DF-41 chưa đủ để Trung Quốc cân bằng hạt nhân với Mỹ
ICBM DF-41 có thể giúp TQ nâng cao năng lực răn đe hạt nhân nhưng còn xa Bắc Kinh mới phá vỡ được thế cân bằng hạt nhân với Washington.
Trung Quốc đang thử nghiệm ICBM DF-41
Website của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, việc tên lửa đạn đạo liên lục địa cơ động trên bộ Đông Phong-41 (DF-41) của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cộng thêm Đông Phong-31 (DF-31) và Đông Phong-5 (DF-5) lại được phóng thử, một lần nữa đã thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới đến sự phát triển và năng lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan sát viên quân sự nói rằng, mặc dù DF-41 đã đánh dấu việc hiện đại hóa hệ thống tên lửa và nâng cao tổng thể khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, nhưng vẫn không đủ để thay đổi thế cân bằng hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Theo giới truyền thông Mỹ, trước lễ thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào ngày 1 tháng 8, một báo cáo trên website Chính phủ nước này đã thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới.
Báo cáo này đã tiết lộ nội dung đảm bảo việc nghiên cứu, chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41. Phương Tây từ lâu đã phỏng đoán được việc Trung Quốc đang phát triển loại tên lửa đạn đạo liên lục địa này, đến nay những quan ngại của họ đã được chứng thực bởi quan chức Trung Quốc.
Trang web “Hải đăng tự do Washington” (The Washington Free Beacon) tháng 2 năm nay đã đăng một bức ảnh của một tên lửa đạn đạo loại lớn của Trung Quốc đang di chuyển trên đường, đây là lần đầu tiên “DF-41″ lọt vào tầm mắt của phương Tây.
Ngày 5-6-2014, bản “Báo cáo thường niên về xu hướng phát triển quốc phòng và an ninh Trung Quốc” (tức Báo cáo quân lực Trung Quốc năm 2014) của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ đã đề cập rằng, lực lượng pháo binh thứ hai của PLA được trang bị tên lửa liên lục địa “DF-31A” và đang phát triển tên lửa liên lục địa DF-41.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41
Tin tức cho biết, tầm bắn lớn nhất của tên lửa đạn đạo DF-41 có thể đạt tới 12.000 km, có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ, đồng thời, loại tên lửa đạn đạo liên lục địa này có thể mang được 10 đầu đạn hạt nhân đa phân hướng, đa phương thức dẫn đường.
Ông Walzer, cựu quan chức tình báo Mỹ, nguyên ủy viên Ủy ban thẩm tra An ninh – kinh tế Mỹ – Trung trực thuộc Quốc hội Hoa Kỳ cho rằng, vì có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, nên DF-41 sẽ giúp Trung Quốc nâng cao đáng kể khả năng thâm nhập vào hệ thống phòng ngự tên lửa còn hạn chế của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể sử dụng phương tiện phóng cơ động hoặc các tên lửa siêu thanh có khả năng tái nhập tầng khí quyển, để tăng lực xuyên phá của đầu đạn. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi vừa qua, Bắc Kinh đã thử nghiệm thành công phương tiện bay siêu thanh WU-14.
Ông Walzer nói, do “DF-41 có tính cơ động, có thể phóng trên các phương tiện chuyên chở đường bộ, đường sắt và sử dụng nhiên liệu rắn, nên rất khó bị vệ tinh phát hiện. Đồng thời, thời gian chuẩn bị phóng của DF-41 nhanh hơn rất nhiều so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.
Mặc dù số lượng vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ nhiều hơn Trung Quốc, nhưng DF-41 thực sự đã nâng cấp năng lực răn đe hạt nhân của Bắc Kinh với Washington, vì không có một quốc gia nào muốn thấy vũ khí hạt nhân rơi vào lãnh thổ của mình, nên việc nâng cấp năng lực xuyên phá qua hệ các thống phòng thủ thực sự sẽ tăng cường năng lực răn đe hạt nhân.
Video đang HOT
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31A
Trợ lý giáo sư Robert Farley của Viện Ngoại giao và thương mại quốc tế Patterson trực thuộc Đại học Kentucky – Hoa Kỳ cho biết, việc phát triển DF-41 cho thấy Trung Quốc đang chuyển hướng từ răn đe tối thiểu sang khả năng tấn công mạnh mẽ hơn, khả năng sinh tồn lớn hơn.
Nhưng, các chuyên gia chỉ ra rằng, mặc dù việc phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã có bước tiến triển lớn, nhưng Trung Quốc muốn phá vỡ thế cân bằng hạt nhân với Mỹ thì còn phải đi một chặng đường rất xa. Hiện vẫn chưa có thông tin chứng minh Trung Quốc đã trang bị DF-41 cho quân đội.
Có DF-41, Trung Quốc cũng không thể đe dọa được Mỹ
Nhà nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc trong thời gian dài Lâm Trường Thịnh cho biết, tuy Trung Quốc đã có bom nguyên tử, bom hydro và tên lửa hạt nhân từ trước đây rất lâu, nhưng lại chưa thực sự xây dựng khả năng răn đe hạt nhân đối với Mỹ.
Ông cho biết: “Trung Quốc hiện có vài loại tên lửa, nhưng thực sự có thể tân công được Mỹ cũng chỉ có DF-31A và DF-5 nhưng DF-31A chỉ có thể chạm được đến phía Tây của Hoa Kỳ, còn DF-5 có thể tấn công được toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ, nhưng tính sinh tồn chiến lược của nó lại rất thấp.”
Ông giải thích rằng, DF-5 lưu trữ trong silo phóng cố định, sử dụng động cơ tên lửa, gồm 2 tầng đẩy dùng nhiên liệu lỏng, kích thước rất lớn, đường kính đạn 3,35m, chiều cao 40 đến 50m, thời gian cần thiết để nạp nhiên liệu trước khi bắn rất lâu.
Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5
Hơn nữa, Trung Quốc luôn tuyên bố tuân thủ cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên. Vậy thì, sau khi bị tấn công phủ đầu, DF-5 còn bao nhiêu lực chiến đấu là điều khó nói. Tin tức cho biết, lần thứ tư Trung Quốc bắn thử tên lửa DF-31A và DF-5 là vào đầu tháng 8 vừa qua.
Ông Lâm Trường Thịnh nói: ” Răn đe hạt nhân chiến lược hiện nay của Hoa Kỳ là bộ 3 tấn công hạt nhân từ trên không, dưới mặt đất và trên biển. Trên mặt đất, thì dựa vào tên lửa giếng phóng ngầm; còn trên không thì dựa vào máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52, đây là tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân.
Nhưng lực lượng then chốt nhất trong tấn công hạt nhân chiến lược của Mỹ là trên biển, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa “Trident – II D5. Khả năng răn đe hạt nhạn của Mỹ chủ yếu là dựa vào lực lượng này, chứ không phải lực lượng trên bộ.
Về phương diện tàu ngầm hạt nhân trên biển, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Tầm bắn của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm liên lục địa Cự Lang-2 (JL-2) của Trung Quốc chỉ có hơn 8000 km, khả năng thực sự của nó vẫn chưa được kiểm chứng.
Theo ông, Trung Quốc muốn tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ thì cần phải thông qua tàu ngầm hạt nhân, buộc phải đưa tàu ngầm hạt nhân đến Hawaii. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc mới chỉ có khoảng 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn – Type 094 có độ ồn lớn nên không thể thoát khỏi các phương tiện săn ngầm của Mỹ và đồng minh.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn – Type 094 phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2
Robert Farley cũng cho rằng, do Hoa Kỳ có ưu thế dưới nước, nên tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm Trung Quốc phải mất thời gian dài nữa mới có thể trở thành mối đe dọa lớn với Hoa Kỳ. Hơn nữa máy bay ném bom của Trung Quốc hiện nay vẫn chưa đủ khả năng để thoát khỏi sự truy đuổi của Mỹ.
Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc có bán kính tác chiến hơn 3000km, cùng với tầm phóng hơn 1000km của tên lửa hành trình CJ-10, nó không thể tấn công vượt qua khoảng cách 5000km, với cự ly tấn công này, H-6 chưa đủ khả năng uy hiếp lãnh thổ Hoa Kỳ.
Lực lượng máy bay tiếp dầu trên không của Trung Quốc vẫn còn rất yếu kém nên không thể nối dài phạm vi tác chiến của các máy bay ném bom chiến lược và tiêm kích hộ tống của họ. Đồng thời, biên đội bay này cũng không thể thoát khỏi sự truy quét của các tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Mỹ như F-35 và F-22.
Vì vậy,có thể nhận định, lực lượng răn đe hạt nhân bộ ba kia của Trung Quốc còn xa mới uy hiếp được Mỹ, sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo thế hệ mới nhất là DF-41 cũng không thể cải thiện được điều này. Chỉ khi nào Trung Quốc chế tạo được một loại máy bay ném bom tàng hình và có vài chục tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo thì mới có khả năng làm khó được Mỹ.
Theo Giáo Dục
Trung Quốc triển khai DF-41 buộc Mỹ ủng hộ Nhật phát triển vũ khí hạt nhân
Bước tiếp theo của ông Shinzo Abe là phát triển vũ khí hạt nhân, Mỹ rất có thể ủng hộ nhằm đối phó với mối đe dọa Trung Quốc.
Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 Trung Quốc
Tờ "Nam Hoa buổi sáng" Hồng Kông ngày 10 tháng 8 cho biết, Trung Quốc đã nghiên cứu chế tạo ra một loại tên lửa xuyên lục địa có thể tấn công bất cứ khu vực nào của Mỹ, điều này có nghĩa là Quân đội Trung Quốc đã đạt được một bước nhảy quan trọng về việc thông qua chiến lược "phi đối xứng" chống lại thực lực quân sự toàn cầu của Mỹ.
Theo bài báo, loại chiến lược này có nguồn gốc từ "Binh pháp Tôn Tử", đó là tránh kẻ địch mạnh, tìm cách tạo ra mối đe dọa, từ đó buộc kẻ thù đưa ra phản ứng trả giá đắt.
Dựa vào sự tính toán này, Trung Quốc dường như chuẩn bị trang bị tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-41. Các nhà phân tích cho rằng, điều này sẽ gây phản ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu, đồng thời làm thay đổi kế hoạch quân sự của Mỹ-Nhật.
Nhà quan sát quân sự Hoàng Đông ở Ma Cao cho rằng, sau khi chứng thực Quân đội Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu chế tạo tên lửa Đông Phong-41, Mỹ sẽ đẩy nhanh triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hoàng Đông cho rằng, sau khi Mỹ tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D, thậm chí mở rộng tầm bắn của loại tên lửa được coi là "sát thủ tàu sân bay" này.
Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D Trung Quốc
Học giả quân sự Đài Loan Đinh Thụ Phạm cho rằng, Trung Quốc nghiên cứu chế tạo tên lửa Đông Phong-41 sẽ thúc đẩy Lầu Năm Góc hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản, tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Đinh Thụ Phạm: "Quân đội Trung Quốc sắp trang bị tên lửa Đông Phong-41 sẽ thúc đẩy Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thúc đẩy hoạt động &'bình thường hóa' sức mạnh quân sự của Nhật Bản".
Ông nói: "Quả thực, sau khi dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, bước tiếp theo của ông Shinzo Abe có thể chính là nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, để ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy, Mỹ rất có thể sẽ ủng hộ Nhật Bản phát triển khả năng này".
Căn cứ vào một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu an ninh mới Mỹ ở Washington, đến nay, Lầu Năm Góc luôn đặt trung tâm chú ý vào mối đe dọa từ tên lửa Đông Phong-21D của Trung Quốc. Mỹ lo ngại, tên lửa Đông Phong-21D có thể tiêu diệt tàu sân bay, làm suy yếu ưu thế trên biển của Mỹ.
Nhà nghiên cứu lâu năm Bitzinger, Viện nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore cho rằng: "Nhiều đầu đạn độc lập luôn là thứ làm đau đầu hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ". Ông còn cho rằng, Mỹ rất có thể vì vậy mà đẩy nhanh phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của họ.
Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31A Trung Quốc
Gần đây, có trang mạng của Trung Quốc đã gián tiếp xác nhận, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 là có thực, gây ra sự chú ý cho dư luận.
Theo báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc do Lầu Năm Góc công bố vào tháng 6 năm 2014, Quân đội Trung Quốc đã trang bị tên lửa Đông Phong-31A, đang phát triển tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-41.
Theo báo Đài Loan, tên lửa Đông Phong-41 được dư luận Trung Quốc cho là không thua kém máy bay chiến đấu J-20 và tàu sân bay Liêu Ninh, là vũ khí chiến lược có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh quốc gia nước lớn.
Được biết, tên lửa Đông Phong-41 bắt đầu lập chương trình nghiên cứu từ năm 1984, lần đầu tiên bắn thử vào năm 2012, tầm bắn 12.000 - 14.000 km, có thể vươn tới toàn bộ nước Mỹ.
Theo một báo cáo tình báo Mỹ, dự kiến trong 15 năm tới, Trung Quốc sẽ có trên 100 đầu đạn phóng từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể tạo ra mối đe dọa cho Mỹ. Được biết, tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-41 có thể lắp 10 đầu đạn hạt nhân. Ngoài nhiều đầu đạn độc lập, Quân đội Trung Quốc có thể lắp thiết bị đột phá phòng không trên tên lửa, dùng để đột phá phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Theo tờ "Thế giới" Đức ngày 1 tháng 8, tên lửa Đông Phong-41 Trung Quốc có thể sánh ngang với tên lửa Minuteman Mỹ, tên lửa RS-24 và RS-24M của Nga. Để đối phó mối đe dọa, Mỹ đang chi mạnh xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa. Họ đã triển khai 30 quả tên lửa công nghệ cao ở Alaska.
Nhưng, bài báo cho rằng, đánh chặn tên lửa xuyên lục địa đang bay là một vấn đề có yêu cầu rất cao về công nghệ và rất phức tạp. Điều rất quan trọng đối với đánh chặn là, thông qua vệ tinh do thám và thiết bị radar nhanh chóng nhận biết thời gian phóng tên lửa và quỹ đạo bay của nó. Căn cứ vào quỹ đạo bay khác nhau, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ châu Á đến được nước Mỹ mất khoảng 20 - 25 phút.
Trong quá trình bay, nó có thể leo cao lên trên 1.000 km, còn cao gấp đôi trạm không gian quốc tế. Do đó, tên lửa đánh chặn càng sớm bắn trúng tên lửa tấn công thì càng có lợi cho bên phòng thủ.
Mặc dù hệ thống phòng thủ đánh chặn tên lửa tầm trung và tầm ngắn đã nhiều lần chứng minh độ tin cậy của nó, nhưng trong nhiều năm qua, nhiều nhà phê bình đã luôn giữ thái độ hoài nghi về tính năng của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 Trung Quốc
Theo Giáo Dục
Nga - Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác quân sự? Nga có thể dịch chuyển trọng tâm về phương Đông sau cuộc khủng hoảng tại bán đảo Crimea. Như vậy, việc Nga sẽ xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc là điều khó tránh khỏi. Nhận định trên do Trung tâm Thông tin Kanwa tại Canada đưa ra mới đây. Theo Kanwa, mối quan hệ giữa Nga, châu Âu...