Đi 500m phải trả phí BOT toàn tuyến
Theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải tỉnh An Giang, ôtô của tỉnh này nếu đi Kiên Giang chỉ sử dụng khoảng 0,5km đường BOT nhưng phải trả phí toàn tuyến – đây là điều rất vô lý.
Đi 0,5km đường BOT phải trả phí toàn tuyến Trạm thu phí T2 trên quốc lộ 91 cách quốc lộ 80 khoảng 500m nên ôtô đi từ An Giang qua Kiên Giang chỉ lăn bánh 0,5km đường BOT nhưng phải mua vé toàn tuyến 45km.
Ngày 2.9, chị Trịnh Thị Mai (35 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) mượn ôtô của em gái để đi thăm người thân sinh con ở Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh An Giang.
Tài xế đón vợ chồng chị Mai tại chợ Cái Dầy (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi), xe chạy khoảng 2km phải dừng lại mua vé qua trạm của BOT Bạc Liêu với giá 25.000 đồng cho ôtô 5 chỗ. 50km tiếp theo, xe tiếp tục qua trạm BOT tại tỉnh Sóc Trăng (ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành), tài xế chi tiếp 25.000 đồng.
Trạm thu phí T2. Ảnh: Việt Tường
“Từ trạm ở Sóc Trăng, xe chạy khoảng 40 phút tài xế chở vợ chồng tôi phải mua vé 35.000 đồng để qua trạm thu phí tại Cái Răng, TP.Cần Thơ. Đến quận Ô Môn chúng tôi tốn thêm 35.000 đồng khi qua trạm T1 trên quốc lộ 91. Gần đến cầu Cái Sắn giáp An Giang, vé trạm T1 xài được nên không tốn tiền nữa”, chị Mai nói.
Trả phí 35.000-200.000 đồng cho 500m đường BOT
Trưa cùng ngày, vợ chồng chị Mai quay lại trạm T2 để qua Kiên Giang chơi dịp lễ với bạn bè. Tưởng không mất tiền như lượt đi nhưng khi qua trạm này tài xế chở thiếu phụ phải mua vé 35.000 đồng. Lần này, họ không đi quốc lộ 91 để về Bạc Liêu mà rẽ vào quốc lộ 80 tại ngã ba Lộ Tẻ, cách trạm T2 chỉ 500m nhưng phải mua vé toàn tuyến BOT của Công ty cổ phần Đầu tư quốc lộ 91 (BOT Cần Thơ – An Giang).
“Họ thu phí gì mà kỳ lạ, tụi tôi qua Kiên Giang thì đâu có đi quốc lộ 91 nữa mà bán vé 35.000 đồng. Mấy ông tài xế xe đầu kéo nói họ phải trả 200.000 đồng để qua trạm này khi đi từ An Giang qua Kiên Giang. Thật là bất công”, anh Lâm Thanh Tòng – chồng chị Mai nói.
Bốn năm trước, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO và Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) được Trung ương chấp thuận cho đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 (đoạn Km14 00 đến Km50 889) dài hơn 28km, theo hợp đồng BOT. Dự án có vốn đầu tư khoảng 1.578 tỷ đồng, doanh nghiệp dự án (công ty con của nhà đầu tư) là BOT Cần Thơ – An Giang, thời gian thu phí 16 năm 6 tháng.
Video đang HOT
Vị trí đặt trạm thu phí T12 được cho là không hợp lý. Đồ họa: Minh Trí
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau đó tiếp tục cấp giấy chứng nhận điều chỉnh cho nhà đầu tư với cụm từ được gắn thêm là “mở rộng và tăng cường nền, mặt đường quốc lộ 91B, đoạn từ Km0 000 đến Km15 793″. Đoạn này dài 15km, từ nơi giao nhau với đường Nguyễn Văn Linh (quận Ninh Kiều) đến quốc lộ 91 ở quận Ô Môn.
Dự án theo đó cũng được tăng vốn lên trên 2.000 tỷ đồng, thời gian thu phí được điều chỉnh tăng lên 17 năm 9 tháng 9 ngày.
Điều bất cập là khi BOT Cần Thơ – An Giang thu phí dự án của họ thì ngoài trạm T1 ở quận Ô Môn, người dân trong vùng có thấy trạm T2 cách ngã ba Lộ Tẻ 500m. Nghịch lý của trạm T2 là khi nào cầu Vàm Cống chưa thông xe thì tất cả các loại xe từ các tỉnh qua phà Vàm Cống (và của tỉnh An Giang) muốn đi Kiên Giang thì phải mua vé qua trạm này dù ôtô lăn bánh trên đường BOT chỉ 500m.
Yêu cầu dời trạm về phía ngã ba Lộ Tẻ
Khi trò chuyện với Zing.vn về những bất cập của trạm T2, Trưởng trạm này là ông Nguyễn Văn Kiệp nói rằng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản chấp thuận cho 274 ôtô (Cần Thơ 22, An Giang 73, Kiên Giang 179 xe) được giảm giá vé xuống 0 đồng. Ngoài ra, trạm T1 có 10 xe cũng được giảm tương tự khi qua trạm T1.
Thẻ miễn giảm cho trên 270 ôtô trong đợt 1. Ảnh: Việt Tường
Theo ông Kiệp, những phương tiện được hưởng chính sách trên từ 0h ngày 1.9, gồm xe buýt, xe khách có tuyến cố định và xe của người dân trong phường Thới Thuận – nơi đặt trạm T2. Hiện, trạm đã phát thẻ miễn giảm cho các chủ phương tiện, các phương tiện còn lại nếu thuộc diện miễn giảm sẽ được địa phương thống kê danh sách để Sở GTVT các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ gửi cấp trên phê duyệt.
Không đồng ý với cách giải quyết chỉ cho 3 loại phương tiện được miễn giảm như hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang, nói rằng taxi, xe tải và container nếu qua trạm T2 để đi Kiên Giang thì cũng phải được miễn giảm.
“Từ khi có trạm T2, taxi chở khách từ An Giang đi Kiên Giang khi đến đây thì tài xế nghỉ chở, kêu khách đi bộ qua trạm đón xe khác vì chạy qua phải tốn 35.000 đồng. Hiệp hội chúng tôi có 15 chiếc chở hàng từ Long Xuyên đi Rạch Giá, có hợp đồng rõ ràng mà không được miễn phí là bất hợp lý”, ông Xuân nói.
Làm việc với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật tại UBND tỉnh An Giang vào chiều 31.8, ông Nguyễn Ngọc Xuân nói khi có sự mâu thuẫn giữa một số loại xe với nhau trong việc miễn giảm phí qua trạm T2 thì chủ xe và tài xế sẽ có sự quyết tâm chống đối. Hiện, có khoảng 40 phương tiện ở An Giang đang chuẩn bị làm như ở Cai Lậy nếu không được miễn giảm phí qua trạm T2.
“ Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói sau này có đường tránh đi lên cầu Vàm Cống thì đi về Kiên Giang sẽ không qua trạm T2. Tôi không chịu cách lý giải này vì đường tránh đến năm 2021 mới có, chúng tôi phải oằn vai đóng tiền qua trạm nhiều năm nữa là rất bất hợp lý”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang bức xúc.
Chỉ xem xét giảm giá
Cũng theo ông Xuân, trong văn bản Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang hồi tháng 7.2017, Bộ Giao thông Vận tải hứa di dời trạm T2 nhưng Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang vẫn phải chờ đợi.
“Chừng nào di dời thì phải chốt lại thời gian rõ ràng vì trạm dời qua ngã ba Lộ Tẻ về phía Cần Thơ thì mọi chuyện sẽ êm ấm”, ông Xuân nêu quan điểm.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật (trái) tại cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh An Giang ngày 31.8. Ảnh: CTV
Trả lời ông Xuân tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh An Giang, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói rằng theo Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị thì vẫn tiếp tục triển khai các dự án BOT vì từ năm 2016 đến 2020, ngân sách Nhà nước không cấp đồng nào cho Bộ Giao thông Vận tải làm cơ sở hạ tầng mới. Theo ông Nhật, trước đó một ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói điều này và không thể bỏ BOT được, vẫn phải đầu tư theo đối tác công tư PPP nhưng phải rà soát lại những bất cập vừa qua để xử lý.
“Sai sót, bất cập thì Bộ đã nhận diện ra rồi và có báo cáo gửi Chính phủ, Quốc hội. Anh Xuân đề xuất là đúng nhưng di dời trạm T2 thì Tiền Giang phải làm sao, và các trạm còn lại nữa. Làm một lúc liệu Nhà nước và doanh nghiệp có đủ tiền. Theo Nghị quyết 35 của Chính phủ là giảm giá, đó là biện pháp đầu tiên”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói tại cuộc họp.
Theo Việt Tường (Zing)
Đi 200m đường, mỗi tháng phải trả phí 30 triệu đồng
Công ty cổ phần vận tải An Giang cho biết xe buýt của công ty chỉ sử dụng hơn 200m tuyến quốc lộ 91 nhưng hàng tháng phải mất 30 triệu đồng.
Trạm thu phí T2 đặt ở vị trí khiến nhiều người dân, doanh nghiệp di chuyển từ An Giang qua quốc lộ 80 về Kiên Giang bức xúc - Ảnh: Hạnh Nguyễn
Buổi đối thoại giữa chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang với đại diện Công ty Cổ phẩn đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đã diễn ra chiều 12-5.
Tham dự buổi đối thoại còn có đại diện Sở Giao thông vận tải và nhiều doanh nghiệp vận tải tỉnh An Giang.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Khang - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang - cho biết tổng mức đầu tư toàn dự án lên đến 2.000 tỉ đồng, vốn vay ngân hàng chiếm đến 80%.
Dự án đã góp phần tạo sự phát triển kinh tế xã hội cho nhiều tỉnh, thành. Trong đó, phương án thu phí BOT trên tuyến quốc lộ 91 đã được các bên (nhà nước, ngân hàng, nhà đầu tư) bàn bạc đưa ra trước đó và được Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, chủ đầu tư BOT quốc lộ 91 đã gặp sự phản ứng khá quyết liệt từ doanh nghiệp và Hiệp hội vận tải ôtô An Giang.
Ông Nguyễn Văn Minh - giám đốc Công ty CP vận tải An Giang - bức xúc cho rằng việc thu phí như vậy rõ ràng là bất hợp lý và gây ảnh hưởng không nhỏ cho doanh nghiệp của tỉnh.
"Ròng rã suốt 5 tháng qua, chúng tôi đã kêu cứu các cấp từ địa phương đến trung ương nhưng không có kết quả. Doanh nghiệp chúng tôi được phê duyệt hoạt động vận tải bằng xe buýt đã 12 năm nay, xe buýt chỉ sử dụng hơn 200m tuyến quốc lộ 91 nhưng hàng tháng phải mất 30 triệu đồng.
Trong khi giá vé xe buýt không thể tăng vì chủ yếu phục vụ người nghèo. Chúng tôi không thể chịu đựng thêm được nữa", ông Minh phản ứng gay gắt.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang cho biết đã 7 lần mòn mỏi gửi kiến nghị lên các cấp, giờ Bộ Giao thông vận tải lại ra văn bản yêu cầu rà soát báo cáo chậm nhất ngày 15-6.
"Chúng tôi mong sự việc sớm được điều chỉnh, đừng để dân và doanh nghiệp phải đợt chờ mỏi mòn thêm nữa", ông Xuân yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Du - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải An Giang - cho biết trạm T1 của dự án đặt ở vị trí hiện nay là phù hợp, trong khi qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thì vị trí trạm T2 lại đặt bất hợp lý gây ảnh hưởng cho người dân và doanh nghiệp.
Còn theo ông Khang, trạm T2 đặt ở vị trí hiện tại hoàn toàn nằm trong dự án BOT quốc lộ 91.
"Mức phí thu như vậy là theo quy định của Bộ Tài chính cho phép, cũng thấp chứ không cao. Việc điều chỉnh mức phí công ty không thể đơn phương điều chỉnh mà còn phụ thuộc vào nhà nước, ngân hàng và cả chủ đầu tư. Các bên cũng đang thực hiện đúng cam kết về dự án, việc chỉnh mức phí sẽ ảnh hưởng đến phương án trả nợ ngân hàng." - Ông Khang thông tin.
(Theo Tuổi Trẻ)
Đến bệnh viện dưỡng thai, người phụ nữ bị tai nạn Chiều 28/2 người thân chị Lụa chở chị đến một bệnh viện ở TP Long Xuyên dưỡng thai. Trong lúc xe máy đang lưu thông thì bất ngờ đâm vào một người đàn ông bị tai nạn trước đó. Hậu quả, người đàn ông bị thương nặng, hiện đang trong tình trạng nguy kịch, riêng chị Lụa bị động thai. Vào khoảng 13h15...