Đến Côn Đảo đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ
Côn Đảo với 16 hòn lớn nhỏ, nhiều đảo hoang sơ như Côn Lôn Lớn, Hòn Bà, Hòn Vung, Hòn Cau, Hòn Trọc, Hòn Tre,… và từng được gọi là Côn Lôn, Côn Sơn, Côn Nôn.
Suýt soát nửa thế kỷ qua, Côn Đảo với tổng diện tích 76,71 km2, là một phần quê hương của tôi với bao kỷ niệm không thể không trở về.
1. Tôi là một phóng viên chiến tranh có mặt tại Côn Đảo 4 ngày sau khi giang sơn thu về một cõi với nhiệm vụ được Tổng Biên tập nhật báo Giải phóng Nguyễn Văn Khuynh giao viết phóng sự nhiều kỳ về việc tù chính trị tự giải thoát trong ngày 30/4 và 1/5/1975, đang được đón về đất liền. Cũng nhân chuyến công tác này, ông bảo tôi tìm cai ngục tên Thượng, là một cơ sở cách mạng – người từng làm “giao liên” giữa Đảng ủy trại tù Côn Đảo với lãnh đạo Trung ương Cục ở Đông Nam bộ trong những năm đầu thập niên 1960 khi ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam cầm tại đây.
Hoàn thành hai nhiệm vụ được giao, tôi bị kẹt lại Côn Đảo do những chiến sĩ cách mạng bị tù đày đã được chuyển hết về đất liền, lại không có tàu hải quân để quá giang. Tôi được Ban Quân quản Côn Đảo bố trí chỗ ăn nghỉ chu đáo, nhưng ân tình nhất vẫn là hai cha con ông Thượng. Con gái ông Thượng tên Vân, 18 tuổi, trước khi thi tú tài 2, ra thăm cha, cũng bị kẹt lại đảo như tôi. Hai chúng tôi đã có những ngày lang thang khắp Côn Lôn Lớn, đã có ngày leo núi Thánh Giá cao 577m, đã có những hoàng hôn thơ thẩn trên những con đường rợp bóng cây bàng cổ thụ, những bình minh tắm biển nơi bãi Đá Trắng, bãi Suối Nóng, bãi Đầm Trầu chỉ có biển, rừng, em và tôi…
Nghề cào nghêu trên Côn Đảo
Du khách tham khu biệt giam nhà tù Côn Đảo
Từ đó, tôi nhiều lần ra Côn Đảo và càng yêu hơn hòn đảo mấy chục năm qua đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng không chỉ với du khách trong nước.
Tôi xin kể đôi nét về hòn đảo độc đáo này với một số chi tiết mà có lẽ nhiều người chưa biết, hoặc biết qua “truyền miệng”.
Video đang HOT
Côn Đảo ngày nay là một huyện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý). Nhưng trước khi trở thành một huyện duy nhất trong nước không có cấp xã, Côn Đảo phải “tách tách – nhập nhập” đến 4 lần với 4 tỉnh – thành!
Có người thắc mắc, Côn Đảo chỉ cách xã Vĩnh Hải, tỉnh Sóc Trăng 40 hải lý – gần đất liền nhất, nhưng tại sao đã nhập với Sóc Trăng rồi lại tách về Bà Rịa – Vũng Tàu. Xin thưa, Vũng Tàu có quân cảng, cảng hàng không, cảng dịch vụ dầu khí, biển Côn Đảo lại có những giếng dầu khai thác từ năm 1986, rồi việc phát triển kinh tế biển và du lịch, nên huyện đảo này thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu là hợp lý nhất.
2. Côn Đảo có dân sinh sống từ đầu thế kỷ XVII, nhưng đến năm 1936, thực dân Pháp đuổi hết về đất liền để không còn là chỗ dựa cho tù chính trị vượt ngục, mãi đến năm 1976, mới lác đác có dân định cư trở lại. Tính đến cuối năm 2023, Côn Đảo có 13 ngàn người, kể cả công chức và các lực lượng bảo vệ đảo, với đủ giọng Bắc, Trung, Nam, có cả những phương ngữ mà muốn nghe hiểu phải qua người dịch!
Bồ câu Nicobar
Mấy chục năm qua, độ phủ sinh cảnh, loài và hệ sinh thái tự nhiên rừng, biển ở Côn Đảo được bảo tồn gần như nguyên vẹn, kéo theo sự phục hồi, phát triển những quần thể sinh vật biển, sinh vật rừng mà không phải nơi nào cũng có được.
Là điểm đến còn đậm nét hoang sơ, thương mại chưa phát triển, du khách đến Côn Đảo tha hồ đắm mình trong 25 bãi tắm mịn màng cát trắng, tĩnh lặng, có thể chèo thuyền kayak, chơi các môn thể thao trên mặt nước, lặn ngắm những rạn san hô đủ màu sắc do 219 loài hợp thành.
Không khí trong lành ở Côn Đảo một phần là nhờ những cánh rừng nguyên sinh được bảo tồn trong Vườn Quốc gia, nhất là khu rừng già ở Bãi Dài. Vườn Quốc gia Côn Đảo (thành lập năm 1993) là một trong số ít vườn quốc gia vừa có hệ sinh thái rừng, vừa có hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái biển với 6 ngàn ha trên cạn và 14 ngàn ha mặt nước, có hơn một ngàn loài thực vật, trong đó có 44 loài được phát hiện lần đầu, có những danh mộc quý hiếm như lát hoa, găng néo, sao đen, săng đá, chua khét…; có cây sao khoảng 230 tuổi, chu vi 8 m, là một trong 103 cây di sản trên đảo, nhiều nhất trong cả nước; 160 loài động vật, trong đó có 8 loài quý hiếm, gần 2 ngàn loài sinh vật biển, có 7 loài rất nguy cấp.
3. Đổ quân xâm lược Việt Nam năm 1858 thì 4 năm sau, Pháp xây dựng nhà tù Côn Đảo để giam cầm những người yêu nước đứng lên chống lại ách đô hộ. Trải qua hơn một thế kỷ, quân xâm lược và chính quyền phụ thuộc đã giam cầm, đày đọa khoảng 20 vạn tù nhân, chủ yếu là sĩ phu yêu nước trong các phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa thục, chống thuế ở Trung Kỳ, nổi dậy ở Nam Kỳ, những năm sau là hàng vạn cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản…
Tháng 4/1979, nhà tù Côn Đảo được Nhà nước công nhận là Khu Di tích lịch sử và tháng 5/2012, được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, trong đó có khu giam giữ, đày đọa tù nhân chính trị và nghĩa địa Hàng Dương – nơi vùi thây hàng vạn tù nhân chính trị và thường phạm do bị tra tấn, lao động khổ sai, đói ăn, thiếu thuốc… suốt từ năm 1862 đến ngày 29/4/1975.
Mấy chục năm qua, Di tích Quốc gia đặc biệt này trở thành điểm du lịch lịch sử, du lịch tâm linh thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.
Côn Đảo xanh
Cua xe tăng
Một góc Côn Đảo
Nhưng du lịch lịch sử – tâm linh ở Côn Đảo, theo tôi, lại gặp một vấn đề, dù tế nhị nhưng không thể không bàn đến. Ấy là đêm nào cũng như đêm nào, cả ngàn du khách đổ ra nghĩa trang Hàng Dương cúng bái ở mộ Anh hùng Võ Thị Sáu. Họ đã biến người con gái vĩnh viễn tuổi 19 này (chứ không phải 16 tuổi như đươc biết bấy lâu nay) thành bà Chúa Kho, thành bà Chúa Xứ để mang lễ vật đến xin chức tước, xin tài lộc. Có những nhóm người đóng từng thùng lễ vật từ Hà Nội, xuống sân bay Cỏ Ống phải thuê xe tải chở về khách sạn để giờ Tý (từ 23 giờ ngày hôm trước tới 1 giờ ngày hôm sau) mang ra cúng mộ Cô Sáu. Trước tình trạng đã kéo dài quá nhiều năm ấy, vừa qua chính quyền huyện Côn Đảo đã yêu cầu du khách hạn chế đốt vàng mã và nhang đèn để nghĩa địa bớt chìm trong khói bụi và chỉ được cúng bái đến 9 giờ tối.
Ở Côn Đảo còn có hai điểm du lịch tâm linh nữa, đó là miếu bà Phi Yến – nơi thờ Phi Yến, thứ phi của Nguyễn Ánh, tên là Lê Thị Răm và miếu Cậu thờ ấu chúa Nguyễn Hội An (hoàng tử Cải). Nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và cả trong tộc phả nhà Nguyễn, không có ai là Phi Yến và hoàng tử Hội An. Vậy vì sao Côn Đảo lại có hai miếu thờ mà người đời cho rằng vô cùng linh thiêng này? Cũng theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, hiện tượng thờ Bà và Cậu của cư dân xưa ở Côn Đảo chính là việc tôn thờ thần hiệu của cả dải đất Đàng Trong, đã lan đến Côn Đảo và là căn cơ để hình thành nên huyền thoại về bà Phi Yến và cậu Nguyễn Hội An.
4. Tôi đã viết hơi dông dài chuyện Côn Đảo nhưng chưa kể những “độc – lạ” của hòn đảo này. Đó là quần thể bò biển (dugong) có cuộc sống không tách rời những thảm cỏ biển. Đó là con thạch sùng đen tuyền đặc hữu, con cua xe tăng đào hang nơi chân thủy triều hoặc bãi cát, bãi sình, càng lớn bên to bên nhỏ kềnh càng như xe tăng, mới và lạ đến mức chưa có tên khoa học. Đó là bồ câu Nicobar ở Việt Nam chỉ duy nhất có tại Côn Đảo với lông màu xanh biếc, óng ánh, lộng lẫy. Đó là từ 1993 – 2022 ở hòn Bảy Cạnh có gần 13 ngàn lượt rùa mẹ lên các bãi đẻ gần 37 ngàn tổ trứng, đã được nhân viên Vườn quốc gia Côn Đảo cho ấp nở và thả về biển gần 2,5 triệu rùa con. Đó là cây bàng cổ thụ hiện diện khắp nơi, vỏ xù xì, thân to, gân guốc mấy người ôm, bao năm qua trái của chúng được chế biến thành món mứt đặc sản. Đó là khách đông hơn chủ, lại chơi vơi giữa trùng khơi. Côn Đảo cái gì cũng đắt, chỉ có hai thứ ngang giá đất liền, đó là vé số và thẻ điện thoại. Dân Côn Đảo sống bằng nhiều nghề, nhưng có một nghề tuyệt nhiên không có, là nghề làm chìa khóa, vì nhà không cần khóa cửa, xe máy bỏ ngoài đường không ai thèm ngó.
Côn Đảo xếp thứ 4 trong top 24 điểm đến hoang sơ đẹp nhất thế giới
Côn Đảo, quần đảo nằm ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa được tạp chí Time Out của Anh xếp hạng thứ 4 trong danh sách 24 điểm đến hoang sơ, ít đông đúc nhất thế giới.
Đây là một vinh dự lớn cho Côn Đảo, một điểm đến nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và là nơi sinh sản của các loài rùa biển quý hiếm.
Khung cảnh hoang sơ, cuốn hút ở Côn Đảo.
Theo Time Out, "quá tải du lịch" là hiện tượng khi một địa điểm có quá nhiều khách du lịch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống địa phương và trải nghiệm của du khách. Để mang đến những trải nghiệm tốt hơn, các biên tập viên và blogger du lịch của Time Out đã chọn ra 24 điểm đến mới mẻ, ít đông đúc, trong đó Côn Đảo đứng ở vị trí thứ 4.
Côn Đảo không chỉ nổi tiếng với bãi biển tuyệt đẹp và Vườn quốc gia Côn Đảo mà còn thu hút du khách bởi những rạn san hô đa sắc màu. Du khách có thể thả mình trong làn nước trong xanh, tham gia lặn biển ngắm san hô, hay đơn giản là dạo bước dọc bờ biển để tận hưởng không gian yên bình.
Grace Beard, biên tập viên du lịch của Time Out, chia sẻ: "Một trong những địa điểm yêu thích của tôi là bãi cát hoang vắng ở Hòn Bảy Cạnh, nơi bảo tồn rùa biển lên đẻ trứng".
Cô cũng gợi ý du khách nên trải nghiệm đi dạo dưới tán cây cổ thụ trong rừng nguyên sinh Ông Đụng, hoặc đi bộ trên con đường đẹp như tranh vẽ lên đỉnh núi Thánh Giá.
Ngoài ra, Bảo tàng Côn Đảo và Nhà tù Côn Đảo cũng là những điểm đến không thể bỏ qua, nơi lưu trữ nhiều hiện vật và tư liệu lịch sử về thời kháng chiến của dân tộc Việt Nam.
Chỉ cách TP.HCM khoảng 1 giờ bay, Côn Đảo là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm kiếm một không gian yên tĩnh, hoang sơ và đầy quyến rũ.
Côn Đảo vào top điểm chưa được đánh giá xứng tầm trên thế giới Tạp chí Time Out liệt kê 24 điểm đến bị đánh giá thấp trên thế giới, trong đó Côn Đảo của Việt Nam xếp vị trí thứ 4. Theo Time Out, Việt Nam có một quần đảo hoang sơ cách thành phố Hồ Chí Minh chỉ 45 phút bay mang tên Côn Đảo. Tạp chí Anh giới thiệu: "Côn Đảo là vườn quốc...