…
Hà Nội: những ký ức đẹp về con đường đi bộ
Hà Nội là thành phố vốn xây dựng để thân thiện cho người đi bộ. Nó là một thành phố có thể và cần thiết trở thành thành phố kết nối các tuyến giao thông công cộng với người đi bộ . Vấn đề là những kế hoạch phát triển mạng luwois giao thông lớn cũng cần bắt đầu từ những sáng kiến nhỏ những hành động cụ thể.
Hà Nội là thành phố có lịch sử nghìn năm, nhưng đô thị hóa theo mô hình phương Tây chỉ hơn trăm năm. Điều dễ nhận thấy là ngay từ lúc bắt đầu xây dựng, Hà Nội có những con đường lớn nhưng chủ yếu là người đi bộ và xe đạp. Hình ảnh Hà Nội của người đi bộ và xe đạp trải dài suốt thế kỷ 20 và chỉ vài chục năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, Hà Nội mới tràn ngập xe cơ giới.
Trẻ em đi bộ đến trường những năm Hà Nội còn trong chiến tranh
Nói đến Hà Nội, phần lớn chúng ta vẫn hình dung về những đường phố xây dựng từ trước những năm 1990: vỉa hè rộng rãi, rợp bóng mát dưới những hàng cây, những ngôi nhà nhỏ xinh bên đường và rất nhiều đường phố có những ngôi nhà lùi vào sau bức tường rào, ở cuối những con đường là những quảng trường ngã tư ngã năm, từ xa đã nhìn thấy những tòa nhà lớn: Ga Hà Nội cuối phố Trần Hưng Đạo, Đại học Tổng hợp cuối Lý Thường Kiệt, Quảng trường Ba Đình cuối đường Điện Biên Phủ, hay bên phố là trường Việt Đức, Trần Phú, Bách Hóa tổng hợp… những nơi chốn thúc giục khách bộ hành rảo chân bước tới – thật khó quên tiếng guốc reo vui trên những vỉa hè Hà Nội ngày nào.
Trong dòng người đi bộ trên phố phường ấy, vui nhất, ồn ào nhất và đông đảo nhất là đám học trò, bé thì lít nhít lớn thì lộc ngộc, từ sáng sớm đến tối mịt lũ trẻ Hà Nội đến trường, hết giờ học lại xông ra đường chơi vui… nay còn đâu?.
Ngay trong lúc bom đạn ác liệt, trên đường phố Hà Nội vẫn không thiếu hình ảnh các em bé ội mũ rơm đi tầu điện ra các xóm ngoại ô, học trong các lớp học sơ tán “sáng đi/ tối về”… nay thì không ai mong trở lại những ngày gian khó ấy nữa nhưng rõ ràng, Hà Nội rất nhiều trẻ em ra đường sẽ là hình ảnh bình yên của một thành phố có giá trị sống khác biệt.
Chưa kể đến những phân tích thuyết phục của các nhà khoa học, các nhà giáo dục, hoạt động xã hội về việc đi bộ trên đường phố, đặc biệt là trẻ em đi học đến trường… mà chỉ cần xét đến những kế hoạch của Thành phố khi dự định chi nhiều tỷ USD cho hệ thống giao thông công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị trên cao dưới ngầm…) thì cũng rất cần tính đến những mạng lưới đường đi bộ từ các khu dân cư đến các ga ô tô, tầu điện, và đương nhiên là những con đường cho trẻ em từ nhà đến trường.
KTS Trần Huy Ánh và những sinh viên khoa Kiến trúc, trường ĐH Xây dựng cùng nhau nghiên cứu một con đường đi bộ đến trường an toàn ở Hạ Đình
Video đang HOT
Đường đi bộ an toàn: không chỉ là mong muốn
Đường đến trường an toàn tại Hà Nội là một hiện thực đang bị lãng quên nay cần khôi phục lại, bởi các lý do: Hơn 500 xã phường Hà nội đều bố trí trường Tiểu học với bán kính đi bộ trên dưới 1 Km, thói quen đi bộ vốn có từ lâu, rất nhiều học sinh và gia đình mong muốn được đi bộ đếntrường, và cho dù đi bộ hay đi xe thì trẻ em vẫn thường xuyên có người lớn đi cùng…
Tuy vậy, rất nhiều trở ngại cần khắc phục: không an toàn khi có nhiều xe cơ giới và còn đi ẩu, đường xá chất lượng thấp, úng ngập, nhiều chướng ngại, có chó dữ và đôi chỗ tối tăm, vắng vẻ… Đó là những kết quả khảo sát bước đầu của các thầy cô giáo, các bạn sinh viên khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng và ĐH Kiến trúc Hà Nội cùng các KTS tình nguyện tiến hành tại phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) với sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư, CLB sống Xanh phường Hạ Đình, trường Tiểu học hạ Đình.
“Không muốn làm thì sẽ có rất nhiều lý do để không làm, nhưng muốn làm thì chỉ cần một lý do là có thể làm” – và chỉ với lý do: chứng minh rằng Hà Nội ngày nay cũng có thể có những con đường đi bộ đến trường an toàn, các thầy cô giáo, các bạn sinh viên khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng và ĐH Kiến trúc Hà Nội cùng các KTS tình nguyện tiến hành tại phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) với sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư, CLB sống Xanh phường Hạ Đình, trường Tiểu học hạ Đình đã bắt tay lên kế hoạch, nghiên cứu và triển khai.
Một con đường đi bộ đến trường an toàn, thân thiện cho trẻ ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội có thể sẽ không chỉ là mơ ước
Kết quả nghiên cứu khảo sát thực địa đã gợi ý được 8 tuyến đường đi bộ từ 8 cụm dân cư đến trường tiểu học, nhưng vấn đề là làm thế nào để tuyến đường đi bộ vừa an toàn và vừa thân thiện với trẻ em cũng là người dân địa phương.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã cùng cộng đồng dân cư chọn ra một tuyến khả thi nhất để thực hiện ngay trong tháng 5& 6 năm 2014: Tuyến đi bộ từ Nhà văn hóa cụm dân cư 3A đến trường tiểu học, đi qua các ngỏ nhỏ, qua khu di tích lịch sử Lăng mộ Đặng Trần Côn – Danh nhân văn hóa VN, xuyên qua khu công trường kè hồ Hạ Đình để đến cổng trường.
Tuyến đường thực nghiệm sẽ tiến hành đồng thời hai công việc: một là làm mới 100 m đường đi an toàn, khô ráo, có rào bảo vệ xuyên qua khu vực công trường, kết nối với đường làng ngõ xóm đang được cải tạo nâng cấp bởi ngân sách địa phương; Hai là tổ chức tổ tự quản hàng ngày dẫn học sinh từ Nhà văn hóa cụm 3 A đến trường trong thời gian đầu, dần kết hợp với gia đình và các học sinh lớp trên để tự đi bộ đến trường .
Trong quá trình thực nghiệm sẽ từng bước khắc phục các trở ngại để tạo ra một môi trường đi bộ an toàn thân thiện đến trường.
Một con đường đi bộ đến trường an toàn, thân thiện cho trẻ ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội có thể sẽ không chỉ là mơ ước khi có những con người đang ngày đêm trăn trở, tìm hiểu và quyết tâm thực hiện bằng được.
Hy vọng các thực nghiệm thành công và đưa ra lời giải thuyết phục, rằng đi bộ từ nhà đến trường an toàn thân thiện là việc có thật và có thể tổ chức được không chỉ tại Hạ Đình mà ở bất cứ nơi nào trong thành phố Hà Nội – vốn được xây dựng đê cho người đi bộ, xe đạp di chuyển . Mong một ngày gần đây, tiếng guốc reo vui lại vang trên các nẻo đường Hà Nội.
Trần Huy Ánh
Theo_VnMedia
Làm sao để trẻ đi đến trường an toàn?
Ai cũng mong muốn con em mình được đi đến trường một cách an toàn, tiện lợi. Tuy nhiên, trong điều kiện giao thông hiện nay tại Hà Nội, để có được điều đó rất cần sự quan tâm từ các cấp chính quyền và đặc biệt là cả cộng đồng dân cư.
Sự kiện "cộng đồng cùng trẻ đến trường" tại phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) là một trong 13 hoạt động sáng kiến "Đường đi bộ an toàn dến trường" đã được tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - 22/12.
Sự kiện là dịp các em học sinh trường tiểu học Hạ Đình trải nghiệm về đi bộ an toàn, giảm bớt lo lắng về những hiểm nguy, sự mất an toàn giao thông khi các em tới trường mỗi ngày.
Để trẻ đi bộ đến trường được an toàn, rất cần có sự quan tâm của cả cộng đồng
Cũng trong sự kiện này, cuộc thi "Sáng kiến về đường đi bộ an toàn đến trường" đã được phát động tới các em học sinh, những đối tượng đang được xã hội và cộng đồng dân cư phường Hạ Đình quan tâm. Đây cũng là cơ hội để các em học sinh, cộng đồng dân cư quan tâm tới chủ đề này gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, chia sẻ thông tin và kết nối.
Sự kiện do Câu lạc bộ sống xanh, Công ty Kiến trúc Xây dựng đô thị Hà Nội, Tổ chức nhịp cầu Sức khỏe, Công ty dữ liệu Hà Nội và các đoàn thể địa phương phường Hạ Đình phối hợp với trường tiểu học Hạ Đình tổ chức.
Tham gia sự kiện, em Nguyễn Hữu Lợi, học sinh lớp 5A2 trường tiểu học Hạ Đình cho biết, hàng ngày em được bố mẹ đưa đi học bằng xe máy vì lo lắng cho sự an toàn của con. "Con rất thích đi bộ đến trường nhưng đường thì đông, nhiều xe máy mà lại có mấy đoạn phải qua đường. Vì vậy, con mong rằng sẽ có một đoạn đường thực sự an toàn để chúng con có thể tự đi bộ đến trường" - Lợi chia sẻ.
Học sinh Vũ Thùy Linh cũng cho biết, con đi học bằng xe máy với mẹ. Tuy nhiên, Linh rất thích đi bộ đến trường để vừa được hít không khí trong lành, tăng cường sức khỏe mà lại vừa được ngắm quang cảnh xung quanh. Nếu trên đường mà còn được đi cùng vài bạn ở cùng khu thì còn vui hơn rất nhiều.
Vũ Thùy Linh: Con rất thích được đi bộ đến trường
Là một người thường xuyên đưa đón cháu đi học tại trường tiểu học Hạ Đình, bà Nguyễn Thị Tư cho biết, hàng ngày bà thường dẫn cháu đi bộ nhưng vẫn có cảm giác lo lắng khi có nhiều xe ô tô, xe máy đi lại rất nhanh trong khu vực, nhất là giai đoạn này phường đang thi công cải tạo hồ nước. "Với đường sá và ý thức tham gia giao thông như hiện nay thì không thể để cho trẻ tự đi bộ đến trường được. Tôi rất muốn có một môi trường an toàn cho các cháu có thể tự đi bộ đến trường bởi bố mẹ thì bận, ông bà già yếu hoặc không phải gia đình ai cũng có ông bà để nhờ đưa đón con. Không chỉ cá nhân tôi mà người dân Hạ Đình đều mong muốn có một môi trường an toàn để các cháu đi đến trường." - bà Mùi bày tỏ.
Chia sẻ với PV, cô Nguyễn Thị Mùi, giáo viên trường tiểu học Hạ Đình cho biết, hàng ngày đa số học sinh trường tiểu học Hạ Đình được bố mẹ đưa đi học bằng xe máy, nhưng do các con đường trong phường dẫn đến trường là nhiều ngõ nhỏ, chật chội và hay tắc nên nhiều khi học sinh bị đi học muộn.
Một môi trường an toàn để trẻ đến trường là mong muốn của cả học sinh, phụ huynh và những người thực sự quan tâm đến tương lai của trẻ
"Việc có một môi trường an toàn để các con học sinh tiểu học đi bộ đến trường là rất quan trọng. Nó vừa đỡ thời gian của bố mẹ, vừa tốt cho sức khỏe của các con và quan trọng hơn, giúp cho trẻ được rèn luyện kỹ năng sống. Tuy nhiên, có rất ít học sinh đi bộ đến trường vì bố mẹ lo lắng cho sự an toàn của con. Nếu chính quyền phường và cả cộng đồng dân cư tạo điều kiện cho các con được đi bộ đến trường an toàn thì điều này rất tốt. Để làm điều thì ngoài việc hướng dẫn cho các con về an toàn giao thông tại trường (như vẫn đang thực hiện) thì cần tuyên truyền cho các phụ huynh hưởng ứng cho các con đi bộ và đặc biệt là người tham gia giao thông có ý thức nhường đường, giữ an toàn cho trẻ." - cô giáo Mùi, khối trưởng khối 5 trường tiểu học Hạ Đình nói.
Phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) có 15.000 dân, diện tích gần 1Km2. Phường vốn là một làng ngoại ô thành phố Hà Nội cho đến năm 1997 nhập vào nội thành. Phường có hai khu vực dân cư rõ rệt: khu làng xóm cũ và khu đất ở mới hình thành. Năm 1995, đường vành đai 3 đi qua phường chia cắt địa bàn thành hai khu vực riêng biệt. Một số trục giao thông mới mở rộng chay qua phường, các phương tiện cơ giới đi lại với tốc độ nhanh giao thoa với mạng lưới đường làng ngõ xóm vốn hình thành để đi bộ tạo nên những xung đột nguy hiểm về giao thông. Trong địa bàn phường có 8 cụm dân cư, có trường tiểu học và THCS cùng với 3 trường mẫu giáo mầm non. Tiếp giáp với phường Hạ Đình là xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) có trường tiểu học Đặng Trần Côn và nhà trẻ Tân Triều mới xây dựng, thu nhận một phần học sinh của phường Hạ Đình.
Theo KTS Trần Huy Ánh, Công ty dữ liệu Hà Nội, hoạt động nhằm xây dựng một mô hình con đường an toàn để thay đổi điều kiện đến trường cho học sinh, từ đó thay đổi thói quen đi bộ có lợi cho sức khỏe của trẻ, tăng cường tiếp xúc với thiên nhiên và xã hội giúp trẻ tự tin hơn.
Với sự tham gia chặt chẽ của cộng đồng và chính quyền địa phương, hoạt động còn nhằm xây dựng nội quy để bảo vệ, tăng cường các tuyến đi bộ trong cộng đồng để đưa vào chính sách của địa phương và tăng tính bền vững.
Ông Ánh cũng mong rằng, kết quả của hoạt động sẽ là một ví dụ cụ thể, dễ áp dụng cho các địa phương khác cũng như các hoạt động với mục tiêu khác nhằm xây dựng cộng đồng sống tốt.
Tuệ Khanh
Theo_VnMedia
Nạn nhân bị container kéo lê xác trên đường Trưa 31/3, một tài xế container không làm chủ được tay lái nên đã tông chết một người đi bộ ven đường đoạn qua cầu Đò Lèn, Thanh Hóa. Tai nạn xảy ra trên quốc lộ 1A, đoạn qua cầu Đò Lèn, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), khiến ông Hoàng Minh Ngay (65 tuổi, trú xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) tử vong...