Đến Tú Lệ, ‘giải mã’ bí mật nộm rau Xuyến Chi vừa ăn ngon vừa bổ gan
Là rau dại bên suối, cây Xuyến Chi hăng hăng lại trở nên ngon xuất sắc trong món nộm rau Xuyến Chi và còn có tác dụng mát gan.
Đĩa nộm rau Xuyến Chi trang trí với bánh phồng tôm.
Khi bếp trưởng Trịnh Văn Thùy chuẩn bị thực đơn đãi tiệc khách quý, anh đã gần như vui lịm tim. “Món tủ” của anh- nộm rau Xuyến Chi sức khỏe đã được “đề cử” ngay và luôn.
“Khi tôi mới về bếp của Le Champ Tú Lệ (Yên Bái), nhiều nhân viên trong bếp còn không chịu ăn món rau này. Phải bắt họ mới ăn và sau đó thì nghiện”, ông Thủy nhớ lại.
Điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì nhiều nhân viên bếp ở đây vốn là người miền biển. Họ ít biết về rau dại.
Rau Xuyến Chi được luộc 2 lần rồi ngâm đá để giữ màu xanh
“Thực ra, rau Xuyến Chi có ở nhiều nơi. Có chỗ còn gọi là rau đường tàu vì hay mọc dọc đường tàu. Rau này rất lạ, nó giúp thanh lọc cơ thể, bổ gan. Chỉ có điều, nó phải mọc ở chỗ trong sạch mới có tác dụng như vậy”, ông Thùy tâm sự.
Món ăn bài thuốc cây Xuyến Chi này ông Thùy học được từ một thầy thuốc đông y ở Yên Bái. Tuy nhiên, vị thầy thuốc đó thường dùng để xào nấu chứ không làm nộm như anh.
Anh Thùy cũng được người thầy thuốc này dặn dò nên hái lá cây vào buổi sáng. Chính vì thế, ở Le Champ, nhân viên của bếp thường cắt phiên nhau đi lấy loại rau này.
Xuyến Chi mọc tràn bên bờ suối, trong rừng đủ để trong tủ của bếp lúc nào cũng có rau tươi hái trong ngày. Anh Thùy nói: “Xuyến chi nhiều đến mức chúng ta đang dẫm chân lên cây thuốc”.
Nghe thì vậy, nhưng cách chế biến lại rất khó. Trước đây, nhiều người ở Yên Bái chỉ dùng rau Xuyến Chi cho thỏ ăn. Lý do nhiều người chẳng bao giờ nghĩ đến ăn Xuyến chi vì nó có mùi hăng hắc.
“Rau này mọc tự nhiên, khi luộc lên rồi vắt nó sẽ hết mùi dầu. Luộc đến lần 2 lần thì mùi tinh dầu rất hăng này không còn nữa. Sau đó, rau dùng làm nộm hoặc xào bò, xào tỏi đều rất ngon”, anh Thùy nói.
Thị trâu gác bếp rất hợp với rau Xuyến Chi
Món nộm Xuyến Chi mà anh Thùy làm có gốc giống nộm truyền thống ở miền Bắc. Tuy nhiên, ở giữa vùng Tây Bắc, anh có nhiều điều kiện để có món mới phong vị riêng.
Món này còn được “yểm trợ” bằng hàng loạt món khác rất đặc trưng vùng miền như cá gác bếp chấm tương ớt sốt chanh, xôi chim đặc sản Tú Lệ.
“Tôi kết hợp nộm cùng thịt trâu gác bếp. Trong thịt trâu đã có vị mắc khén rồi. Sốt chua ngọt cũng được pha giống vị Tây Bắc hơn, nghĩa là nhiều chua cay, ít ngọt hơn. Tôi gọi đó là nộm rau Xuyến chi sức khỏe. Món đặc biệt của Le Champ”, anh nói.
Món ăn có vị bùi, hương thơm thô mộc của của rau dại. Nó cũng có mùi khói của thịt trâu gác bếp xé tơi. Rau mùi, hành tây, cà rốt ngâm dấm khiến nền xanh đậm của rau Xuyến Chi được pha thêm những vệt màu mới. Lạc, vừng cho vị thơm của các loại hạt. Được trang trí với bánh phồng tôm, món ăn càng lộ rõ vẻ đa dạng văn hóa.
Tự hào, chia sẻ hết công thức làm nộm Xuyến Chi, anh Thùy không mảy may lo mất “độc quyền” với các nhà hàng khác ở Yên Bái. “Công thức chung là thế, nhưng mỗi đầu bếp đều có vị riêng của mình”, anh nói.
Theo Thanhnien
Video đang HOT
Chế biến gỏi bưởi theo những cách này rất hấp dẫn, ăn ngon, giảm béo mà không bị ngán
Bưởi rất dễ chế biến thành các món gỏi bưởi ngon, với những nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm, tốn ít thời gian và là món ăn giảm béo rất hấp dẫn, không bao giờ ngán...
Bưởi nào cũng có thể làm gỏi bưởi, hoặc nộm bưởi, nhưng bưởi Da xanh, loại 1,2 - 1,5kg chất lượng ổn định và ngon hơn các loại bưởi khác. Hoặc dùng bưởi Năm roi và gần đây có thêm loại bưởi Tàu vị chua dịu hơi ngọt làm gỏi/ nộm rất ngon miệng.
Bưởi Da xanh được nhiều người chọn làm gỏi/nôm bưởi. Ảnh minh họa.
Quả bưởi có nhiều lợi ích như giảm béo, hạ cholesterol... rất thích hợp với những người thừa cân, hoặc đổi món thanh mát, lạ miệng cho bữa ăn mà tốn ít thời gian.
Gỏi/ nộm bưởi làm đơn giản, thơm ngon, màu sắc hấp dẫn, ít béo và vị chua ngọt, cay, mặn, rất kích thích vị giác.
Làm gỏi/ nộm bưởi không khó, nhưng khâu gọt vỏ, bóc múi bưởi rất quan trọng, bởi nhiều múi bưởi sát vỏ, nếu dùng dao, kéo cắt lớp vỏ lụa sẽ làm tép bưởi bị vỡ, hoặc khi tách tép bưởi mạnh tay làm giập tép bưởi thì sẽ làm món gỏi/ nộm bị chảy nước, ăn không ngon.
Món gỏi/nộm bưởi trộn xong cần ăn ngay, kẻo để lâu thì sẽ bị đắng cũng mất ngon.
Sau đây là vài cách làm gỏi/nộm bưởi:
Thịt gà cần xé nhỏ trước khi trộn. Ảnh minh họa.
Gỏi bưởi gà
Nguyên liệu (cho 4 người ăn)
1/2 con gà ta
1/2 quả bưởi Da xanh
1 củ cà rốt
1 quả dưa leo
Nước mắm, chanh, đường, rau răm, tỏi, ớt, gừng, lạc rang, hành phi.
Cách làm
Sơ chế thịt gà, bóp muối (hoặc rượu gừng) để khử tanh rồi cho vào nồi luộc chín (tính từ lúc nước sôi tới chín khoảng 15-20 phút - nhớ cho thêm nhánh gừng đập giập.
Vớt thịt gà ra để nguội bớt, sờ thấy ấm thì xé nhỏ.
Trong lúc chờ thịt gà chín và nguội thì gọt và tách múi bưởi, tẽ tép bưởi nhỏ.
Dưa leo bỏ ruột cắt sợi. Cà rốt cũng nạo sợi.
Pha nước mắm - đường - tỏi - ớt chua ngọt (tuỳ khẩu vị).
Dọn mâm cơm xong hãy trộn đều tất cả thịt gà, dưa leo, cà rốt với nước mắm - đường - tỏi - ớt. Rắc rau răm ngắt nhỏ, đậu phộng rang (hoặc vừng rang), hành phi lên trên.
Món này ăn với bánh phồng tôm, hoặc bánh đa nướng đều rất ngon.
Món này người miền Nam và miền Trung hay ăn. Còn người miền Bắc hay thay dưa leo bằng đu đủ xanh nạo sợi (đu đủ nạo xong thì cho một chút muối vào trộn đều, vắt ráo rồi tráng lại bằng nước lọc trước khi trộn chung với các thứ khác). Họ dùng 1/4 quả bưởi, 1/4 quả đu đủ xanh, 4 đùi gà (hoặc thịt gà), rau răm, tỏi, ớt, 1 quả chanh, 1 thìa đường và làm gỏi/nộm thịt gà như trên.
Có thể ăn cùng bánh phồng tôm (nhà mình không ăn cùng bánh phồng tôm mà ăn với bánh đa nướng, vì bánh phồng tôm chiên với dầu sẽ làm béo).
Nôm bưởi ăn với bánh phồng tôm rất ngon. Ảnh minh họa.
Nộm bưởi
Nguyên liệu
1-2 quả dưa leo
1 củ cải trắng
3-4 múi bưởi lớn, nên chọn loại bưởi hơi chua.
1 khoanh bí xanh
1 nắm lạc rang, nước mắm ngon, vừng rang
Cách làm
Bí xanh, củ cải trắng nạo sợi, bóp qua với muối, dấm rồi vắt nước vài lần cho ráo.
Dưa leo thái sợi.
Bưởi bóc vỏ, tẽ tép nhỏ.
Lạc rang giã giập.
Trộn đều các nguyên liệu, rồi cho gia vị (ớt, nước mắm, súp mì tôm - tùy khẩu vị), rồi đổ ra đĩa ăn ngay.
Bưởi trộn tôm thịt. Ảnh: H.D
Bưởi trộn tôm thịt
Nguyên liệu
1 quả bưởi chua
150g thịt ba chỉ
200-300 g tôm
1 củ cà rốt nhỏ, vài quả sung, rau thơm, tỏi, nước mắm, đường, chanh, ớt tươi và chút tương ớt.
Nôm bưởi có thêm vị sung chát ăn rất ngon. Ảnh: H.D
Cách làm
Thịt ba chỉ luộc chín, để nguội, thái con chì. Tôm rửa sạch, hấp chín, lột vỏ (nếu thích ăn đầu tôm thì chỉ lột vỏ và giữ nguyên phần đầu).
Cà rốt nạo sợi. Quả sung thái lát. Bưởi bóc vỏ, bỏ hạt, múi tẽ lấy tép bưởi.
Tỏi, ớt băm nhuyễn. Rau thơm nhặt rửa sạch, thái rối.
Cho nước mắm, đường vào đun sôi cho tan hết đường rồi đổ ra bát. Cho thêm tương ớt (tạo độ sánh). Đổ tỏi, ớt băm nhuyễn, nước cốt chanh vào đánh đều, nêm vừa khẩu vị.
Rắc thêm lạc rang giã nhỏ cho vào món nộm bưởi rất thơm. Ảnh H. D
Trộn tép bưởi, thịt heo, tôm, cà rốt, dưa leo, rau thơm vào một tô, rồi rưới nước nộm rồi trộn đều, để 5 phút cho gia vị ngấm là ăn được. Nhớ rắc lạc rang thêm cho thơm (ai thích ăn vừng thì rắc vừng rang cũng thơm), hoặc dùng.hành phi rắc lên cũng rất thơm.
Bày bưởi ra đĩa, hoặc cho nôm vào vỏ bưởi để trang trí rất đẹp mắt, ngon miệng.
Món gỏi/ nôm bưởi có vị chua nhẹ, trộn với tôm, thịt, bên trên là ăn mãi không ngán, nổi vị chua, cay, mặn, ngọt hòa quyện rất hấp dẫn. Lưu ý là sau khi trộn gỏi/nộm bưởi xong cần ăn ngay để tránh bưởi bị chảy nước mà có vị đắng, mất ngon.
Theo Giadinh.net
Gợi ý 7 quán cơm gà ngon ở Hà Nội Cơm gà là món ăn được nhiều người yêu thích nhưng tìm được một địa chỉ ăn ngon quả là một điều không dễ. Dưới đây Ẩm thực 365 xin chia sẻ cùng độc giả 7 quán gà ngon ở Hà Nội. 1. Cơm gà Hội An - Coco Deli - Số 16 Phố Huế, Hai Bà Trưng (65k) 2. Xôi nấm gà...