Đêm trắng ở Saint Petersburg
Tôi dừng lại bên bờ sông Neva, hướng mắt về phía hoàng hôn vàng đậm bên kia bờ.
Phía sau lưng, ánh nắng mềm mại chiếu lên mặt tiền Cung điện mùa Đông, phủ một lớp vàng nhẹ lên những bức tượng xám trên mái tòa nhà cổ kính.
Lúc này Saint Petersburg đã là 10 giờ tối. Nhưng bóng tối và ánh sáng hòa vào nhau thành một kiểu hoàng hôn nhè nhẹ, gọi là đêm trắng. Không phải mầu trắng bình thường, mà là mầu của chạng vạng, nhưng cứ dền dứ mãi. Cái mầu nhờ nhờ như suốt đêm tạo thêm bí ấn và quyến rũ cho thành phố với tuổi đời đã hơn 300 năm.
Tôi nhớ lời một người bạn. Rằng, cũng như nhiều thành phố nổi tiếng khác, St.Petersburg có những bí mật riêng để du khách thèm thuồng. Một lịch sử tuyệt vời, những cung điện đồ sộ, những nhà thờ tráng lệ và cả những cây cầu mở đặc sắc. Chúng hài hòa, tạo nên một quần thể kiến trúc ấn tượng. Nhưng đó đều do bàn tay con người làm nên, tuy đẹp nhưng là vẻ đẹp nhân tạo. Còn đêm trắng thì không.
Người bạn tôi còn bảo, không có gì làm nổi bật một món đồ trang sức quý báu hơn một thứ ánh sáng chiếu đúng hướng đúng chiều. Nếu coi St.Petersburg là viên ngọc, thì đêm trắng chính là thứ ánh sáng đó, chiếu thẳng vào những điểm tham quan của thành phố, phủ vàng dọc bờ sông, quảng trường và các đại lộ.
Từ cuối tháng Năm đến giữa tháng Bảy, người dân lại nô nức kéo về St.Petersburg để cảm nhận vẻ đẹp đêm trắng – niềm tự hào của thủ đô phương Bắc. Họ có những đêm không ngủ, khi mặt trời còn không muốn nghỉ ngơi mà tiếp tục rực rỡ nơi đường chân trời. Nếu như đối với cư dân St.Petersburg và các vị khách của thành phố, hiện tượng này được gọi là “đêm”, thì với người dân của vòng Bắc Cực, như ở Murmansk – tỉnh cực bắc nước Nga, đó là “ngày vùng cực”.
Trong cái thứ ánh sáng mầu xam xám, tôi thấy người ta hạnh phúc hơn. Có thể họ vui vẻ vì tin rằng, màn đêm sẽ không buông xuống. Đêm của họ sẽ dài đến tận bình minh hôm sau. Họ đứng vây quanh những nghệ sĩ đường phố, ôm nhau nhún nhảy theo nhạc. Hai người đầu đã bạc cầm tay xoay điệu valse, hai bạn trẻ đan tay nhìn vào mắt. Một bà mẹ nắm tay người con trai, đung đưa mỉm cười.
Video đang HOT
Gió cứ nhè nhẹ và man mát, tô thêm sự lãng mạn và quyến rũ trên những con đường của thành phố. Ánh sáng mầu hoàng hôn không phô trương, không chiếu vào mắt, mà cứ dịu dàng ôm lấy mọi sự vật. Qua lăng kính của đêm trắng, nhiều điều thú vị hiện lên. Đó là những chân trời mới đang mở ra trước mắt. Những mảng vàng nấp sau những đám mây xám dày, cố len lỏi qua những khoảng trống để soi rọi xuống thành phố. Nên mới có cảnh trong một góc phố, chỉ một vài tòa nhà sáng lên mầu hổ phách.
Trong cái lãng mạn, chẳng nhiều người muốn nghĩ đến dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Một số cẩn trọng cố tránh hòa vào dòng người đông đúc. Như hai người trẻ tìm thấy một không gian vắng hơn trên bờ kênh, gác tay lên thành lan can sắt, dòng sông ánh bạc lấp lánh dưới chân… Suy cho cùng, lãng mạn nhất vẫn phải gắn với hình ảnh con người ta yêu nhau. Họ bảo trên bờ Neva, con người dễ gặp hạnh phúc đời mình. Petersburg những đêm trắng giúp hai nửa gặp gỡ, kết đôi từ hai miền quê xa lạ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người Petersburg thích kết hôn trên dòng Neva.
Tôi cứ lang thang từ bờ kè này đến bờ kè khác, lạc từ phố này sang phố khác. Ngắm nhìn mặt trời đang sơn vàng mặt nước. Mất khái niệm thời gian, buổi tối, đêm hay sáng. Điều đó cũng chẳng còn quan trọng.
Trên dòng sông lấp lánh, thuyền bè đi lại tấp nập, chở những du khách đang mở rộng tâm hồn đón nhận những điều mới mẻ, quyến rũ. Ngắm đêm trắng trên thuyền băng qua những cây cầu mở ở Saint, đó cũng thật sự là một trải nghiệm khó quên.
Đến xứ sở Bạch dương, hòa mình vào lễ hội "Cánh buồm đỏ thắm"
Scarlet Sails hay lễ hội "Cánh buồm đỏ thắm" được tổ chức vào mỗi dịp đêm trắng hằng năm. Địa điểm diễn ra lễ hội là trên bờ sông Neva ở Saint Petersburg và Scarlet Sails cũng là một phần của lễ hội đêm trắng quốc tế.
Ở Nga hiện tượng Đêm trắng thường xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 7, đây cũng là lúc cảnh sắc về đêm lờ mờ sáng khiến cảnh vật trở nên kỳ ảo vô cùng.
Chiếc thuyền với cánh buồm đỏ thắm đi dọc bờ sông trong lễ hội.
Saint Peterburg được mệnh danh là thành phố của những cung điện và là thành phố hoa lệ bậc nhất trên thế giới. Đây cũng là nơi tổ chức lễ hội Đêm trắng lâu đời nhất. Vào lễ hội Đêm trắng, thành phố trở nên lộng lẫy hơn bao giờ hết. Cả thành phố được bao trùm bởi thứ ánh sáng trắng ngà màu sữa tuyệt đẹp.
Ban ngày, người dân địa phương làm việc và vui chơi trong cái nắng của ngày hè, còn đến đêm họ ngập tràn trong ánh sáng của bầu trời với những lễ hội, buổi hòa nhạc và tiệc tùng. Đêm trắng ở St. Perterburg càng trở nên lung linh, kì ảo hơn là nhờ có dòng sông Neva tô điểm.
Lịch sử hình thành của lễ hội
"Cánh buồm đỏ thắm" là lễ hội được bước ra từ câu chuyện cổ tích cùng tên của đại thi hào Nga Alexander Grin. Câu chuyện này kể về một cô gái trẻ sống trong một làng chài nhỏ, nhưng mơ ước được nhìn thấy thế giới rộng lớn vào một ngày nào đó. Cô được một phù thủy nói rằng sẽ có một con tàu có cánh buồm đỏ sẽ đến và đưa cô đi một ngày nào đó - và cô tin vào điều đó. Một ngày nọ, có chàng hoàng tử trên một con tàu buôn lớn đã đi qua làng, hoàng tử nhìn thấy cô và đem lòng yêu cô ấy sau đó cả hai đã cùng lên thuyền khám phá thế giới rộng lớn.
Ý nghĩa của lễ hội
Lễ hội này được tổ chức vào ngày tốt nghiệp của các học sinh Nga. Đây được coi là món quà dành tặng cho tất cả các em vừa tốt nghiệp phổ thông trước khi bước vào cuộc đời sinh viên, dánh dấu một bước chuyển tiếp quan trọng trong cuộc đời của các em.
Ngoài việc là món quà dành cho những em học sinh, lễ hội cũng là thời điểm hàng trăm ngàn người ở mọi lứa tuổi cùng nhau đến với dọc theo bờ sông Neva để thưởng thức cảnh tượng độc đáo này.
Những hoạt động chính
Lễ hội được mở màn bằng "cuộc chiến" với cướp biển trên sông Neva, tiếp đó là màn pháo hoa rực rỡ trên nền trời của quảng trường cung điện bên bờ sông Neva, tiết mục nhạc nước sống động được tạo nên từ các đài phun nước lớn nhất thế giới. Và khi thời khắc những cây câu trên sông Neva dựng mở chính là lúc cánh buồm đỏ thắm trong câu chuyện cổ tích xuất hiện. Cảnh tượng này thường kéo dài trong 20 phút.
Lễ hội "Cánh buồm đỏ thắm" hàng năm thu hút hàng triệu du khách đổ về Saint Petersburg và thời gian tổ chức lễ hội cũng được xem là thời gian đẹp nhất trong năm của nước Nga.
Năm 2020 do Covid-19, lễ hội phải tổ chức theo hình thức online và thay đổi vị trí biểu diễn. Năm 2021, Chính phủ Nga đã quyết định lại tổ chức theo cách truyền thống vào ngày 25/6, tuy nhiên các học sinh ưu tú sẽ không được diễu hành trên thuyền để tránh sự lây lan của virus. Năm nay cũng đánh dấu sự xuất hiện của một con thuyền với những cánh buồm đỏ lớn nhất trong lịch sử sự kiện, lên đến 900 m2.
Du khách không có cơ hội đến thăm St. Petersburg có thể xem chương trình trên kênh truyền hình Piaty Kanal (Kênh 5) hoặc xem trực tiếp trên trang Youtube của kênh này.
Hành trình 10 ngày khám phá 3 thành phố Nga của du học sinh Việt Thành phố Saint Petersburg, Sochi và Crimea cổ kính và thơ mộng trong chuyến đi của chàng du học sinh tại Nga. Nguyễn Trần Kiên (1996) theo học chuyên ngành Điện hạt nhân tại Đại học Bách khoa Saint Petersburg, Liên bang Nga. Trải qua hơn 6 năm học, trước khi tốt nghiệp và trở về Việt Nam, Kiên quyết định thực hiện...