Đến Trà My ăn cúng nếp mới
Trong thời gian này nếu ai có dịp đến với các nóc của đồng bào Mơ Nông thuộc xã Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) sẽ được người dân mời ăn cúng nếp mới.
Nếp mới ăn kèm với thịt heo rừng kho với sả, lá chanh hay cá niên chiên giòn thì ngon tuyệt vời – Ảnh: Hương Cát
Trước khi ăn tết lúa mới khoảng 10 ngày, người dân Mơ Nông tiến hành cúng nếp mới. Cúng nếp mới tuy diễn ra đơn lẻ từng gia đình, không rộn ràng bằng tết lúa mới nhưng đây cũng là một trong những nét phong tục của người Mơ Nông thuộc huyện miền núi Quảng Nam. Đốt nếp mới để cúng trời, đất, thiên nhiên, núi rừng, sông nước… và ăn mừng thu hoạch nếp đã xong.
Cũng giống như lúa mới, nếp mới đem về sau khi cúng rồi mới được dùng để nấu ăn. Ngâm nếp khoảng 4-5 giờ cho hạt nếp mềm rồi bỏ vào ống nứa dài 1-1,5m. Nứa chặt trên núi đem về phải là những ống nứa không quá già hoặc quá non, nếu già khi đốt nứa sẽ bị cháy, nứa non thì thân còn nhiều nước đốt khó chín. Sau khi bỏ nếp vào ống nứa, xé một ít lá chuối, lá ráy khô nút miệng ống lại đặt lên bếp lửa đang cháy nướng 30-45 phút tùy lửa cháy to, nhỏ.
Số lượng ống nếp mỗi nhà không giống nhau. Nhà nào thu hoạch được ít nếp thì làm 5-6 ống nếp, nhà nào nhiều thì lên đến 20-30 ống. Dù ít hay nhiều bắt buộc mỗi nhà đều có hai ống nếp ngắn khoảng nửa mét để cúng.
Video đang HOT
Trước khi ăn dùng dao hoặc rựa rọc qua lớp nứa bị cháy bên ngoài, chỉ để lại phần ruột nứa bọc nếp bên trong để khi ăn chỉ cần dùng tay bóc (giống như lột vỏ chuối) chấm nước mắm, muối vừng. Nếu ăn ngon phải ăn kèm với thịt heo rừng kho sả, lá chanh hay cá niên chiên giòn.
Ống nứa ngắn đã được bỏ nếp vào trước. Hai ống nếp này được dùng để cúng – Ảnh: Hương Cát
Mum (mẹ) Hồ Thị Dồn bỏ nếp vào ống nứa – Ảnh: Hương Cát
Nếu tình cờ đến nhà người dân Mơ Nông nào đang tiến hành quá trình bỏ nếp vào ống nứa, bạn phải ngồi đợi họ bỏ hết nếp vào các ống mới được đứng dậy ra về. Cụ Hồ Thị Dồn ở nóc Đèn Pin (thôn 3, xã Trà Leng) cho biết: “Nếu người lạ đang ở trong nhà lúc nếp chưa bỏ hết vào ống mà ra về thì khi nướng nếp sẽ rơi ra ngoài”. Khi được mời vào nhà ăn nếp mới, bạn nên ăn một ít để chia sẻ niềm vui mừng nếp mới của bà con, như vậy họ sẽ vui cái bụng.
Quá trình bỏ nếp vào ống, nướng nếp và cúng đều do người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình thực hiện. Nếu nhà không có phụ nữ thì công việc này do người đàn ông già nhất làm. Khác với tục tết lúa mới, cúng nếp mới không có rượu, thịt gà, thịt heo.
Sau ngày đốt nếp mới hai hôm, người nhà sẽ đem một ít nếp (chưa giã), một ít hạt bắp, một ít hạt bí (thường mỗi thứ một quả)… ra rẫy cũ để gieo cho con ma, con heo, trâu bò, chim chóc… hưởng. Theo quan niệm của người Mơ Nông, đây là cách họ trả ơn những thần linh đã cho họ có cái để ăn.
Theo tuổi trẻ
Chè hạt kê hương vị quê hương
Tết Đoan ngọ lại về. Thấp thoáng trong vườn nhà ai mấy cái nong, cái nia phơi mớ lá chuối, bó lạt để gói bánh. Cả mùi thơm hũ rượu nếp mới, của nồi ú tro, nồi chè hạt kê từ chái bếp nhà ai thoảng bay ra...
Năm nào cũng vậy, đến cữ cuối tháng tư âm lịch người dân quê lại bước vào thời điểm thu hoạch kê. Nhà nông gặt hái được nhiều hạt kê nên tết Đoan ngọ không thể nào thiếu món chè kê trong mâm cơm dâng cúng ông bà. Không biết từ bao giờ, chè kê đã trở thành một nét ẩm thực đặc trưng của người Quảng Nam. Và ai dù có đi đâu xa, mỗi khi đến ngày này cũng cố tìm mua một ít hạt kê về nấu chè để thưởng thức cho vơi đi nỗi nhớ nhà.
Hồi nhỏ, tôi mê chè hạt kê má nấu lắm, vừa ngon, vừa ngọt, ăn mát. Tuy chè kê quen thuộc nhưng không phải dễ làm. Nếu người nấu không khéo, sơ ý khuấy già tay một chút, chè sẽ mất đi hương dịu dàng của hạt kê và vị ngọt lịm của đường.
Từ đêm hôm trước, má phải dùng cối xay thóc chỉ xay để vừa tróc được lớp vỏ ra khỏi hạt kê mà vẫn giữ nguyên lớp cám mỏng trên từng hạt kê tròn mẩy. Sau đó chong đèn lựa bỏ hạt lép, chọn lấy những hạt có sắc vàng đậm - loại này vừa ngon, đậm đà và dày cơm hơn. Sáng hôm sau, má xả nước, vo kê thật kỹ. Hạt kê nhỏ li ti rất dễ lẫn cát nên phải dùng cái rá chuyên vo gạo để vo kê, rồi bỏ vào trong cái thau ngâm chừng nửa giờ đồng hồ. Chị em tôi được má phân công nhóm củi bắc nồi nước sao cho sôi sùng sục. Má vốc từng vốc kê bỏ vào nồi nước đang sôi, canh chừng nồi kê vừa chớm sôi lại thì hạ lửa tối đa. Khi kê kêu sền sệt bắt đầu khuấy đều.
Thăm chừng thấy hột kê nở ra và mềm, má thử bằng cách múc vài hột, thổi nguội rồi cho vào giữa hai đầu ngón tay vo nhẹ, thấy nát mịn là cho đường vào. Kê chín, má giã ít gừng, vắt nước cho bớt cay, rồi cho vào nồi chè thơm phức. Mùi đường, mùi gừng, mùi kê cứ theo gió thoang thoảng khắp nhà. Má múc chè ra chén, cứ hai vá lớn một chén. Rồi vội vã nướng vài chiếc bánh tráng mè. Hồi đó, không dễ gì được ăn chè nhiều như bây giờ. Đến ngày tết Đoan ngọ, tụi con nít chúng tôi mới có dịp bẻ bánh tráng múc chè kê, ăn tha hồ.
Trải qua nhiều biến đổi, song tết Đoan ngọ vẫn tồn tại trong lòng mỗi người xứ Quảng quê tôi như một phong tục đẹp. Những hạt nếp trắng toát, những bó lạt, xấp lá xếp ngay ngắn, cả những thau hạt kê phơi màu vàng ươm dưới nắng, nhỏ nhỏ như trứng cá... Tất cả đang chờ tay người chế biến, cho vào nồi nấu để đón một cái tết đầm ấm, thiêng liêng.
Theo VNE