Đen sì mặt vì dùng thuốc tránh thai ngừa mụn
Dùng thuốc tránh thai nhưng không vì mục đích tránh thai, nhiều người đã khổ sở khi điều trị hậu quả từ việc lạm dụng thuốc này làm đẹp hoặc trì hoãn kỳ nguyệt san.
Hết mụn trứng cá nhưng má đen sì
Ngày con gái, chị Thanh (Hải Phòng) không bao giờ có mụn trên mặt cho dù có đến kỳ kinh nguyệt. Thế nhưng sau khi sinh cô con gái đầu lòng, da mặt chị bắt đầu lấm tấm mụn. Ban đầu, mụn chỉ bằng đầu tăm, sau đó càng ngày mụn đỏ mọc càng nhiều và rất to.
Nghĩ hooc môn sau sinh thay đổi, có thể sẽ chỉ bị vài tháng đầu nhưng 2 năm sau, da mặt chị vẫn vậy, mụn ngày càng nhiều và to, lỗ chân lông không còn nhỏ như trước. Cai sữa cho con xong, chị Thanh quyết tâm tìm cách trị mụn. Nghe mọi người nói, dùng thuốc tránh thai sẽ hết mụn, da lại căng mọng, hồng hào chị quyết định dùng vì thêm lý do muốn tránh thai.
Thời gian đầu sau khi dùng thuốc tránh thai, tuy có lên cân chút ít nhưng chị Thanh rất hài lòng vì làn da căng mọng của cơ thể. Đặc biệt, da mặt chị cải thiện đáng kể: mụn trứng cá gần như khỏi hoàn toàn, da mặt tươi sáng, căng mọng hồng hào.
Được bạn bè hỏi bí quyết chị không ngần ngại chia sẻ v tự nhủ sẽ dùng thuốc tránh thai lâu dài để làm đẹp. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm dùng thuốc, da mặt chị tự nhiên sạm dần ở 2 gò má, sau lan xuống gần hết vùng má dưới.
Video đang HOT
Chị Thanh đánh liều đổi loại thuốc tránh thai mới vì nghĩ cơ thể đã “nhờn” thuốc. Không những không cải thiện được làn da sạm đen, mụn trứng cá lại mọc lên đầy mặt, chị Thanh hốt hoảng đi cầu cứu các bác sĩ.
Việc lạm dụng thuốc tránh thai hàng ngày có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Ảnh minh họa
Tại phòng khám da liễu, chị Thanh được các bác sĩ cho biết, chị đã bị tác dụng phụ của thuốc làm cho da mặt nám đen. Các bác sĩ thừa nhận, đúng là một số loại thuốc tránh thai có thể điều chỉnh hooc môn trong cơ thể, làm giảm dầu bã nhờn trên tuyến da-nguyên nhân gây ra mụn. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc tránh thai như chị Thanh rất nguy hiểm khi không có chỉ định của các bác sĩ trong việc điều trị mụn.
Không đồng tình với phương pháp làm đẹp “liều” như chị Thanh, BS Lê Thị Kim Dung-Khoa Sản phụ, Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội cho biết, thuốc tránh thai được tạo ra với mục đích duy nhất là ngừa thai. Việc lạm dụng thuốc tránh thai vì các mục đích khác mà không có hướng dẫn của các bác sĩ có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
“Thuốc tránh thai có rất nhiều tác dụng phụ với người không hợp với các thành phần thuốc. Nó có thể gây rối loạn kinh nguyệt; nám da, sạm da, buồn nôn, căng ngực, rong huyết… thậm chí còn có nguy cơ mắc các bệnh về gan, thận, ung thư… nên không phải ai dùng cũng được”, vị này khuyến cáo.
Theo BS Kim Dung, để có làn da sạch mụn, không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào theo kiểu “truyền miệng” vì nó có thể hợp với người này nhưng không hợp với người kia. Thay vào đó, nên đi soi, khám da bởi các bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị phù hợp và an toàn.
Rong huyết vì trì hoãn “đèn đỏ” bằng thuốc tránh thai
Mấy tháng trước, công ty chị Hà có tổ chức cho nhân viên đi du lịch Vũng Tàu. Thay vì háo hức, chị Hà rất lo lắng vì ngày “đèn đỏ” rơi trúng ngày vui đó. Không muốn bị khó chịu, bất tiện và đi biển phải ngồi trên bờ, chị đã lùng sục đủ mọi phương pháp để trì hoãn kỳ nguyệt san tháng đó.
Được bạn bè mách nước, dùng thuốc tránh thai hàng ngày, liên tục, dài ngày trước kỳ kinh nguyệt khoảng nửa tháng, có thể trì hoãn ngày kinh an toàn, chị Hà đã không ngần ngại thử. Để cho chắc chắn, mỗi ngày chị uống 2 viên thuốc.
Quả nhiên, kỳ nguyệt san tháng đó, chị không thấy có dấu hiệu của “đèn đỏ”. Hà thoải mái đi tắm biển mà không lo lắng bởi chị vẫn uống duy trì thuốc tránh thai thêm 5 ngày đi chơi. Sau khi dừng thuốc tránh thai 3 ngày, chị bắt đầu thấy có kinh nguyệt trở lại.
Thấy hiệu quả lại quá đơn giản, tháng tiếp theo, chị Hà lại tiếp tục sử dụng phương pháp này để trì hoãn “đèn đỏ”, về thăm gia đình bạn trai. Cũng như lần đầu, sau 3 ngày dừng uống thuốc, Hà có kinh nguyệt trở lại.
Tuy nhiên, thay vì 3 ngày là hết, 10 ngày trôi qua, kinh nguyệt tháng đó của chị Hà vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Quá mệt mỏi vì mất máu nhiều lại thêm lo lắng, chị đi khám và được các bác sĩ cho biết đã bị rong kinh và viêm nhiễm phụ khoa nặng.
Thừa nhận tác dụng của thuốc tránh thai hàng ngày trong việc trì hoãn kỳ nguyệt san, tuy nhiên BS sản khoa Lê Thị Kim Dung cho biết, chỉ cần uống thuốc trước ngày dự kiến có “đèn đỏ” khoảng 3 ngày là được. Việc uống trước thuốc tránh thai hơn chục ngày, cộng với 5 ngày đi chơi của chị Hà là quá nhiều và có dấu hiệu lạm dụng thuốc.
Thêm nữa, ngay tháng sau, chị Hà lại tiếp tục lạm dụng phương pháp này khiến hiện tượng rong kinh càng trở nên trầm trọng. Mặt khác, BS Dung cho biết, cách uống liền 2 viên thuốc tránh thai/ngày trong suốt thời gian dài 2 tháng liên tiếp khiến cơ thể H không “kham” nổi và rong kinh là điều có thể dự đoán trước.
Hướng dẫn về cách trì hoãn kinh nguyệt an toàn, BS Dung cho biết, chỉ cần uống mỗi ngày 1 viên thuốc tránh thai và chỉ cần uống trước 3 ngày so với ngày hành kinh dự kiến. Trong một số trường hợp, có thể uống 2 viên/ngày trong vòng 7 ngày đầu (nếu muốn trì hoãn “đèn đỏ” 1 tháng), sau đó rút xuống mỗi ngày 1 viên để tránh bị hành kinh nhiều máu sau khi ngừng thuốc.
Theo Alobacsi