Đến Cát Bà thưởng thức đặc sản vùng núi đá
Thiên nhiên đa dạng và tuyệt đẹp của Cát Bà đã phú cho nơi này những đặc sản làm say lòng du khách bốn phương. Những tinh hoa vùng đảo Ngọc như dê núi Cát Bà, gà Liên Minh, khoai sọ Mùn Ốc, cam Gia Luận… đã thưởng thức một lần sẽ thật khó quên.
Dê núi Cát Bà
Đây là giống dê bản địa từ thời xa xưa của đảo Cát Bà. Vùng núi đá vôi nơi đây rất thích hợp để chăn thả giống dê thuần chủng này. Cũng vì được sống trong môi trường khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt ở đảo Ngọc mà dê Cát Bà có hương vị thơm ngon ít nơi nào sánh kịp.
Dê Cát Bà được ăn nhiều loại thức ăn khác nhau trong thiên nhiên giàu có, đa dạng của đảo. Trong đó có nhiều loại lá cây dược liệu quý như nhân trần, cam thảo, đơn sương, đậu sương, ngũ da bì… Đặc biệt, giống dê này ăn cả những lá cây có độc tố mạnh như lá xoan, lá ngón, mã tiền,… mà vẫn phát triển bình thường! Nguồn thức ăn quý và đa dạng, cùng với việc tìm kiếm thức ăn trên địa hình núi đá vôi khiến cho dê rất khỏe, sức đề kháng cao. Cũng vì thế mà thịt dê săn chắc, vị ngọt đậm, thơm ngon hơn so với nhiều nơi khác.
Theo Đông y, thịt dê là món ăn bổ dưỡng, lại có tác dụng chữa nhiều chứng bệnh như ù tai, đau lưng, mỏi gối, bổ thận, tráng dương, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ, sinh lý yếu… Hầu hết các bộ phận của dê đều có thể làm thuốc.
Dê Cát Bà là giống dê cỏ, được người dân nuôi nhỏ lẻ từ trước những năm chiến tranh chống Pháp. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), dê được nuôi, thả thành đàn do Hợp tác xã quản lý. Sau này, khi Hợp tác xã giải thể, phong trào nuôi dê phát triển mạnh tại các hộ gia đình. Hiện huyện Cát Hải có khoảng 130 hộ nuôi tổng cộng gần 5.000 con dê, tập trung nhiều ở thị trấn Cát Bà và các xã: Trân Châu, Xuân Đám, Phù Long, Hiền Hào, Gia Luận.
Gà Liên Minh
Video đang HOT
Đến với Cát Bà mà chưa ăn gà Liên Minh thì thật phí! Địa thế đặc biệt của thôn Liên Minh (xã Trân Châu) cùng với khí hậu trong lành, ôn hòa đã góp phần tạo nên một giống gà bản địa rất quý. Đây là nơi có địa hình cao nhất trên đảo Cát Bà mà có người sinh sống. Quanh thôn là núi đá kề vai như bức tường thành vĩ đại ngăn cách thôn với bên ngoài. Vì thế mà giống gà Liên Minh không bị lai tạp.
Gà Liên Minh có hình dáng đẹp. Lông mượt, chân màu vàng cao và to. Gà mái lông màu vàng nâu, ngực nở, đầu thanh tú, nặng khoảng 2 – 2,5kg, cho 65 – 70 quả trứng mỗi năm. Gà trống dáng lực lưỡng, nặng tới 4kg, lông sặc sỡ màu cánh gián. Gà được nuôi thả vườn, không cần chuồng trại, tối gà leo lên cây ngủ.
Thịt gà Liên Minh ngon nức tiếng bởi hương thơm, vị ngọt đậm, thịt săn chắc, ít mỡ, da vàng ăn rất giòn. Trứng gà to, nặng, nhiều lòng đỏ. Gà nuôi ở Liên Minh hầu như không đủ bán.
Khoai sọ Mùn Ốc
Giống khoai cùng họ với khoai môn này là cây bản địa gắn liền với truyền thống sản xuất của người dân xã Việt Hải. Tại đây có khoảng 30 hộ trồng tổng số 2ha giống khoai đặc sản này. Người dân thu hoạch chủ yếu là củ cái – củ tương đối lớn, trọng lượng trung bình từ 0,7 – 1kg. Khoai có vị thơm ngon, đậm đà hơn khoai sọ ở các nơi khác.
Có thể chế biến rất nhiều món từ khoai sọ Mùn Ốc như các món ninh, hầm làm canh, kho với thịt ba chỉ hay thịt vịt. Cũng có thể làm món nấm nhồi khoai sọ hay chè khoai sọ nếp cẩm… Khoai sọ Mùn Ốc nấu chín không bị nát mà có độ dẻo và luôn giữ được hương vị thơm ngon hấp dẫn tự nhiên. Theo các nhà khoa học, khoai sọ Mùn Ốc có hàm lượng tinh bột cao, rất giàu dinh dưỡng.
Hiện nay, giống khoai này là cây trồng có giá trị kinh tế cao của bà con xã đảo Việt Hải. Từ lâu, người dân đã trồng để phục vụ nhu cầu của địa phương và khách du lịch. Đông đảo nhân dân trong vùng cũng rất ưa chuộng khoai sọ Mùn Ốc. Nhận thấy giá trị nguồn gen bản địa và kinh tế của giống khoai này, năm 2012, Sở KH&CN Hải Phòng đã cấp kinh phí xây dựng quy trình kỹ thuật trồng cây khoai Mùn Ốc tại xã Việt Hải. Đây cũng là loài cây dễ trồng, ít phải đầu tư, có thể thâm canh tăng năng suất, cải thiện thu nhập cho người dân xã đảo.
Cam Gia Luận
Đây là một nguồn gen quý, sản phẩm đặc trưng của huyện đảo Cát Hải nói riêng và Hải Phòng nói chung. Hiện xã Gia Luận có khoảng gần 100 hộ trồng giống cam này. Hằng năm vùng cam của xã cung cấp cho thị trường 40 – 60 tấn cam đặc sản.
Cam Gia Luận là loại cam giấy, hương thơm, vị ngọt pha chút chua rất thanh. Vỏ mỏng, màu vàng tươi bắt mắt. Múi mỏng và dễ bóc tách, tép nhỏ, mọng nước nhưng khô ráo.
Cam được trồng ở các vườn, áng trên đảo Cát Bà như Tùng Xép, Áng Dài, Ánh Nội, Áng Kê… với môi trường trong lành, nguồn nước tự nhiên. Vì thế, đây là sản phẩm sạch được ưa chuộng.
Thời điểm này sắp vào mùa cam Gia Luận chín rộ. Hãy đến với Cát Bà để ngắm những vườn cam chi chít quả vàng chen giữa lá xanh như muôn ngàn giọt nắng thu giữa núi rừng.
Ngoài ra, Cát Bà còn rất nhiều đặc sản khác “bỏ bùa” du khách như ngao và cua Phù Long, tu hài Cát Bà, mực một nắng, cá thu một nắng… hay các sản phẩm trà, mứt, rượu… từ cây hồng hoa mới “bén chân” trên đảo Cát Bà vài năm gần đây.
Theo DLVN
Chạy ba quãng đồng đến làng cổ Túy Loan ăn tô cháo vịt
Về lại quê, chạy quãng đường dài để được ăn món cháo vịt cỏ có miếng huyết thơm, mùi nếp ngậy mới hiểu cái hồn món quê nó thiêng liêng đến thế nào
Đà Nẵng một buổi chiều ương ương dở dở, trời đầy mây đen mà mưa thì chưa tới, nếu vậy bạn nên chạy ra ngoại ô kiếm món cháo vịt cỏ Túy Loan mà thưởng thức.
Làng cổ Túy Loan cũ kỹ, nhỏ xíu, xanh um bóng cây chỉ cách trung tâm Đà Nẵng chừng mười lăm, hai mươi phút đường ô tô. Làng lọt thỏm giữa dọc ngang các dự án đường cao tốc từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi, đường xuyên 14B lên đường Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên rồi đường xuyên vành đai ngoài thành phố... Vào làng, bạn sẽ thấy hiện ra đầy đủ chợ quê, đồng lúa, những con đường làng uốn lượn và gió luồn qua bóng cây mát rượi.
Làng cổ Túy Loan. Ảnh: Internet
Chợ quê ở Túy Loan có đủ những món hàng vừa quê vừa tỉnh. Trong đó có món bánh gói bột gạo vặn xoăn hình lá như chiếc bánh coi vạc rất đặc biệt,được xếp vào hàng đặc sản quê. Ngoài ra còn có bánh đúc lạc nhân đúng kiểu bánh làng quê Bắc bộ trong truyện ngắn Nam Cao. Bạn cũng có thể thấy những chiếc giường tre mà người bán chỉ có một chiếc một thôi, cứ như toàn bộ tài sản được gánh trên vai là duy nhất và bạn cũng là khách hàng duy nhất vậy.
Đặc biệt nơi đây có đặc sản vịt cỏ. Vịt cỏ là con vịt chạy đồng nước cạn vì miền trung đất chật không nuôi được những đàn vịt lớn như miền tây nước nổi. Vịt này nuôi ao, họa hoằn sau mùa gặt được thả chạy đồng chút chút kiếm lúa sót chớ thường thì vịt ở trên vườn.
Cháo vịt cỏ đặc sản Hòa Vang, Đà Nẵng. Ảnh: Internet
Con vịt cỏ nhỏ nhỏ bằng bàn tay người lớn, ăn lúa, luộc lên da dày vàng ngậy. Dĩa thịt vịt chặt khéo kèm chén mắm gừng ớt tỏi ăn với rau húng, chuối chát, khế thêm vài cọng rau quế nữa là ngon miễn chê. Chén nước mắm cũng phải biết cách pha, gia giảm ớt, tỏi, gừng già, đường, chanh sao cho khi ăn phải hít hà thì mới thiệt là ngon.
Cháo vịt cỏ nấu bằng gạo có ít hạt đậu xanh nguyên vỏ xay bể đôi, vị bùi bùi, beo béo. Cháo nấu đúng kiểu quê, tơi mịn, hạt gạo tẻ nhưng không rời rạc cũng không mịn như cháo bột ở một vài nơi. Nồi cháo nhất định phải có huyết, khi ăn cảm nhận hương vị thơm thơm, dẻo dẻo, mặn mà đúng chất Quảng.
Tôi có cơ hội được đi nhiều nước khắp Á, Âu, món Việt ở những nơi ấy họ cũng thay đổi mùi vị cho hợp cảnh, lâu dần mất hẳn hương vị vốn có. Về lại quê, chạy quãng đường dài để được ăn món cháo vịt cỏ có miếng huyết thơm, mùi nếp ngậy mới hiểu cái hồn món quê nó thiêng liêng đến thế nào. Thật đúng là "ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng", nhưng mà nó bõ công chạy, đâu có thấy khổ thấy mệt gì đâu.
Theo PLO
Thưởng thức đặc sản gà chân voi tiến vua Thứ gà có chân to xù xì như chân voi, mào đỏ chót như mâm xôi từng được tương truyền là của ngon vật lạ cúng tiến vua chúa thời xưa. Hơn nữa, ngày nay lại là một trong ba mươi giống gà bản địa quý hiếm, luôn chế biến được nhiều món ngon, lạ, độc được ưa chuộng bởi những thực khách...