Đêm qua, dòng người chờ viếng Đại tướng vẫn kéo dài bất tận
Đồng hồ nhích dần về đêm, dòng người vẫn nối đuôi, kèo dài dường như bất tận trên các tuyến đường quanh nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 21h 25 phút ngày 10/10, cánh cửa tư gia Đại tướng mới khép lại, hàng vạn người vẫn đứng ngoài đường Hoàng Diệu không muốn ra về.
Hoàng hôn của tiết trời thu, nắng vàng óng, cây lá rơi lả tả trên đường Hoàng Diệu, dòng người xếp hàng dài như vô tận, mắt ai cũng cay xè đợi đến lượt vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều người trong số đó vượt cả ngàn kilômét từ Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh hay tận Đồng bằng sông Cửu Long… ra Hà Nội mong được vào tư gia viếng “Người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam trước khi cụ được đưa về Vũng Chùa – Đảo Yến (Quảng Bình).
Gần 21h ngày 10/10, dòng người vẫn lặng lẽ nhích dần trên vỉa hè đường Hoàng Diệu vào nhà Đại tướng
17h55, theo thông báo trước đó thì chỉ còn 5 phút nữa cánh cửa tư gia Đại tướng sẽ khép lại, thế nhưng dòng người tiếp tục nối đuôi nhau trên các tuyến đường từ Hoàng Văn Thụ – Độc Lập – Điện Biên Phủ đến trước cửa số nhà 30 Hoàng Diệu. Trên đường Hoàng Diệu, dòng người vẫn lặng im xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt vào viếng Đại tướng. Gương mặt ai cũng đượm buồn, liên tục liếc nhìn đồng hồ đầy lo lắng vì đã cận kề giờ đóng cửa.
Đúng 18h, cánh cửa 30 Hoàng Diệu không nỡ khép, lực lượng đón tiếp vẫn nhiệt tình hướng dẫn đồng bào, chiến sĩ từ mọi miền tổ quốc, kiều bào và khách nước ngoài vào viếng Đại tướng. Lúc này, dòng người hối hả bước nhanh hơn như chạy đua với thời gian để được vào căn nhà số 30 Hoàng Diệu. Phía dưới lòng đường, hàng nghìn sinh viên tình nguyện, chiến sĩ công an, bộ đội vẫn tận tình làm nhiệm vụ.
Chiều muộn, những suất cơm chay của nhà chùa, những chiếc bánh mì và nước uống được mang đến tận tay người xếp hàng. Nhiều người đã nhận lấy chút đồ ăn đó làm bữa tối trong khi xếp hàng đợi đến lượt vào nhà Đại tướng. Do làm việc kiệt sức nhiều sinh viên tình nguyện bị ngất lịm phải chăm sóc y tế.
Đến 21h 25 phút, cánh cửa tư gia Đại tướng chính thức khép lại nhưng hàng vạn người vẫn đứng kín trên vỉa hè đường Hoàng Diệu. Biết là không thể vào nhà viếng Đại tướng, nhiều người ôm mặt khóc sụt sùi. Dòng người lặng lẽ kéo nhau đến trước số nhà 30 Hoàng Diệu chật kín cả vỉa hè, lòng đường chắp tay vái vọng vào bên trong.
Bên trong khuôn viên nhà Đại tướng, các chiến sĩ vẫn lặng lẽ làm việc. Ánh ngọn đèn tỏa sáng ấm áp soi rọi trên lối đi đã in đậm dấu chân “Người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trái với dự kiến trước đó, hơn 18h cánh cửa nhà Đại tướng chưa khép lại.
Video đang HOT
21h 25 phút, cánh cửa nhà Đại tướng chính thức khép lại, nhiều người chọn cách đứng ngoài vái vọng vào bên trong
Không được vào bên trong viếng Đại tướng, nhiều người ôm mặt khóc sụt sùi
Khi cánh cửa nhà Đại tướng khép lại, rất đông người dân vẫn đứng lặng lẽ trên vỉa hè, dưới lòng đường Hoàng Diệu không muốn ra về.
Quang Phong
Theo Dantri
"Sự lạ" về con người làm nên chiến thắng hai cường quốc
Từ vị tướng bại trận tại thung lũng Mường Phăng Đờ Catsxtơri tới những tướng lĩnh, sử gia của Pháp, Mỹ, Anh đều tâm phục, tôn vinh Đại tướng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam Võ Nguyên Giáp là một thống soái lớn của mọi thời đại, một tài năng quân sự chưa từng thấy.
Câu chuyện của tướng Đờ Catsxtơri được thiếu tướng Cao Pha (Phó Cục trưởng Cục Quân báo, Bộ Tổng Tham mưu được phân công đặc trách công tác tình báo, quân báo, trinh sát, nắm địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ) kể lại. Ngày 10/5/1945, ông Pha nhận được chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc khai thác số tù binh sĩ quan cấp cao trước khi trao trả cho đối phương. Trong quá trình hỏi cung, tướng Đờ Catsxtơri đề nghị cho ông ta được phát biểu vài cảm nhận về Tổng Tư lệnh Quân đội Việt Nam.
Vị tướng bại trận nhận xét: "Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. Ông cũng giỏi về chính trị, về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương. Điều đó làm tôi hết sức ngạc nhiên và không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào".
Tướng Đờ Cát đặt hàng loạt câu hỏi, Tướng Giáp đã bí mật đi nghiên cứu ở Nga Xô chăng? Hay Tướng Giáp là một trong số ít người trước đây đã được đào tạo ở trường võ bị Xanh Xia (Saint Cyr) của Pháp và nay ông đi làm Việt Minh? Hay là Tướng Giáp đã tốt nghiệp học viện quân sự ở Mỹ?
Đờ Cátxtơri và các tướng lĩnh bị bắt sống, áp giải đi khi thua trận ở Điện Biên Phủ.
"Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Sự kiện Tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông. Là chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tôi đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ nó suốt 56 ngày đêm trước áp lực ghê gớm của quân đội Tướng Giáp. Có thể nói tôi đã làm hết sức mình trên chiến trường, còn thua cuộc ở đó là do nhiều nguyên nhân. Nhưng tôi thừa nhận Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả Tướng Cônhi và Đại tướng Nava. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông" - người bại trận tâm phục thừa nhận.
Khái quát về thất bại tại Điện Biên Phủ, tướng Đờ Cát chua xót: "Điện Biên Phủ phiên âm ra Pháp ngữ là Devien fou có nghĩa là tôi trở thành thằng điên".
"Tháng 12/1954, Giáp ở vào tuổi 42 nhưng có vẻ trẻ tuổi hơn rất nhiều. Ông có những nét rất thanh tú, mắt to, tóc đen nhánh, trông có vẻ như một phụ nữ. Nhưng ông chẳng phụ nữ tý nào, ở ông là một con người có nghị lực thần kỳ, một trí tuệ sắc bén. Ông bình tĩnh phân tích tình hình và quyết định không do dự những phương pháp chiến đấu với lòng quả cảm tuyệt đối. Ông sẵn sàng bước vào nghiền nát đối phương" - tướng Anh Peter Macdonal.
Thêm một vị Tướng khác của Pháp, ông Macsxen Bigia - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp bình luận về Tướng Giáp: "Ông Giáp là chỉ huy quân đội chiến đấu thắng lợi trong một thời gian đặc biệt dài. Đạt được như thế trong 30 năm là một kỳ tích từ trước giờ chưa từng thấy".
Tướng Oetsmolen - tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ từ năm 1964-1968 phân tích sâu hơn: "Mọi đức tính để tạo thành một thống soái quân sự lớn là sự quả đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động bằng trí thông minh thì ông Giáp đều có cả những đức tính ấy. Đây là một con người rất kiên quyết, một tướng soái lớn".
Nhà sử học quân sự Mỹ Xexin Cari thì đánh giá, Võ Nguyên Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, từ buổi đầu mà trong tay chưa có quân vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế chế Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới) dù Mỹ đã ném vào trong đó những nguồn nhân vật lực và kỹ thuật to lớn trong thời gian dài.
Sau đó, ông tiếp tục theo dõi trận chiến nhằm vào dân Nam Việt Nam từ Campuchia và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới.
"Trong hơn 30 năm từ con số không ông đã xây dựng một bộ máy chiến tranh nông dân bách thắng và ông đã làm điều đó ở một nước nghèo. Ông là động lực đằng sau mọi thắng lợi. Thành tích của ông là vô song và kết quả ông thu được là phi thường. Đó chính là thiên tài quân sự" - ông Xexin Cari nhấn mạnh.
Nhà sử học Pháp Daniel Roussel trong một bức ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phân tích cụ thể từ diễn biến trên chiến trường Trường Sơn, nhà sử học quân sự của Mỹ nêu ví dụ, trong những năm đầu tiên vận chuyển vũ khí, lương thực tiếp tế chiến trường miền Nam, cứ mỗi cặp đạn cối 81mm mà các chiến sĩ của Tướng Giáp sử dụng trên chiến trường là kết quả của một chiến sĩ mang vác lên xuống 3 tháng trên đường mòn Hồ Chí Minh. Theo ông, đó là một chiến tích ngoài sức tưởng tượng. Không ai có thể vui mừng hơn ông khi đường mòn đó được cải thiện vào giữa thập kỷ 60 tới độ đã có thể dùng xe tải để chở phần lớn số hàng tiếp tế vào Nam.
Tướng người Anh Peter Macdonal trong cuốn sách "Giáp - một sự đánh giá" (Giap - an assessment) gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "một trong những thống soái lớn của mọi thời đại - một vị tướng tài năng, bách chiến bách thắng".
Đối với toàn thế giới, chính Võ Nguyên Giáp là vị tướng đã chỉ huy một quân đội trang bị thô sơ mà chiến thắng 2 cường quốc phương Tây. Năm 1954, Giáp chiến thắng lẫy lừng ở Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải rút khỏi Đông Dương và thúc đẩy nhanh chóng sự sụp đổ của những đế quốc Châu Âu có trước chiến tranh...
"Một quân đội của một nước nghèo, công nghiệp lạc hậu có thể chiến thắng 2 cường quốc thế giới đã là một điều lạ, thì ở chính bản thân con người đã góp phần lớn vào chiến thắng đó, điều lạ cũng không kém" - tướng Macdonal bình luận.
Sau cùng, vị tướng người Anh khái quát, từ chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ buộc Pháp phải rút khỏi Đông Dương và thúc đẩy sự sụp đổ nhanh chóng của những đế quốc Châu Âu có trước chiến tranh đến mùa Xuân năm 1975, ông Giáp đã buộc một quốc gia chấp nhận thất bại cả về tinh thần lẫn quân sự... Trong nước, ông được kính trọng như một nhà lãnh đạo quốc gia kỳ cựu và một lão chiến binh. Ở ngoài nước, ông được trọng vọng như một nhà chính trị - quân sự có uy tín rất cao".
P.Thảo (tổng hợp)
Theo Dantri
Bữa cơm đặc biệt trước hiên nhà Đại tướng đêm qua Những chai nước, hộp sữa tươi, bánh mì, hộp mì xào và cả những hộp cơm được các nhà sư, thanh niên tình nguyện phân phát cho mọi người. Tuy không nhiều nhưng cũng đủ để làm ấm lòng những người dân mai xếp hàng mà quên bữa. Đã 6 ngày trôi qua, những bước chân của đồng bào vào viếng thăm Đại...