Đến miền Tây nhất định phải thử các món ăn có tên gọi lạ dưới đây
Bún kèn, gỏi bồn bồn, gỏi sầu đâu… là những món ăn với tên gọi lạ lẫm. Về miền Tây, nhất định bạn phải tìm thưởng thức các món đặc sản hấp dẫn có tiếng này.
Bún kèn: Là một trong những đặc sản nhất định phải thử khi đến “đảo ngọc” Phú Quốc (Kiên Giang), bún kèn có màu cam đỏ đặc trưng rất bắt mắt, nổi bật. Thành phần không thể thiếu của bún kèn là thịt cá băm hoặc xay nhuyễn sau khi đã lóc hết xương. Tuy nhiên, không giống một số món bún khác ở miền Tây thường sử dụng các loại cá đồng, bún kèn Phú Quốc tận dụng nguồn lợi cá biển sẵn có ở địa phương, tạo nên sự độc đáo của món ăn. Ảnh: @vietnamesegod.
Thịt cá được nấu chung với các gia vị như sả, ớt, nghệ, ngũ vị hương, nước cốt dừa… tương tự món cà ri. Một tô bún kèn thường có bún tươi, thịt cá băm nhuyễn nấu nước sền sệt, giá sống, đu đủ bào sợi, rau thơm, nước mắm chua ngọt, thêm chút nước cốt dừa… Chỉ cần trộn đều các thành phần nguyên liệu, bạn đã có ngay món bún kèn đầy cuốn hút. Ảnh: @gemibra92, @yenngocxinhxinh, @followusandeat, @shiyurenyamane.
Bún nhâm: Ngoài bún kèn, Kiên Giang còn nổi tiếng với món bún nhâm. Về hình thức, bún nhâm tương tự bún kèn, cũng gồm các nguyên liệu như bún tươi, các loại rau thơm, giá sống, dưa leo… Tuy nhiên, bún nhâm không phảng phất hương vị cà ri như bún kèn. Ảnh: @hoan.nguyen.mildseven.
Nếu bún kèn sử dụng nguyên liệu chính là cá, thì với bún nhâm, chà bông tôm lại mang đến nét đặc trưng của món ăn. Trộn các nguyên liệu với nước mắm chua ngọt và nước cốt dừa, bạn đã có thể thưởng thức món bún nhâm giản đơn, mộc mạc nhưng có màu sắc đẹp mắt và hương vị thơm ngon. Ảnh: @nguyenminh.action1.
Video đang HOT
Gỏi bồn bồn: Bồn bồn là loại cỏ mọc hoang ở vùng sông nước miền Tây, có sức sống mạnh mẽ. Địa phương nổi tiếng nhất về sản vật này là vùng đất Cái Nước ở Cà Mau. Từng ít được xem trọng, song hiện nay bồn bồn trồng ở một số địa phương như nguồn lợi kinh tế khá. Người ta sử dụng bồn bồn để chế biến nhiều món ăn ngon, trong đó có gỏi bồn bồn nức tiếng, giúp kích thích vị giác, phù hợp làm món khai vị. Ảnh: @petiisme.
Trước khi nấu ăn, bồn bồn phải qua sơ chế, bỏ lá, tách lấy phần lõi non trắng nõn. Người ta thường trộn gỏi bồn bồn với tôm, thịt. Nếu muốn đổi vị, bạn có thể thưởng thức món gỏi này với tai heo, thịt gà hoặc một số loại hải sản khác… Gỏi bồn bồn có vị giòn xốp của bồn bồn, vị ngọt thịt của những con tôm luộc chín đỏ au, vị beo béo của thịt ba rọi. Ảnh: @hien_chu_, @anphuongtrang, @ohhnangyy, @instanudo.
Gỏi sầu đâu: Nhắc đến những món ăn vừa có tên nghe “lạ tai”, vừa có thể “gây thương nhớ” ở miền Tây, không thể bỏ qua gỏi sầu đâu. Muốn thưởng thức đặc sản này, bạn có thể tìm về vùng đất An Giang. Người ta sử dụng lá non và hoa của cây sầu đâu để chế biến nên một món gỏi độc đáo. Ảnh: @hellomyynhchauu, @annie_nguyenvan, @trungtran124, @hangnguyen_119.
Người miền Tây thường trộn gỏi sầu đâu với khô cá lóc hoặc khô cá sặc nướng xé nhỏ, thêm ít thịt ba rọi luộc thái mỏng. Để thêm vị giòn thanh mát cho món ăn, nhất thiết phải có dưa leo. Sầu đâu có vị đăng đắng, chan chát, nhẫn nhẫn, nếu không quen có thể thấy khó ăn. Tuy nhiên, khi nhai thật kỹ, bạn sẽ cảm thấy hậu vị ngọt thanh trong cuống họng, càng ăn lại càng… nghiện. Ảnh: @huyhuymeo.
Xá bấu: Nghe tên “xá bấu”, nhiều người sẽ cảm thấy lạ lẫm, song đây là món củ cải muối đặc sắc của người Hoa ở Bạc Liêu, nổi danh khắp miền Tây. Xá bấu kết hợp với cháo trắng tuy dân dã nhưng lại khiến nhiều người khó quên. Để làm xá bấu, người ta chọn củ cải ngon, rửa sạch, ướp muối rồi đem phơi cho đến khi củ cải teo dần lại, có thể giữ được lâu. Ảnh: @huynh_ninh.
Xá bấu nguyên củ thường dùng để nấu canh. Trước khi chế biến, bạn cần ngâm xá bấu trong nước ấm cho nhả mặn, cắt khoanh rồi nấu cùng xương heo. Canh xá bấu có hương vị đậm đà đặc biệt. Xá bấu cắt sợi lại được sử dụng để chế biến các món xào rất bắt vị và… “tốn cơm”. Ảnh: @huynh_ninh.
Bánh tai yến: Không chỉ có tên gọi lạ lẫm, bánh tai yến còn có hình dáng ấn tượng, dễ gây chú ý. Bánh làm từ đường, nước cốt dừa, bột gạo, bột năng, sữa… Khi cho bột vào chảo dầu nóng để chiên giòn, người chế biến phải thật khéo léo và nhanh tay, động tác dứt khoát mới có thể tạo ra chiếc bánh có hình nón úp ngược độc đáo. Ảnh: @candykun107.
Có người cho rằng vì hình dạng giống tổ chim yến, nên ban đầu món ăn nổi tiếng ở miền Tây này gọi là bánh tổ yến, sau đọc chệch thành bánh tai yến. Bánh tai yến có thể thưởng thức lúc mới chiên xong, còn nóng hổi “vừa thổi vừa ăn”. Vành ngoài bánh giòn rụm, trong khi phần giữa bánh lại mềm mềm, dai dai, ăn rất thú vị. Ảnh: @dinhhuannauhhnid, @dhangng_, @valerie.210.
Theo Zing
Mùa này về miền Tây, có một loại quả nhất định đừng thử không thôi sẽ "nghiện" mất đấy
Loại quả dại bình dị này đã tạo được ấn tượng khó phai trong lòng thực khách khi về thăm miền Tây mùa nước nổi.
Mùa nước nổi ở Tây Nam Bộ không chỉ mang đến nguồn cá tôm dồi dào mà còn xuất hiện nhiều loại cây trái đặc trưng, đậm chất miền quê. Vào thời điểm này, về các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp... bạn sẽ bắt gặp một loại quả được bày bán khắp nơi, từ các khu chợ đến các xe hàng rong ven đường. Không gì khác đó chính là cà na, thức quà bình dị, mộc mạc của tự nhiên ban tặng và được người dân tận dụng để chế biến thành nhiều món ngon.
Không ai xác định được nguồn gốc cũng như thời điểm có mặt của cà na, chỉ biết đây là người bạn gắn liền với kí ước tuổi thơ của bao thế hệ nơi đây. Trái cà na có hình bầu dục, kích thước to gần bằng đầu ngón tay cái và lớp vỏ trơn láng căng mịn. Khi còn non, cà na có màu xanh mướt và ngả về vàng nhạt khi đạt đến độ chín.
Vào độ tầm tháng 8, tháng 9 Âm lịch, người dân miền Tây lại cùng nhau thu hoạch cà na để chế biến thành nhiều món cực kì hấp dẫn. Người ta dùng thanh tre dài, rung lắc cho chúng rơi xuống rồi nhặt về rửa sạch.
Đối với những ai "khoái" ăn chua thì cà na sống chấm muối ớt luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Chỉ cần đập hơi dập quả rồi chấm cùng muối ớt thôi thì vị chua chát cùng cái cay the trực trào cũng làm người ta say mê. Nhìn khuôn mặt nhăn nhó, hít hà của tụi nhỏ trông vô cùng buồn cười, một món ăn thôi mà đã tạo nên biết bao kỉ niệm đáng nhớ.
Đối với các bà mẹ khéo tay, cà na còn có thể đem đi ngào đường, xóc muối, ngâm nước mắm để lai rai những lúc thèm quà vặt. Mỗi kiểu chế biến khiến mang đến hương vị đặc sắc riêng biệt làm ai một lần ăn thử cũng nhớ mãi.
Cà na xóc muối tuy vẫn giữ nguyên cái chua chát nhưng lại hòa quyện thêm độ mằn mặn, cay nồng của ớt làm khơi dậy từng cung bậc vị giác. Còn ai "e dè" hơn thì lựa chọn cà na ngào đường để cảm nhận vị chua ngọt dung hòa một cách đầy lôi cuốn và quyến rũ.
Thưởng thức cà na kiểu nào cũng phải đi kèm chén muối ớt trộn cay the để tăng thêm phần kích thích. Bởi mới nói, từ một loại quả dại mà người miền Tây lại có thể "hô biến" tài tình thành nhiều hương đặc sắc. Vào thời gian này, khách du lịch nào về miền Tây cũng tìm kiếm những hộp cà na thơm ngon, hấp dẫn để làm quà tặng cho người thân, bạn bè. Tuy không cầu kì về hình thức, hương vị cũng chẳng sang trọng nhưng cà na đã trở thành món ăn quê nhà tạo ấn tượng khó phai trong lòng thực khách.
Theo Tri thức trẻ
Về "miền gái đẹp Tây Đô" thưởng thức món ngon trứ danh Bánh hỏi heo quay, ốc nương tiêu, chuối nếp nướng là những món ăn nổi tiếng ở xứ Tây Đô, luôn níu chân du khách gần xa. Bánh tét lá cẩm Ở Cần Thơ, bánh tét ngon nhất thuộc về gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thuỷ. Con cháu họ Huỳnh đã làm cho đòn bánh tét độc đáo hơn bằng cách nấu...