Đi ăn “đặc sản” của thời bao cấp
Khi cuộc sống đã đủ đầy, bỗng nhiên người ta lại nhớ nôn nao về cái thời bao cấp đầy khốn khó với những món ăn không thể đơn giản hơn về cách chế biến và nguyên liệu. Nhưng thật lạ, những món ăn bình dị đó giờ lại vươn vai hóa thành “đặc sản”. Với những người trẻ 8X trở về sau, thời bao cấp chỉ là một câu chuyện được nghe kể lại từ thế hệ anh chị, cha mẹ mình.
Cả tuần cứ thịt với cá ngán tới tận cổ, cuối tuần, mẹ đổi món cho cả nhà bằng món tép riu rang khế chua. Rồi mẹ kể, ngày trước ao hồ, kênh rạch nhiều, tôm to thì phải mua bằng tem phiếu, còn tép riu thì người ta cho hoặc đổi muối, mắm với mình. Về rang tép không cũng chán và vì ít mỡ (do không mua thịt lợn mỡ), các mẹ, các chị “sáng chế” bằng cách cho thêm khế chua vào rang kèm. Con ăn vèo vèo hết 3 bát cơm, đĩa tép cũng vơi phân nửa, còn tủm tỉm “mỗi lần xúc mình cũng “diệt” tới cả trăm chú tép con vào bụng”.
Mẹ bùi ngùi nhớ lại, hồi ấy khi hết tem phiếu đồng nghĩa với thực phẩm cũng vơi. Thế là tận dụng tất cả những gì có sẵn trong vườn nhà như các loại rau mồng tơi, rau đay, hoa chuối…hay ra đồng mò cua bắt ốc để “cải thiện”. Vậy là sự kết hợp ngẫu nhiên đó tạo ra rất nhiều món ăn thú vị như canh cua mồng tơi, hoa chuối nấu trai, cá thầu dầu (cá cơm khô) nấu dưa chua, dưa chua rang tóp mỡ hay cá chạch chấu kho trám…Nghe mẹ kể mà con rỏ nước miếng. Mẹ bảo giờ người ta đầy đủ rồi nên quên nó vì ngày xưa phải ăn nhiều quá nên…sợ, hơn thế, nguyên liệu nấu ngày trước dễ kiếm, nay hiếm hoi. Thế nên nhiều món đã trở thành “đặc sản”, thành món ăn “độc đáo, mới lạ” ở các nhà hàng.
Ngày nay, vẫn tên gọi cũ nhưng món tép rang khế lại có rất nhiều “dị bản”.
Tại quán Ngoại Ô (19 Nguyễn Gia Thiều, Q. Hai Bà Trưng, HN), bếp trưởng cho thêm thịt lợn sấn băm nhỏ cùng ít ớt thái nhuyễn khi rang. Mỡ, thịt “rán” tép tạo nên độ bóng săn cho chú tép, khế chua thái mỏng tang để ngấm đều gia vị. Hoặc thay vì tép tươi chỉ bán theo mùa ở các chợ, người ta lại dùng tép khô đóng gói. Bất đắc dĩ lắm mới làm món tép khô rang khế vì dường như ăn vào chỉ để đỡ nhớ chứ vị ngon mát và đúng “chất” đã mất hẳn.
Ảnh: Hồng Minh
Ở đây còn có nhiều món cơm độn. Các loại như khoai, mì, sắn, ngô trở thành món khoái khẩu của nhiều thực khách bởi vì nó ngon và lạ miệng. Ngày xưa, cơm được nấu bằng gạo đỏ, gạo hẩm; khoai, sắn cũng toàn những củ bé tin hin, độn nhiều cho nồi cơm đầy ú mà gạo chẳng có mấy. Bây giờ, nguyên liệu làm nên món cơm độn toàn là hảo hạng. Cơm được nấu từ gạo tám dẻo thơm phức, khoai là khoai lang Nhật vàng ươm hay khoai Hoàng Long vỏ tím ruột trắng bở bung.
Ngoại Ô quán cũng có cả bánh bo bo, hoa chuối nấu trai, dưa xào tóp mỡ, bì trâu xào rau muống…, toàn những thứ rất hiếm gặp.
Theo PNO