Đến Gạc Ma, những ngày tháng 3/1988 (P2)
Trọn một ngày ở Cô Lin, trắng đêm trên Sinh Tồn, tôi càng tin yêu những người lính nơi đầu sóng. Thế hệ sau này, khi đến với Trường Sa, mỗi người đều có những tình cảm thiêng liêng mang theo suốt cuộc đời…
Kiên trung chiến sĩ Trường Sa
Cuối tháng 3/1988, chúng tôi đến Cô Lin. Chiếc tàu HQ 505 nằm ghếch mũi trên bãi cạn. Con tàu anh dũng này sau khi bị trúng đạn bốc cháy đã lao vào đảo quyết không để bị chìm, giữ vững chủ quyền Tổ quốc.
PV Minh Ngọc trong trang phục Hải quân ở Trường Sa tháng 4/2011
Tôi trèo lên tàu. Hai bên mạn tàu nham nhở những vết đạn pháo. Tôi bàng hoàng xúc động khi nhận ra chính con tàu này tháng 4 năm 1984 đã đưa tôi và đồng đội ra Trường Sa.
Tôi lặng lẽ bước tới mạn tàu, nơi tôi đã mắc võng nằm trong chuyến đi dài ngày năm ấy. Cạnh buồng lái, chỗ tôi ngồi đọc những bài thơ về biển cho các thủy thủ nghe trong những đêm trăng thanh, biển lặng giờ đây là một vết đạn pháo rộng hoác. Những miếng kính vỡ, những lớp sơn cháy nằm ngổn ngang bốc mùi khét lẹt.
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cùng các chiến sĩ Sơn, Bảy, Thuỳ, Sâm, Hương, Hồng, Thanh, Thuận, Hữu… – những người tiếp tục ở lại với con tàu sau khi bị bắn cháy đã lao lên bãi Cô Lin ùa lên boong đón chúng tôi.
Tôi đã tận thấy những gian khổ của các chiến sĩ ở đây. Hầm tàu là nơi sinh hoạt duy nhất còn lại của các lính thủy. Những tấm bạt rách bươm, những miếng cao su cháy dở được lót thành chiếc ổ để nằm.
Nơi ở của chiến sĩ Trường Sa. Ảnh trong bài: Minh Ngọc
Đến Cô Lin, tôi rất ấn tượng với Bí thư chi đoàn Hồ Khắc Thảo. Khi ngồi bên anh, nghe rõ tiếng tàu chiến Trung Quốc ầm ì tiến lại, anh vẫn bình tĩnh đánh bóng con ốc biển muốn gửi tôi về đất liền tặng người thân. Anh lẩm nhẩm:
- Lại thằng 854 đến quấy rầy. Sáng sớm nay nó đã mò vào đây!
Nói rồi, Thảo lại cắm cúi đánh bóng con ốc nón, mắt đăm đắm nhìn vào những đường vân thật đẹp trên vỏ ốc vẻ mãn nguyện. Thảo kể:
- Ngày nhiều nhất có tới 6 tàu chiến Trung Quốc mang số hiệu 854, 613, 511, 303, 556, 164 vòng trong vòng ngoài bao vây đảo. Nhiều lần chúng tiến sát. Đám lính ngồi trên boong còn định quăng dây để cập mạn tàu 505 của ta. Hăm doạ thôi. Còn nếu sang thật, chúng tôi đã sẵn sàng!
Nhiều năm, cứ đến ngày 14/3, những nhà báo đã đến Gạc Ma năm 1988 lại gặp mặt cùng ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên. Cho đến hôm nay, nhà đạo diễn, quay phim Lê Mạnh Thích, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức không còn nữa. Nhưng mỗi lần nhắc tới sự kiện Gạc Ma, chíng tôi đều nhớ về các anh, những nhà báo tài hoa, kiên cường nơi đầu sóng.
Sau trận chiến 14/3, quân tư trang của chiến sĩ trên tàu bị cháy rụi. Không còn cả nước ngọt nữa. Hai mươi lăm năm đã qua đi, tôi vẫn nhớ miếng cơm mặn chát do phải nấu bằng nước biển khi ngồi ăn cùng Hương, chiến sĩ trên tàu, quê ở huyện Nam Ninh (Nam Định). Và tôi mãi nhớ nụ cười hiền của các chiến sĩ trẻ khi viết tên, địa chỉ đề nghị tôi đăng trên mục Kết bạn của báo Tiền Phong để có thêm cơ hội làm quen, tìm bạn gái…
Được biết thi thể của liệt sĩ Trần Văn Phương, người bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma đã được an táng trên đảo Sinh Tồn, tôi mong tàu sớm cập đảo để được đến bên anh.
Bí thư đoàn cơ sở đảo Sinh Tồn, Đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V Đinh Thanh Hải đưa tôi đi viếng mộ anh Phương. Tôi đã gặp Hải về dự Đại hội Đoàn tại Hà Nội. Hải đen và gầy hơn trước. Đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Suốt nhiều ngày trước đó, trước những hành động tàn bạo của hải quân Trung Quốc, các chiến sĩ trẻ, những đoàn viên thanh niên luôn cảnh giác cao, sẵn sàng chiến đấu. Nhiều chiến sĩ đã có giấy ra quân đều đăng ký ở lại với đảo, chia lửa cùng đồng đội .
Video đang HOT
Mộ anh Phương nằm ở góc đảo bên những đồng đội đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ Gạc Ma sáng 14/3. Những ngôi mộ trắng một màu san hô. Tôi đặt lên mộ các anh những nhành san hô trắng. Chúng tôi đứng nghiêm giơ tay chào vĩnh biệt đồng đội. Gió biển lay những cành phong ba xào xạc. Tôi cứ ngỡ các anh về nhắc nhở những người ở lại hãy giữ Sinh Tồn mãi sinh tồn trước mọi bão giông.
Đêm trên đảo Sinh Tồn hôm ấy, nhà báo Trần Bình Minh ghi hình hoạt động của chiến sĩ. Anh mời chúng tôi cùng tham gia. Hôm ấy, tôi đã đọc thơ tặng anh em. Bài thơ Con tem quân đội của Đinh Thị Thu Vân có đoạn:
Anh về từ chiến trường xa
Con tem quân đội làm quà trao em
Tay em năm ngón dẫu mềm
Vẫn e chưa đủ dịu êm khi cầm…
Hiểu giùm em phút bâng khuâng
Giấu trong câu nói nửa chừng lặng im
Nói thương người lính trong tem
Chính là thương lắm
người bên cạnh mình…
Các chiến sĩ trẻ lặng phắc nghe bài thơ. Những ánh mắt bâng khuâng, mơ mộng nhìn xa xăm về phía đất liền. Tôi thấy đạo diễn, nhà quay phim Lê Mạnh Thích lia máy, nhiều khi cận cảnh những gương mặt chiến sĩ sạm đen nắng gió lúc này đang thả hồn theo một áng thơ hay. Suốt đêm ấy tôi đã thức trắng chép nhiều bài thơ tình cho lính đảo.
Lớp cha trước, lớp con sau
Tháng 4/2011, con gái Minh Ngọc của tôi (đã trở thành đồng nghiệp của bố, cháu là phóng viên báo Thanh niên) đi Trường Sa trong chương trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Thời gian như thoi đưa. Chợt nhớ, ngày tôi chia tay gia đình để đến Gạc Ma, Minh Ngọc, chưa tròn ba tuổi, giơ bàn tay nhỏ xíu vẫy theo…
Các thành viên trong đoàn Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2011 lên đảo
Từ Trường Sa trở về, da đen sạm, tóc xơ cứng vì nắng gió biển khơi, Ngọc khỏe khoắn trong chiếc áo hải quân đã bạc màu. Cháu khoe: Lên đảo Sơn Ca, một chiến sĩ hải quân khi chia tay đã cởi chiếc áo mình đang mặc tặng Ngọc. Thế rồi trong suốt chuyến hành trình, Ngọc luôn mặc chiếc áo ấy.
Tôi thấy cả tuần con gái vẫn treo chiếc áo trên mắc như muốn lưu giữ những kỷ niệm sâu nặng về Trường Sa. Ngọc chia sẻ: Chiếc áo ấy đã thấm mồ hôi người lính đảo, thấm nước mắt con và các bạn khi chia tay các anh, con sẽ mãi mang theo!
Chiếc áo hải quân – kỷ vật của con, con ốc biển Thảo tặng ở Cô Lin năm 1988- kỷ vật của tôi, sẽ mãi là những kỷ vật về Trường Sa trong gia đình nhỏ của tôi.
Tôi chợt nhớ những ngày đến làng Bỉnh Di (Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định), nơi hàng trăm người tiếp nối nhau ra Trường Sa xây dựng những công trình dân sinh ở Trường Sa. Có nhiều gia đình bố, con tiếp bước nhau đi xây dựng đảo. Tôi vẫn nhớ, trong chiếc tủ chè tại gia đình ông Lê Văn Biền có những con ốc biển, những nhành san hô bố con ông mang từ Trường Sa về để làm kỷ niệm.
Lại nhớ đến những bài báo tôi đã đọc ở đâu đó kể chuyện trong những người lính hải quân trẻ tuổi hăm hở lên đường đến Trường Sa có nhiều người là con của các lính đảo xưa, có cả người là con của chiến sĩ đã hy sinh trong những ngày tháng 3 năm 1988 bi tráng ấy. Tôi tin trên đất nước mình có nhiều gia đình đã, đang và sẽ sâu nặng với Trường Sa như thế.
Mỗi khi Tổ quốc bị đe dọa thì tinh thần yêu nước của dân tộc mình, của mọi con dân đất Việt sẽ nhân lên gấp cả ngàn lần. Thêm một lần tôi đọc vần thơ nhiều năm mình đã mang theo:
Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành!
Những ngày tháng 3/2013
(Còn nữa)
Theo 24h
Đến Gạc Ma, những ngày tháng 3/1988
Từ Gạc Ma chiếc tàu chiến Trung Quốc rồ máy tiến về phía Cô Lin, nơi chiếc tàu chúng tôi đang chuẩn bị cập mạn. Tôi nhìn thấy rất rõ, chiếc tàu chồm lên, sóng trước mũi tàu trắng như một vành khăn tang. Nòng pháo trên tàu rê rê hướng về tàu chúng tôi sẵn sàng nhả đạn...
Đảo Len Đao tháng 4/2011. Ảnh: Minh Ngọc.
Nhận lệnh đến Gạc Ma, Cô Lin
Đến Gạc Ma những ngày tháng 3/1988
Sau khi hải quân Trung Quốc dùng vũ lực tấn công chiếm đóng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 chiến sĩ hy sinh, 3 tàu của hải quân Việt Nam bị bắn chìm, Việt Nam đã đưa tàu Đại Lãnh và Mỹ Á ra làm nhiệm vụ cứu hộ. Phóng viên báo Tiền Phong có mặt trong chuyến đi này tới Gạc Ma, Cô Lin khi nơi đây vẫn vương mùi thuốc súng. Có nhiều điều trong chuyến đi 25 năm trước bây giờ mới kể...
Báo Tiền phong số 10 ra ngày 8/3/1988 trên trang nhất đăng Tuyên bố của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam có đoạn:
Trong những ngày gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc đã có những hành động quân sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với vùng quần đảo Trường Sa. Đặc biệt nghiêm trọng là họ đã cho lực lượng quân sự lên hai bãi đá ngầm là Chữ Thập và Châu Viên trong quần đảo.
Hành động ngang ngược của phía Trung Quốc không những xâm phạm thô bạo chủ quyền lãnh thổ, đe dọa an ninh của Việt Nam mà còn đe dọa hòa bình, an ninh và xu thế đối thoại trong toàn khu vực Đông Nam Á.
Thay mặt tuổi trẻ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam nghiêm khắc lên án những hành động trên của phía Trung Quốc, kiên quyết đòi Trung Quốc rút ngay lực lượng quân sự khỏi vùng Trường Sa, chấm dứt hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam...
Tôi còn nhớ, những ngày đầu tháng 3 năm ấy, trong các cuộc giao ban tại Tòa soạn vấn đề được đặc biệt quan tâm là tuyên truyền về tình hình Trường Sa để khơi dậy tình yêu Tổ quốc cho tuổi trẻ. Phong trào Tuổi trẻ hướng về Trường Sa sôi sục khắp nơi.
Sáng hôm ấy vừa tới Tòa soạn, Tổng Biên tập Đinh Văn Nam gọi tôi lên phòng ông. Ông cho tôi biết phía Trung Quốc đã nổ súng đánh chiếm bãi đá ngầm Gạc Ma, khu vực đảo Cô Lin, Len Đao.
Các chiến sĩ ta chiến đấu rất dũng cảm. Cấp trên sẽ điều tàu chở một đoàn nhà báo quốc tế ra để chứng kiến hành động ngang ngược, tàn bạo này của phía Trung Quốc và tham gia cứu hộ. Cấp trên yêu cầu báo Tiền Phong cử một phóng viên tham gia đoàn ra Trường Sa ngay. Ngày mai lên đường.
Dừng một lát ông nghiêm giọng, ra lệnh:
- Tôi cử cậu đi chuyến này vì tôi biết khi còn ở Báo Quân đội Nhân dân cậu đã nhiều năm là phóng viên mặt trận!
Nhận lệnh của Tổng Biên tập, tôi hiểu rất rõ đây là một chuyến đi đầy gian khó và nguy hiểm. Nhiều năm là nhà báo - chiến sĩ, tôi đã có dịp cùng hành quân với đồng đội ra mặt trận. Tôi không quên những trận đánh ác liệt ở bình độ 400 (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) bảo vệ từng tấc đất biên cương phía Bắc. Đặc biệt năm 1984, khi phía Trung Quốc lấn chiếm khu vực biên giới thuộc huyện Vị Xuyên (Hà Tuyên, nay là Hà Giang), tôi lại có mặt nhiều lần ở mặt trận nóng bỏng này. Những lần hành quân qua làng Pinh, Bãi Nghệ, Cốc Nghè... pháo từ bên kia biên giới bắn sang xé gió trên đầu, những ngọn núi đá bị đạn pháo Trung Quốc cày xới, nung trắng như những lò vôi, làm sao tôi quên được. Những chiến sĩ chiến đấu dũng cảm, can trường tôi đã gặp nơi đây vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ...
Hôm sau, đeo chiếc ba lô con cóc bạc màu lên vai, tôi vào Vũng Tàu gấp. Bàn tay nhỏ xinh của con gái Minh Ngọc chưa đầy 3 tuổi vẫy theo ríu rít: Bố mau về với con!
Theo kế hoạch, tôi có mặt ở Vũng Tàu họp đoàn ra Trường Sa. Thật bất ngờ, không có một phóng viên nước ngoài nào tham gia. Tôi gặp lại những nhà báo thân quen từng cùng tác nghiệp. Nhà báo Trần Bình Minh (Đài THVN), Ngọc Đản (Báo Nhân Dân), Đình Trân (TTXVN), Hồ Anh Thắng (Báo Quân đội Nhân dân), Lê Phức, Vinh Quang (Báo Ảnh Việt Nam), Đạo diễn Lê Mạnh Thích (Xưởng phim Tài liệu Khoa học Trung ương)... Tất cả chuẩn bị sẵn sàng cùng lên tàu cứu hộ ra Gạc Ma, Cô Lin.
Giáp mặt tàu chiến Trung Quốc
Trường Sa vẫn thật đẹp. Hải âu vờn trên sóng, những đàn cá heo vui đùa. Thỉnh thoảng những chú cá chuồn tinh nghịch lại bay vèo vèo trước mũi tàu. Chúng tôi mải miết ghi những hình ảnh ấy vào ống kính. Bỗng tôi thấy có những chiếc phao màu đỏ trôi dập dềnh trên sóng.
Tác giả ở Trường Sa (tháng 4/1988)
Chiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ, thủy thủ trên tàu HQX7 mà tôi gặp trước đó cho biết: Đó là những chiếc phao do Trung Quốc sản xuất thả trôi trên biển. Phao làm bằng sắt sơn màu đỏ dưới đáy phao có những cái móc giống như chiếc neo của tàu. Phao được thả trôi trên biển khi vướng vào bãi cạn sẽ dừng lại. Trên cơ sở đó, Trung Quốc sẽ đưa quân chiếm những bãi cạn ấy.
Biết rõ âm mưu thâm độc này, chiến sĩ trên tàu đã săn tìm và gỡ đi nhiều chiếc "nấm độc" trên các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa chuyển về cho các đảo làm thùng hứng nước mưa.
Tôi nhận được thông báo chuẩn bị đến Cô Lin- nơi chiếc tàu HQ 505 đã lao lên bãi cạn vào sáng 14 tháng 3. Mặc dù tàu chúng tôi treo cờ Hồng Thập tự với nhiệm vụ cứu hộ nhưng thuyền trưởng Quý thông báo: "Thế nào tàu chiến Trung Quốc cũng ra ngăn chặn. Nhiều ngày nay chúng vẫn ngăn không cho tàu ta vào làm nhiệm vụ cứu hộ ở vùng Cô Lin, Gạc Ma! Không loại trừ tình huống tàu chiến Trung Quốc có thể nhằm bắn thẳng vào tàu cứu hộ của ta!".
Tác giả trên đảo Sơn Ca tháng 4/1984
Đúng như dự đoán của thuyền trưởng Quý, từ Gạc Ma chiếc tàu chiến Trung Quốc rồ máy tiến về phía Cô Lin, nơi chiếc tàu chúng tôi đang chuẩn bị cập mạn. Tôi nhìn thấy rất rõ, chiếc tàu chồm lên, sóng trước mũi tàu trắng như một vành khăn tang. Nòng pháo trên tàu rê rê hướng về tàu chúng tôi sẵn sàng nhả đạn...
Hướng về Trường Sa
Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh đã trao tặng phẩm trị giá 5 triệu đồng đến chiến sĩ Trường Sa
Mỗi đoàn viên thanh niên Công trình TNCS Sông Đà tiết kiệm 2 ngày lương để có 2 triệu đồng làm quà tặng Trường Sa
Tuổi trẻ Liên hiệp các xí nghiệp giao thông 8 đang làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào gửi nhiều thư và 150.000 đồng tặng chiến sĩ Trường Sa...
(Báo Tiền Phong số 17
ra ngày 26/4/1988)
Thuyền trưởng Quý tập hợp tất cả anh em phóng viên lại. Ông phổ biến nhiệm vụ và ra lệnh: "Tàu ta đang vào vùng nguy hiểm. Tôi yêu cầu tất cả các đồng chí cất tất cả máy quay phim, máy ảnh, tài liệu vào trong túi ni lông, buộc lại cẩn thận. Nếu tàu Trung Quốc bắn, tình huống tàu ta bị cháy, các đồng chí phải nhảy xuống biển ngay. Hãy nhớ cách sử dụng phao cứu sinh. Xin nhắc thêm, vùng biển này có rất nhiều cá mập. Khi bơi trên biển nhớ phải bơi đứng để giảm bớt khả năng cá mập tấn công!".
Thuyền trưởng Quý phổ biến xong, chúng tôi nắm tay nhau đứng trên boong tàu nhìn về phía đảo Cô Lin nơi lá cờ Tổ quốc phần phật bay, hát vang Quốc ca.
Trong đầu tôi lúc ấy có ý nghĩ nếu tàu bị bắn chìm phải bơi trên biển nhỡ bị thất lạc tài liệu thì thật là tiếc những kiểu ảnh đẹp mình đã chụp. Tôi bỗng nhớ tới đôi mắt ngây thơ, bàn tay nhỏ của con gái Minh Ngọc. Nhưng tôi cũng hiểu là trong chiến tranh, cái gì cũng có thể xảy ra. Tôi nhìn lên trời xanh, nhìn xuống lòng biển biếc, sẵn sàng đón nhận tình huống xấu nhất.
Chiếc tàu chiến Trung Quốc mang số hiệu 854 đã tiến rất gần. Tôi nhìn thấy rất rõ nòng pháo rộng hoác hằm hằm dọa dẫm. Nó gầm gừ nhòm ngó. Đã thấy bóng lính hải quân Trung Quốc mặc quần áo kẻ sọc ngồi trên mâm pháo, đứng bên cạnh có lẽ là chỉ huy đang giương ống nhòm chỉ trỏ. Sóng trắng cuồn cuộn trước mũi tàu. Nó tiếp tục lao tới...
Trên tàu, chúng tôi không một tấc sắt trong tay. Tàu chiến Trung Quốc bỗng đổi hướng chạy vòng quanh. Khoảng gần nửa giờ sau, nó lại quay đầu về Gạc Ma.
Tôi lên boong. Chiếc tàu chiến Trung Quốc mang số hiệu 854 vừa dọa dẫm chúng tôi đã quay lại, neo án ngữ ở Gạc Ma. Cạnh đó là cái nhà vòm mà hải quân Trung Quốc vừa dựng lên ngay sau khi đánh chiếm đảo này...
(Còn nữa)
Ngày 8/4/1988, Ban Bí thư Trung ương Đoàn gửi thư tới các chiến sĩ Trường Sa. Bức thư có đoạn:
"Thay mặt cho tuổi trẻ cả nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xin gửi cán bộ chiến sĩ, những đoàn viên thanh niên đang ngày đêm chịu đựng gian khổ, hy sinh, kiên cường trụ bám, giữ vững Trường Sa- lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, những tình cảm thân thương, niềm tự hào trân trọng. Cũng nhân dịp này, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xin gửi tới các gia đình có con em đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa lòng biết ơn sâu sắc những người mẹ, người cha đã trao cho Tổ quốc những người con trung hiếu...
Hội nghị lần thứ II Ban chấp hành Trung ương Đoàn (khóa V) đã quyết định phát động trong trong tuổi trẻ cả nước phong trào thi đua Hướng về Trường Sa".
(Báo Tiền Phong số 16 ra ngày 19/4/1988)
Theo 24h
25 năm hải chiến Trường Sa Kỳ 1: Cuộc xâm lược bất ngờ của Trung Quốc 25 năm trước, ngày 14/3/1988, 64 người con đất Việt đã ngã xuống biển Đông trước họng súng quân xâm lược Trung Quốc. Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 đang được trưng bày tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân Sự hy sinh anh dũng của những người lính Việt Nam đã biến...