Đếm ngược từng ngày để được về nhà
Thật ra việc phải trưởng thành ngoài vòng tay của bố mẹ mọi lúc, mọi nơi cũng không phải là sự thiếu sót gì.
Tôi lại cho rằng đó là một biến số rất tuyệt vời đã xuất hiện trong cuộc đời của hai anh em, nó giúp chúng tôi có được nhiều suy nghĩ, nhiều bài học giá trị hơn.
***
Gia đình tôi nằm ở một huyện miền núi nhỏ bé, nghèo nàn và thiếu thốn về nhiều mặt, vì muốn anh em chúng tôi có được sự giáo dục tốt nhất, cả hai đã được bố mẹ đưa về thành phố cho ở nhà bà con từ thuở mẫu giáo. Là những đứa trẻ gần như phải tự trưởng thành mà không có được bố mẹ luôn luôn ở bên cạnh, “nhà” đối với chúng tôi chỉ có hai mùa. Một là mùa Tết với kẹo, mứt, với cây mai và bao lì xì, là mùa mà chúng tôi được bố mẹ xoa đầu rất gần và được nghe những lời chúc rất rõ. Hai là mùa hè, cái mùa mà quê tôi với những cơn mưa nặng hạt mỗi ngày, khiến đoạn đường đèo trở về nhà bị sạt lỡ, khiến cây cầu bắc qua sông (là lối duy nhất để đến nhà) bị sập đi.
Mỗi chuyến về nhà của bọn trẻ chúng tôi năm đó vừa thích, lại vừa sợ, chiếc xe máy của bố chạy trên đoạn đường nhỏ hẹp, đầy bùn đất còn sót lại sau vụ sạt lỡ, chỉ vừa cho một chiếc xe đi. Hai đứa trẻ ngồi sau nhìn chăm chăm xuống vách núi, vô tư hỏi nhau: “Anh hai, mình mà té xuống dưới đây á, là về lại dưới đồng bằng đi lại từ đầu hả? Như cái trò đua xe á.” , khiến bố đang tập trung cao độ đằng trước cũng phải bật cười, mà không quên mắng “Tào lao quá!”.
Đôi ba người ngoài nhìn vào gia đình chúng tôi mà bảo “ Sao anh chị phải cực khổ vậy? Thôi cho tụi nó về nhà, ở cạnh bên rồi bảo ban, chăm sóc, cũng phụ được vài việc vặt nữa.”, tôi biết bố mẹ đã phải cố gắng gấp bội những bậc làm cha, làm mẹ khác khi cho chúng tôi ở xa như vậy. Họ dần trở thành người tham công tiếc việc, không có được thời gian nghỉ ngơi, hay cả thời gian cho chính mình cũng không. Vì đồng tiền kiếm ra được ở cái huyện nhỏ này phải chạy đua với cuộc ở cái thành phố lớn dưới kia, ngoài những vấn đề về học tập và nhu yếu phẩm, mỗi ngày họ phải đảm bảo cho gia đình có được hai mâm cơm, nhưng tôi biết mâm của bố mẹ lúc nào cũng đạm bạc, còn anh em tôi thì đủ đầy. Đó là chưa kể khi tôi bắt đầu vào học cấp ba ở trường chuyên tại một thành phố lớn hơn, nhịp sống vội vã và đắt đỏ hơn, nhà tôi bấy giờ thành ra có ba mâm cơm, thì bố mẹ lại càng cực nhọc hơn.
Video đang HOT
Nhưng chưa có lúc nào hai anh em tôi bị thiếu thốn, gần như họ luôn cho chúng tôi tất cả thứ chúng tôi cần, họ không quan tâm rằng đó là cái gì, họ chỉ biết chúng tôi muốn nó. Cũng chính vì vậy mà bố mẹ bị cho rằng là nuông chiều anh em tôi quá mức, khi đó bố chỉ cười và im lặng. Đến khi chính bản thân tôi nhận thức được và thắc mắc, ông mới trả lời: “Vì bố mẹ chỉ cố gắng bù đắp hơn cho hai đứa khi phải ở xa như vậy thôi. Trẻ con mà, làm sao hiểu được mấy cái tình thương không được nói ra, không được thể hiện ra. Ngày ngày không có bố mẹ ở bên thì tủi thân lắm còn gì? Với như vậy thì bố mẹ mới cảm thấy mình được gần gũi hai đứa hơn.”, ấy đúng là vẫn phong cách của bố, không nói nhiều và chỉ nói những cần thiết, với những người quan trọng.
Còn về phía chúng tôi, có người sẽ rất thương, bảo rằng hai đứa ngoan hiền, rằng hai đứa hẳn thiếu thốn tình cảm của bố mẹ lắm, rằng hai đứa hẳn buồn lắm. Nhưng thật ra tôi thấy bất cứ sự việc nào cũng có mặt tốt và xấu, mà bản chất của con người đó là càng ít có được thì mới càng khao khát hơn. Chúng tôi thương gia đình nhiều hơn, yêu bố mẹ nhiều hơn và có được trách nhiệm hơn trong mỗi hành động của bản thân. Thật ra bảo là thiếu thốn tình cảm cũng chẳng phải, chỉ là khoảng cách địa lý hơi xa, tần xuất được ở cạnh nhau thì rất thấp. Nhưng có mấy ai được trò chuyện gần gũi với bố mẹ như bạn bè, được kể lể hết tất cả mọi thứ trên cuộc đời này, được nhìn thấy khuôn mặt hốc hác không ngủ được của mẹ vì lo khi hay tin tôi thất tình, và rồi bà cứ thế cùng tôi bật khóc nức nở như đứa trẻ cho mối tình đầu của tôi. Là khi gặp va vấp, gặp cú sốc quá lớn và đau đớn quá nhiều với cuộc sống ngoài kia, tôi đã nhắn tin xin lỗi và xin bố đừng buồn vì hình xăm trên chân tôi lúc đấy.
Bố là người đàn ông yêu nét đẹp truyền thống, nên tôi biết chắc rằng ông rất buồn và thất vọng, chỉ có một điều mà tôi chẳng hay khi đó là ông lo cho tôi nhiều hơn. Tôi đã liên tục những ngày sau đó lãng tránh cuộc gọi của bố, đọc tin nhắn từ bố, những dòng tin tha thứ, những dòng tin hỏi han và mong muốn được lắng nghe tôi nhiều hơn, tôi chỉ biết cắn răng mà khóc. Dù chính bản thân là người xin có được sự tha thứ, nhưng khi có được nó quá dễ dàng tôi lại càng thấy có lỗi và chẳng dám đối diện, thà ông cứ thế mắng tôi thật nặng rồi hẳng ôm tôi vào lòng.
Người ta nói, con gái thì giống bố lắm, tôi là đứa ăn to, nói lớn mà nội tâm thì mỏng manh và yếu đuối, bố tôi cũng thế. Sự tránh né của tôi sụp đổ lúc nghe anh hai nói: “Mày điên quá, mày cúp máy làm ổng khóc kìa.”, khi tôi gác ngang cuộc nói chuyện với anh hai vì biết bố vừa đi làm về. Thế là chúng tôi nói chuyện với nhau, thật ra là chỉ có bố xụt xùi nói rất nhiều còn tôi chỉ biết cắn răng thật chặt, tránh cho tiếc nấc phát ra, cứ thế gật đầu thay cho câu trả lời “Con nghe”, dù bên kia đầu dây làm sao mà bố thấy được cơ chứ. Cuối cùng tôi chẳng nhớ được hết tất cả lời bố nói, chỉ biết bố thương tôi nhiều, bố sẽ bảo vệ tôi hết sức có thể trước tất cả mọi thứ và đó luôn là điều tuyệt vời nhất bố mong muốn được phép làm từ khi có trong đời ông có tôi…
Thật ra việc phải trưởng thành ngoài vòng tay của bố mẹ mọi lúc, mọi nơi cũng không phải là sự thiếu sót gì. Tôi lại cho rằng đó là một biến số rất tuyệt vời đã xuất hiện trong cuộc đời của hai anh em, nó giúp chúng tôi có được nhiều suy nghĩ, nhiều bài học giá trị hơn. Mỗi gia đình sẽ có một câu chuyện riêng, có cách thể hiện tình cảm khác nhau và đó là câu chuyện của gia đình tôi.
Khi ngồi viết những dòng này là tôi đang đếm ngược từng ngày để được trở về nhà, về để kể bố mẹ nghe những điều mới mẻ trong cuộc sống tôi những tháng qua, về để nghe bố mẹ nhắc lại những kỉ niệm đáng xấu hổ lúc nhỏ. Về để nấu ăn cho cả nhà, mà bố thì lúc nào cũng tấm tắc khen ngon, mẹ luôn sẽ đưa ra nhận xét xác đáng nhất, còn anh Hai lại chỉ tập trung chuyên môn tiêu thụ lương thực.
Về để được làm đồng minh cùng anh Hai trêu ghẹo bố mẹ, cùng thức thật khuya rồi ăn mì tôm ban đêm, lúc đó bố sẽ trở mình rời giường, dậy ăn chung, còn mẹ sẽ đi qua đi lại càm ràm rằng ba bố con dạo này béo lắm. Là ngày ngày được nhắc nhở đi ngủ sớm, nhưng dù sáng ra có ngủ đến tận quá trưa cũng không bị nhắc nhở. Là cảm vô ưu, vô lo, trong đầu chẳng vướng bận chuyện gì cả, cứ hít lấy một hơn thật sâu và tự nói với lòng: “Mình đang ở nhà đây rồi!”.
Lê Đan Thanh
Theo blogradio.vn
1001 chuyện khiến vợ chồng ngày Tết mất vui
Do những khác biệt từ thói quen, lối sống, cách suy nghĩ của mỗi người cho nên việc chuẩn bị Tết đã làm nhiều gia đình "cơm không lành, canh không ngọt" khi năm hết, Tết đến.
Cứ đến cuối năm lại có không ít gia đình rối bời khi phải quyết định năm nay ăn Tết nơi nào. Gia đình anh Mạnh - chị Trinh ở Bình Thạnh là một trong số đó. Anh sinh ra và lớn lên ở Bảo Lộc trong khi quê chị là một làng chài nhỏ ở miền Trung. Từ khi yêu nhau đến lúc cưới mọi thứ vẫn suôn sẻ vì anh cứ luôn miệng yêu miền cát trắng còn chị lại rất thích với không khí trong lành của miền đất cao nguyên. Vấn đề chỉ thật sự nan giải từ khi gia đình có thêm thành viên. Mỗi lần tính chuyện về quê ngày Tết thì chị cứ khẳng định là trẻ con không thích hợp với khí hậu lạnh trong khi anh cũng nhất quyết giữ vững lập trường rằng cái nóng, cái gió miền biển là có hại cho con.
Cũng có nhà thường xảy ra bất hòa trong chuyện mua sắm Tết
Cũng có nhà thường xảy ra bất hòa trong chuyện mua sắm Tết. Năm nào cũng vậy, từ trước Tết cả tháng chị Phương, ở chung cư Nguyễn Đình Chiểu Q.1, đã lo mua sắm, tích trữ đủ loại đồ ăn, thức uống. Trong giờ làm việc thì chị tranh thủ tra cứu, tìm hiểu thông tin qua mạng, đặt hàng online; đến lúc tan sở thì đến tận nơi mua sắm. Đến những ngày cận Tết, căn bếp nhà chị không khác gì cửa hàng tạp hóa với đủ thứ đặc sản từ miền cao cho đến đồng bằng, trong lúc tủ lạnh không còn bất kỳ một chỗ trống. Với chị, ngày Tết trong nhà cái gì cũng phải tràn đầy, sung túc mặc cho anh Dũng, chồng chị, không hề ủng hộ cách làm này. Trong suy nghĩ của anh Tết là dịp để thăm viếng, nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng tinh thần chứ không còn khái niệm chỉ là "ăn" Tết như ngày xưa. Nhất là ngày nay siêu thị, chợ búa mùng 2 đã mở cửa trở lại thì đâu cần phải mua sắm, chuẩn bị một lượng thực phẩm nhiều như vậy. Anh bảo đã không ít lần vợ chồng trao đổi nhưng rồi ai cũng giữ lấy ý riêng của mình.
Ngược lại, có gia đình cả vợ lẫn chồng đều cùng chung sở thích nhưng đó cũng chính là nguyên nhân làm cả hai giận hờn, trách móc lẫn nhau như câu chuyện của gia đình anh Hội - chị Tiên ở KDC Nam Long, Q7. Anh người miền Nam thích chưng hoa mai ngày Tết trong lúc chị gốc Bắc nên ưa những cành đào thắm. Từ lúc góp gạo nấu chung hai vợ chồng đã thống nhất với nhau năm nay chưng mai thì năm sau chưng đào để ai cũng được vui. Vậy mà dịp Tết cách đây vài năm, lẽ ra đến lượt chưng đào, bỗng dưng anh lại rinh về một cây mai hết sức hoành tráng với lý do người ta bán quá rẻ, không mua thì uổng lắm. Vậy là chị than thân trách phận, bảo chồng không biết tôn trọng, tước đoạt niềm vui của vợ... Nhắm không ổn, ngay ngày hôm sau anh lại hí ha, hí hửng mang thêm một cành đào sum sê như để chuộc lỗi. Không ngờ, chị lại càng thêm giận dỗi cho là anh không biết tiết kiệm tiền bạc trong khi cả nhà vẫn còn nợ nần đủ thứ. Đó là lần duy nhất nhà anh chị có cả mai lẫn đào trong ngày Tết nhưng không khí không hề vui vẻ như mọi năm.
Đó là chưa kể đến những chuyện cứ nghĩ là đơn giản nhưng lắm lúc gây nên hậu quả không hề nhỏ. Như chuyện tiền lì xì Tết ở nhà chồng mà chị Ngân đã gặp rắc rối ngay trong ngày đầu tiên của năm mới. Lần đó, vì không có thời gian chuẩn bị, nên tất cả phong bao lì xì đều có một kiểu duy nhất, dĩ nhiên phần ruột thì phải khác hẳn nhau. Do nhẫm lẫn mà má chồng của chị chỉ nhận được 50.000 đồng trong lúc cái bao 500.000 đồng rơi vào tay đứa cháu 4 tuổi. Anh Bảo, chồng chị, nhanh nhảu chữa cháy bằng cách rút trong từ bóp một tờ 500 khác để bù lại cho má mình kèm lời xin lỗi rối rít. Còn chị thì vừa tiếc tiền vừa sợ những đứa cháu khác phân bì nên đã đổi lại tờ 50.000 đồng, mặc cho anh nháy mắt ngăn cản. Không ngờ đứa cháu khóc ré lên, ói mửa đầy nhà. Gặp phải cô em chồng từ lâu không thiện cảm với chị nên đã nói móc: "Vì mấy ngàn đồng bạc sao lại khổ thân con tôi đến thế, hả trời!". Có vậy thôi mà Tết đó, gia đình anh chị mất đi những tiếng cười.
Cứ đến cuối năm lại có không ít gia đình rối bời khi phải quyết định năm nay ăn Tết nơi nào
Có thể nói, tâm lý chung trong những ngày cận Tết là ai cũng muốn mọi thứ đều phải chu toàn, hoàn hảo trước thềm năm mới. Tuy nhiên vì quá bận bịu với đủ thứ công việc nên những thành viên trong cùng gia đình ít có thời gian trao đổi, bàn bạc để cùng thống nhất xem điều gì nên làm và điều gì không cần thiết. Nhất là khi không có sự sẻ chia, cảm thông kịp thời thì những tình huống xung đột, cãi vã là điều khó tránh khỏi.
Theo thegioitiepthi.vn
Ông bà xưa vẫn nói, chín bỏ làm mười bởi chén trong sóng còn khua cho nên dù có thế nào đi nữa thì vợ chồng cũng nên ngồi lại để tìm ra tiếng nói chung, có được sự đồng thuận, để không khí ngày Xuân trong gia đình càng thêm an vui, trọn vẹn.
Nỗi niềm "yêu gần" trong những ngày Tết Khi yêu xa nhiều nàng luôn than vãn về những khó khăn thiệt thòi nhưng các nàng nên biết việc yêu gần cũng có những nỗi niềm khó nói đặc biệt khi dịp Tết sắp tới. Quà Tết - bạn cần chuẩn bị thật chu đáo Khi Tết đang cận kề, với những cô nàng yêu xa việc này có thể bỏ qua...