Đi ăn ngày lễ, hên có bàn nhanh, xui phải đợi
Tối đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, nhiều thực khách đổ về khu vực trung tâm TP.HCM tìm kiếm nhà hàng, quán ăn để trò chuyện cùng bạn bè, ngắm pháo hoa.
Khoảng 19h, các tuyến phố chính ở trung tâm TP.HCM tắc nghẽn. Với quãng đường khoảng 15 phút di chuyển ngày thường, bạn sẽ phải tốn thời gian gấp 3-4 lần nếu đi vào dịp lễ 30/4-1/5 này. Dù biết tắc đường, nhiều người vẫn chọn dành thời gian đến nhà hàng để thưởng thức bữa tối cùng gia đình, bạn bè.
Chờ 30 phút để ăn
Trong các khu trung tâm thương mại ở quận 1, gần như mọi nhà hàng đều kín chỗ từ sau 18h30. Nhiều khách đến ăn nhưng không đặt trước, phải chờ tới 30-45 phút mới có bàn.
Chia sẻ với Zing, Nguyễn Đức Tín, trợ lý nhà hàng Manwah cơ sở Saigon Centre (Lê Lợi, quận 1), cho biết từ 17h đến 21h30, nhà hàng đã nhận khoảng 300 khách. Tuy nhiên, lượng đặt trước chỉ chiếm khoảng 2/3. Số còn lại là khách không đặt trước nên khi đến ăn, họ phải chờ khá lâu.
“Vào giờ cao điểm, khoảng 19h, có tới hơn 10 nhóm đứng chờ. Chúng tôi phải ghi số thứ tự và thông tin khách để gọi họ khi có bàn, trong trường hợp khách muốn đi lại quanh khu trung tâm thương mại. Mỗi nhóm phải chờ khoảng 30 phút. Phải sau 20h, bàn trống mới có nhiều hơn, cỡ 10 phút/bàn”, anh Tín cho biết.
Phúc Lộc (quận 8), dùng bữa tại nhà hàng. Cô chia sẻ mình không thể đặt bàn trước cho nhóm 4 người do sau 17h, nhà hàng không nhận đặt thêm.
Được biết, một số nhà hàng không nhận đặt trước 100% bàn trong dịp lễ. Chỉ có khoảng 50% khách được đặt trước. Số còn lại đến nhà hàng và tùy vào độ may mắn mới có bàn sớm. Lý do là không phải toàn bộ khách đặt trước đều đến hoặc đến đúng giờ. Do đó, các nhà hàng chỉ nhận đặt một lượng vừa đủ để tránh tình trạng khách không tới vẫn được giữ bàn, khách tới lại không có chỗ ăn.
Annie (Tân Bình) cho biết mình rời khỏi nhà từ 19h30. Cô mất tới hơn 45 phút di chuyển đến khu trung tâm thương mại để “lót dạ” trước khi đi chơi tiếp. Thực khách này vừa đến đã có bàn luôn, không cần chờ đợi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Annie. Cô Đào Ngọc Bích (TP Thủ Đức) đi tới 4 nhà hàng vẫn không tìm được bàn ăn. Trao đổi với Zing sau khi nhà hàng GoGi House từ chối nhận thêm khách vì quá đông và trễ (khoảng sau 21h30), cô Bích nói mình khổ sở để tìm một chỗ ăn. Cô và nhóm bạn đã đi chơi từ 15h, qua Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ, dạo trung tâm thương mại rồi mới tìm quán ăn.
“Tôi biết ngày lễ đông chứ nhưng vẫn thích đi chơi cho có không khí. Ăn tối xong, tôi và các bạn cũng về luôn. Quan trọng giờ ăn ở đâu đã, tôi đi tới 4 quán rồi”, cô Bích nói.
Phải đặt trước mới có chỗ ngắm pháo hoa
Không chỉ nhà hàng nằm trong trung tâm thương mại, địa chỉ ăn uống trên cao hay sát bờ sông sở hữu view đắt giá, có thể xem pháo hoa cũng nhộn nhịp trong đêm 30/4.
Ảnh: Chí Hùng.
Anh Minh Triết, Giám đốc Marketing nhà hàng Kokugyu, chia sẻ nhà hàng hoạt động với công suất tối đa trong đêm 30/4 để phục vụ 150 khách. Từ khi dịch bệnh bùng phát, đây là tín hiệu tích cực cho thấy cuộc sống của người dân TP.HCM đã thực sự trở lại. Nhiều nhân viên phải tăng ca để đáp ứng nhu cầu ăn uống của khách hàng trong mùa lễ.
Video đang HOT
Anh Triết cho rằng vị trí trên cao, có thể ngắm pháo hoa bắn từ đường hầm Thủ Thiêm là một trong những lý do nhà hàng thu hút thực khách dịp này.
Tương tự, ROS Yacht Club, nằm trên trục đường Tôn Đức Thắng, sát bên sông Sài Gòn, đã sớm được đặt kín chỗ.
Anh Huy Nguyễn, đại diện nhà hàng, cho biết: “Các bàn bố trí ven sông là nơi có tầm nhìn đẹp, ấn tượng nên khách chọn nhiều nhất. Ngày 25/4, khu vực này không còn chỗ trống. Trước lễ một ngày, toàn bộ chỗ ngồi trong nhà hàng chúng tôi cũng được khách đặt kín”.
Ghi nhận tối 30/4, nhiều khách tình cờ đi ngang qua và muốn ghé dùng bữa nhưng không có bàn. Họ đành đi tìm quán khác vì nhà hàng chỉ nhận khách đã đặt bàn.
May mắn hơn nhiều người, Ngoan Hà (Bình Thạnh) đã kịp đặt một bàn cho mình và nhóm bạn. Để ngắm trọn vẹn màn bắn pháo hoa, cô có mặt ở nhà hàng từ 20h30.
Trên đường đi, nữ thực khách không thể tránh khỏi cảnh kẹt xe khi dòng người khắp nơi đồ về quận 1 vui chơi, tham quan.
“Ở đường Tôn Đức Thắng, xe nhích từng chút một, chúng tôi phải chấp nhận gửi ôtô xa một chút rồi đi bộ vào cho kịp giờ”, thực khách này lường trước việc đông đúc, quá tải nên không quá bất ngờ.
Theo Hà, nhà hàng cô ngồi là nơi ngắm pháo hoa đẹp bậc nhất TP.HCM với giá không quá cao so với mặt bằng chung. Vì thế, nhiều năm liền, nữ thực khách thường xuyên ghé ăn uống vào dịp lễ, Tết.
Ngồi cách bàn của Hà không xa, anh Atanu Nath (Ấn Độ) cũng nâng ly chúc mừng dịp lễ cùng người bạn. Đến Việt Nam nhiều nhưng đây là lần đầu tiên du khách này tận mắt chiêm ngưỡng pháo hoa hoành tráng, kéo dài 15 phút trên sông Sài Gòn.
Atanu Nath chia sẻ niềm vui khi chiêm ngưỡng khoảnh khắc pháo hoa tỏa sáng bầu trời. Anh hào hứng giới thiệu với phóng viên những đoạn clip ngắn mình ghi lại.
Ăn tối, ngắm pháo hoa ở du thuyền trên sông Sài Gòn
Thu Thảo hạnh phúc khi cùng chồng ngắm pháo hoa trên du thuyền tối 30/4. Khoảnh khắc này càng thêm đặc biệt khi đây là dịp kỷ niệm một năm ngày cưới của cả hai.
Kỷ niệm ngày cưới, anh Nguyễn Thành Tân (quận 9) khiến vợ bất ngờ khi thông báo đã đặt chỗ ăn buffet trên tàu du lịch khởi hành từ Cảng Sài Gòn, TP.HCM.
Ngày tỏ tình của hai vợ chồng cũng là trên một chuyến tàu du lịch sông Sài Gòn.
TP.HCM tổ chức bắn pháo hoa tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức). Ảnh: Chí Hùng.
"Lần đầu mang lại cảm xúc bất ngờ, còn trải nghiệm lần thứ hai là sự cảm động. Tối nay chúng tôi còn được ngắm pháo hoa từ khoảng cách gần, ngay hầm sông Sài Gòn", chị Thu Thảo, vợ anh Tân, nói với Zing.
Đúng 21h, khi pháo hoa rực sáng một góc thành phố, hàng trăm khách trên thuyền đổ ra phía trước boong tàu để nhìn ngắm.
Nhiều người không kìm được sự bất ngờ, thốt lên trầm trồ khi chứng kiến khung cảnh rực rỡ.
Anh Tân tạo bất ngờ cho vợ bằng bữa tối trên tàu du lịch sông Sài Gòn.
"Sau hai năm, TP.HCM mới lại tổ chức bắn pháo hoa. Ai cũng đều rất vui và hào hứng. Thành phố đang sôi động lại, bản thân mình cũng có nhiều kỳ vọng hơn", chị nói.
Giống vợ chồng chị Thảo, dịp lễ năm nay, nhiều khách du lịch cũng như người dân TP.HCM lựa chọn trải nghiệm ăn uống, ngắm cảnh ở các du thuyền trên sông.
Bên cạnh việc tránh được cảnh chen chúc ở các tụ điểm vui chơi khác, mọi người còn được ngắm pháo hoa ở một trong những vị trí thuận lợi và đẹp nhất.
Trải nghiệm lần đầu
Dù 18h mới là giờ lên tàu, gia đình chị Trần Thị Thanh Hoa (quận 8) đã có mặt tại bến tàu từ lúc 15h30 để đề phòng kẹt xe và muốn có thêm thời gian chụp hình.
"Đại gia đình hơn 20 người, trong đó có cả bà con từ miền Trung vào chơi Sài Gòn, đã lên kế hoạch từ lâu. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi trải nghiệm ăn tối trên du thuyền", chị Hoa cho hay.
Sợ lễ đông khách, hết chỗ, nhà chị phải giữ vé khoảng 3 tuần trước ngày 30/4.
Chị Hoa lần đầu trải nghiệm du thuyền trên sông Sài Gòn.
"Đặt xong xuôi chúng tôi mới biết thành phố có tổ chức bắn pháo hoa. Thật may mắn vì sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị", chị nói.
Đợt lễ 30/4 mọi năm, trừ 2021 vì dịch bệnh, gia đình chị Hoa thường du lịch một số địa điểm gần TP.HCM.
Tuy nhiên, năm nay, mọi người quyết định thay đổi kế hoạch vì muốn một không gian riêng tư, thoải mái nhưng không phải di chuyển vất vả.
"Rất lâu rồi chúng tôi mới có cảm giác háo hức, chờ đón này. Thời tiết đẹp, thêm việc được ở cùng gia đình có cả người già, trẻ nhỏ, giây phút pháo hoa nở rộ trên bầu trời càng thêm tuyệt vời hơn", chị Hoa cho biết.
Chào mừng 47 năm thống nhất đất nước, TP.HCM tổ chức bắn pháo hoa tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức), một điểm tại Công viên Văn hóa Đầm Sen (phường 3, quận 11). Thời gian bắn từ 21h đến 21h15 phút.
Ngay sau khi TP.HCM có chủ trương bắn pháo hoa, nhiều du thuyền, tàu du lịch trên sông Sài Gòn đã tung ra nhiều chương trình hấp dẫn để thu hút du khách đến dự tiệc tối, ngắm pháo hoa và nhanh chóng kín chỗ.
Du khách hào hứng chụp hình check-in trên tàu du lịch.
Ngắm thành phố ở góc mới mẻ
19h30 phút, tàu bắt đầu rời bến và xuôi theo con sông Sài Gòn, đi qua khu trung tâm náo nhiệt, Bến Bạch Đằng, Cảng Ba Son..., gia đình chị Uông Thuộc Linh (quận Bình Tân) nhanh chóng tiến về phía boong tàu để ngắm nhìn thành phố.
Không muốn đi du lịch xa vì sợ cảnh chen chúc, mệt mỏi, chị Linh đặt chỗ ăn tối trên tàu.
"Tôi thấy mọi người review khá nhiều trên mạng nên muốn thử. Sợ lễ 30/4 sẽ cháy vé nên tôi đặt chỗ trước khoảng 2 tuần. Điều tôi thích nhất là từ đây sẽ có view chụp hình rất đẹp, đặc biệt khi tàu chạy có thể ngắm thành phố đẹp lung linh ở một góc nhìn rất khác", chị Linh nói.
Sau hai năm tạm nghỉ vì ngành du lịch đóng băng, anh Trần Văn Núi (32 tuổi) mới trở lại dẫn tour cho các đoàn khách trong nước từ đầu năm nay. Khi TP.HCM mở cửa hoàn toàn, đặc biệt Việt Nam bắt đầu đón du khách quốc tế, anh nhận thấy đã có nhiều khởi sắc.
Người dân hào hứng ngắm nhìn đợt pháo hoa đầu tiên được bắn lên tại đầu đường hầm sông Sài Gòn. Ảnh: Phương Lâm.
"Tôi thường xuyên dẫn các đoàn khách 25-45 người trải nghiệm ăn uống và ngắm cảnh trên du thuyền. Mọi người rất thích thú khi được nhìn ngắm thành phố từ trên sông. Thường phải cuối tuần hoặc ngày lễ mới đông khách, ngày thường số người đặt tour còn hạn chế".
Nguyễn Hoàng Ngân (25 tuổi, quận 4) cùng bạn trai lần đầu trải nghiệm ăn uống trên du thuyền sông Sài Gòn. Thấy không khí thoải mái, đặt vé vì vừa muốn được ăn uống, vừa ngắm pháo hoa đêm 30/4.
"Mình chọn tàu này bởi không gian rộng, đồ ăn ổn và không khí khá lãng mạn. Vừa có thể ăn uống, vừa được nhìn thành phố từ trên sông. Hôm nay ngày lễ nên tàu khá đông, dù vậy mọi người đều có vẻ thoải mái, háo hức khi được ngắm pháo hoa rực rỡ".
Nha Trang mưa to, du khách lo Sáng 29/4, TP Nha Trang mưa to do ảnh hưởng vùng áp thấp trên Biển Đông. Nhiều du khách đến phố biển cho biết khá lo lắng vì nếu trời mưa sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch. Theo dự báo, trong 4 ngày của kỳ nghỉ lễ, mưa dông tập trung trong hai ngày đầu ở miền Bắc, sau đó giảm...