Demo Dragon Age 2 và những lời chỉ trích
Thay vì tiếp tục theo đuổi lối chơi của thể loại RPG cổ điển thì phần 2 của loạt game này lại ngày càng casual. Đó là thứ khiến nhiều game thủ thất vọng.
Ra đời năm 2009, Dragon Age: Origins đã được nhiều game thủ đón nhận nồng nhiệt, nhờ cốt truyện xuất sắc, những nhân vật đáng nhớ và hệ thống chiến đấu kết hợp chiến thuật. Tựa game đó cho game thủ cơ hội được thưởng thức phong cách của thể loại game nhập vai cổ điển, và nếu Dragon Age 2 được làm với công thức tương tự, nhiều game thủ sẽ vẫn đón nhận game.
Nhưng với một tựa game có nhiều thay đổi như Dragon Age 2, khi nhiều yếu tố được đơn giản hóa đi để gần gũi với đại đa số game thủ hơn, thì nhiều người còn “phát khùng” với quyết định này của BioWare.
Sự chỉ trích đầu tiên nhắm tới demo Dragon Age 2 đó chính là giao diện quá tệ hại của game. Nếu như bản đầu, HUD được thiết kế hài hòa với thế giới của game nhờ phông nền hình giấy và gỗ, thì trong Dragon Age 2, mọi thứ nhìn đơn giản tới mức nghiệp dư, với những hộp menu màu đen và đỏ vuông vắn.
Chưa kể đến hệ thống menu rối rắm, lằng nhằng, bắt người chơi phải mở từng nhánh của menu ra để tìm lựa chọn cho mình. Chỉ dùng menu để đọc Codex không thôi cũng đã khiến nhiều game thủ bực mình vì sự rườm rà và thiết kế thiếu chuyên nghiệp của menu.
Chỉ trích thứ hai nhắm vào hệ thống chiến đấu của game, vốn được hứa hẹn sẽ tập trung cho tính hành động ngay từ khi Dragon Age 2 được công bố. Thông tin này đã khiến không ít tay RPG hardcore cảm thấy thất vọng, và họ vẫn giữ nguyên quan điểm như vậy sau khi chơi xong bản demo của Dragon Age 2. Hệ thống chiến đấu không còn chất chiến thuật như phiên bản đầu nữa, mà chơi như một tựa game hack-n-slash thông thường.
Video đang HOT
Nếu như Dragon Age: Origins (trên bản PC) cho phép người chơi linh động trong góc nhìn nhân vật, từ nhìn sau lưng cho tới nhìn từ trên cao xuống, thì với những ai quen với góc nhìn ấy sẽ cảm thấy Dragon Age 2 có góc nhìn rất hẹp, không bao quát bằng Origins. Điểm trừ này khiến người chơi khó quan sát được tình hình 2 người đồng đội của mình. Thêm vào đó, hệ thống lời thoại bị đơn giản hóa như đề cập trong các bài viết trước cũng là đối tượng để than vãn của nhiều fan Dragon Age: Origins.
Mặt đồ họa của Dragon Age 2 cũng là đối tượng để nhiều người “soi mói”. Với bản PC, Dragon Age 2 được ưu tiên với những công nghệ đồ họa tiên tiến như DirectX11, nhưng game không truyền tải được không khí của thế giới và các màn chơi tới người chơi do thiếu những nét nổi bật trong thiết kế đồ họa.
Nếu bạn là game thủ console, đồ họa của Dragon Age 2 chắc chắn sẽ không thể bì được với bản Dragon Age 2 trên PC, đó là lẽ hiển nhiên và thường thấy. Có ý kiến cho rằng, nếu so sánh demo giữa bản PS3 và Xbox 360, đồ họa của bản Xbox 360 không được chất lượng như bản PS3.
Nhưng một điều chắc chắn, nếu bạn chơi trên màn hình TV SDTV thay vì HDTV, bạn sẽ không thể đọc nổi chữ trên TV. Mass Effect 2 cũng đã bị chỉ trích tương tự, nhưng với Dragon Age 2, có vẻ như BioWare quyết tâm bắt mọi game thủ PS3 và Xbox 360 phải dẹp chiếc SDTV và thay bằng HDTV để thưởng thức game.
Chỉ mới ra bản demo mà Dragon Age 2 đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều, và bài viết hi vọng phần nào liệt kê ra những chỉ trích thường có về demo Dragon Age 2. Chúng ta cũng không thể hi vọng rằng BioWare sẽ lắng nghe ý kiến và thay đổi toàn bộ hệ thống game cho giống phần đầu, vì chỉ 5 ngày nữa thôi là Dragon Age 2 sẽ chính thức phát hành. Dù rằng Dragon Age 2 có thể không sánh được so với Dragon Age: Origins, nhưng với một hãng game lớn như BioWare, hãy yên tâm rằng khái niệm “game tệ” không có trong lịch sử của họ.
Theo PLXH
Dragon Age II bị fan phần một chê đủ đường
Sự thay đổi mang tính "casual-hóa" của series Dragon Age khiến cho đối tượng khách hàng của nó là những game thủ ưa thích phong cách nhập vai cổ điển mất dần lòng tin.
Theo lời của Bioware, những thay đổi mà họ đang áp dụng với phần 2 của loạt game nhập vai Dragon Age là để phục vụ cho mong muốn của nhà sản xuất trong việc cải thiện những điểm còn thiếu sót của phiên bản trước và giúp thương hiệu này mang những dấu ấn riêng. Thế nhưng, đó chỉ là họ nghĩ vậy. Các game thủ, đặc biệt là fan của phiên bản Dragon Age: Origins thì lại không hài lòng chút nào với những gì BioWare đang làm.
Trong những thay đổi của Dragon Age II so với Dragon Age: Origins, sự thay đổi rõ ràng nhất của dòng game đó là phong cách đồ họa. Khác với phong cách đồ họa tăm tối và sát thực như ở phần đầu, Dragon Age II có nét màu sắc và hơi hướm hoạt họa hơn.
Theo họa sĩ thiết kế của Bioware, Matt Goldman, sự thay đổi trong phong cách đồ họa của Dragon Age II là điều cần thiết. Những gì được thể hiện qua bản Origins không làm Bioware thật sự thỏa mãn, họ cảm thấy dường như game đang cố gắng nửa vời với đồ họa nửa u ám, nửa kì quái. Thế nên, việc Bioware muốn sửa chữa những lời chê trách của phiên bản trước cũng không phải khó hiểu.
Đồ họa của Dragon Age II ít góc cạnh thô kệch hơn và bắt đầu mang phong cách riêng hơn là mang nét chung chung giống như các tựa game đề tài Dungeon n Dragons thường thấy. Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với sự thay đổi này, nhất là sự phá cách trong việc tạo hình các nhân vật của Dragon Age II. Mọi người cũng nên nhớ rằng "Dragon Age: Origins là một trong những minh chứng của việc game vẫn có thể thành công kể cả khi có đồ họa tệ" - Joystiq từng nhận xét.
Nếu như trong Dragon Age: Origins, những bộ áo giáp được thiết kế theo kiểu thực tế, thì qua những hình ảnh về áo giáp của Hawke mà Bioware cung cấp, chúng chỉ còn là "những mảnh sắt tạp được chắp vá, tạo nên bởi các khối đa giác thô cứng để nhìn ngầu hơn" - trích lời thành viên trên diễn đàn social.bioware.com.
Bi hài hơn, còn có những lời than trách Bioware khi để thua kém về mảng đồ họa khi so sánh với The Witcher 2, một tựa game RPG của CDProjekt cũng rất hứa hẹn trong năm nay.
Ngay cả nhân vật chính của game cũng khiến nhiều người phải "ngứa mắt". Trong bản Origins, người chơi được bắt đầu với việc lựa chọn nhân vật của mình trong 4 chủng tộc, mỗi chủng tộc gồm 3 class, chưa kể đến xuất xứ của nhân vật cũng khác nhau mỗi lần chơi thì tại Dragon Age II, người chơi bị "khóa" với nhân vật Hawke (chủng Human) với tiểu sử và xuất xứ do Bioware tạo ra, và người chơi chỉ được chọn giới tính và ngoại hình cho nhân vật Hawke này.
Một thay đổi nữa đáng nói là thay đổi trong hệ thống lời thoại của Dragon Age II, khi bỏ phong cách chọn câu truyền thống để sang với hệ thống chọn đại ý như trong Mass Effect.
Để mọi việc đơn giản hơn, game còn "tô vẽ" màu sắc và biểu tượng để người chơi biết ngay câu này sẽ làm NPC cảm xúc gì. Những game thủ "hardcore" lại được dịp than thở rằng tại sao Bioware càng ngày càng hay làm những tựa game RPG bị đơn giản hóa như vậy.
Điều này khiến cho sự tương đồng của hai series Dragon Age II - Mass Effect ngày một rõ rệt. Trong khi đó, hồi năm 2009, Bioware đã chiều lòng cả 2 nhóm người chơi game RPG hai thể loại phức tạp và đơn giản với cặp bài trùng Dragon Age: Origins và Mass Effect 2. Chúng khác biệt và sự khác biệt của mỗi sản phẩm này lại đều mang những ý nghĩa riêng.
Nếu Dragon Age II giống Mass Effect 2 thì thật sự là chúng ta đang có 2 trò chơi nhập vai casual chỉ khác biệt về bối cảnh, các game thủ RPG hardcore lại tiếp tục bị "bỏ đói". Chả trách được tại sao những fan hâm mộ của bản Origins lại "lo sốt vó".
Làm dâu trăm họ thật khó khăn, trong tình thế của Bioware, với Dragon Age II, họ vừa muốn khai thác tiếp "mỏ vàng" Dragon Age, vừa muốn khắc phục những lỗi lầm của phiên bản đầu và tiếp cận với nhiều người chơi hơn. Ấy thế mà kể cả thay đổi lẫn bảo thủ thì họ đều dễ bị chê trách.
Ngày phát hành của Dragon Age II đang ngày một cận kề (tháng 3), chúng ta hãy chờ xem, với những cách tân mà Bioware hứa hẹn liệu có chiều lòng được cả người chơi mới lẫn những fan trung thành không.
Theo PLXH
Người chơi sẽ không còn phải ức chế trong Dragon Age II Các trận chiến theo nhóm của phiên bản này trở nên hấp dẫn hơn là nhờ hệ thống phát triển kĩ năng cũng như lối thiết kế mới của các lớp nhân vật. Một trong những điều làm nên sự khác biệt lớn nhất của Dragon Age II hay Dragon Age: Origins chính là cảm giác khác biệt giữa các lớp nhân vật....