“Đi bão” cùng quái xế Sài thành
Sài Gòn được mệnh danh là “thiên đường” của các nhóm “đi bão” (đua xe – PV). Trung bình mỗi đêm có hàng chục nhóm “đi bão” không chỉ ở khu vực nội thành mà ở cả các huyện ngoại thành.
Nhiều cơ quan báo chí từng phản ánh thực trạng nhức nhối này. Hôm nay, một lần nữa PV báo Nguoiduatin.vn thực hiện 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng “đi bão”) với nhiều dân chơi Sài Gòn và hoảng hồn khi chứng kiến các kiểu chơi khác người của đám quái xế. Điều khiếp đảm nhất là các quái xế vô cảm với ngay chính mạng sống của mình khi “vô tư” đùa với tử thần.
Quái xế “đi bão” bất chấp nguy hiểm đến tính mạng.
Giải thưởng là… chân dài
Để chuẩn bị cho đêm “đi bão” vào tối thứ bảy với số lượng dự kiến khoảng trăm chiếc xe. Những tay đua chính bắt đầu báo tin cho hàng chục băng nhóm khác để huy động lực lượng. Lệnh tập trung yêu cầu là 0h tại đoạn đường Nguyễn Văn Linh, quận 7.
Đúng giờ hẹn, từng đoàn xe máy lũ lượt kéo đến. Đi đầu mỗi đoàn đều có 2, 3 chiếc xe máy phân khối lớn, được móc pô, tháo dè… Xung quanh các ngã tư, bên vệ đường, nhiều nhóm khác đứng tập trung để chờ hòa mình vào đoàn đi bão.
Trò chuyện với Tín “đen”, đại ca một nhóm “đi bão” tại quận 4, chúng tôi mới biết, rạng sáng mai, một số đàn anh của nhóm sẽ đua với một nhóm khác bên quận Gò Vấp. Ra dáng đại ca, Tín “đen” hất hàm ra chỉ thị với đàn em: “Từ giờ đến sáng mai, cả đoàn sẽ chạy vô con đường thách đấu để thị uy lực lượng. Phải làm như vậy để bọn chúng không làm khó dễ đàn anh phe mình được”.
Mỗi đêm “đi bão” các “quái xế” phải chuẩn bị rất nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là chiếc xe máy. Chỉ vào một chiếc Wave RSX 110 chỉ còn trơ dàn khung, Hùng “mìn” – một quái xế chuyên “đi bão” tại quận 3 nói: “Nhìn đơn giản như vậy nhưng lốc máy đã được độ và đôn dên xoáy nòng lên đến 9 ly. Ở cổ lái cũng đã được lắp thêm một cây ti trợ lực. Khi xe chạy với tốc độ cao, cây ti này sẽ trợ thủ cho những trò bốc đầu, tăng tốc, lạng lách…
Bên cạnh đó, bình xăng con (bộ chế hòa khí) cũng được thay thế bằng những bình xăng con loại “khủng”. Xăng xuống đều, nguyên liệu bị đốt cháy hoàn toàn làm động cơ đốt cháy nhanh… sẽ khiến ga lên rất bốc. Sau nhiều đêm “bay” với dân “đi bão”, chúng tôi phát hiện ra vì sao nhiều “quái xế” lúc nào cũng chở theo bóng hồng là các em tuổi teen, ăn mặc hở hang. Đây chính là chiêu để lấy le (ra oai – PV) với đồng bọn và “em” cũng là một món hàng để các “quái xế” đem ra thách đấu.
Sau khi có tín hiệu từ nhóm dẫn đầu, chúng tôi cùng hàng trăm chiếc xe gắn máy kéo ga chạy như vũ bão về hướng trung tâm thành phố. Tiếng nẹt pô gầm trời, khói xe mù mịt, tiếng chân chống cà xuống mặt đường khét lẹt làm các tay đua trở nên hưng phấn chạy lạng lách, đánh võng… Thậm chí một quái xế mới 14 tuổi ra oai bằng cách giật túi xách của người đi đường.
Trung “max”, chuyên “đi bão” nhiều năm nay tại quận 7 cho hay: Mỗi đoàn “đi bão” ít cũng phải có khoảng 20, 30 chiếc, nhiều thì trên trăm chiếc. Tuy nhiên, lực lượng này chỉ đi theo cho vui, số tổ chức “đi bão” khoảng vài chục người. Phần lớn số này là dân nghiện ma túy, trộm cướp, bảo kê, thậm chí là các tay chăn dắt gái.
Tàn đời từ đêm “đi bão”
Video đang HOT
Những con đường lớn, rộng rãi, bằng phẳng là những điểm tập kết yêu thích của dân “đi bão”. Cách đây vài tuần, tuyến đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp thường xuyên đón các đoàn “quái xế”. Tuy nhiên, sau khi có nhiều phản ánh từ người dân, lực lượng cảnh sát giao thông khu vực này thường xuyên đi tuần tra nên các đoàn đi bão chuyển hướng sang các đoạn đường gần công viên Gia Định (quận Gò Vấp), đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức).
Tín “cò”, một đàn em chuyên đi do thám công an cho nhiều chuyến đi bão tại khu vực quận 1 cho biết: “Đi bão bây giờ phải có tổ chức, mỗi nhóm tham gia phải có trưởng nhóm chịu trách nhiệm. Nếu không thì công an sẽ bắt cả nút. Cứ “ngửi thấy mùi” công an là tất cả tản ra các hướng, khi nào thấy “êm” thì tập trung lại”.
23h30 đêm, nhiều tuyến đường Sài Gòn trở nên náo loạn bởi các màn nẹt pô, đánh võng, lạng lách… của các đoàn xe “đi bão”. Tiếng la hét, gầm rú và những vụ tai nạn kinh hoàng đang trở thành nỗi ác mộng của không chỉ người dân thành phố này. Thời gian trước, sau khi bị lực lượng công an làm riết, các đoàn “đi bão” chỉ hoạt động ở khu vực ngoại thành, còn bây giờ chúng nổi loạn cả ở khu vực nội thành, nhất là vào những ngày cuối tuần. ông Nguyễn Hùng, người dân ở phố Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh bức xúc: “Khu vực này tuần nào cũng có đua xe. Cứ sau 0h, hàng trăm chiếc xe máy rồ ga inh ỏi từ khu vực Hàng Xanh cho đến bùng binh Điện Biên Phủ khiến nhiều gia đình mất ăn, mất ngủ gần 2 tháng nay…”.
Gia nhập đội quân “đi bão” 2 tuần, chúng tôi mới chứng kiến được tận mắt những trò chơi với tử thần của các quái xế. Một xe 2 người ngồi, đa số là 1 nam chở 1 nữ, các “quái xế” chạy hết ga hết số lao về phía trước. Quốc lộ 13, đoạn gần ngã tư Bình Phước, quận Thủ Đức trở nên huyên náo bởi các quái xế tuổi từ 16 – 22 nằm duỗi chân trên xe, tay cầm lái, chạy với vận tốc kinh hoàng 100km/h.
Sau màn mở màn, các quái xế dàn thành hàng ngang với 6 chiếc xe vào vạch xuất phát. Sau tiếng hét ra hiệu, 6 chiếc xe lao hết tốc lực về phía trước. Tuy nhiên, cuộc đua bắt đầu được 3 phút thì một chiếc xe trong đoàn đua không làm chủ tốc độ, tự ngã trên đường, khiến 2 quái xế ngồi trên xe bất tỉnh nhân sự.
Nguyễn Văn Hoàng (21 tuổi, quận Thủ Đức), một người đứng xem đoàn đua cho chúng tôi hay, chuyện tai nạn trong lúc “bão” như cơm bữa. Một chút nữa, xe cấp cứu sẽ đưa 2 “quái xế” kia đi bệnh viện. Cuộc đua tiếp tục sẽ phân định thắng thua, vì số tiền độ trận này lên cả chục triệu đồng.
Gia nhập vào đoàn “đi bão” trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, chưa đến giờ xuất quân nhưng đã có hàng chục chiếc xe máy đã sẵn sàng. Sau 2 tiếng đồng hồ, số xe tham gia đã lên đến 80 chiếc. Từ điểm xuất phát, đoàn xe bắt đầu đánh võng, lạng lách vào đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1.
Bất ngờ, đoàn gặp công an giao thông phục sẵn, tổ chức truy đuổi. Các nhóm tách ra chạy vô các hẻm nhỏ để thoát vòng vây. Sau 1 tiếng tan rã, các nhóm bắt đầu tụ họp về khu vực đường Cộng Hòa, quận Tân Bình. Mạnh “rỗ”, đại ca của đoàn “bão” chửi thề, càu nhàu vì 3 đàn em bị tai nạn giao thông đang cấp cứu trong bệnh viện. Hắn bực tức nói: “Bọn nó bị công an giao thông bám đuổi dữ quá. Tưởng chui vô hẻm sẽ thoát, ai ngờ vừa chui ra đã tông ngay vào xe tải. Tai nạn này chỉ là “muỗi”. Tất cả chuẩn bị “đi bão” tiếp”.
Nỗi ám ảnh kinh hoàng
Quái xế “đi bão” tự gây tai nạn được dân “đi bão” coi là chuyện thường. Nhưng, các TNGT do quái xế chạy ẩu, không làm chủ tốc độ gây ra cho người đi đường đang là nỗi ác mộng với biết bao người.
Theo thống kê của khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, từ đầu năm đến nay, khoa đã cấp cứu trên 30 vụ TNGT do dân “đi bão” gây ra. Đa số các vụ tai nạn này đều nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong chiếm đến 67%.
Cách đây ít lâu, các hộ dân tại đoạn đường Lý Thường Kiệt, quận 10 hết sức hoang mang trước vụ tai nạn kinh hoàng. Một quái xế trong đoàn “đi bão” đã tông trực diện vào xe máy của anh B, ở quận 10 chở theo vợ và con gái 2 tuổi.
Vụ tai nạn khiến bé gái tử vong tại chỗ, vợ chồng anh phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Sau vụ tai nạn, các nhóm “đi bão” không còn đi vào con đường này nhưng những ngày gần đây, đoạn đường này lại trở thành điểm nóng của các nhóm “đi bão”.
Đối với chị Lê Thị Dương, ở quận Bình Tân, lâu nay ra đường sau 22h đã trở thành nỗi ám ảnh. Chỉ tay vào đoạn đường xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người, chị Dương cho biết đây là điểm thường xuyên có các nhóm “đi bão” chạy qua.
Trung bình mỗi đêm có hàng trăm chiếc tụ tập, tổ chức đua. Cách đây một tháng, chị qua bên kia đường mua hủ tiếu cho cả nhà ăn khuya. Chị nghe từ xa tiếng nẹt pô, hò hét. Tưởng ở đâu xa nhưng chỉ trong nháy mắt khi vừa đến giữa đường nhựa, một chiếc xe máy không đèn của đoàn “đi bão” vèo qua, va quệt khiến chị té xuống bất tỉnh. May mắn lúc đó có người nhìn thấy vội đưa chị đi cấp cứu kịp thời.
Còn ông Trần Tuấn Việt, trưởng khu phố 1, phường An Lạc, quận Bình Tân đã từng kịch liệt lên tiếng phản ảnh tình trạng “đi bão” tại khu vực này nhưng tình hình vẫn chưa hề giảm.
Trước tình hình tai nạn giao thông do các đoàn “đi bão” gây ra ngày càng nhiều, CSGT thành phố đã tổ chức nhiều đợt truy quét toàn thành phố để bắt giữ, xử lý các trường hợp vi phạm. Theo số liệu của Phòng CSGT, Công an TP.HCM, từ đầu năm đến nay, đã phát hiện gần 200 nhóm tụ tập có biểu hiện tổ chức “đi bão”, đã xử phạt gần 2.500 trường hợp vi phạm, tạm giữ hơn 1.700 phương tiện xe gắn máy các loại.
Trung tá Phan Tiến Trung, Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết: ” Thời qua vừa qua, ngành công an đã thực hiện nhiều giải pháp chống tệ nạn đua xe như tổ chức vây bắt đối tượng cầm đầu, tịch thu phương tiện, xử lý trước cộng đồng, phạt lao động công ích tại các phòng cấp cứu của bệnh viện…, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả, qua đó thể hiện sự mạnh tay trong việc xóa bỏ thực trạng “đi bão” gây nhức nhối dư luận”.
Theo Nguoiduatin
Nhiều vướng mắc khi bàn cách tịch thu xe đua
"Bỏ phiếu" cho quy định tịch thu xe đua, phương tiện khai khoáng trái phép... khi thảo luận về dự luật Xử lý vi phạm hành chính được thảo luận trong ngày 10/4, nhưng UB Thường vụ QH vẫn lo cách xử lý trong trường hợp phương tiện do mượn, thuê của người khác.
Theo quy định tại Điều 26 của dự Luật, tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính sẽ bị tịch thu để sung vào công quỹ nhà nước. Điều 84 của dự Luật quy định rõ thêm các phương tiện do chiếm đoạt của người khác để vi phạm sẽ được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.
UB Pháp luật, cơ quan thẩm tra dự án luật, cho biết, lần chỉnh lý trước, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm quy định các trường hợp phương tiện do mượn, thuê của tổ chức, cá nhân khác để vi phạm cũng cần phải trả lại cho chủ nhân. Quan điểm này dựa trên lập luận, bản thân chủ sở hữu phương tiện không có lỗi, không phải chịu trách nhiệm về vi phạm do người khác gây ra.
Hơn nữa, thực tế khảo sát cho thấy có rất nhiều phương tiện vi phạm bị lưu giữ tại các bến, bãi trong nhiều năm không được xử lý, giải quyết nên bị hư hỏng, chi phí cho việc lưu giữ phương tiện cũng rất lớn, gây lãng phí về tài sản của cá nhân, tổ chức.
Không đơn giản khi tịch thu xe đua trái phép.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, đối với tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép để vi phạm hành chính cũng cần phải tịch thu, đặc biệt là trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến trật tự công cộng (như khai thác khoáng sản, đua xe trái phép...) để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Ngoài ra, quyền lợi của chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp phương tiện vẫn được đảm bảo bằng cách yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Nếu quy định theo hướng trả lại phương tiện vi phạm do đối tượng vi phạm mượn, thuê... mà không thuộc sở hữu của đối tượng vi phạm thì sẽ rất dễ nảy sinh tình trạng lạm dụng, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để vi phạm. Hơn nữa, quy định như vậy cũng không công bằng đối với người vi phạm khi họ sử dụng phương tiện của mình đua xe chẳng hạn sẽ bị tịch thu trong khi đi mượn thì không bị tịch thu, sẽ rất khó răn đe trên thực tế.
Ngược lại hướng phân tích này, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, việc tịch thu phương tiện do mượn hay thuê của người khác là bất hợp lý, bởi nếu không chứng minh được chủ phương tiện có lỗi thì không thể tịch thu phương tiện mà chỉ xử lý đối tượng vi phạm.
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển "hiến kế" quy định chặt chẽ, cụ thể chết tài đối với trường hợp chủ phương tiện biết trước hậu quả nhưng vẫn để đối tượng vi phạm sử dụng phương tiện, tài sản của mình, ví dụ, bố mẹ để cho con chưa đủ tuổi theo quy định được đi xe máy.
"Chốt" lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu yêu cầu thiết kế lại quy định này theo hướng trả lại phương tiện cho chủ sở hữu sau khi xử phạt vi phạm hành chính đối với các tang vật, phương tiện dùng để phạm tội bị chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép mà không chứng minh được lỗi của chủ phương tiện.
Lần chỉnh lý này, UB Pháp luật nêu 2 phương án về mức xử phạt hành chính. Phương án một quy định mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác.
Phương án hai quy định mức phạt tiền từ 50 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng, áp dụng cho cả pháp nhân và cá nhân, trừ trường hợp quy định tại luật khác.
UB Pháp luật nêu ý kiến thiên về phương án thứ nhất. Đa số thành viên UB Thường vụ cũng nhất trí phương án 1 với lập luận, tác động của hành vi vi phạm của pháp nhân đối với xã hội thông thường lớn hơn rất nhiều so với vi phạm của cá nhân.
Quy định cho phép xử phạt tối đa không quá 2 lần đối với hành vi vi phạm về lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của 5 thành phố trực thuộc TƯ gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng cũng nhận nhiều ý kiến ủng hộ.
Theo Dân Trí
Gần 100 xe máy đi 'bão đêm' bị bắt Cả nghìn xe máy từ các quận khác đổ về đường Nguyễn Văn Lượng, Nguyễn Oanh (TP HCM) tụ tập phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, hú còi inh ỏi. Xe "đi bão" được đưa về kho của công an quận Gò Vấp. Ảnh: An Nhơn. Theo lãnh đạo Đội CSGT Trật tự - Phản ứng nhanh Công an quận Gò Vấp (TP...