Đi ăn bánh cuốn trứng gần sân bay Tân Sơn Nhất
Bánh cuốn trứng vốn dĩ là một món khó tìm ở Sài Gòn khi số lượng quán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng một quán ăn gần khu sân bay lại có những biến tấu hết sức hấp dẫn cho món bánh có nguồn gốc từ Lạng Sơn này.
Như có lần nhắc về món bánh cuốn trứng có bán ở quán Hồng Hạnh. Đây là một món tương đối khó tìm thấy ở Sài Gòn, mà lý do chính là cách làm khá phức tạp so với món bánh cuốn truyền thống.
Vẫn là bánh cuốn với gạo được xay mịn thành bột rồi tráng mỏng, nhưng điểm khác biệt của món bánh cuốn trứng so với các kiểu bánh cuốn khác là lớp nhân bên trong, bao gồm trứng và thịt bằm.
Bánh cuốn trứng hấp dẫn thực khách bởi phần nhân trứng gà lòng đào béo ngậy được cuốn thật khéo léo bên trong lớp bánh mỏng
Món ngon có xuất xứ từ Lạng Sơn này hấp dẫn thực khách bởi phần nhân trứng gà lòng đào béo ngậy được cuốn thật khéo léo bên trong lớp bánh mỏng.
Để pha được loại bột đặc thù dùng để tráng món bánh này, những hạt gạo tẻ ngon, trắng ngần, đều hạt được chọn lựa để xay mịn thành bột, rồi sau đó được hòa với nước để tạo ra một hỗn hợp không quá đặc cũng không quá loãng nhằm tạo ra độ dẻo đặc trưng cho bánh.
Ở Lạng Sơn và các tỉnh miền trung du, người ta vẫn còn thói quen dùng gạo nương đậm đà để pha bột tráng bánh.
Video đang HOT
Khi bắt đầu đổ bánh, người làm bánh sẽ trải hỗn hợp bột ra khuôn vải rồi đóng nắp, chờ một chút cho bánh vừa chín tới thì mở nắp ra rồi đập trứng gà lên lớp bánh.
Cái hay ở đây là người thợ tráng bánh phải đậy nắp lại và canh sao kịp lúc lớp lòng trắng đục lại và dính vào mặt bánh, còn lòng đỏ thì vừa chín tới độ lòng đào tạo thành lớp bọc mỏng giúp quả trứng không bị bể, thì mới mở nắp.
Chả chiên và chả quế ăn kèm với bánh cuốn
Bánh cuốn nhân thịt truyền thống với phần ruốc tôm rất độc đáo
Tuy nhiên ở quán bánh cuốn trên đường Trường Sơn (đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình) này thì cách thưởng thức bánh cuốn trứng có phần hơi khác một chút. Phần nhân bánh đầy đặn hơn rất nhiều, bao gồm 2 quả trứng gà cùng phần thịt bằm xào chung với nấm mèo.
Nước mắm cũng không tuân theo nguyên bản, vốn dĩ là nước ninh từ xuơng ống trộn với thịt bằm, thêm chút gia vị đường, ớt, rau mùi băm nhỏ… như ở Lạng Sơn, mà là loại nước mắm dùng để ăn bánh cuốn được nêm từ đường phèn rất đậm đà. Để tăng phần hấp dẫn bạn cũng có thể gọi thêm vài giọt tinh dầu cà cuốn,
Đây cũng là một quán bánh cuốn hiếm hoi ở Sài Gòn còn phục vụ các loại rau thơm ăn kèm, cách thưởng thức đặc trưng của miền Bắc.
Bạn cũng có thể gọi thêm món ăn kèm khá đặc biệt của quán là chả quế và chả chiên. Ngoài ra, món bánh cuốn truyền thống ở đây cũng rất hấp dẫn với phần ruốc tôm khá lạ, tương tự như món tôm cháy làm nhân bánh bèo Huế hay bánh ướt tôm cháy.
Một địa chỉ khá thú vị để trải nghiệm cách ăn bánh cuốn tương đối gần gũi với nguyên bản xứ Bắc. Một món ngon với cách chế biến khá cầu kỳ và tinh tế trong từng chi tiết, như phản ảnh phần nào những vẻ đẹp tiềm ẩn của ẩm thực Việt.
Theo SGAT
Bánh ướt 91 Nguyễn Cư Trinh: Ngon vì quá... cay
Xin mách bạn một quán bánh ướt phiên bản "Nam tiến" cực ngon nằm ngay Q.1 TP.HCM
Nhiều người thích gộp chung bánh ướt và bánh cuốn làm một. Đúng là cách thưởng thức có phần tương tự nhau, cũng ăn chung với chả, bánh tôm, rau giá hấp và nước mắm. Giống nhau là vậy, nhưng hình như bánh ướt ở Sài Gòn khó tìm hơn là bánh cuốn.
Tôi nói ở đây là hàng quán, chứ còn bán dạo thì món bánh ướt này khá là phổ biến. Người bán chỉ cần đầu tư một cái xe nhỏ có lò hấp, rồi đặt hàng bánh ướt, chả lụa, bánh tôm, thậm chí nước mắm pha sẵn cũng có chỗ cung cấp luôn; rồi đẩy đi khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn.
Nói về bánh cuốn Sài Gòn, có thể nhanh chóng kể ra nào là Tây Hồ, là Hải Nam, Thiên Hương... nhưng nhắc đến bánh ướt thì hình như chưa có cái tên nào nổi trội.
Chai tương ớt và nước mắm đặc trưng của quán
Nói qua một chút về món bánh ướt này. Có tài liệu cho rằng người Hoa đã mang nó vào Việt Nam, rồi tùy vào từng vùng miền mà bánh ướt được chế biến và mang nhiều hương vị khác nhau.
Tôi cũng đồng ý với nhận định này vì món bánh ướt, rồi bánh cuốn của ta khá tương đồng với món "bánh cuốn xá xíu" hay "bánh cuốn tôm" trong thực đơn điểm tâm của người Hoa (tên gọi tiếng Anh là "rice noodle roll"), chỉ khác ở chỗ phiên bản Hoa có phần dày hơn.
Ở Sài Gòn các trà quán nhỏ ít khi bán món này vì phải qua công đoạn tráng bánh khá tốn công, trong khi các món như xíu mại hay há cảo thì chỉ bỏ vào xửng hấp là xong. Vì vậy để ăn món này thường phải vào các nhà hàng Hoa lớn như Đại Khánh, Hoằng Long hay Hoàng Thành (nay đã dời qua quận 4).
Dĩa bánh ướt ngon vì quá... cay
Lại nói về dĩa bánh ướt phiên bản "Nam tiến" của cái quán nhỏ này nằm ngay giữa quận 1 này. Quán chỉ có đúng cái xe bánh ướt khá to cùng vài bộ bàn ghế trên lề đường, vậy mà từ sáng cho đến trưa vẫn tấp nập đủ mọi thành phần thực khách.
Cái độc đáo là trên mỗi bàn có để sẵn một chai tương ớt và nước mắm để khách tự nêm nếm tùy theo khẩu vị. Dĩa bánh dọn ra cùng với mấy lát chả lụa, miếng bánh tôm nóng giòn cùng với rau giá, rắc lên một chút hành phi cùng nước mắm chan sẵn.
Để thưởng thức hết cái ngon thì bạn phải nêm thêm một chút tương ớt. Tương ớt ở đây khá giống loại tương người Hoa hay dùng trong món gỏi khô bò, là một hỗn hợp giữa ớt xay nhuyễn nêm với dấm. Vị chua cay đó cùng với vị mặn & ngọt của nước mắm len lỏi vào từng lát bánh ướt, thấm vào miếng bánh tôm giòn rụm. Hẳn bạn sẽ vừa ăn vừa xuýt xoa rồi gọi thêm ly trà đá để giảm bớt vị cay xé lưỡi này.
Khi đến đây ăn bạn đừng ngạc nhiên khi thấy quá nhiều dĩa bánh ướt đỏ rực vì ớt. Và cũng đừng quên gọi sẵn cho mình một ly trà đá để làm dịu đi cái cay nồng mà bạn chuẩn bị đối diện. Ngon vì quá cay, thoạt nghe mâu thuẫn nhưng đảm bảo sẽ là một trải nghiệm thú vị và độc đáo của bánh ướt Sài Gòn.
Theo SGAT
[Chế biến] - Bánh cuốn hành phi Món bánh cuốn tráng bằng chảo này có vị béo của hành phi, ăn thât lạ miêng và ngon. Bạn hoàn toàn có thể làm tại nhà đê cả gia đình cùng thưởng thức nhé! Nguyên liệu: 50gr bột gạo; 50gr bột năng. 250ml nước.; 1 bát hành phi. 1 muỗng canh đầu ăn; Chút muối. Cách làm: Trộn đều 2 loại bột...