Đến thế giới của những vịnh hẹp
Được ví như phần đầu của bán đảo Scandinavia mang hình con cọp, xưa nay Na Uy nổi tiếng thế giới là đất nước có hàng ngàn vịnh hẹp lớn nhỏ khác nhau, được xem là nơi lý tưởng nhất thế giới để khám phá vẻ đẹp tuyệt vời của những kỳ quan thiên nhiên có từ thời kỷ băng hà.
Là quốc gia lớn thứ 61 trên thế giới tính theo diện tích nhưng dân số Na Uy chỉ có hơn 5 triệu người. Nhiều vùng đất tại đây chưa bị tác động nặng nề của con người nên còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Sau khi tham khảo chương trình tour “Norway in a Nutshell” phổ biến ở Na Uy, chúng tôi quyết định làm một chuyến “ du lịch bụi” để tránh không bị “lủng túi” ở nơi mà mức sống của người dân rất cao, nghĩa là mọi chi phí đều khá đắt so với các nước Anh, Pháp.
Phố núi.
Bergen – cố đô thanh bình
Từng là thủ đô của Na Uy trong suốt thế kỷ XIII, sở hữu cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ và nền văn hóa đặc trưng, Bergen là thành phố lớn thứ hai (chỉ sau Oslo), nằm ở bờ biển phía tây, là bến cảng thường xuyên có các loại tàu cá, tàu du lịch, đồng thời cũng là cổng vào các vịnh hẹp nổi tiếng nhất Na Uy.
Được bao quanh bởi bảy ngọn núi, cao nhất là Floyen mountain, Bergen còn được biết đến là thành phố có lượng mưa lớn nhất châu Âu. Phố cổ Bergen rất lãng mạn với những con đường dốc và nhỏ, lại rất yên tĩnh. Những căn nhà dọc theo sườn núi thì đẹp đúng kiểu Scandinavia với màu sắc tươi tắn bắt mắt.
Làng nhỏ giữa núi và sông.
Tại Bergen có khu bến cảng Bryggen đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1979. Vẫn còn đó những ngôi nhà mái nhọn đặc trưng đủ màu sắc từ thời xa xưa, hồi thế kỷ XII đến XVII. Các dãy nhà được xây dựng đối diện với bến cảng, mặt tiền đều hướng ra bến, còn phía sau có sân riêng.
Nghe nói thời gian đầu, các ngôi nhà này được dựng bằng gỗ, về sau đã được mở rộng và xây bằng đá để bảo quản hàng hóa vì Bergen đã chịu nhiều trận hỏa hoạn, phần lớn các công trình gỗ đều bị hủy hoại nặng nề. Khu Bryggen cũng chịu chung số phận, đến năm 1702 chỉ còn lại khoảng một phần tư số nhà và kho sau các trận hỏa hoạn.
Phần lớn những ngôi nhà hiện nay đều được xây đầu thế kỷ XX theo thiết kế của kiến trúc sư Jens Zetlitz Monrad Kielland. Duy có vài tầng hầm xây bằng đá từ thế kỷ thứ XV thì vẫn được giữ lại.
Những ngôi nhà màu sắc tươi tắn ở cảng Bryggen.
Đến năm 1955, một phần khu Bryggen lại lần nữa bị thiêu hủy. Hiện nay, phần đất này được dùng để xây bảo tàng và khu mua sắm, ăn uống phục vụ khách du lịch. Thành phố có nhiều tòa nhà cổ như nhà thờ Saint Mary (được xây từ thế kỷ XII), pháo đài Bergenhus, tòa nhà Hkonl, Đại học Bergen, nhạc viện…
Thiên nhiên như tranh vẽ.
Ngay cạnh bến cảng là chợ cá Fisketorget, hằng ngày hoạt động náo nhiệt từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Ra đời từ khoảng năm 1200, đây là một trong những chợ ngoài trời nổi tiếng nhất Na Uy.
Lúc đầu, chúng tôi hơi bị bối rối vì có tới hai chợ cá, một trong nhà, một ngoài trời. Do có thời gian nên chúng tôi rẽ thăm cả hai chợ. Kể ra cũng hay vì chỉ ở chợ trong nhà, nếu muốn, du khách có thể thưởng thức những loại hải sản tươi sống và thưởng thức màn trình diễn của những nhạc công đường phố.
Đi dọc chợ cá, chúng tôi được mời thử nhiều món khác nhau, từ cá hồi hun khói cho đến thịt cá voi. Chúng tôi quyết định chờ đợi món cá nướng trong cái gió se lạnh của Bắc Âu để xem có gì khác biệt giữa cá nướng Na Uy và cá nướng Việt Nam. Sự khác biệt khá rõ ràng vì cá ở đây là cá biển, còn phụ gia thì hoàn toàn khác biệt, rất mới lạ…
Video đang HOT
Chợ cá Fisketorget với nhiều loại hải sản nước lạnh.
Để ngắm Bergen từ trên cao, nhiều người bắt chuyến xe điện Flibanen lên núi Flyen – một trong bảy ngọn núi cao nhất Bergen.
Mất khoảng chục phút để lên đến đỉnh Flyen cao 320 mét so với mực nước biển. Thật thú vị khi phóng tầm mắt nhìn xuống toàn cảnh thành phố Bergen thanh bình phía dưới. Có cảm giác như một vương quốc cổ tích trong truyện cổ Andersen hiện ra, mà ấn tượng nhất là những mái nhà nhỏ xíu trong nắng chiều vàng rực.
Hồ Liillelungvannet tĩnh lặng.
Bergen yên bình nhìn từ đỉnh Flyen.
Sau khi đã no mắt với toàn cảnh Bergen, thay vì trở xuống chân núi bằng xe điện, đi bộ xuyên rừng là cách chọn lựa của nhiều du khách vào ngày cuối tuần này. Trong cảnh rừng chiều lãng mạn, khi nắng vàng còn vương rực rỡ trên những tán thông già cổ thụ, thỉnh thoảng lại hiện ra những trái dâu dại nhỏ xíu hai bên lối đi. Tha hồ hít thở không khí trong lành, chúng tôi còn khoan khoái tận hưởng hương vị ngọt ngào của dâu rừng phương Bắc.
Sau chuyến đi bộ đường rừng thú vị, cả nhóm quyết định rẽ vào một nhà hàng trên bến cảng. Phía ngoài cầu cảng, những con hải âu quang quác gọi nhau. Thực khách ngồi kín các hàng quán bên đường để thưởng thức bia lạnh, ngắm hoàng hôn dần khuất sau mặt biển loang loáng ánh vàng.
Trong khu phố cổ.
Ngày không mưa ở Bergen.
Gặp nàng Huldra trên cung đường sắt đẹp nhất thế giới
Đường xe lửa Na Uy được cho là thuộc loại đẹp nhất thế giới nên du khách được khuyến khích trải nghiệm. Đã hoạt động hơn một thế kỷ nhưng đường sắt vẫn tốt, còn tàu thì được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại nhất, tạo cho du khách cảm giác rất thoải mái. Đường sắt chạy qua núi đồi, bình nguyên, sông nước, cho phép du khách tha hồ ngắm nhiều khung cảnh thanh bình khác nhau.
Sau khoảng hơn ba giờ ngồi tàu, chúng tôi đến Flm. Địa hình nơi này bao gồm những vách núi cao gần cả ngàn mét, dựng đứng như những bức tường đá vững chãi. Phía dưới chân núi là những vịnh hẹp – kết quả của những biến đổi địa chất từ kỷ băng hà. Khi lớp trầm tích băng dày khổng lồ tan ra và trượt đi với tốc độ rất nhanh, các khe hở giữa các sườn núi được hình thành và sau đó bị nước biển lấp đầy, trở thành những vịnh hẹp ăn sâu vào đất liền mà người Na Uy gọi là fjord.
Một trạm xe lửa nhỏ.
Từ trạm Flm, chúng tôi bắt đầu hành trình trên tuyến xe lửa dài khoảng 20 cây số trong vòng khoảng một giờ đồng hồ. Tàu đi từ độ cao 59 mét so với mực nước biển để đến trạm Myrdal nằm ở độ cao 867 mét. Sự chênh lệch về độ cao như vậy khiến cảnh vật thay đổi rõ rệt.
Nếu ở Flm, cây cối và cảnh vật bên đường đã nhú mầm xanh tốt thì tại Myrdal, tuyết trắng vẫn còn phủ dày hai bên sườn núi. Một màu trắng lóa mắt dọc hai bên đường. Lẩn khuất trong những cánh rừng thưa là các khu trượt tuyết, những ngôi nhà gỗ để nghỉ dưỡng mùa hè.
Tuyết trắng phủ dày hai bên sườn núi ở Myrdal.
Ở trạm Kjosfossen, tàu dừng lại khoảng năm phút để tạo điều kiện cho du khách ra ngoài tham quan và chụp ảnh. Trong vòng năm phút ngắn ngủi ấy, văng vẳng trong tiếng ầm ầm của thác nước, chúng tôi phát hiện ra tiếng hát du dương từ đâu cất lên. Thế rồi đột nhiên, giữa lưng chừng thác hiện lên một mỹ nữ trong chiếc áo màu đỏ, vừa ca hát, vừa nhảy múa.
Theo truyền thuyết Bắc Âu, có một phụ nữ sống trong rừng tên là Huldra. Nàng rất xinh đẹp nhưng lại có một chiếc đuôi bò xấu xí ở phía sau nên chẳng có đấng mày râu nào dám đến gần. Nàng dùng nhan sắc và giọng hát ngọt ngào của mình để quyến rũ những tay thợ săn đơn độc trong rừng thẳm và bắt về làm chồng. Chẳng biết trong những lần xe lửa dừng lại ở Kjosfossen, nàng Huldra áo đỏ ấy có quyến rũ được chàng du khách ngơ ngác nào không.
Nàng Huldra áo đỏ múa hát ở thác Kjosfossen.
Từ Myrdal, du khách có thể nối chuyến để quay về Bergen hoặc đi đến Oslo. Sốc nhiệt độ và áp suất không khí khiến một vài du khách bị choáng nhẹ ngay khi mới bước ra khỏi toa tàu. Tuy nhiên chỉ mất đôi ba phút hít thở không khí trong lành là mọi sự ổn cả. Chúng tôi lại tranh thủ cơ hội chụp thêm vài tấm hình lưu niệm rồi quay về lại Flm.
Trong đoạn cuối của hành trình, chúng tôi chọn thuê thuyền nhỏ 12 chỗ ngồi để tham quan Naeroyfjord – một nhánh nhỏ của Sognefjord với những vách núi cao 1.400 mét, nơi cũng đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Sau đó chúng tôi trở về Bergen bằng cruise để được đi qua vịnh hẹp Sognefjord dài tới 204 cây số, vừa lớn nhất, vừa sâu nhất thế giới. Bác tài kiêm hướng dẫn viên thỉnh thoảng lại thông báo điểm nổi bật để du khách biết mà chụp ảnh. Ai cũng lăm lăm máy ảnh trong tay sẵn sàng như thợ chuyên nghiệp.
Du khách chèo kayak khám phá Naeroyfjord.
Mùa này, trời Bắc Âu trong văn vắt, còn mặt nước thì phẳng như gương, in bóng núi và mây trôi lững lờ. Thuyền đi qua nhiều thị trấn xinh đẹp với những ngôi nhà đủ màu sắc, bao quanh bởi màu xanh tươi mát của núi rừng. Cảnh vật thơ mộng khiến gần như toàn bộ hành khách trên tàu đều lặng yên ngắm nhìn, cứ như sợ rằng một tiếng thở mạnh thôi cũng có thể làm nhòe đi khung cảnh tuyệt vời trước mắt…
Hoàng Mai
Theo nguoidothi.net.vn
Du lịch Hàn Quốc đầu đông, đừng quên đi trượt tuyết
Du lịch Hàn Quốc, những dịch vụ trang bị "tận chân răng" sẽ giúp bạn trải nghiệm một hành trình trượt tuyết hấp dẫn và đáng nhớ.
Mùa đông ở Hàn Quốc bắt đầu từ khoảng đầu tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Những sườn núi mênh mông tuyết phủ, các khu nghỉ dưỡng mái nhà trắng xóa là "đặc sản" làm say lòng bất cứ ai.
Bên cạnh tắm khoáng nóng thì hoạt động trượt tuyết cũng đặc biệt được du khách yêu thích khi đến Hàn Quốc vào mùa đông. Ở thời điểm đầu mùa như hiện tại, Pyeongchang ở tỉnh Gangwon là nơi thuận tiện nhất để ngắm tuyết rơi. Đây cũng chính là địa điểm tổ chức Thế vận hội Olympic mùa đông năm 2018.
Các khu trượt tuyết nổi tiếng ở Pyeongchang như Alpensia, Phoenix, Oak Valley, Vivaldi đều có khung cảnh tuyệt đẹp và tiện nghi, thu hút đông khách vào cuối tuần. Gần Seoul hơn cũng có nhiều khu trượt tuy nhiên tuyết chưa dày và đẹp bằng.
Tại các khu trượt tuyết đều cung cấp đầy đủ quần áo, dụng cụ chuyên dụng với giá từ 20.000 won (khoảng 400.000 đồng) cho trẻ em và 25.000 won với người lớn.
Có rất nhiều loại hình để du khách lựa chọn. Các gia đình có trẻ em và người mới làm quen có thể trải nghiệm sledding, ngồi trên một chiếc ván thuyền và lướt như bay xuống sườn tuyết dốc, rất dễ dàng nhưng vô cùng thú vị.
Tất nhiên ai cũng muốn thử trượt tuyết "như trong phim". Du khách phải trang bị găng tay, kính bảo hộ, đặc biệt là phải có giày, ván và gậy trượt chuyên dụng.
Các dốc trượt được thiết kế với độ dốc và khoảng cách đa dạng, phù hợp với mọi đối tượng từ chưa biết gì đến chuyên nghiệp. Người mới có thể đăng ký lớp hướng dẫn trong khoảng 2 giờ, làm quen đường trượt trong khu vực cơ bản có độ dốc thoai thoải.
Ngoài skiing là cách trượt với gậy và 2 ván, các bạn trẻ còn rất thích trượt skating hoặc snowboarding với ván cỡ lớn, nhiều thử thách thú vị hơn.
Để có thể tự tin lướt đi giữa khung cảnh tuyết trắng, thỏa sức nghe gió lướt qua tai thì bạn cần thời gian để làm quen và tập trung cao độ.
Sân tập luôn ồn ã tiếng cười bởi phần lớn mọi người đều ngã nhào, rất vất vả để đứng vững và di chuyển trên tuyết.
Những người có kinh nghiệm có thể đi cáp treo lên đỉnh dốc, chinh phục các đường trượt trung cấp, cao cấp với nhiều khúc cua ngoằn ngoèo, ngắm cảnh núi non kỳ vĩ từ trên cao.
Một trong những đường trượt cao ngất nhưng tuyệt đẹp tại Pyeongchang có thể khiến người nghiệp dư "tim đập chân run".
Chứng kiến màn trình diễn như VĐV chuyên nghiệp của những người chơi khác cũng rất hấp dẫn.
Hầu hết các khu trượt tuyết đều mở cửa rất muộn hoặc xuyên đêm, mang đến khung cảnh lung linh phản chiếu làn tuyết trắng lãng mạn khó quên.
CTV Viễn Du/VOV.VN
Theo vov.vn
Phố Hàng Mã lung linh mùa Giáng Sinh Phố Hàng Mã (Hà Nội) lung linh sắc màu đỏ của đồ trang trí, cây thông phủ tuyết và cả những ông già Noel đi lại tấp nập. Phố Hàng Mã nổi tiếng với những cửa hàng bán đồ trang trí nên mỗi dịp lễ hội, con phố này như được "lột xác". Đặc biệt là khoảng thời gian Trung Thu, Giáng Sinh,...