Đến ngày 31-10 sẽ có thêm 26 bệnh viện công lập tại TP.HCM phục hồi công năng
Theo Sở Y tế TP.HCM, dự kiến đến ngày 31-10 TP sẽ có 26 bệnh viện công lập trở lại công năng ban đầu để tiếp nhận điều trị các bệnh thông thường cho người dân, và đến ngày 31-12 sẽ tiếp tục phục hồi thêm 14 bệnh viện công lập.
Bệnh nhân được khám sàng lọc trước khi vào Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM khám bệnh
Việc phục hồi công năng của các bệnh viện, theo Sở Y tế TP.HCM, nhằm đảm bảo cho các bệnh viện thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, đó là vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19, vừa đảm bảo chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường và điều trị chuyên khoa cho người dân TP và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam.
Tính đến ngày 27-9, đã có 42 bệnh viện công lập chuyển đổi công năng toàn phần hoặc một phần để tiếp nhận và điều trị COVID-19 với tổng số giường là 11.517 giường.
Theo kế hoạch, ngành y tế sẽ ưu tiên phục hồi bệnh viện quận, huyện trước, đảm bảo mỗi quận, huyện luôn có 1 bệnh viện thực hiện chức năng khám chữa bệnh thông thường, đồng thời luôn sẵn sàng 1 bệnh viện dã chiến của quận, huyện để tiếp nhận F0 khi được phát hiện và cần cách ly điều trị.
Khi tình hình dịch bệnh ổn định, số ca mắc COVID-19 giảm rõ, TP sẽ hình thành mô hình bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 ba tầng thay thế cho các bệnh viện dã chiến của quận, huyện và bệnh viện dã chiến TP.
Hiện nay đã có Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi đã chuyển đổi công năng thành bệnh viện tiếp nhận người bệnh không mắc COVID-19.
Theo dự kiến của Sở Y tế, đến ngày 31-10 sẽ có thêm 26 bệnh viện công lập sẽ phục hồi trở lại công năng ban đầu để tiếp nhận điều trị các bệnh thông thường cho người dân và đến ngày 31-12 sẽ tiếp tục phục hồi thêm 14 bệnh viện công lập.
Riêng các bệnh viện tư nhân, căn cứ vào tình hình thực tế tại các bệnh viện để chủ động đề xuất và thông báo lộ trình phục hồi công năng cho ngành y tế.
Ngành y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện khi chuyển đổi về công năng ban đầu nhưng phải ở trạng thái bình thường mới, đáp ứng đủ 4 tiêu chí sau:
1. Đảm bảo tuân thủ quy định sàng lọc, phân luồng và cách ly người nghi ngờ mắc COVID-19, có kế hoạch chủ động phối hợp các bệnh viện điều trị COVID-19 để chuyển bệnh an toàn.
2. Hình thành khoa/đơn vị COVID-19 tại các bệnh viện trên cơ sở chuyển đổi khu cách ly người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 để sẵn sàng cách ly, điều trị người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh và có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
3. Duy trì buồng cấp cứu sàng lọc tại khoa cấp cứu đảm bảo cấp cứu người bệnh nghi ngờ hoặc xác định nhiễm COVID-19.
4. Duy trì các buồng cách ly tại mỗi khoa lâm sàng để sẵn sàng cách ly người bệnh chưa có kết quả xét nghiệm COVID-19.
Các bệnh viện dự kiến phục hồi công năng tiếp nhận người bệnh không mắc COVID-19 trước ngày 31-10
Các bệnh viện dự kiến phục hồi công năng tiếp nhận người bệnh không mắc COVID-19 trước ngày 30-12
Làn sóng đi khám bệnh dồn dập khi mở cửa lại
Sau một thời gian dài "ôm bệnh" do dịch, dự báo làn sóng khám bệnh sẽ gia tăng sau khi TP.HCM "mở cửa".
Do đó, ngành y tế đang xây dựng lộ trình trả lại công năng ban đầu cho các bệnh viện sau một thời gian chuyển đổi điều trị COVID-19.
Video đang HOT
Từ ngày 1-10 đến nay, người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) ngày càng tăng cao - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi là hai cơ sở y tế đầu tiên của TP.HCM trở thành bệnh viện "xanh - sạch" sau thời gian dài trưng dụng làm nơi điều trị COVID-19.
Những ngày này, hình ảnh xe cứu thương nối đuôi nhau chở người mắc COVID-19 vào điều trị đã không còn, thay vào đó là những hình ảnh người bệnh chủ động tìm đến thăm khám các bệnh lý thông thường ngày một đông đúc...
Dù được tiêm đủ vắc xin, cho phép đi lại thăm khám bệnh nhưng bà con phải thật sự đề phòng, chỉ đi khám bệnh khi thật sự cần thiết và tuân thủ các biện pháp 5K theo quy định.TS.BS PHAN VĂN BÁU (giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115)
Hết cảnh "ôm bệnh"
Trong dòng người tìm đến khám bệnh tại Bệnh viện quận 7, ông Đặng Văn Vương (60 tuổi) không giấu nổi niềm vui ngày được... đi khám bệnh.
Suốt một thời gian dài TP áp dụng giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó", với ông Vương là một cực hình bởi mang trong mình căn bệnh hen suyễn và viêm loét dạ dày. Nhà rất gần bệnh viện nhưng ông Vương chỉ đành cắn răng chịu đựng, bởi bệnh viện đã được trưng dụng điều trị COVID-19.
"Bệnh hen khi bị hành khó chịu vô cùng. Không thể đến bệnh viện, tôi đành nhờ người quen mua thuốc uống cầm chừng nhưng cũng chỉ đỡ phần nào. Khi nghe tin bệnh viện khám chữa bệnh bình thường trở lại, tôi vui lắm" - ông Vương nói, đồng thời cho biết vẫn luôn chấp hành nghiêm quy tắc phòng dịch trong quá trình thăm khám bởi "dịch bệnh vẫn còn phức tạp".
TS.BS Nguyễn Thế Vũ - phó giám đốc phụ trách Bệnh viện quận 7 - nói rằng bên cạnh niềm vui mừng, tập thể y bác sĩ cũng phải đối diện với áp lực đảm bảo an toàn cho người bệnh đến thăm khám.
"Mở cửa" khi dịch bệnh còn phức tạp, quy trình thăm khám phải được giám sát chặt chẽ. Theo đó, ngoài áp dụng các tiêu chí "bệnh viện an toàn", bệnh viện tổ chức khám sàng lọc cho tất cả các bệnh nhân có vấn đề về hô hấp hoặc giám sát bằng camera tầm nhiệt với người có biểu hiện sốt...
"Để thuận tiện cho người bệnh, bệnh viện không bắt buộc khám sàng lọc (chỉ khai báo y tế) với 3 nhóm bệnh nhân, gồm người tiêm 2 mũi vắc xin; từng mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng và người đã làm xét nghiệm trong vòng 72 giờ" - bác sĩ Vũ nói, đồng thời cho biết sau hơn 1 tuần "mở cửa", số lượng bệnh đến khám tăng theo từng ngày.
Nếu như ngày đầu tiên chỉ khoảng 200 bệnh nhân thì gần đây con số này đã tăng gấp 3-4 lần. Tuy nhiên con số này mới chỉ đạt khoảng 50% so với công suất bình thường của bệnh viện.
"Các bệnh nhân đến khám đa số người có bệnh mãn tính, không thể đi thăm khám và phải uống thuốc tại nhà nhiều tháng nay. Ngoài ra còn có nhiều chị em mang thai "cữ" ở nhà, bây giờ mới đến bệnh viện kiểm tra thai kỳ..." - bác sĩ Vũ cho biết thêm.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều bệnh viện khác cũng đang dần đưa hoạt động khám chữa bệnh trở lại "trạng thái bình thường".
Ghi nhận tại những ngày gần đây có rất đông bệnh nhân có mặt tại khu khám sàng lọc Bệnh viện Thống Nhất để khai báo y tế và xét nghiệm nhanh (tùy trường hợp) trước khi vào khám bệnh.
Tại khoa khám bệnh, nhiều bệnh nhân (chủ yếu người lớn tuổi) ngồi chờ kín các dãy ghế. Lực lượng bảo vệ thường xuyên thông báo người bệnh và thân nhân đảm bảo giãn cách an toàn.
Đôi tay run lẩy bẩy khó kiểm soát, bà N.T.C. (85 tuổi, ngụ quận 12) được người con trai đưa đến bệnh viện khám bệnh. Sau thời gian dài giãn cách, bà phải ở nhà uống thuốc theo toa cũ, sức khỏe bà khá yếu khi mắc cùng lúc nhiều bệnh như tim mạch, đái tháo đường, Parkinson...
"Trước giờ mẹ tôi nhận thuốc miễn phí do có bảo hiểm y tế chi trả. Khi dịch bùng phát, buộc phải mua thuốc ở ngoài với giá cao gấp 5 lần. Biết vậy nhưng phải mua để có thuốc cho mẹ uống" - con trai bà C. kể.
Tại các bệnh viện Da liễu, Mắt, Gia Định, 115, Quân y 175... cũng có khá nhiều bệnh nhân tìm đến thăm khám sau một thời gian ở nhà "ôm bệnh" chờ ngày "mở cửa".
Bệnh viện quận 7 nhận bệnh lại khi phục hồi công năng sau một thời gian trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chuyển xấu khi không được thăm khám
Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Thống Nhất) - cho biết từ khi TP nới lỏng giãn cách xã hội (ngày 1-10), lượng bệnh nhân đến khám bệnh tại bệnh viện ngày càng tăng cao.
Cụ thể, tỉ lệ bệnh nhân khám chữa bệnh trong ngày 1-10 đạt 20-25% so với lúc bình thường. Ngày 2-10 tăng 50% và đến ngày 6-10, tỉ lệ này tăng "vọt" đạt khoảng 80-90% so với thời điểm chưa bùng phát dịch COVID-19.
Trong số các bệnh nhân đến khám, theo bác sĩ Vũ, có nhiều bệnh nhân lớn tuổi, mắc bệnh mãn tính phải chờ đợi 3-4 tháng mới được đi khám.
"Quá trình thăm khám, bên cạnh một số trường hợp kiểm soát sức khỏe tốt trong thời gian giãn cách, có một số buộc phải nhập viện vì sức khỏe chuyển biến xấu như đường huyết cao, chức năng thận hay gan bị suy giảm..." - bác sĩ Vũ nói.
Các bệnh về da liễu cũng tăng mạnh từ sau ngày nới lỏng giãn cách. Bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thúy - phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP - cho biết trong ngày 1-10, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 800 ca và đến ngày 4-10 tăng lên đến gần 1.300 ca; đạt khoảng 50% so với thời điểm chưa có dịch.
Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chuẩn bị tinh thần vừa chống dịch, vừa "đón" một lượng lớn bệnh nhi đến khám chữa bệnh... Tính đến ngày 6-10, bệnh viện tiếp nhận hơn 600 lượt, tăng gấp 6 lần so với thời điểm trong dịch.
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115) - cho rằng bệnh nhân mắc các bệnh lý thông thường đến bệnh viện thăm khám những ngày gần đây tăng đáng kể.
Điều này chứng tỏ bệnh không giảm nhưng chẳng qua người bệnh sợ đến bệnh viện, hoặc không thể đến bệnh viện do giãn cách xã hội.
Chỉ riêng bệnh nhân điều trị đột quỵ, theo bác sĩ Thắng, qua một đợt dịch kéo dài, điều kiện thăm khám bị hạn chế nên nhiều người "không còn".
"Trước đây, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận điều trị đột quỵ cấp cho khoảng 100 ca, nhưng suốt nhiều tháng dịch COVID-19 không có ca nào cả. 100 bệnh nhân này đi đâu? Có thể họ phải nằm ở nhà chịu trận khiến diễn biến bệnh nặng lên, đã tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề khó có thể cải thiện" - bác sĩ Thắng phân tích.
Trên nền bệnh nhân bị đột quỵ bao giờ cũng sẽ có kèm theo cao huyết áp, tiểu đường. Các bệnh nhân luôn phải được duy trì tập vật lý trị liệu và các hoạt động thể chất để giúp phục hồi tốt hơn.
"Vậy khi phải ôm bệnh ở nhà, những bệnh nhân này sẽ không được uống thuốc đầy đủ, việc thăm khám vì thế cũng gián đoạn. Và khi không được điều trị, tỉ lệ tái phát tai biến cao hơn bình thường và tỉ lệ tử vong cũng cao" - bác sĩ Thắng nói.
Nguồn: Sở Y tế TP.HCM - Dữ liệu: HOÀNG LỘC- Đồ họa: T.ĐẠT
"Chỉ khám bệnh khi thực sự cần thiết"
Việc "mở cửa" cho phép nhiều loại hình y tế (3 nhóm) được hoạt động trở lại mang đến nhiều phấn khởi cho người bệnh. Nhưng các cơ sở y tế vẫn còn đó nhiều nỗi lo, buộc phải chủ động ứng phó khi có ca mắc COVID-19 mới "lọt" vào bệnh viện.
Những ngày qua khi số bệnh nhân mắc COVID-19 vào điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 giảm dần, ở chiều ngược lại bệnh nhân thông thường đến khám bệnh bắt đầu gia tăng dần. "Tuy vậy mới chỉ đạt khoảng 1/4 ngày thường, phần vì họ còn dè dặt dịch bệnh, phần việc đi lại giữa các tỉnh vẫn còn khó khăn" - TS.BS Phan Văn Báu, giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, nói.
Để mọi hoạt động thăm khám trở lại bình thường, theo bác sĩ Báu, bệnh viện này sẽ "triệu hồi" nhân sự của bệnh viện đang được tăng cường cho công tác tiêm chủng, chăm sóc điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức của TP.HCM khi các nơi này kết thúc "sứ mệnh".
Song song với việc đón "làn sóng" khám bệnh mới, bệnh viện vẫn phải duy trì khu điều trị COVID-19 nhằm sẵn sàng tiếp nhận các ca bệnh nặng cần hồi sức.
"Dù được tiêm đủ vắc xin, cho phép đi lại thăm khám bệnh nhưng bà con phải thật sự đề phòng, chỉ đi khám bệnh khi thật sự cần thiết và tuân thủ các biện pháp 5K theo quy định" - bác sĩ Báu khuyến cáo. Ngoài ra, theo ông Báu, ngành y tế cần duy trì cơ chế cấp thuốc bảo hiểm y tế để tránh hiện tượng người bệnh đổ dồn đi khám bệnh gây mất an toàn phòng dịch.
Bác sĩ Hồ Văn Hân - giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp (đơn vị được trưng dụng làm nơi điều trị COVID-19) - cho biết bệnh viện đang "chạy nước rút" thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn phòng ốc, trang thiết bị nhằm chuẩn bị cho "sự trở lại" sau nhiều tháng gián đoạn.
Với lượng bệnh nhân "ôm bệnh" lâu nay, theo đánh giá của bác sĩ Hân, có thể sẽ quá tải việc thăm khám thời gian đầu mở cửa. Và để tránh trường hợp quá tải dẫn đến tập trung đông người, bệnh viện sẽ áp dụng thêm giải pháp đặt hẹn.
Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ cũng cho biết Bệnh viện Thống Nhất đã lên các phương án để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Bệnh viện tăng thêm và kéo dài thời gian khám bệnh.
Cụ thể, thời gian khám bắt đầu sớm hơn 30 phút (6h30, trước đây 7h), kết thúc muộn hơn 30 phút (17h, trước đây 16h30) và làm việc xuyên trưa. Ngoài ra, bệnh viện còn tăng thêm nhân sự và bàn khám.
"Dù số lượt khám chữa bệnh tăng cao, bệnh viện vẫn cố gắng đảm bảo khoảng cách an toàn cho bệnh nhân và thân nhân. Bên cạnh khai báo y tế, khám sàng lọc, các nhóm đối tượng không thuộc người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, F0 khỏi bệnh... đều phải được xét nghiệm nhanh COVID-19, chi phí xét nghiệm thanh toán theo quỹ bảo hiểm y tế chi trả" - bác sĩ Vũ nói.
Điều kiện vào TP.HCM khám bệnh ra sao?
UBND TP.HCM vừa gửi văn bản tới UBND các tỉnh thành trực thuộc trung ương về việc tạo điều kiện cho người dân đi lại trong trường hợp cấp thiết, trong đó có khám bệnh.
Theo đó, người từ các tỉnh vào TP.HCM khám chữa bệnh (ngoại trừ cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ từ thời điểm lấy mẫu); phải có giấy chuyển viện (của các bệnh viện), giấy hẹn tái khám hoặc thông tin xác nhận đăng ký của các bệnh viện tại TP.HCM.
Người đi khám bệnh có thể đi bằng các loại hình vận tải liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không); ôtô cá nhân (lái xe và tất cả người đi cùng phải đáp ứng điều kiện y tế nêu trên).
Bệnh viện dần "vắng bóng" bệnh nhân COVID-19
Đội ngũ nhân viên y tế tại Trung tâm hồi sức tích cực (quận Bình Tân, TP.HCM) Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM giảm nhân sự để chuyển sang điều trị bệnh nhân bình thường - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hầu hết các bệnh viện trong hệ thống 3 tầng điều trị COVID-19 tại TP.HCM đang có chiều hướng vắng dần bệnh nhân nhập viện, tỉ lệ nhập viện ít trở nặng nhiều hơn và giảm tử vong. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân xuất viện ngày một tăng cao.
Số liệu cập nhật trên cổng thông tin COVID-19 của TP.HCM ngày 7-10 cho thấy đã 48 ngày trôi qua (từ 17-8 đến nay), số ca mắc COVID-19 tại TP giảm đều.
Trong suốt thời gian này, có ngày cao điểm TP.HCM chứng kiến số ca mắc cao kỷ lục với 8.510 ca (đây là con số cao nhất kể từ khi có dịch). Càng về sau tuy số ca có "lên - xuống" thất thường, nhưng có xu hướng giảm dần và chỉ còn 1.491 ca vào ngày 6-10.
Đặc biệt, số ca tử vong giảm rõ rệt trong vòng 47 ngày qua (tính từ 18-8). Trong 47 ngày có đến 43 ngày số ca tử vong do COVID-19 tại TP luôn ở mức 3 con số. Đỉnh điểm ngày 31-8 có số ca tử vong kỷ lục với 335 ca. Thế nhưng, 4 ngày trở lại đây, số ca tử vong chỉ còn ở mức 2 con số, cụ thể từ 96, 93, 88, 79 ca.
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm - Bệnh viện dã chiến số 13 (Bình Chánh) - cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới nhập viện tại bệnh viện thấp hơn số ca xuất viện, đặc biệt có ngày không tiếp nhận ca mới nào. Với công suất 1.350 giường bệnh, hiện bệnh viện đang điều trị tổng cộng khoảng 500 bệnh nhân.
Tương tự, bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường - giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức) - cho biết hiện bệnh viện đang điều trị hơn 1.300 bệnh nhân, con số này đã giảm khoảng 1.150 bệnh nhân so với ngày cao điểm nhất.
Trước tín hiệu đáng mừng này, bệnh viện đã cắt giảm nhân lực, trả một số y bác sĩ trở lại bệnh viện để khám chữa các bệnh lý thông thường.
Với công suất trên 150 giường, nhưng đến nay số bệnh nhân còn lại tại Bệnh viện dã chiến quận 8 (số 1) chỉ còn 60 ca, chủ yếu người nằm chờ đủ thời gian để xuất viện. "Nếu như trước đó có ngày tiếp nhận khoảng 25 - 30 ca thì nay chỉ còn vài ca, có ngày không có ca nào" - bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, giám đốc điều hành bệnh viện, khẳng định.
Theo giải thích của bác sĩ Phong, có thể xuất phát từ độ bao phủ tiêm chủng được cải thiện và việc quản lý điều trị F0 tại nhà với các túi thuốc điều trị mang lại hiệu quả.
Bệnh nhân giảm, theo ông, nhân sự chăm sóc điều trị cũng sẽ được bệnh viện "giải phóng" bớt. Và với tình hình như hiện nay, bác sĩ Phong cho rằng ngày Bệnh viện dã chiến quận 8 (số 1) kết thúc "sứ mệnh" của mình đang đến gần.
TP.HCM phối hợp với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn cho người nhiễm COVID-19 Ngày 2-8, UBND TP.HCM có văn bản gửi Sở Y tế và Sở Thông tin - truyền thông về việc phối hợp mạng lưới Thầy thuốc đồng hành với khoảng 2.500 y bác sĩ tư vấn cho người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19 tại cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Bệnh viện Thống Nhất, đến tận nhà tái khám...