Đến thăm người bệnh phải rửa tay
Hạn chế tình trạng lây chéo, nhiễm khuẩn trong bệnh viện, Bộ Y tế ra thông tư 18, hiệu lực từ đầu tháng 12, yêu cầu nhân viên y tế, người bệnh, người nhà đến thăm đều phải rửa tay.
Bộ đã tổ chức hội nghị hướng dẫn thực hiện thông tư này cho các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Trong đó yêu cầu các bệnh viện phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về chống nhiễm khuẩn. Đồng thời, cung cấp đầy đủ trang thiết bị cho khoa kiểm soát nhiễm khuẩn. Các bệnh viện, khoa, phòng cần được xây dựng hoặc cải tạo đạt chuẩn về kiểm soát nhiễm khuẩn.
Tại TP HCM, chương trình tập huấn để triển khai thông tư này được thực hiện trong tuần qua. Việc thiết kế thêm các bồn rửa, dán thêm các khuyến cáo rửa tay và hướng dẫn cách rửa đã được Sở Y tế TP HCM thực hiện.
Thói quen nhỏ dễ bị mọi người bỏ qua. Ảnh: Thiên Chương.
Thông tư 18 ra đời trong bối cảnh tình trạng nhiễm khuẩn trong bệnh viện vẫn chiếm tỷ lệ cao, mà nguyên nhân lớn là do tay bẩn của người ngoài mang vào, hoặc lây chéo giữa người bệnh và nhân viên y tế.
Một nghiên cứu được thực hiện vào 2006-2007 tại 62 bệnh viện ở miền Bắc thì tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại tuyến tỉnh, thành phố là cao nhất 8,3%, sau đó là tuyến quận, huyện là 6,4%. Tại tuyến trung ương, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cũng ở mức 5,4%. Tại miền Nam theo số liệu thống kê năm 2004, thì con số này là 5,7%.
“Các nguyên cứu về cơ chế nhiễm khuẩn đã chứng minh rằng, bàn tay là phương tiện gây bệnh nguy hiểm nhất. Người chưa mắc thì nhiễm bệnh khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân và ngược lại, người bệnh có thể bệnh nặng hơn do vi trùng mà người thăm mang vào”, thạc sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, cho biết.
Tay bẩn được các bác sĩ xác định là “phương tiện truyền bệnh nguy hiểm”. Tuy nhiên do không có thói quen rửa, nhiều người bệnh, người thăm – nuôi bệnh đã phớt lờ các bồn rửa, mà theo bác sĩ Mẫn, chủ yếu là do họ chưa hiểu rõ khả năng lây bệnh từ “phương tiện” này.
Khảo sát của VnExpress.net tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TP HCM – nơi tập trung nhiều nhất bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, các bồn rửa sạch sẽ sang trọng được thiết kế trước khu vực thay đồ của các khoa Nhiễm, khoa Hồi sức cấp cứu chống độc gần như luôn khô ráo bởi không ai có thói quen rửa tay, kể cả lúc vào thăm lẫn lúc đi ra.
Video đang HOT
“Ý thức rửa tay của người bệnh tuy chưa cao nhưng họ luôn được các điều dưỡng hướng dẫn. Riêng những người đến thăm hoặc nuôi bệnh, việc chủ động rửa tay gần như không có. Cứ 10 người thăm bệnh ra, nếu tay không dính bẩn thì chưa đến một người chịu rửa tay”, một cán bộ điều dưỡng tại khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, nói.
Tại bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, An Bình, Bệnh viện Nhi Đồng 1, tình hình cũng diễn ra tương tự. Người thăm bệnh không quan quan tâm đến việc rửa tay, mặc kệ các hướng dẫn rửa tay để chống nhiễm khuẩn được dán ở các bảng tin và trên các bồn rửa.
Khi được hỏi “tại sao không rửa tay”, một phụ huynh có con bị mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng tay mình vẫn sạch nên không cần rửa. Một người khác nuôi người thân bị tiêu chảy tại Bệnh viện An Bình thì cho rằng, “không nghe bác sĩ nhắc nên không biết”.
Bồn rửa tay sang trọng đặt trên hành lang khu nhiễm của Bệnh viện Nhiệt Đới ít được người dùng. Ngược lại, xà phòng được trang bị nơi đây thường “không cánh mà bay”. Ảnh: Thiên Chương.
Nhận định về ý thức trong chuyện rửa tay, Tiến sĩ Lê Thị Anh Thư, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Chủ tịch hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP HCM, cho rằng, đây là việc làm thuộc về ý thức. Hành vi này, theo bà Thư phải được giáo dục từ nhỏ ở gia đình và phải được đưa vào học trong nhà trường.
Còn theo Tiến sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, rửa tay không chỉ là chuyện của người thăm nuôi bệnh mà nhân viên y tế cần phải thực hiện nghiêm túc để làm gương.
Tuy nhiên căn cứ vào thực tế “có bồn rửa cũng không ai thèm quan tâm” tại các bệnh viện, các bác sĩ cho rằng, ý thức tự giác của người bệnh và thân nhân vẫn là quan trọng nhất.
Theo VNE
Chế độ ăn hợp lý cho người bệnh ngày Tết
Trong ngày Tết, người bị thừa cân, cholesterol máu cao nên hạn chế thực phẩm nhiều giàu mỡ, đường, các món chiên, xào... Ăn bánh chưng nên cho nhân thịt nạc, không ăn mỡ.
Thức ăn ngày Tết thường giàu năng lượng, nhiều chất béo no, nhiều đường ngọt, rượu bia, nước ngọt đóng chai nhưng lại ít rau và trái cây. Nguồn năng lượng từ bia và nước ngọt sẽ nhiều hơn so với nhu cầu, gây tăng dự trữ mỡ - đây là nguồn cung cấp năng lượng rỗng, không dùng cho cơ thể hoạt động mà sẽ được chuyển hóa thành dạng mỡ dự trữ.
Người khỏe mạnh, chế độ ăn cân đối, hợp lý rất quan trọng và cần thiết, còn đối với người bệnh lại càng quan trọng hơn. Dinh dưỡng cho người bệnh chính là ăn để điều trị.
Ảnh minh họa: Ecardica.
Dưới đây là một số lời khuyên dinh dưỡng cho một số bệnh mãn tính:
1. Bệnh đái tháo đường
- Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều đường (bánh, kẹo, mứt, nước ngọt), trái cây ngọt.
- Nên sử dụng những thực phẩm ít đường, hoặc được chế biến từ nguyên liệu có chỉ số đường huyết thấp (như bún, gạo lứt...). Bên cạnh đó, nên ăn nhiều rau, củ để tăng lượng chất xơ trong khẩu phần; có chế độ vận động hợp lý, phù hợp với tình trạng sức khoẻ, để tiêu hao bớt năng lượng ăn vào.
2. Bệnh tim mạch, cao huyết áp
Nhằm tránh cho tim phải làm việc nhiều người bệnh cần lưu ý:
- Ăn chế độ ít muối, ít cholesterol, ít dầu mỡ nhưng giàu kali (trái cây), chất xơ (rau củ).
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm công nghiệp như: thịt hộp, cá hộp; thực phẩm nhiều muối: dưa, củ cải muối, mì, phở, cháo ăn liền, tương, giò chả hoặc các loại thịt mỡ, da, phủ tạng động vật (như gan, óc...) vì làm tăng cholesterol trong máu.
3. Người thừa cân, cholesterol cao trong máu
- Hạn chế thực phẩm nhiều năng lượng, nhiều dầu mỡ, cholesterol và đường như: các món ăn dạng chiên, quay, xào... Khi ăn bánh chưng nên cho nhân thịt nạc, không ăn mỡ.
- Tăng cường ăn cá, đậu phụ thay thịt gia cầm. Hạn chế ăn phủ tạng động vật như lòng, tim, gan, cật (do chứa nhiều cholesterol)... Nên dùng các thực phẩm có nhiều chất xơ (rau củ) giúp giảm cholesterol, tạo cảm giác no nhanh và kéo dài giúp kiểm soát lượng thực phẩm ăn vào.
4. Người bị bệnh gút
Tránh các loại thức uống chứa chất cồn như rượu, bia... hạn chế ăn nội tạng động vật (óc, gan, bầu dục), hải sản (trừ cá), thịt, nấm, măng tây... vì dễ làm dư thừa axcid uric.
5. Người mắc bệnh gan mật
Nên tránh uống rượu nhất là rượu mạnh, hút thuốc lá và ăn uống quá nhiều chất mỡ rất có hại cho gan
Trong những ngày Tết chúng ta cần duy trì chế độ sinh hoạt như bình thường, ăn uống điều độ, hợp lý, tránh bỏ bữa. Những người mắc bệnh cần dùng thuốc thì uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ tránh tình trạng bỏ hoặc quên thuốc làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.
Theo VNE
Ở sạch, ăn kỹ để tránh nhiễm giun Lặng lẽ... gây bệnh, ký sinh trùng là nguyên nhân của nhiều tình huống rắc rối về sức khỏe. Các triệu chứng bệnh lý gan, mật; các biểu hiện của bệnh lý về thần kinh, tình trạng thiếu máu, thiếu vi chất do ký sinh trùng là phổ biến. Rửa tay sạch sẽ là một cách ngăn ngừa ký sinh trùng gây hại...