Đến Đà Bắc, thưởng thức thịt chuột rừng
Với người Dao Tiền ở huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, thì cỗ cúng trên bàn thờ 3 ngày Tết phải có thịt chuột khô mới thể hiện hết tấm lòng của con cháu với tổ tiên.
Xóm Sưng nằm ở độ cao khoảng 530m so với mặt nước biển, phía sau lưng là dải núi Biều hùng vỹ, dưới chân là cánh đồng ruộng bậc thang uốn lượn trải dài theo sườn đồi thơ mộng. Dù mới phát triển du lịch cộng đồng, nhưng nhờ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, hùng vỹ của núi rừng, xóm Sưng đã và đang là điểm đến hấp dẫn các du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm.
Xóm Sưng miền sơn cước
Xóm Sưng có 73 hộ, 100% là người dân tộc Dao, hiện còn lưu giữ được giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Tiền và đang được đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng.
Điểm đặc biệt là tất cả hộ dân ở đây vẫn giữ nguyên nhà đất trệt, lợp lá cọ truyền thống của người Dao. Người dân giữ gìn, bảo tồn nghề dệt truyền thống từ việc nhuộm chàm, dệt, thêu hoa văn váy, áo, in hoa văn trên váy bằng sáp ong…
Hiện tại xóm Sưng có 3 hộ kinh doanh homestay và 1 quầy trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm.
Homestay Thành Chung nằm xen lẫn với những nếp nhà mái lá đơn sơ của các hộ dân trong xóm, được bao phủ bởi màu xanh tươi mát của cây rừng. Ngôi nhà vẫn giữ nguyên tường gỗ, mái tranh nhưng đã được cải tạo, nền nhà lát gạch, phòng ngủ, bếp, bàn ghế uống nước và nhiều vật dụng được làm từ gỗ, tre nứa, tạo sự gần gũi.
Nhà mái lá đơn sơ của các hộ dân xóm Sưng
Anh Lý Văn Thu, chủ homestay cho biết tuy mới hoạt động nhưng gia đình đã đón nhiều lượt khách, có đợt cuối tuần khách đông, không đủ chỗ nghỉ.
Đến xóm Sưng, du khách không những được khám phá văn hóa bản địa, tìm hiểu phong tục tập quán truyền thống, kiến trúc nhà ở và cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương mà còn được thưởng thức ẩm thực dân tộc như: gà đồi, cá suối, măng rừng; rượu cần, rượu hoẵng…
Chị Lý Sao Mai, điều phối viên công ty Du lịch cộng đồng Đà Bắc tại xóm Sưng, chia sẻ: từ đầu năm 2019 đến nay, xóm Sưng đã đón khoảng 120 đoàn khách với gần 1.300 khách quốc tế. Trong thời gian tới, xóm sẽ thành lập thêm tổ dệt thổ cẩm, tắm thuốc chữa bệnh, khôi phục nghề làm giấy dó của dân tộc Dao… và phát triển thêm một số hộ tham gia kinh doanh hoạt động dịch vụ du lịch để đáp ứng khách du lịch ngày càng tăng đến tham quan, khám phá và trải nghiệm.
Độc đáo đặc sản
Tại xóm Sưng, du khách được thưởng thức món thịt chuột rừng. Người Dao Tiền ở Đà Bắc rất thích ăn thịt chuột, coi đây là một trong những món ẩm thực khoái khẩu. Do ở núi rừng, nên nơi đây không có chuột đồng mà chỉ có chuột rừng. Thịt chuột rừng được xem như đặc sản của vùng cao, phân biệt với chuột đồng ở chiếc đuôi dài, thịt thơm ngon như thịt sóc.
Video đang HOT
Theo ông Phạm Minh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc, tổ tiên xa xưa của người Dao Tiền khi đến vùng núi cao Đà Bắc thường xuyên phải chịu đói, chịu rét, thức ăn vô cùng khan hiếm, nhưng chuột rừng ở đây rất nhiều. Do vậy, nhiều người trong làng lấy thịt chuột làm bữa ăn hằng ngày. Thịt chuột trở thành lương thực cứu đói cho dân làng những lúc khó khăn, trong những ngày giáp hạt, dần dà trở thành thức ăn chính không thể thiếu trong mỗi bữa. Sau này khi đã khấm khá, người dân trong bản không quên thuở xưa đói rét nên vào những ngày làm lễ cơm mới, hội làng hay cúng tổ tiên, trên mâm cơm cúng dứt khoát phải có thịt chuột khô.
Với người Dao Tiền ở huyện vùng cao Đà Bắc, cỗ cúng trên bàn thờ 3 ngày Tết phải có thịt chuột khô mới thể hiện hết tấm lòng của con cháu với tổ tiên. Hằng năm, người Dao Tiền có 3 ngày lễ lớn: Lễ cầu mùa vào Rằm tháng 5, lễ ăn cơm mới sau vụ thu hoạch vào tháng 9 và lễ Tết Nguyên đán. Ngày Tết, bát hương của gia đình Dao nhà nào cũng có 3 tờ tranh, 3 cây vầu, 3 cây nứa, bánh trôi nặn hình rắn, hình hươu, hình khỉ, hình gấu để cúng. Con cháu cúng cho tổ tiên bằng quần áo, lợn gà, rượu gạo và không thể thiếu thịt chuột khô để cho người chết no đủ, phù hộ mình cả năm làm ăn thuận lợi, sức khỏe nhiều nhiều. Trước lúc Giao thừa, gia chủ là đàn ông để thịt chuột lên bàn thờ khấn các cụ tổ tiên về ăn Tết thịt chuột. Nhà nào có nhiều thịt chuột nhất trong ngày Tết thì gặp nhiều may mắn trong năm mới. Thịt chuột thờ phải tự tay gia chủ đi bắt, không được mua ở ngoài về thì mới thể hiện sự thành kính.
Với người Dao Tiền ở huyện vùng cao Đà Bắc, cỗ cúng trên bàn thờ 3 ngày Tết phải có thịt chuột khô mới thể hiện hết tấm lòng của con cháu với tổ tiên.
Những người dân ở đây khẳng định không có loại thịt gì có thể thay thế được thịt chuột để cúng trong đêm Giao thừa. Các ma làng và những người đã khuất chỉ chấp nhận loại đặc sản “truyền thống” này của dân mình. Đến mồng Hai Tết, mỗi hộ trong bản cúng 2 con chuột khô (chuột làm sạch, sấy trên gác bếp), 1 cái bánh chưng, 1 chai rượu, 1 mảnh giấy cầu đầu năm làm nương được mùa, làm tiền được tiền, nuôi vịt nuôi gà đừng cho diều hâu bắt, chăn trâu, chăn bò không bị lăn dốc, rắn rết độc cắn, dịch bệnh không lây lan, người người khỏe mạnh, làng xóm yên ổn.
Người Dao Tiền quan niệm đầu năm không ai được dùng thịt chuột tươi, Tết đến nhà nào cũng sử dụng chuột sấy khô từ trước. Để có thịt chuột cho những ngày lễ tết, vào tháng 11, tháng 12, các gia đình thường đi săn chuột ở trong rừng nứa, nương sắn, nương ngô. Để bắt được chuột rừng, người ta phải làm bẫy rất công phu bằng càm nứa. Chuột săn được đem thui rồi mổ bụng và làm sạch nội tạng, tẩm ướp gia vị, rồi đem gác bếp để sấy khố. Đợi đến khi thịt đượm khói vàng ươm mới đem xuống chế biến món ăn. Rửa thịt với nước nóng, cạo hết bụi bếp bám trên thịt rồi đem chặt thành từng miếng nhỏ. Sau đó đem xuống chảo xào với mỡ nóng, thêm gia vị tùy thích rồi đảo đến khi thịt chín mềm là ăn được.
“Người ở đây từ già đến trẻ ai cũng thích ăn thịt chuột gác bếp, vì miếng thịt vừa giòn vừa dai, mùi thơm của khói bếp tỏa lên mũi thơm nức. Nhà nào có thịt chuột gác bếp, khách bước chân vào nhà là biết ngay, vì thịt đượm khói có mùi thơm rất đặc trưng”, anh Lý Văn Thu nói.
Thú vị trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng Đá Bia
Cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 15km, Đá Bia vẫn còn giữ được những nét văn hóa độc đáo, phù hợp với hình thức du lịch cộng đồng.
Các hộ dân tại Đá Bia đã cải tạo nhà cửa và tham gia mô hình Homestay với mong muốn đón tiếp thêm nhiều du khách trong và ngoài nước đến để trải nghiệm cuộc sống của người Mường tại đây.
Xóm Bia Đá đón khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhắc đến xóm Đá Bia, nhiều người sẽ chỉ biết đây là một xóm của dân tộc Mường Ạu Tá sinh sống ven sông Đà, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 15km với nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, Đá Bia vẫn còn giữ được những nét văn hóa độc đáo, phù hợp với hình thức du lịch cộng đồng. Có lẽ bởi vậy, Tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam đã chọn nơi đây để phát triển dự án "Du lịch cộng đồng" từ năm T6/ 2014.
Để đến được xóm Đá Bia (thuộc huyện Đà Bắc, Hòa Bình), cách dễ nhất cho du khách là đi đường thủy trên lòng hồ Hòa Bình. Dọc hành trình từ cảng Thung Nai đến xóm Đá Bia hết 1.5 tiếng, du khách được chiêm ngưỡng nơi được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi" của Việt Nam. Một nơi có khung cảnh nên thơ vốn tưởng như cách biệt với thế giới bên ngoài nhưng tại đây, mọi thứ từ nếp sinh hoạt cho tới những căn nhà sàn còn nguyên sơ, chính điều đó thực sự hấp dẫn du khách.
Bước chân xuống thuyền đặt chân đến xóm Bia Đá, người dân trong xóm mặc quần áo người Mường ra tiếp đón du khách.
Tại Đá Bia khách du lịch sẽ được đánh thức bởi chiếc loa phát thanh vang khắp xóm vào sáng sớm. Bữa sáng ở Đá Bia, du khách được thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng của người Mường như sườn rang mắm tôm, nhộng ong rừng rang với nước măng chua, thịt trâu xào tiêu rừng, thịt trâu nấu lá lồm, ốc vặn nấu lá lốt, canh cây chuối rừng, chả lá bưởi,... Thậm chí nhiều du khách thích được cùng người bản địa làm những món ăn truyền thống để hiểu thêm về ẩm thực nơi đây.
Bữa ăn được chuẩn bị chu đáo tại Homestay Đinh Thu, xóm Đá Bia.
Người dân hướng dẫn khách du lịch làm món bánh ốc.
Thành quả bánh ốc chấm muối vừng.
Sau bữa sáng, du khách sẽ theo chân người dân trong xóm, những người vẫn tự gọi mình là "hướng dẫn viên nghiệp dư" để khám phá văn hóa của vùng đất hoang sơ này.
Những căn nhà gỗ độc đáo của người Mường hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nếu như ở thành phố, mọi căn nhà đều có ổ khóa tiện nghi thì những ngôi nhà sàn Đá Bia không cần ổ khóa, không vách ngăn, mọi người đều có thể đi lại và thăm nhau dễ dàng. Bạn cũng không cần phải bật điều hòa bởi buổi tối ở đây vô cùng mát mẻ. Tất cả homestay tại Đá Bia đều nhìn ra hồ Hòa Bình khiến mỗi người đến đây trải nghiệm đều cảm thấy vô cùng dễ chịu.
Homestay bên hồ.
Homestay tại Đá Bia được dọn dẹp sạch sẽ để đón du khách.
Ở Đá Bia, du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy người dân mua bán bằng quầy hàng tự giác. Quầy hàng Tự Giác không có người bán đã duy trì hơn 60 năm và chưa từng xảy ra tình trạng mất tiền. Những người bán đều mang nông sản của nhà ra bày đính kèm giá tiền, ai muốn mua sẽ tự giác để tiền lại vào giỏ.
Quầy hàng tự giác đã duy trì 60 năm.
Những hoạt động thường nhật của người dân bản địa đều được những hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách cùng trải nghiệm. Bạn sẽ được đi qua rừng luồng thơ mộng của Đá Bia, qua những nương ngô, nóc nhà sàn nhuộm màu thời gian dưới tán những cây hồng, mít hay móc mật,... Con trẻ tíu tít khi thấy người lạ, những cụ bà cười móm mém ló đầu qua ô cửa hiền khô.
Du khách trải nghiệm tại rừng Luồng.
Thú vị nhất có lẽ là khi đi hết rừng luồng, du khách sẽ xuống hồ để lên thuyền đi tham quan mô hình chăn nuôi cá lồng. Mô hình sinh kế kết hợp với du lịch không chỉ giúp phát triển kinh tế lâu dài cho người dân mà còn là địa điểm thăm quan thú vị với mỗi khách du lịch. Lồng cá tuy đặt ở giữa lòng hồ nhưng nhờ những bè trúc đan lại với nhau nổi trên mặt nước, du khách có thể đi lại xung quanh dễ dàng. Những chậu hoa xinh xắn được thiết kế, bố trí xung quanh để bất cứ ai khi đến cũng có thể chụp lại những bức ảnh đẹp nhất.
Anh Nguyễn Văn Ánh người dân ở Đá Bia, chia sẻ: "Ở đây nuôi cá thì từ một đến hai năm sẽ được thu hoạch tùy từng loại và theo mong muốn của người mua. Mỗi lồng cá nuôi khoảng một nghìn con. Bạn đầu rất khó khăn do không có đủ vốn rồi kĩ năng chưa nhiều nhưng khi được hỗ trợ vay tiền và tập huấn thì tôi cũng mạnh dạn thử và sau 6 năm nhìn lại tôi rất hài lòng."
Chăn nuôi cá lồng - mô hình sinh kế của anh Nguyễn Văn Ánh dưới lòng hồ.
Lồng cá ở giữa hồ nhưng vẫn có thể đi lại xung quanh nhờ được làm các bè trúc nổi trên hồ.
Miền Tây Bắc của Tổ quốc là một vùng núi non hùng vĩ, xứ sở của hoa ban nở trắng rừng, miền đất dịu ngọt của những thiên tình sử, những áng sử thi huyền diệu, những trang phục sặc sỡ nhiều gam màu nóng và quê hương của những vũ điệu dân gian sôi động, say đắm lòng người. Và Hòa Bình, vốn là cửa ngõ của Tây Bắc cũng vậy. Nơi đây cũng có điệu múa truyền thống người Mường cuốn hút và chắc chắn sẽ khiến bất cứ ai thưởng thức đều hào hứng, say sưa.
Người dân xóm Đá Bia trình diễn tiết mục văn hóa người Mường.
Đoàn Thảo Ngân, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền ghé thăm xóm Đá Bia, Đà Bắc hào hứng chia sẻ: "Tôi rất thích không gian ở đây, khi xuống thuyền và nhìn thấy những căn nhà gỗ sạch sẽ đã rất vui. Cơm ở đây cũng rất ngon và nhiều món độc đáo. Những người dân tộc Mường làm homestay nhưng vẫn giữ trọn văn hóa Mường chứ không chỉ là làm du lịch đại chúng. Điều ấn tượng nhất của mình là được tham gia làm món bánh ốc cùng người dân địa phương. Người dân ở đây thật thà, cởi mở và hiếu khách."
Du khách chụp hình tại xóm Đá Bia, Đà Bắc.
Xóm Đá Bia, Đà Bắc - Hòa Bình vẫn là một ẩn số trong lòng những tín đồ mê cái đẹp, bởi nơi đây vẫn còn nhiều điều thú vị về thiên nhiên và con người chưa được khám phá hết. Đây thực sự là miền đất hứa dành cho những người mê khám phá đến trải nghiệm./.
Hòa Bình: Những nông dân huyện Đà Bắc làm du lịch trên vùng hồ Mới chỉ có vài năm, vậy mà các xóm, bản homestay đã tạo sức hút, đem lại sự trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với vùng hồ Hòa Bình. Chúng tôi khá bất ngờ trước sự đổi thay khi trở lại thăm bản Đá Bia - nay là xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc). Chỉ vài năm trước,...