Đêm rủ nhau leo núi Bà Đen ngắm mây trời
Núi Bà Đen từ lâu trở thành điểm đáng chinh phục”của biết bao bạn trẻ yêu phượt, thích khám phá. Họ đến đây không chỉ để leo núi, ngắm hoàng hôn, bình minh, săn mây trời…
Núi Bà Đen cao 986 m, là đỉnh núi cao và khó chinh phục nhất vùng đất phía Nam. Có nhiều hướng để lên đỉnh: đường chùa (ngắn nhất, nhưng lại dốc nhất, nhiều đá tảng khó vượt qua), đường cột điện (đường dễ leo và phổ biến nhất), đường Ma Thiên Lãnh (khó đi và dài), đường dốc Đá Trắng (khó chinh phục nhất, chỉ thích hợp bạn nào có sức khỏe tốt).
Leo núi ban ngày, bạn dễ ngắm cảnh hơn, ít nguy hiểm. Nhưng nếu ngại trời nắng nóng, leo núi ban đêm có nhiều trải nghiệm thú vị: ngắm hoàng hôn dần buông, soi đèn tìm đường đi, lạc lõng giữa núi rừng chỉ bốn bề bóng tối đen nghịt…
Chúng tôi bắt đầu leo núi lúc 17h đến 22h mới có thể lên đến đỉnh núi. Nhóm nào ít thành viên, sức khỏe tốt có thể leo trong vòng 3-4 tiếng. Nhóm đông hay lần đầu đi có thể mất 5-6 tiếng. Trong ảnh là phong cảnh đồng ruộng Tây Ninh lúc chập choạng tối, góc nhìn từ 100 m.
Mỗi thành viên trong đoàn đều phải mang vác ít nhất từ 7 kg (nữ) – 10 kg (nam), bao gồm cả vật dụng cá nhân, nước uống, thức ăn và lều trại… Trong vòng một giờ đầu tiên, bạn sẽ thấy uể oải vì mệt, vì thời tiết nóng… nhưng bù lại bạn được thiết đãi vô vàn cảnh đẹp, hoàng hôn đỏ rực khuất dần sau những rẫy chuối, làng mạc…
Cả không gian rừng núi lúc này chỉ còn một bức màn đen kịt, tĩnh mịch. Xa xa, đường dưới chân chùa đã lên đèn. Núi rỉ rả tiếng í ới của các đoàn, tiếng côn trùng bắt đầu rít rít.
Màn đêm buông quá nhanh, khiến tôi chẳng còn khai thác được gì trên hành trình lên núi, đành nhanh chóng vượt bao dốc núi, rừng tre, cầu thang đá… mà đến được đỉnh, để có thể ôm trọn lòng mình biết bao cảnh sắc từ trên cao.
Đêm ở Bà Đen huyền ảo với những bức màn sương đêm giăng kín, tầm nhìn 5 m. Thời tiết se se lạnh, không gian dưới chân núi lung linh thơ mộng với ánh đèn đường đã lên, làm bật sáng cả khung trời.
Từ đỉnh núi, phóng tầm mắt về hướng tây, sương mù lúc 1h làm ướt sẫm những đám cây rừng, bụi cỏ, bảng lảng khắp nền trời, tạo nên những khung cảnh hết sức quyến rũ, ảo diệu.
Cảnh đêm ở Bà Đen sẽ đẹp hơn nếu ngắm từ khoảng 19-20h, vì thời điểm này đèn đường sáng hơn. Tuy nhiên, vì xuất phát trễ, nên chúng tôi đành thưởng lãm những cảnh sắc có phần khác biệt lúc 23h-1h.
Video đang HOT
Theo các dân phượt dày kinh nghiệm leo núi Bà Đen nhiều lần, để bình minh có mây đẹp để săn, đêm hôm trước phải có mưa thì mây mới bay bồng bềnh, lãng du trong gió đưa, thật đẹp. Nếu không, sáng chỉ có mình minh mà thôi, sương nặng hạt, gió lạnh. Trong ảnh là cảnh sắc núi Bà Đen phơi sáng lúc 5h15.
Bạn nên thức dậy sớm 5h để đón chờ bình minh lên, đừng quá muộn vì chỉ vài giây trôi qua thôi, bạn cũng đã đánh mất những giây phút đẹp của mây trời cùng hòa hợp tạo nên. Trong ảnh xa xa là hồ Dầu Tiếng bảng lãng sương giăng, mây lồng bóng nước, nơi ánh mặt trời dần xuất hiện.
“Ở nơi ấy, trên ngọn núi cao, có hai người yêu nhau”. Với các cặp đôi đang rạo rực con tim, yêu nhau, một lần nắm tay cùng đón chờ ngắm bình minh lên ở một nơi xa, quả là rất tuyệt.
Khoảng 5h45 mặt trời bừng đỏ trên nền trời, hắt những vệt nắng hồng xuống lòng hồ Dầu Tiếng, khiến bức tranh thôn quê ngày mới tràn đầy sức sống.
Bình minh trên Hồ Dầu Tiếng, góc nhìn từ núi Bà Đen.
Những trái tim lữ hành đợi chờ những giây phút đẹp nhất trong suốt hành trình leo núi. Nếu đến Bà Đen chưa ngắm bình minh thì coi như chưa đặt chân đến.
Sớm thức dậy ở một nơi xa, được đất trời thết đãi vô vàn những cảnh sắc khó quên.
Hành trình trở về, nhóm quyết định về theo đường chùa. Con đường vô cùng dốc, đá tảng lớn, có lúc vừa bò, trườn, vừa đu đây để qua.
Đu bám những cành cây, gốc rễ để xuống núi…
Đu dây để vượt qua thử thách.
Tảng đá có view đẹp, thích hợp cho bạn trẻ check-in sống ảo.
Cảnh sắc miền thôn quê Tây Ninh.
Bài và ảnh: Phước Bình
Theo Zing
Phượt đường Đá Trắng - cung đường nguy hiểm nhất núi Bà Đen
Đích đến cũng như mục tiêu chinh phục của hành trình không phải đỉnh núi, mà là đỉnh dốc đá hơn 700 m. Đó là nơi bạn không được phép có bất kỳ sai sót nào.
Đây là con đường thú vị nhất, cho tôi nhiều trải nghiệm nhất ở núi Bà Đen (Tây Ninh), ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ. Và tôi tin chắc rằng, những ai mê trekking, leo núi, các trò thể thao mạo hiểm ngoài trời đều sẽ bị nghiện nếu có cơ hội trải nghiệm một lần. Hành trình xuất phát từ vườn xoài phía sau Anh Linh miếu theo vị trí tôi đánh dấu hình bên.
Điểm xuất phát.
Đây là hành trình thật sự khó, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và cả sự mạo hiểm, chia thành hai giai đoạn rõ rệt. Hành trình đầu tiên - từ chân núi đến tảng đá lưng chừng trời - là nơi khách ngủ qua đêm, nấu nướng trong một không gian tuyệt vời với cảm giác tự do hoàn toàn, nơi có tầm nhìn rộng nhất núi Bà Đen hướng về xung quanh mà tôi từng biết.
Để đến được tảng đá này, các bạn phải trải qua con đường đi vắt qua các nhánh cây, với bên dưới là vực thẳm, trèo lên các tảng đá tròn lớn, thật sự là một thử thách vô cùng khó khăn cho những ai có chiều cao khiêm tốn hoặc nhát độ cao. Chân phải xoạc rất nhiều để bước qua các vực sâu hút toàn đá, khiến bất kỳ ai lần đầu trải nghiệm đều có cảm giác chùn chân..
Lời khuyên của tôi để các bạn hỗ trợ nhau vượt qua con đường này là chia cặp khỏe - yếu để hỗ trợ nhau, đặc biệt các bạn nữ.
Một đoạn đi đặc thù của đầu cung đường này .
Những con dốc cao toàn đá, không lối mòn, và cũng không có khái niệm đúng đường hay sai đường, mà chỉ đi theo hướng của bạn dẫn đường, tìm nơi đặt chân và sải bước phù hợp để đi theo. Bạn không nhất thiết phải đi đúng theo bước chân người trước nếu bạn thấy không phù hợp.
Sau khi trải qua đoạn đầu của hành trình, bạn sẽ nhận được ưu đãi tuyệt vời từ thiên nhiên: một nơi ngủ và vui chơi ban đêm giữa trời đầy sao. Nhắc tới ngủ, tôi xin lưu ý các bạn con đường này chỉ phù hợp với túi ngủ, vì chỉ có cách nằm chênh vênh trên đá, không có chỗ dựng lều hoặc móc võng.
Hành trình này không dành cho các bạn có thói quen ngủ mơ, mộng du trong đêm, bởi một khi bước đi, chắc chắn bạn không có cơ hội quay lại. Để an toàn, các bạn nên dùng balo chắn xung quanh vị trí ngủ, ưu tiên những bạn chưa quen ngủ ở giữa tảng đá và tuyệt đối cẩn thận khi di chuyển từ tảng đá này sang tảng đá khác, vì rất dễ trượt chân, lọt vào khe đá sâu hút bên dưới.
Tấm ảnh này tôi chụp lại lúc 12h đêm tại lưng chừng núi.
Ngủ lưng chừng trời xung quanh là vực thẳm.
Sau khi có được một giấc ngủ tuyệt vời, bạn sẽ chào ngày mới với bình minh vàng rực phía chân trời theo hướng hồ Dầu Tiếng. Tôi chắc rằng sức lực của những anh chàng, cô nàng "yêu bầu trời lấp lánh ánh sao hơn một mái nhà" sẽ dễ dàng lấy lại sức khỏe để bắt đầu hoàn thành đoạn còn lại của hành trình khó gấp nhiều lần ngày hôm qua. Ăn sáng đầy đủ chất dinh dưỡng để lấy sức, kiểm tra lại nước còn tầm 2 lít và bắt đầu lên đường.
Khởi động ngày thứ 2 tương tự địa hình ngày đầu tiên. Sau đó bạn sẽ đặt chân tới con dốc huyền thoại, rất khó leo. Kể đến đây, để các bạn tự đánh giá sức mình và xem có đủ can đảm và một đôi giày bám tốt, phù hợp để đi tiếp hay không, vì tại chân dốc này có một lối mòn dẫn thằng xuống động Kim Quang nếu bạn từ bỏ con dốc và hẹn một ngày khác tự tin hơn, khỏe hơn và trang bị tốt hơn.
Một đoạn dốc của con dốc 700 m.
Đối với các bạn tiếp tục chinh phục con dốc, tôi có lời khuyên cũ rích nhưng không bao giờ thừa: hết sức cẩn thận. Con dốc này không cho phép bạn có sự sai sót nào. Tốt nhất các bạn nên trang bị một sợi dây dài, chắc, để một bạn có kỹ năng tốt lên trước từng đoạn dốc, cột vào đâu đó, để các bạn sau giữ lấy dây đi lên cho an toàn.
Hoặc phòng các trường hợp mất thế khự lại giữa dốc như tôi từng bị, lúc đó không có dây, tôi chọn cách hạ thấp người vào đá và đạp mạnh để bước lên, và tôi may mắn thoát chết.
Kỹ năng đi con đường này là lựa những vết nứt mà đạp chân để tăng độ bám, đạp chân dứt khoát, chắc chắn trọn đế giày vào đá, tuyệt đối không tiếp xúc mỗi mũi giày, vì không đủ độ bám để giữ bạn lại trên con dốc đá này.
Găng tay hạt cao su cũng là trợ thủ đắc lực để vượt qua con dốc, khi cảm thấy đôi chân chưa đủ độ bám để giữ bạn lại trên con dốc. Ưu tiên vùng đá sáng màu vì nó sạch, không rêu mốc, nên bám tốt hơn. Người trước người sau cần đi zig zag, và tránh tối đa đi sau người trước, phòng trường hợp rơi rớt balo, vật dụng gây tai nạn cho người đi sau, hoặc điều xấu hơn có thể nghĩ tới là người trước té kéo theo người đi sau.
Tôi nói vậy có vẻ ích kỷ, nhưng bạn sẽ không thể giúp được gì khi một người rơi con dốc dài 700 m gần như lăn tự do, cố gắng chỉ càng tăng thêm hậu quả tai nạn.
Phóng tầm mắt nhìn về mặt đất.
Đổi lại rất nhiều nguy hiểm khó khăn mà bạn phải trải qua là phong cảnh tuyệt đẹp ở cung đường này, với dốc đá cao hùng vĩ, với nhiều cây sầu đông lá vàng đẹp mắt. Phong cảnh hiện ra bên dưới không giống bất kỳ con đường nào trên núi Bà Đen cùng những trải nghiệm thú vị mà tôi nghĩ mình chưa đủ khả năng truyền đạt qua bài viết này.
Hãy đi và cảm nhận. Đích đến của con đường này tôi đạt được là đỉnh con dốc, rồi sau đó quay lại theo lối mòn trong rừng cây, xuống động Kim Quang để kết thúc hành trình. Hy vọng chuyến tới, tôi sẽ đủ thời gian để tìm đường lên đỉnh núi từ đỉnh dốc 700 m này.
Theo Zing News
Các điểm đến lý tưởng dịp giỗ Tổ Hùng Vương ở miền Nam Đợt nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương rơi vào giữa tháng tư (16-18/4), biển đẹp, thời tiết dễ chịu nên Vũng Tàu, Đà Lạt, Tây Ninh... đều là những điểm đến hấp dẫn. Đà Lạt luôn là điểm đến yêu thích của du khách Việt. Dịp giỗ Tổ Hùng Vương cũng không ngoại lệ. Theo thống kê từ các hãng lữ hành, tuyến...