Đến 2015-2016, lương tối thiểu mới đảm bảo được cuộc sống tối thiểu
Đáp lại những kiến nghị của DN, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, mức lương tối thiểu quá thấp tại Việt Nam đã bị lợi dụng, gây ảnh hưởng tới đời sống người lao động. Chính sách này chỉ ảnh hưởng tới 6,6% doanh nghiệp và tác động đến 1% chi phí.
Là người đại diện Chính phủ nhằm giải đáp những vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2012 diễn ra ngày 3/12, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, hướng điều hành của Chính phủ thời gian tới sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó có vấn đề tiếp cận vốn.
Cụ thể, cơ quan điều hành đang xem xét giảm lãi suất theo xu hướng giảm của lạm phát. Đồng thời, thông qua giải quyết các khoản nợ xấu, sẽ lưu thông được dòng tín dụng. “Chúng tôi đã, đang và sẽ làm một cách quyết liệt. Chúng tôi khẳng định là sẽ làm được” – Phó Thủ tướng nói.
Mức lương tối thiểu quá thấp ở Việt Nam đang bị lợi dụng (ảnh BD).
Hiện nay, theo Phó Thủ tướng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng khoảng trên 70% là nợ qua tài sản bảo đảm và nhiều tổ chức tín dụng đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro khá lớn.
Bên cạnh đó, tại chính sách tài khóa, Chính phủ chủ trương hạn chế tăng các chi phí đối với doanh nghiệp trong đó có cả thuế và phí. Riêng về thuế, Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ Việt Nam đã có lộ trình cải cách thuế đến 2015 và trước mắt, trong năm 2013, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó xem xét đến việc hạ thuế.
Đồng thời, cơ quan điều hành cũng đã tổ chức rà soát lại các khoản phí và lệ phí để đảm bảo không tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.
Video đang HOT
Trước đó, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc đã kiến nghị, Chính phủ nên đưa mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 25% hiện nay xuống 20% nhằm khuyến khích đầu tư. Mức thuế 25% mà Việt Nam đang áp dụng hiện nay được cho là đang cao hơn so với khu vực (tại Thái Lan, mức thuế này hiện là 23%; Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là 17%). Điều này ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh trong hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Tại Diễn đàn lần này, sau khi nghe nhiều kiến nghị của các Tổ chức và Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước giãi bày khó khăn khi Chính phủ yêu cầu tăng lương tối thiểu, theo đó, tạo ra gánh nặng về chi trả cho chủ doah nghiệp, Phó Thủ tướng khẳng định rằng, lương tối thiểu của Việt Nam hiện tại đang rất thấp.
Đại diện Chính phủ chỉ rõ, chính tình hình này vô hình trung đã tạo điều kiện để một số doanh nghiệp lợi dụng, trả lương rẻ mạt cho nhân công, ảnh hưởng đến đời sống công nhân, người lao động.
“Chúng tôi thấy rằng, theo lộ trình, lương tối thiểu phải đến 2015-2016 mới có thể đảm bảo được cuộc sống tối thiểu của người lao động, trong điều kiện lao động giản đơn nhất” – Phó Thủ tướng nói.
Theo lộ trình đó, trong năm 2013, Chính phủ sẽ tăng và điều chỉnh tiền lương tối thiểu khoảng 22-25%. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Phó Thủ tướng cho biết, bản thân ông cũng như các thành viên Chính phủ đã nhận được đơn thư từ các hiệp hội ngành hàng kiến nghị chỉ tăng trong khoảng 17-18%. “Qua xem xét, Thủ tướng và Chính phủ cũng đã chấp nhận đề nghị này”.
Nếu với mức tăng khoảng 17-18%, theo tính toán của cơ quan điều hành, sẽ chỉ có 6,6% số doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lương tối thiểu và phần chi phí tăng thêm do điều chỉnh tăng lương tối thiểu không đến 1%. “Do vậy, điều chỉnh lương tối thiểu sẽ không ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo Dantri
Sẽ giảm lãi suất cho vay
Chính phủ vừa phát ra thông điệp rằng ngân hàng sẽ áp trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay. Thị trường xuất hiện nhiều thông tin trái chiều về mức trần lãi suất cho vay.
Chưa giảm, đã lo đối phó
Tại cuộc hội thảo "Dự báo và chính sách kinh tế vĩ mô" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hà Nội tổ chức sáng 30.11, ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, có nhiều cơ sở để hạ lãi suất (LS) trong bối cảnh CPI đi xuống như những tháng vừa rồi. Vì vậy, tuần tới, Chính phủ sẽ họp bàn để điều chỉnh LS theo hướng giảm. Thậm chí, ông Muôn cũng mạnh dạn đưa ra biên độ "lý tưởng": LS huy động khoảng 7,5-8%/năm, cộng thêm 2,5-3% chi phí, ngân hàng (NH) có thể cho vay với LS 10%/năm.
Gần đây lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân có khi thấp hơn cho doanh nghiệp - Ảnh: D.Đ.Minh
Tất nhiên, mức lý tưởng này theo nhiều chuyên gia áp dụng trong bối cảnh hiện tại là khó khả thi, nhưng mức trần 13%/năm là hoàn toàn có thể. Bởi theo báo cáo của NHNN, đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ LS cho vay phổ biến ở mức 10-13%/năm, lĩnh vực sản xuất khác 12-15%/năm. Ngoài ra, trần huy động hiện nay phổ biến ở mức 9%/năm, cũng hoàn toàn phù hợp với mức độ chênh lệch huy động - cho vay 3%/năm - đảm bảo đủ cho NH có thể kinh doanh hiệu quả.
Việc giảm trần cho vay là đúng, vì LS huy động phổ biến hiện cũng chỉ có 9% năm. Ngoài ra, DN không thể chấp nhận một mặt bằng LS cao khi mà lạm phát đã giảm, và họ đã phải chịu đựng khó khăn vì LS cao trong một thời gian quá dài
Nguyên Thống đốc NH Nhà nước Cao Sĩ Kiêm
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm chia sẻ với Thanh Niên: "Việc giảm trần cho vay là đúng, vì LS huy động phổ biến hiện cũng chỉ có 9%/năm. Ngoài ra, DN không thể chấp nhận một mặt bằng LS cao khi mà lạm phát đã giảm, và họ đã phải chịu đựng khó khăn vì LS cao trong một thời gian quá dài".
Mặc dù trần LS chưa được quyết định chính thức, nhưng các NH ngay lập tức lên kế sách đối phó. Nhân viên các NH đã sớm tiếp cận khách hàng, tư vấn gia hạn sổ tiết kiệm để hưởng LS cao vì sang tháng 12 có thể LS sẽ giảm. Một số NH, thậm chí vẫn cho nhân viên chèo kéo khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng nhưng cho hưởng LS dài hạn trên 12 tháng (từ 12 đến 13%/năm).
Cần nhiều giải pháp kích cầu
Dù đánh giá là động thái tích cực, thế nhưng nhiều quan điểm cho rằng việc giảm LS cho vay 1 - 2%/năm chưa hẳn là giải pháp khôi phục nền kinh tế. Theo ông Lưu Ngọc Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Lưu Ngọc Khoa: "Thông tin LS cho vay sẽ tiếp tục giảm cũng không tác động gì đến công ty chúng tôi bởi mức LS vay hiện nay đang ở 16-17%/năm và NH cho hay không thể giảm. Vấn đề mà DN hiện nay quan tâm nhiều nhất là sức mua của thị trường, giải quyết hàng tồn kho. Các DN hiện nay đang đối phó với vấn đề này nên dù NH có mang tiền đến cửa nhà với LS chỉ 8-9%/năm, DN cũng không mấy quan tâm. Nếu LS cho vay ở mức 15-17%/năm mà DN tiêu thụ được hàng hóa dịch vụ thì cũng vay. Nên theo tôi, việc quan trọng hiện nay là cần có những giải pháp để kích cầu, làm sao dân có tiền để mua sắm".
Trên thực tế, mặc dù LS cho vay giảm mạnh từ 20%/năm xuống 13%/năm nhưng tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến ngày 20.11 chỉ tăng khoảng 4,5%, chưa bằng một nửa so với mục tiêu mà NHNN đặt ra. Số DN phá sản vẫn không ngừng tăng lên. Thống kê mới nhất, chỉ trong vòng 1 tháng từ 20.10 đến 20.11, đã có thêm gần 6.000 DN giải thể, dừng hoạt động, tăng 6,6% so với tháng trước.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM - không đồng ý với việc áp trần LS cho vay. Theo ông, LS huy động tiền đồng đối với kỳ hạn dưới 12 tháng hiện nay cũng đưa ra mức trần tối đa là 9%/năm. Nếu áp trần lãi vay thì cả LS huy động, cho vay đều có trần và thị trường trở lại thời kỳ bao cấp. Trong khi chưa có cơ quan chức năng nào phân tích một cách bài bản tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm do LS tác động lên bao nhiêu. Một điểm khá lạ trên thị trường LS gần đây là LS cho DN vay cao hơn cho cá nhân vay. Cụ thể, LS cho vay DN ở mức dưới 11-15%/năm, trong khi LS cho vay đối với khách hàng cá nhân mua nhà, sửa chữa nhà có ưu đãi từ 3 - 6 tháng dưới 10%/năm, còn nếu không có ưu đãi thì ở mức 12-13%/năm.
Ông Dương cho rằng không loại trừ trường hợp, nếu áp trần cho vay, các NH sẽ chọn những khoản vay nào đủ "sở hụi" mới cho vay, chọn lĩnh vực mà NH sống được thì tích cực triển khai cho vay. Như vậy, vốn sẽ không chảy vào những chỗ mà chúng ta cần ưu tiên. Vì vậy, vấn đề không hẳn là giảm LS cho vay mà là DN vay làm hàng hóa dịch vụ bán cho ai, cách tiếp cận vốn của DN có dễ dàng không, các thủ tục cho vay có đơn giản không...
Theo TNO
Lương ngành tài chính, ngân hàng tăng ít nhất năm 2012 Lĩnh vực sản xuất và công nghệ thông tin có mức tăng lương cao nhất trong khi lĩnh vực tài chính, ngân hàng có mức tăng trưởng về lương thấp nhất trong diện được khảo sát. Theo công bố của Towers Watson Việt Nam, đơn vị chuyên tư vấn nhân sự và quản trị rủi ro tài chính cho doanh nghiệp, mức tăng...