Đêm ký túc xá
Tôi gia nhập gia đình ký túc xá đại học S. vào một buổi tối. Tôi đã ướt lướt thướt vì không có kinh nghiệm ứng phó với cơn mưa Sài Gòn. Một cái vali to đùng và một chiếc xe đạp, đó là tất cả hành lý nhập học của tôi.
ảnh minh họa
Phòng 107B lúc ấy chỉ còn một chỗ trống trên tầng hai chiếc giường tầng. Tôi leo lên, lục sách vở, giấy báo ra trải trên vạt gỗ, cũng may mẹ đã nhét theo cho tôi chiếc mền. Tôi quấn chặt mền, trở lưng qua lại trên đám giấy, ngủ đêm đầu tiên xa nhà. Nửa đêm, có ai đó lay lay, một bàn tay đưa cho tôi chiếc gối. Tôi lúng búng cảm ơn rồi kê đầu lên, nước mắt chợt nhòe ra, nhớ mẹ, nhớ nhà…
Thủy và tôi thành bạn thân từ chiếc gối ấy. Thủy ở giường tầng dưới. Tôi dùng chiếc gối của Thủy suốt mấy ngày chưa kịp sắm chiếu gối cho mình. Khi tôi trả lại, Thủy ôm chiếc gối vào lòng ngửi ngửi, nói: “mùi tóc Hạnh thơm quá!”.
Mãi hơn tháng sau, tôi mới hiểu vì sao chiếc giường tầng trên giường của Thủy còn trống. Mặc dù đó là vị trí “đắc địa”, có cửa sổ. Mọi người cười mỉm khi thấy tôi và Thủy đi cùng nhau, thân thiết.
Video đang HOT
Một đêm khuya, cả phòng ngủ hết, tôi thấy ai đó kéo mùng giường mình. Thủy thò đầu lên, thì thào: “Nằm mơ sợ quá, lên ngủ chung với Hạnh được không?”. Tôi ụ ợ trong giấc ngủ, nằm xích qua một bên để Thủy leo lên. Tôi ngủ say, Thủy cũng ngủ say, cánh tay choàng qua người tôi nặng trĩu. Những đêm sau đó, thỉnh thoảng Thủy leo lên ngủ chung. Một bữa không dưng giữa đêm tỉnh giấc, tôi thấy mình bị Thủy ôm cứng. Người tôi nổi gai ốc, tôi gỡ tay Thủy ra, rồi trằn trọc suốt đêm. Thủy vuốt tóc tôi thì thầm: “Hạnh ngủ đi…”. Sáng ra, cả phòng nhìn hai đứa tôi, một chị năm thứ ba hỏi: “Tối qua tụi bây làm gì? Đồ bịnh hoạn dơ dáy…”.
Tôi tái mặt vì bị xúc phạm. Thủy thẳng tay giáng cho chị kia một cái tát. Cả phòng xúm vào can ngăn. Chị kia thay đồ đi học, còn quăng lại một câu: “Tao báo thầy Luận tống cổ tụi bây ra đường!”. Tôi ngỡ ngàng: “Sao lại có thể tống cổ tụi tôi được?”.
Sáng hôm đó, bạn bè trên lớp đã khai tâm mở trí cho tôi thế nào là đồng tính nữ. Những khái niệm lạ hoắc, kỳ dị, rùng rợn: “ô môi”, “les”… đổ vào đầu tôi cơn thác lũ mang màu bệnh hoạn, hư hỏng. Tôi sợ run người, nghĩ tới cảnh tối về ký túc xá với “Thủy les”.
Đêm đó, tôi nhét chặt mí mùng xuống dưới chiếu, lấy tất cả sách vở, giáo trình và từ điển dằn chặt bốn góc mùng. Cuộn chặt chiếc mền của mẹ quanh mình, tôi mở mắt chong chong, lắng nghe những động tĩnh tầng dưới. Thủy nằm yên lắm. Rồi hình như Thủy khóc. Tôi cũng khóc nghẹn, tiếng nấc không dám bung ra khỏi cổ họng, nhưng làm rung cái giường tầng nhỏ xíu của tôi.
Thủy quờ tay lên, kéo kéo mí mùng của tôi. Nhưng tôi lăn người đè lên cuốn từ điển nặng chịch đang chặn mùng. Không kéo mùng ra được, Thủy quờ tay sang bên khác, tôi lại lăn người đè lên những cuốn sách đang chặn mí mùng, tôi ghìm chặt người mình, Thủy kéo mạnh góc mùng mà không nhúc nhích được, Thủy gọi: “Hạnh ơi…”.
Tôi im lặng, không đáp lại tiếng gọi của Thủy. Rồi tôi cũng thiếp đi trong mệt mỏi. Đến sáng khi tôi dậy thì Thủy đã đi học. Mấy ngày sau đó, Thủy xin ra khỏi ký túc, thuê nhà trọ ở. Chúng tôi học cùng trường nhưng khác khoa, khác khóa, nếu đã cố tình tránh mặt nhau thì cũng không còn gặp nhau nữa. Tôi nhẹ nhõm hoàn thành bốn năm học, rồi ra trường đi làm…
Thủy ơi, bây giờ bạn ở đâu? Ngày ấy, chắc Thủy đau khổ lắm. Tôi đã lấy chồng, sinh con, đã hiểu cuộc đời không giản đơn chỉ hai màu đen và trắng. Thủy có sống suốt đời mình khập khiễng như vậy không? Hạnh có lỗi. “Phụ một tấm lòng trong thiên hạ”, lòng mình mấy chục năm rồi day dứt không nguôi…
Theo PNO
Chật vật sinh viên thuê nhà trọ
Việc tìm nhà trọ đã trở thành "cuộc chiến" vô cùng gay go và khốc liệt.
Khi điểm chuẩn các trường đại học lần lượt được công bố thì cũng là lúc sinh viên ráo riết tìm một nơi ở trọ để chuẩn bị cho năm học mới. Tân sinh viên mới trúng tuyển đổ xô đi tìm chỗ an cư, nhiều sinh viên vừa ra trường vẫn tiếp tục bám trụ thành phố, sinh đã có chỗ trọ thì chạy ngược chạy xuôi tìm người chia sẻ chỗ ở khiến cho thị trường thuê nhà càng sôi động. Việc tìm nhà trọ đã trở thành "cuộc chiến" vô cùng gay go và khốc liệt.
Nhiều bạn đi từ sáng tới chiều tối với hy vọng tìm được cho mình một chỗ tá túc trong những năm học đại học sắp tới, nhưng đành tay trắng về nhà. Với những bạn sinh viên đã sống ở thành phố một thời gian, rành rẽ đường xá và có chút ít kinh nghiệm thuê nhà cũng phải tìm đỏ con mắt mới có được chỗ ở ưng ý. Còn những tân sinh viên "lạ nước lạ cái" thì hành trình tìm nhà trọ càng trở nên gian truân.
Kim Nga, sinh viên mới trúng tuyển vào trường đại học Công Nghệ TP.HCM, cho biết khi nghe tin trúng tuyển hai mẹ con hối hả khăn gói vào thành phố tìm chỗ trọ. Vậy mà đã hơn một tuần trôi qua, Nga vẫn chưa có được chỗ "nương náu" ưng ý. Nga chi sẻ: "Chỉ cần nghe chỗ nào có nhà trọ cho thuê là mẹ và mình đều tới tận nơi để liên hệ, nhưng chỗ sạch sẽ, an ninh được đảm bảo và gần trường thì giá mắc quá, tìm được chỗ rẻ thì nhà lại xập xệ, bốn vách chỉ là những tấm tôn xếp lại. Mình đang nghĩ đến phương án làm đơn xin vào ký túc xá của trường rồi từ từ tìm nhà trọ chuyển ra sau."
Không chỉ những bạn "chân ướt chân ráo" tìm chỗ trọ gặp khó khăn, Thủy Tiên, sinh viên năm hai trường đại học Sài Gòn, sau khi chủ đột ngột đòi lại phòng trọ lại phải cấp tốc đi tìm chỗ ở mới. Cô bạn cho biết:"Thời gian khác tìm chỗ ở đã khó, bây giờ lại là lúc các bạn mới trúng tuyển cũng cần nơi ở cho năm học mới, khiến việc này càng trở nên vất vả. Thậm chí có nơi sáng treo bảng "cho thuê phòng" chiều đã thay bằng bảng "hết phòng cho thuê".
Tìm nhà trọ có nhiều cách như liên hệ với các tờ rơi hay bảng hiệu treo, nhờ trung tâm tìm giúp hay tìm trên internet. Tuấn Minh, tân sinh viên trường đại học Công Nghiệp cho biết, do mới đến thành phố không rành đường xá cũng chẳng có người quen để nhờ cậy nên phải nhờ những trung tâm dịch vụ tìm hộ phòng thuê với giá đặt cọc là 200.000 đồng. Thế nhưng, đi từ ngõ này đến ngách khác thì chỉ có những căn nhà nhỏ xíu, lại dơ bẩn. Cuối cùng Minh đành phải thuê căn phòng 17m2 chung với hai bạn cùng quê với giá 1,8 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền điện nước.
Phần lớn sinh viên ở trọ đều chọn cách ở ghép. Ở chung nhiều người tuy không thoải mái bằng lúc "một mình một cõi" nhưng tiền thuê nhà rẻ hơn và nhưng lúc đau ốm hay khó khăn sẽ có người giúp đỡ. Nếu như nhiều sinh viên lao đao trên hành trình tình nơi ở cho những năm tháng dùi mài đèn sách sắp tới thì nhiều bạn cũng chộn rộn tìm người chia sẻ phòng trọ.
Tuyên Hằng đang sống cùng với bốn người bạn trong một căn phòng ở khu nhà trọ có giá 2 triệu đồng/tháng. Bây giờ Hằng phải chật vật tìm người ở ghép vì hai cô bạn đã về quê sau khi tốt nghiệp ra trường. Cô bạn cho biết khu nhà trọ khá xa trường học, lại nằm trong hốc hẻm ngoằn ngoèo nên ít người biết đến. Hằng tâm: "Trước đây thuê bốn người nên mỗi người chỉ trả 500.000 đồng tiền nhà mỗi tháng, nay tiền nhà đã tăng lên đến con số triệu. Nếu không tìm được người thuê cùng chắc mình với nhỏ bạn chỉ còn cách ăn mì gói thay cơm để trả tiền nhà tháng tới."
Cứ đến khoảng thời gian này, sinh viên lại đau đầu với vấn đề tìm chỗ ăn chỗ ở. Tìm được nhà trọ hay phòng trọ đáp ứng đủ các điều kiện sạch sẽ, thoáng mát, giá phải chăng, an ninh đảm bảo quả thật không dễ. Trong khi sinh viên ngày càng nhiều, chỗ ở lại không "nở" ra thì việc tìm được nhà trọ ở nơi "đất chật người đông" trước thềm năm học mới rất khó khăn.
Theo Trithuctre
Sóng ngầm biển Goa Có lẽ phải gần cả tháng sau tôi mới quen dần được với đất nước gần như cái gì cũng có những thái cực vô cùng trái ngược. Khoảng cách giàu - nghèo như trời cao với vực sâu. Cuộc sống cũng muôn màu muôn vẻ và tình yêu vẫn đẹp sao... Một số điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô New...