Đến Kyoto, lạc lối giữa rừng phong lá đỏ
Mùa thu nơi ngoại ô Kyoto, cố đô nước Nhật mang lại cảm giác choáng ngợp, khi cả một vùng rừng núi hùng vĩ khoác lên mình tấm áo rực rỡ đỏ vàng cam
Kyoto được coi là một trong những nơi ngắm lá đỏ đẹp nhất nước Nhật, và Arashiyama (Núi Bão) chính là địa điểm đẹp bậc nhất của đất cố đô. Vùng núi thuộc quận ngoại ô phía Tây này rất thuận tiện để tham quan trong ngày từ trung tâm Kyoto.
Lá thu ở Arashiyama không phải vài cây, vài con đường mà là cả một cánh rừng rộng lớn phủ khắp núi đồi. Mùa thu, rừng thay màu lá từ khoảng đầu tháng 11, khi nắng vẫn còn hanh hao nhưng gió đã rét ngọt ngào.
Khác hẳn với sự trầm mặc cổ kính của đền đài phố xá Kyoto, mùa thu ở Arashiyama mang đến không gian hùng vĩ choáng ngợp. Rừng lá phong đỏ, lá ngân hạnh vàng và nhiều loài cây mùa thu khác tầng tầng lớp lớp đan xen nhau.
Dưới ánh nắng, thảm lá cây rừng càng rực rỡ như một bảng màu vẽ, các sắc độ nhẹ nhàng chuyển từ vàng rực, vàng cam sang đỏ ối, đẹp tựa một bài thơ haiku.
Vào thu, khu vực công viên quanh rừng cây luôn đông đúc khách du lịch tới tham quan, tận hưởng không khí trong lành và khung cảnh thiên nhiên thanh bình, mộc mạc.
Điều đặc biệt là Arashiyama có dòng sông Katsura chảy xuyên qua khu rừng. Lên một chiếc thuyền độc mộc được những người dân địa phương chèo bằng tay là hoạt động rất được yêu thích.
Video đang HOT
Lênh đênh giữa dòng nước xanh ngắt và ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt mỹ hai bên bờ, nơi những tán lá phong đỏ rực nghiêng mình xuống mặt nước.
Khung cảnh cũng trở nên lãng mạn hơn khi có thêm các cặp đôi tự thuê thuyền vãn cảnh mùa thu.
Hoặc bạn có thể tản bộ theo con đường hai bên bờ sông, dọc bìa rừng để ngắm cảnh núi non trập trùng.
Lúc này lá phong vẫn còn đang chuyển màu, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh màu lá thay đổi từ xanh ngắt sang vàng ươm và đỏ rực.
Đi dưới những tán lá thu trong không khí tĩnh lặng là một trải nghiệm đáng giá và đầy sức quyến rũ.
Tại Arashiyama cũng có rất nhiều chùa và tháp Nhật, những con phố dài cổ kính với nhiều nhà hàng, quán ăn, quầy lưu niệm đẹp mắt.
Du khách chắc chắn không thể bỏ qua các danh thắng khác tại đây như rừng tre Nagano hàng ngàn cây thẳng tắp, công viên khỉ,…
Bất cứ góc nào cũng có thể tạo nên một bức ảnh đẹp mắt đậm chất Nhật, đặc biệt là nếu bạn thuê trang phục kimono từ các quầy dịch vụ có sẵn ở đây.
Du khách cũng nên thử các món ăn truyền thống hoặc trà matcha Kyoto nổi tiếng. Dù chưa đủ tĩnh tại như trà đạo nhưng thưởng thức một tách trà ấm nóng từ tay những người bán hàng địa phương cũng đã đủ để tạo nên hương vị của một ngày thu tuyệt đẹp.
CTV Viễn Du/VOV.VN
Theo vov.vn
Bàn Than non nước thần tiên
Lần theo câu hát, chúng tôi tìm về những địa danh Bàn Than ở xã đảo Tam Hải (H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), nơi được xem là sản sinh ra câu ca này với câu chuyện kể về cuộc mưu sinh nhọc nhằn, bất trắc nhưng cũng đậm chất thơ.
Hòn Ông Đụn bà Che. Ảnh:T.T.A.N
Cách Đà Nẵng khoảng 100 km, có hai cách để đến với địa danh kỳ thú này: có thể đi từ huyện Núi Thành, lên phà sẽ tới xã đảo Tam Hải; nhưng nếu ưa thích khám phá, phải đi qua làng Bích họa Tam Thanh, dọc con đường ven biển, một bên là biển trải dài đẹp nao lòng một bên là sông Trường Giang chảy êm đềm giữa ruộng rau, những nếp nhà nhỏ nhắn. Đến bến phà Tam Thanh, lên chuyến phà chừng 5 phút là bạn đã sang Tam Hải, đi quanh co trong những con đường nhỏ hẹp trên đảo và đến bãi biển để đến một thắng cảnh hoàn hảo mà tạo hóa ban tặng cho vùng biển này.
Trên mũi An Hòa có hai bãi biển, đó là: Bãi Bấc (ở phía Bắc), và bãi Nồm (ở phía Nam). Một trong những vẻ đẹp của thiên nhiên miền Trung là những khối đá vươn ra biển, tạo nên những thắng cảnh trác tuyệt. Mỗi dải đá đen tuyền lấp lánh như than đá trải dài trên bờ cát, bao quanh mũi An Hòa khoảng 3km, đó là Bàn Than.
Từng lớp đá xếp chồng lên nhau là những phiến thạch có nguồn gốc trầm tích biển. Nước và sóng biển xâm thực dải đá tạo thành những hình thù lạ mắt, kết hợp với những vân đá trở thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo của tạo hóa. Từ bãi Nồm nhìn ra biển là một đảo nhỏ gọi là hòn Mang, không xa là hòn Dứa. Có thể đi thuyền ra hòn Mang và hòn Dứa, ở đây dưới làn biển xanh trong, ta có thể nhìn thấy một rặng san hô trắng tinh với đàn cá đủ màu sắc bơi lội trong nước...
Một buổi sáng lặng sóng, bước ra Bàn Than, ngồi trên một phiến đá, uống một ly cà-phê nghe sóng vỗ dịu dàng, ngắm những chú chim biển chao lượn hay thích thú với vài chú cua thò ra thụt vào hang hốc, những chú cá đầy màu sắc tung tăng ngay dưới chân bạn. Khung cảnh giống như hòn non bộ khổng lồ được thiên nhiên tạo ra để tô điểm cho Bàn Than. Trước phong cảnh hữu tình ấy, thời gian như dừng lại thoáng chốc.
Trên biển Bàn Than có hai mỏm dài nhỏ nhô ra ngoài biển, được nhân dân địa phương gọi là ông Đụn - bà Che, được nhắc đến trong hai câu ca gắn liền với truyền thuyết đầy cảm động của ngư dân miền sông nước.
Ngư dân vùng Tam Hải kể rằng, vào một ngày mưa gió, nhà ngư dân nọ có hai người con trai đi ra biển không về sau một trận cuồng phong. Thương con, người cha sinh phiền não rồi ốm, người vợ thương chồng chăm sóc ông tận tình, hai vợ chồng già côi cút tựa nương nhau đi qua mất mát không thể nguôi.
Sau một cơn bão biển, sáng ra dân làng chỉ thấy hai đụn đá lớn đứng chênh vênh bên triền sóng, khối nhỏ hơn vươn ra cao hơn như hình người đàn bà của biển một đời đứng che cho chồng khỏi ướt [theo truyền thuyết về ông Đụn - bà Che].
Hòn ông Đụn bà Che nơi mỏm Bàn Than ra đời từ đó đứng án ngữ giữa muôn trùng biển khơi như chứng tích của những nhọc nhằn, bất trắc, mất mát trước cuồng nộ của biển cả nhưng cũng đầy chất thơ của tình biển, của lòng thủy chung. Mưu sinh trên sóng nước chênh vênh nhưng cũng vì vậy mà gắn bó yêu mến đến thiết tha.
Đó là sự chiêm nghiệm từ thực tế đời sống của ngư dân miền biển qua những câu chuyện kể về những địa danh của họ. Thông qua sự kết nối truyền thuyết, danh thắng, dân ca tạo thành một trường thẩm mỹ về vẻ đẹp của vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng miền Trung.
Dạo quanh hòn đảo nhỏ, men theo những con đường mòn khám phá muôn loài thảo mộc xứ đảo trên dãy núi cách đó không xa, bạn sẽ bất ngờ với những cụm dứa dại quả chín đỏ, những chùm hoa tím ngát hay vài bông hoa trắng muốt ngỡ ngàng... Hoặc là, chỉ đơn giản, tản bộ dọc bờ biển quan sát cuộc sống thường nhật của ngư dân: vài cụ bà bắt ốc, cào nghêu; hai vợ chồng ngư dân đang kéo rong trên những chiếc thuyền thúng tròn xoe; các chị vừa phơi rong trên bãi cát trắng mịn vừa chuyện trò rôm rả, âm sắc nặng rất đặc trưng vùng biển "ăn sóng nói gió"...
Dải đất duyên hải miền Trung được mẹ thiên nhiên kiến tạo nên một vùng đặc trưng của một xứ sở biển bao quanh đất liền, thi thoảng vài hòn đảo mọc ra giữa biển khơi, cách dất liền không xa. Đảo, do vậy, rất tự nhiên đi vào những câu ca. Ẩn sau những địa danh được nhắc đến là một niềm tự hào tha thiết với quê hương xứ sở.
Trần Thị Ánh Nguyệt
Theo cadn.com.vn
Tạp chí Mỹ bình chọn đảo của Việt Nam lọt danh sách 'Nơi có nước trong xanh nhất thế giới' Những làn nước trong vắt và không khí mát lành của thiên nhiên sẽ "hớp hồn" du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên khi đặt chân tới nơi này. Trong danh sách "Những nơi có nước trong xanh nhất thế giới" do Travel Leisure - tạp chí du lịch Mỹ bình chọn, duy nhất cái tên hòn đảo Côn Sơn tọa lạc...