Đêm nhạc chết người và nỗi sợ hãi sự kiện đông người
Vụ việc hơn 300 người thương vong tại đêm nhạc Astroworld làm dấy lên nỗi sợ hãi, sự lo lắng của khán giả về độ an toàn ở các sự kiện đông người.
Ngày 3/12/1979, đám đông tụ tập ngoài Riverfront Coliseum ở Cincinnati, bang Ohio, Mỹ để chờ xem buổi hòa nhạc của nhóm Who. Buổi biểu diễn bán vé nhưng không xếp trước chỗ ngồi khiến đêm nhạc hỗn loạn. Trong cuộc chiến giành chỗ ngồi, có 11 người thiệt mạng.
Chính quyền Cincinnati sau đó cấm mô hình trên để nhắc nhở về sự nguy hiểm vốn có của đám đông hỗn loạn. Năm 2004, lệnh cấm được dỡ bỏ, việc này dần trở lại phổ biến.
Trong những năm qua, loạt thảm kịch tại sự kiện đông người như 9 người chết ở Đan Mạch năm 2000, vụ giẫm đạp khiến 21 người chết ở Chicago năm 2003 nhắc nhở về sự nguy hiểm của các sân khấu âm nhạc.
Tại lễ hội Astroworld của Travis Scott ở Houston ngày 5/11, một vụ hỗn loạn xảy ra khiến 9 người chết, hơn 300 người bị thương tiếp tục đặt câu hỏi về việc nên hay không tổ chức các sự kiện có quá đông người.
Cảnh sát đưa người bị thương khỏi vụ giẫm đạp tại đêm nhạc khiến 11 người chết năm 1979.
Khó ngăn chặn thảm kịch ở sự kiện đông người
Hiện tại, câu hỏi được công chúng quan tâm nhiều nhất là lễ hội Astroworld có tuân thủ kế hoạch an ninh không? Tại sao mất gần 40 phút để đóng cửa sự kiện? Cảnh sát Houston đang tiến hành cuộc điều tra hình sự để tìm hiểu nguyên nhân. Ngoài ra, hàng chục người đệ đơn kiện Scott và đơn vị Live Nation vì để xảy ra thảm kịch.
Paul Wertheimer – chuyên gia an ninh về các buổi hòa nhạc – cho rằng điều này với ông không có gì lạ. Ông bắt đầu sự nghiệp điều tra tại thảm họa Who, từ đó chứng kiến hàng nghìn sự cố tại các sự kiện đông người. “Tôi sống trong cơn ác mộng lặp đi lặp lại này, những gì đã xảy ra ở Houston suốt 40 năm qua”, Wertheimer nói.
Trong lúc hàng loạt chuyến lưu diễn quy mô lớn trở lại sau đại dịch, thảm họa Astroworld làm dấy lên cuộc tranh luận về sự an toàn của các lễ hội.
Với những chuyên gia như ông Wertheimer, lễ hội Astroworld là dấu hiệu cho thấy ban tổ chức ưu tiên lợi nhuận hơn an toàn. Ngành công nghiệp hòa nhạc nên xem trọng vấn đề.
Năm 2019, Live Nation, công ty tổ chức hòa nhạc lớn nhất thế giới, chủ trì khoảng 40.000 buổi biểu diễn với quy mô khác nhau. Trường hợp tử vong và thương tích lớn rất hiếm. Khi xảy ra, các thảm kịch thường liên quan đến khán giả sử dụng ma túy quá liều.
Video đang HOT
Giờ đây, tác động của thảm kịch tại Houston thúc đẩy những người đứng đầu tăng chi phí, biện pháp an ninh để tránh lặp lại bi kịch Astroworld.
Theo New York Times, cho đến khi cuộc điều tra hình sự hoàn tất và tòa án giải quyết xong các vụ kiện dân sự, vẫn chưa rõ người đứng đầu các buổi hòa nhạc nên làm gì để ngăn chặn thảm kịch tái diễn.
Một lễ hội liên quan đến nhiều thứ như an ninh, bảo hiểm, quy định của chính quyền, hợp đồng giữa người tổ chức, nghệ sĩ, địa điểm, công ty bảo vệ…
Người thân cầu nguyện cho nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch chết người ở Houston.
Trong một tuyên bố, đại diện Live Nation nói: “Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ chính quyền địa phương trong cuộc điều tra và giúp đỡ nạn nhân, gia đình. Họ xứng đáng nhận được câu trả lời về nguyên nhân vụ việc”.
Đối với Live Nation và các nhà tổ chức khác, lễ hội, sự kiện âm nhạc là nơi hái ra tiền. Một ngày trước thảm họa Astroworld, Michael Rapino – giám đốc tài chính của Live Nation – tuyên bố doanh thu tài chính của công ty đang khả quan.
“Sự kiện âm nhạc là hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao nhất của chúng tôi”, ông nói trong hội nghị công bố kết quả tài chính quý III của Live Nation.
Theo Randy Phillips, cựu giám đốc điều hành công ty tổ chức lễ hội âm nhạc lớn tại Mỹ, các rào chắn thường được dựng kiên cố, chia khán giả thành từng cụm 5.000 người để giảm nguy cơ quá tải, ngăn chặn toàn bộ khán giả hòa làm một và gây nguy hiểm. Ông không rõ liệu lễ hội Astroworld có áp dụng biện pháp an toàn này hay không.
Trong chương trình Today, Samuel Pea – cảnh sát trưởng đội cứu hỏa Houston – cho biết các chướng ngại vật ngăn chặn đám đông được bố trí đầy đủ. Tuy nhiên, sự quá khích của khán giả khiến các vật cản không thể chịu được áp lực.
“Khi đám đông bắt đầu xô đẩy và tiến về phía trước, những người ở trung tâm bắt đầu đè lên nhau và bị thương”, Samuel Pea nói.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Lễ hội Astroworld cũng nói rõ tầm ảnh hưởng của các ngôi sao trong việc ổn định đám đông. Travis Scott hai lần khuyến khích người hâm mộ lao lên sân khấu. Nam rapper bị bắt vì tội kích động đám đông nhưng nhận tội nhẹ vì thiệt hại không quá nghiêm trọng.
Carl Freed, người quảng bá cho Hot 97 Summer Jam – lễ hội hip hop hàng năm tại sân vận động MetLife ở New Jersey – gọi vụ việc ở Houston là thảm kịch kinh hoàng. “Chúng ta phải đảm bảo an toàn cho khán giả. Điều đó hoàn toàn nằm trong khả năng”, Freed nói.
Theo New York Times, lịch sử của những thảm kịch chết người do tình trạng quá tải bắt nguồn từ thời kỳ đầu của dòng nhạc rock n roll.
Năm 1952, buổi hòa nhạc Moondog Coronation Ball do Alan Freed tổ chức ở Cleveland bị cảnh sát “sờ gáy”. Lực lượng chức năng phát hiện có 25.000 người đến sự kiện trong khi sân khấu chỉ chứa được tối đa 10.000 người.
21 người chết trong vụ chen chúc ở đường hầm tại Đức.
Một số thảm kịch sau đó đã xảy ra do không tuân thủ an toàn.
Năm 1991, ba thiếu niên bị giẫm đạp, dẫn đến thiệt mạng tại buổi hòa nhạc AC / DC ở Salt Lake City. Cùng năm, chín người chết trong một vụ giẫm đạp bên ngoài trận bóng rổ ở City College, New York.
Năm 2010, có 21 người chết trong đám đông di chuyển qua đường hầm hẹp đến Love Parade – lễ hội ở Duisburg, Đức. Theo New York Times, đây là một trong những thảm kịch chết người kinh hoàng nhất diễn ra tại các sự kiện đông người.
Brian D. Caplan, luật sư không liên quan đến vụ kiện Astroworld, nói rằng tòa án có thể mất thời gian để xác định bên nào chịu trách nhiệm pháp lý.
“Những điều này không thường xuyên diễn ra nhưng các nhà sản xuất luôn đối mặt nguy cơ thảm kịch xảy ra. Họ cố gắng đảm bảo an toàn cho mọi người bởi trách nhiệm của họ với các tai nạn tại lễ hội rất cao”, Caplan nói.
Khi xem đoạn video tại Astroworld, chuyên gia an ninh Wertheimer cho rằng thảm kịch có thể được ngăn chặn bằng cách giảm mật độ đám đông. Tuy nhiên, với lợi nhuận khổng lồ từ các đêm diễn, điều đó rất khó xảy ra.
“Mọi chuyện vẫn sẽ tiếp diễn sau vụ việc ở lễ hội Astroworld, trừ khi các quan chức lên tiếng và bảo vệ người dân”, Wertheimer nói.
Sự nghiệp của Travis Scott sẽ ra sao sau thảm kịch Astroworld?
Trong vòng vài ngày ngắn ngủi kể từ sau sân khấu biểu diễn tại lễ hội Astroworld, những hợp đồng, kế hoạch lưu diễn và sự nghiệp âm nhạc của Travis Scott đều đang phải đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
Quay ngược lại thời điểm cách đây một tuần, Travis Scott vẫn là một trong những tên tuổi lớn của làng nhạc đại chúng, một ngôi sao nhạc Rap tầm cỡ với những bản hit đứng đầu các bảng xếp hạng và sở hữu những bản hợp đồng đắt giá cùng các nhãn hàng. Nhưng sau vụ việc thương tâm tại sự kiện Astroworld khiến 9 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương vào ngày 5/11 vừa qua, cả sự nghiệp của nam rapper giờ đây lại rơi vào tình cảnh khốn đốn.
Vụ lùm xùm xảy ra ngay trong thời điểm được cho là đỉnh cao sự nghiệp của Travis Scott: buổi concert ảo trong trò chơi "Fortnite" trở thành một trong những sự kiện âm nhạc thành công nhất về mặt thương mại trong năm 2020 với 45,8 triệu người xem, giành vị trí No.1 BXH Billboard Hot 100 cho ca khúc "The Scotts" cùng Kid Cudi... Bên cạnh cuộc tình hạnh phúc với Kylie Jenner, anh còn là đối tác của nhiều nhãn hàng lớn như PlayStation, McDonald's và Nike. Nam rapper vốn sẽ góp mặt trong bộ sưu tập mới của hãng Dior dự kiến ra mắt vào mùa xuân năm sau, nhưng theo Rolling Stone thì hợp đồng này đang có khả năng bị huỷ bỏ.
Travis Scott sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sự nghiệp của mình trong thời gian tới sau vụ việc tại Astroworld.
Một chuyên gia về marketing Hip-hop chia sẻ với Billboard Mỹ: "Thảm kịch này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của Travis và các hợp đồng thương hiệu trong thời gian tới... Chúng tôi đã bắt đầu thấy các thương hiệu đang cố gắng "tạo khoảng cách" với anh ấy, chẳng hạn như Epic Games - từng hợp tác với anh ấy vài năm trước đã xóa biểu tượng nhân vật hình Travis Scott khỏi trò chơi "Fortnite"".
Việc tổ chức tour và trình diễn cũng sẽ khá khó khăn cho Travis Scott trong thời gian tới. Vào đầu tuần này, anh đã huỷ bỏ sân khấu biểu diễn headline sắp tới của mình tại sự kiện Day N Vegas. Theo tờ Variety, nam rapper đã huỷ một buổi biểu diễn riêng tư ở Ả Rập Xê Út vốn được dự tính sẽ đem về cho anh 5,5 triệu USD (124,5 tỷ đồng). Trong khi đó, hiện đang có hàng nghìn khán giả kiến nghị Goldenvoice - công ty phụ trách tổ chức lễ hội âm nhạc Coachella loại bỏ tên anh ra khỏi lineup biểu diễn.
Chuyên gia cho biết hãng Epic Games từng hợp tác với Travis Scott tổ chức concert ảo trong game "Fortnite" đã xoá hình ảnh nhân vật được thiết kế theo anh khỏi hệ thống.
Đáng lưu ý, đây không phải lần đầu tiên Travis Scott vướng phải chỉ trích vì có người bị thương trong màn trình diễn của mình. Vào năm 2015, anh bị bắt vì hành vi gây mất trật tự sau buổi biểu diễn tại Lollapalooza vì đã khuyến khích người hâm mộ trèo qua hàng rào. Một cô gái 15 tuổi đã bị giẫm đạp trong vụ việc. Năm 2017, nam nghệ sĩ bị bắt một lần nữa sau buổi biểu diễn ở Arkansas vì bị tình nghi khơi mào một cuộc bạo loạn. Một số người bị thương, còn anh phạm tội gây rối trật tự với án phạt gần 7.500 USD (170 triệu đồng). Nhưng do không có trường hợp nào quá nghiêm trọng nên thời điểm đó người hâm mộ vẫn tiếp tục ủng hộ anh và xem anh là một nghệ sĩ trình diễn tuyệt vời có tài khuấy động sân khấu.
Nhưng chính tài năng đó lại là con dao hai lưỡi, sự cuồng nhiệt của khán giả dành cho Travis Scott đã trở nên mất kiểm soát và trở thành một thảm kịch tại Astroworld. Vì thế ở lần này, khán giả quyết định quay lưng lại với anh. Nhiều ý kiến chỉ trích anh vì đã không dừng buổi diễn lại ngay cả khi xung quanh xuất hiện nhiều xe cấp cứu. Không chỉ tổn thương về thể chất, nhiều người có mặt tại sự kiện cũng đang phải vật lộn với ám ảnh tâm lý từ vụ việc. Những bài hát được Travis Scott biểu diễn khi ấy như "Butterfly Effect" giờ đây lại trở thành cơn ác mộng của nhiều khán giả vì gợi lại những trải nghiệm kinh hoàng.
Hậu Astroworld, Travis Scott đã rút tên hỏi một số sự kiện trong thời gian tới, đồng thời đứng trước nguy cơ mất những bản hợp đồng lớn với các nhãn hàng và lùi lịch phát hành album mới.
Trước vụ việc, người hâm hộ vẫn đang mong chờ album phòng thu thứ tư của Travis Scott - "Utopia" dự kiến lên kệ trong năm nay. Nhưng hiện tại, có lẽ anh sẽ phải xem xét lại việc này khi sự phẫn nộ từ công chúng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đĩa đơn "Escape Plan" mà anh vừa phát hành tuần trước đang gặp khó khăn trong việc giành suất phát sóng trên radio khi lượt phát tụt dốc trong những ngày qua. Ngoài ra, nam nghệ sĩ cũng đang phải đối mặt với hàng loạt đơn kiện từ khán giả của Astroworld mà có lẽ phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí là vài năm mới có thể giải quyết hết tất cả.
Đến nay, Travis Scott đã có hai lần lên tiếng, cho biết sẽ hoàn lại hoàn toàn tiền vé cũng như cung cấp dịch vụ tư vấn sức khoẻ cho những ai đã tham gia sự kiện và đề nghị trả chi phí mai táng cho những nạn nhân đã qua đời. Bên cạnh nam rapper, trong năm qua các nghệ sĩ như Morgan Wallen, DaBaby hay Tory Lanez cũng đã vướng phải chỉ trích, cố gắng gầy dựng lại sự nghiệp và nhận về những kết quả khác nhau. Với trường hợp của Travis Scott, có lẽ anh sẽ phải nỗ lực thêm rất nhiều trong việc xoa dịu công chúng mới có thể giữ mọi thứ mà anh đang có trong tay không tan thành mây khói.
Tình tiết vụ Astroworld: FBI vào cuộc, nạn nhân nhỏ nhất 9 tuổi, thật hư chuyện Travis Scott đi dự tiệc của Drake Những ngày gần đây, luồng thông tin xoay quanh sự kiện Astroworld 2021 đã tốn không ít giấy mực của giới báo chí. Không chỉ vậy, mọi hoạt động liên quan đến Travis Scott cũng được chú ý từng ly từng tí và dễ dàng trở thành nguyên nhân dẫn đến các cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội. Nghiêm trọng...