Đem Tết sớm đến hàng nghìn hộ cận nghèo
Tết này, hàng nghìn hộ cận nghèo đã yên tâm vui xuân đón Tết nhờ chương trình hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh TP.Cần Thơ.
Tiếp sức cho hộ cận nghèo
Ông Huỳnh Văn Thuận- Giám đốc Ngân hàng CSXH TP.Cần Thơ cho biết, thực hiện Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg, ngày 23.2.2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, thời gian qua Ngân hàng CSXH TP.Cần Thơ đã bổ sung nguồn vốn kịp thời về các ngân hàng địa phương để triển khai cho vay. Với thủ tục hồ sơ, quy trình cho vay đơn giản, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh được vay mức tối đa 50 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 0,66%/tháng, không phải thế chấp bất kỳ tài sản gì và được thực hiện giải ngân phát tiền vay ngay tại nơi cư trú.
Cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH TP.Cần Thơ làm thủ tục giải ngân vốn vay cho hộ cận nghèo. Ảnh: Hồng Cẩm
Sau 3 năm triển khai tín dụng đối với hộ cận nghèo, Ngân hàng CSXH TP.Cần Thơ đã giải ngân cho vay gần 40.000 lượt hộ; bình quân dư nợ khoảng 16 triệu đồng/hộ. Đến nay, Ngân hàng CSXH TP.Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành việc giải ngân cho vay đến các đối tượng thụ hưởng.
Chương trình tín dụng cho hộ cận nghèo vay ưu đãi đã góp phần “lấp” khoảng “ranh giới mong manh” giữa hộ nghèo và trung bình mà đôi khi để phân biệt, phân loại được rõ ràng 2 đối tượng trên ở nông thôn là rất khó. “Chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đến các đối tượng chính sách.
Video đang HOT
Cho hộ cận nghèo vay vốn không chỉ người dân phấn khởi mà cán bộ cũng yên tâm, bởi có thêm cơ sở cho việc giảm nghèo bền vững. Chính vì thế, chương trình đã thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho rất nhiều hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát hẳn nguy cơ tái nghèo. Có thể khẳng định việc hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo đã mang lại hiệu ứng tích cực” – ông Huỳnh Văn Thuận chia sẻ.
Thoát nghèo bền vững
Nguồn vốn cho vay được các hộ cận nghèo tại Cần Thơ đầu tư sử dụng vốn vay đúng mục đích, các mô hình làm ăn chủ yếu là chăn nuôi đại gia súc sinh sản, trồng trọt và kinh doanh dịch vụ… Đa số các hộ vay chấp hành trả lãi đầy đủ cho Ngân hàng CSXH, đồng vốn đang ngày càng phát huy tốt hiệu quả. Sau 3 năm triển khai đã có hàng nghìn hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả.
Tiêu biểu là hộ chị Nguyễn Thị Thới Thẩm, ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy vốn là hộ nghèo, không có tư liệu sản xuất. Cả gia đình chị Thẩm có 7 thành viên, trong khi cha mẹ chị mất sức lao động, các con còn nhỏ. Trước khi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, kinh tế gia đình chị Thẩm hết sức khó khăn. Khi có chương trình, chị vay 30 triệu đồng trồng lan để tăng thu nhập. Sau 1 năm, lứa lan đầu tiên xuất bán, chị thu được hơn 20 triệu đồng lợi nhuận, cuộc sống gia đình chị đỡ chật vật hơn trước. Đến nay chị đã mở rộng vườn lan ra 1ha, với khoảng 20.000 chậu lan chuẩn bị bán tết.
Chị Thẩm vui mừng cho biết, ước tính lợi nhuận bán lan sẽ cho gia đình là hơn 60 triệu đồng… Số tiền thu được, chị Thẩm sẽ trả hết cho ngân hàng và tiếp tục tái đầu tư mở rộng trồng lan để tăng thêm thu nhập trong những năm sau…
Tương tự gia đình chị Thẩm, chị Nguyễn Thị Mười, ở khu vực Thới An, phường Thới An Đông vay 30 triệu đồng để đầu tư vào trồng, chăm sóc 1ha vú sữa. Sau nhiều năm đầu tư, chăm sóc, vườn vú sữa đã cho những trái ngọt. Chị Mười cho biết, với giá cả hiện nay khoảng 35.000 đồng/kg, gia đình chị sẽ thu về gần 100 triệu đồng (sau khi trừ hết chi phí, gia đình chị lãi gần 50 triệu đồng)…
“Với hiệu quả bước đầu của chương trình, thời gian tới Ngân hàng CSXH TP.Cần Thơ sẽ tranh thủ nguồn vốn từ T.Ư và huy động tại địa phương để kịp thời phân giao và giải ngân nhanh đến các đối tượng thụ hưởng, đáp ứng nhu cầu vay vốn tái sản xuất, kinh doanh giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững” – ông Huỳnh Văn Thuận nhấn mạnh.
Theo Danviet
"Tiếp sức" cho 1.400 hộ vùng thiên tai
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, chia sẻ những khó khăn của nông dân bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã xem xét gia hạn nợ, đề nghị khoanh nợ, và cho vay bổ sung giúp bà con ổn định sản xuất, kinh doanh.
Gia hạn, xóa nợ cho vùng khó
Theo Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Bạc Liêu, để kịp thời hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do hạn, mặn, đơn vị này đã tích cực phối hợp chính quyền các cấp, các ngành cập nhật danh sách các hộ bị ảnh hưởng. Qua đó, Ngân hàng CSXH tiến hành các giải pháp gia hạn nợ, khoanh nợ, cho vay mới...
Bà Triệu Thị Hoa (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) dọn ruộng để chuẩn bị trồng
vụ màu mới. Ảnh: Chúc Ly
Tính đến giữa năm 2016, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ, cho vay mới được 1.422 hộ, với tổng số vốn gần 20 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi nhánh đã giải ngân hơn 4,8 tỷ đồng khác đối với các chương trình tín dụng ưu đãi cho trên 300 hộ.
Ông Lê Thanh Võ - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bạc Liêu cho biết, thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn, mặn và khôi phục sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL, chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH, thời gian qua, chi nhánh tập trung phối hợp các cấp chính quyền, các ngành liên quan rà soát, thống kê, xác định tình trạng và số vốn tín dụng chính sách bị thiệt hại thực tế để thống nhất các giải pháp xử lý theo quy định của Chính phủ.
Cho vay vốn tái sản xuất
Là một trong những hộ bị ảnh hưởng của đợt hạn mặn kỷ lục vừa qua, bà Trương Thị Hoài Nhân ở ấp Sóc Đồn, xã Hưng Hội (Vĩnh Lợi) chia sẻ: "Gia đình tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 15 triệu đồng để sản xuất 5 công lúa, tuy nhiên trong quá trình canh tác gặp thời điểm nước mặn xâm nhập, toàn bộ diện tích bị mất trắng. Nhờ Ngân hàng CSXH kịp thời giải ngân cho vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo, gia đình tôi có vốn để đầu tư vào mô hình nuôi tôm và buôn bán nhỏ...".
Từ khi được vay vốn tái sản xuất gia đình bà Nhân yên tâm, không còn tư tưởng đi làm thuê, làm mướn xa. "Hiện giờ chồng tôi lo canh tác ở 5 công đất nuôi tôm, tôi nuôi gà và buôn bán nhỏ. Mỗi ngày, tiền lời từ gian hàng tạp hóa cũng đủ chi tiêu trong gia đình" - bà Nhân bộc bạch.
Cùng cảnh ngộ, bà Triệu Thị Hoa (ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội) được Ngân hàng CSXH lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ. "Nhờ được khoanh nợ, chứ nếu không gia đình tôi cũng chẳng biết lấy tiền đâu để trả lãi trong lúc khó khăn này. Trong vụ màu tới đây, tôi mong tiếp tục được địa phương, ngân hàng xem xét cho vay tái sản xuất...".
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Phúc ngụ ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội phấn khởi nói: "Gia đình tôi thuộc diện hộ mới thoát nghèo cũng bị thiệt hại do hạn mặn mới được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng để nuôi tôm. Đây là nguồn vốn thực sự có ý nghĩa, giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống".
Theo Danviet
Gần 33.000 tỷ đồng tín dụng vùng DTTS Ngân hàng CSXH cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, bên cạnh các chương trình tín dụng chính sách do đơn vị này thực hiện, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn được thụ hưởng 4 chương trình tín dụng riêng theo các Quyết định 54/2012/QĐ-TTg; Quyết định 29/2013/QĐ-TTg. Nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải vay vốn Ngân hàng CSXH...