Đêm hò nhau chạy lũ dưới chân hồ thủy điện Thác Bà
“Khẩn cấp, khẩn cấp, toàn thể bà con có nhà ven sông dọc quốc lộ 37 sơ tán người, tài sản lên nhà văn hoá”, giọng ông Phạm Xuân Tiến xé toang màn đêm thôn Tiên Phong trong ngày nước lũ đổ về hồ Thác Bà ở mức báo động đỏ.
11h30, trưa 12/9, bà Lê Thị Điệp (86 tuổi) vừa dùng xong bữa cơm tại nhà văn hoá thôn Tiên Phong (xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Đây là ngày thứ 3, bà Điệp cùng 12 hộ gia đình cùng thôn tạm rời tổ ấm của mình để tránh lũ tại nhà văn hoá.
Sinh ra ở Ba Vì, Hà Nội, nhưng bà Điệp có 77 năm gắn bó với mảnh đất Tiên Phong của huyện Yên Bình.
“Tôi sống cả đời người ở đây, lần này mới thấy một trận lũ dữ dội như vậy. Năm 1971 tôi từng chứng kiến một trận ngập nhẹ, nước lũ xăm xắp ở mặt đường cũ, nay là quốc lộ 37. Còn tốc độ trận lũ năm nay quá nhanh, nước dâng tính theo từng giờ, nhiều nhà hiện nay vẫn đang ngập nước”, bà Điệp mô tả về trận lũ khi lưu lượng nước đổ về hồ Thác Bà có thời điểm cán mốc 5.600m3/s.
Bà Điệp vẫn ám ảnh khi nhớ lại trận lũ lịch sử. Ảnh: Lê Anh Dũng
Người lớn, trẻ nhỏ đang tránh lũ tại nhà văn hoá thôn Tiên Phong. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tại nhà văn hoá, ông Phạm Văn Tiến (65 tuổi) – trưởng thôn Tiên Phong đang hội ý nhanh với các hộ gia đình về kế hoạch cho 5 ngày tiếp theo sẽ tiếp tục sinh hoạt tại nhà văn hoá.
“Xã đã cấp cho bà con tại đây 70 kg gạo, các nhu yếu phẩm thiết yếu để tiếp tục duy trì thêm 5 ngày nữa tại đây”, ông Tiến thông báo với các hộ dân.
Trận lũ lịch sử những ngày qua tại huyện Yên Bình đã gần như cướp đi căn nhà mới xây của ông Tiến. Căn nhà trên của ông được Hội Cựu chiến binh hỗ trợ tiền và xây dựng vào năm ngoái, niềm vui chưa kịp trọn vẹn thì giờ đây ông đang trong cảnh mất nhà vì thiên tai.
Dù căn nhà đang trong cảnh chênh vênh, nghiêng hẳn về dòng nước chảy mạnh, nhưng nỗi lo lớn nhất của ông Tiến lại là sự an toàn của bà con trong thôn. Ở tuổi 65, đêm chạy lũ đêm 10/9 là ký ức in đậm đối với người cựu chiến binh Phạm Văn Tiến.
Trưởng thôn Phạm Văn Tiến trong căn nhà bị lũ cuốn phăng một nửa. Ảnh: Lê Anh Dũng
Khoảng 20h, ông Tiến nhận được tin nhắn thông báo của UBND xã Hán Đà về công điện khẩn sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm ngập lụt. Ngay lập tức, ông chạy thẳng lên nhà văn hoá thôn – nơi có hệ thống loa phát thanh đến các hộ dân để đọc thông báo.
“Khẩn cấp, khẩn cấp, theo công điện của Thủ tướng, khẩn trương tất cả bà con sống dọc sông di dời người, tài sản. Ngay bây giờ, tất cả bà con di dời đến nơi an toàn, tính mạng con người là quan trọng nhất. Đề nghị bà con ưu tiên di chuyển cụ già, cháu bé lên nhà văn hoá trước để đảm bảo xả lũ an toàn…”, giọng của trưởng thôn Phạm Văn Tiến vang giữa màn đêm đầy lo âu của thôn Tiên Phong.
Video đang HOT
Lời thông báo của ông Tiến đến với người dân trong thôn, trong tích tắc, khu dân cư rộn rã tiếng bước chân chạy lũ, tiếng người hò nhau tìm đến điểm cao để tránh nước dâng. Các cụ già, cháu nhỏ nhanh chóng được đưa đến nhà văn hoá trú ẩn…
Ông Phạm Văn Tiến bên dàn loa để phát thông báo khẩn cấp đêm 10/9. Ảnh: Lê Anh Dũng
Trong ký ức của người dân, ngoài nỗi sợ lũ dâng thì đêm 10/9 còn in sâu trong họ với sắc áo của bộ đội, công an và cán bộ các cấp ở cơ sở.
“Nhiều bộ đội của Trung đoàn 174, hàng chục cán bộ công an từ tỉnh đến xã túc trực với bà con trong giây phút chúng tôi gặp khó khăn nhất”, chị Nguyễn Thị Hồng Hải chia sẻ về những ngày nước lũ uy hiếp cuộc sống của gia đình và hàng xóm xung quanh.
Giữa lúc tình cảnh khó khăn, hơn 150 hộ dân thôn Tiên Phong đã sát cánh bên nhau, không ai bảo ai mà cùng xắn tay vào giúp đỡ những gia đình bị ngập sơ tán người, tài sản.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hải kể lại buổi tối mọi người hò nhau chạy lũ ở thôn Tiên Phong. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đêm chạy lũ lịch sử, căn nhà của ông Quyền là nơi đầu tiên bị nước bủa vây của thôn. Có gian hàng tạp hoá nên căn nhà ông Quyền rất nhiều đồ đạc. Rất đông nam giới, đặc biệt là thanh niên sức vóc của thôn chung tay cùng bộ đội, công an sơ tán tài sản.
Cứ như vậy, công việc chạy lũ dù vất vả, khổ sở nhưng lại là nơi tình làng, nghĩa xóm sưởi ấm đêm chạy lũ. Tình người trong nghịch cảnh càng hiện diện trong 3 ngày cả khu dân cư “ăn chung, ngủ tập thể” tại nhà văn hoá.
Bà Hoàng Thị Hải Vân (59 tuổi), cô giáo về hưu của thôn, những ngày qua tất bật với việc giúp tập thể hơn 50 người lớn và trẻ nhỏ tại nhà văn hoá. Khuôn mặt cô giáo về hưu những ngày này xanh xao, đôi mắt vẫn hằn in sự lo âu trước cơn thịnh nộ của thiên tai…
Bữa cơm trưa 12/9 của các hộ dân tại nhà văn hóa. Ảnh: Lê Anh Dũng
“Khoảng 3h sáng tôi thức dậy, việc đầu tiên là mở điên thoại để xem diễn biến mực nước hồ Thác Bà. Sau đó tôi xuống dưới chân dốc để xem tình hình mực nước ở căn nhà ven quốc lộ 37 với mục đích nếu thấy nước to thì sẽ báo động để mọi người thức dậy chạy lũ”, bà Vân kể về công việc đầu ngày tại “tổ ấm” mới cùng hàng xóm, láng giềng.
Mỗi ngày ở đây, bà Vân cho biết buổi sáng đa phần mọi người sẽ chủ động ăn uống, chỉ các cụ già và cháu nhỏ sẽ được hỗ trợ cháo nấu sẵn. Buổi trưa và tối mọi người cùng xắn tay góp gạo, thổi cơm và nấu thức ăn.
Những ngày qua, bà Hoàng Thị Hải Vân bận rộn hơn khi lo hậu cần cho các hộ dân đi tránh lũ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Lũ về, những người dân khi sơ tán đã kịp góp thực phẩm sẵn có trong tủ lạnh gia đình để cùng nhau cải thiện bữa ăn ngày lũ. Nhà góp thịt, nhà góp rau, trứng và những đồ khô. Bữa cơm mỗi ngày được bà Vân đứng ra điều tiết và phối hợp với chị em phụ nữ nấu nướng. Nam giới nhận những phần việc nặng nhọc như bê vác và “trực chiến” với lũ.
“Chưa bao giờ chúng tôi sinh hoạt chung với nhau trong thời gian dài như vậy, mọi người đều bảo ban nhau cố gắng để an toàn đi qua mùa bão lũ. Đợt lũ ập đến dù rất buồn, nhưng bất khả kháng”, bà Vân trầm giọng.
Bên trong nhà văn hoá – nơi hàng chục người dân thôn Tiên Phong tránh lũ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Giấc ngủ bình yên của cháu bé tại nhà văn hoá. Ảnh: Lê Anh Dũng
Với phương châm không để người dân nào bị bỏ rơi, chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên thăm hỏi, cập nhật tình hình và hỗ trợ nhưng nhu yếu phẩm giúp bà con vùng lũ.
Bà Trần Thị Tâm (68 tuổi) bị ung thư phổi lạc quan chia sẻ: “Tôi vừa được cán bộ xã Hán Đà trực tiếp lái xe xuống nhà văn hoá để đưa thuốc điều trị bệnh khi đã di căn vào xương”. Gương mặt bà Tâm dù yếu ớt vì bệnh hiểm nghèo nhưng đôi mắt vẫn ánh lên sự tin tưởng vào chính quyền và những người bên cạnh.
Biết tin người dân hạ lưu hồ thủy điện Thác Bà phải sơ tán, đoàn cứu trợ đến từ các tỉnh như Hà Nội, Thanh Hoá, Phú Thọ… thông qua UBND xã Hán Đà đã tiếp tế nhiều nhu yếu phẩm cho người dân trong thôn. Mỗi lần có đoàn cứu trợ đến, bà Lê Thị Điệp với vai trò là người cao tuổi nhất được bà con nhờ để đứng ra nói lời cảm ơn chân thành.
Hôm nay lượng nước đổ về hồ Thác Bà đã ở ngưỡng an toàn, trời Yên Bình hửng nắng, nước lũ ven quốc lộ 37 rút theo từng giờ… Dù không ai chủ quan trong mùa mưa lũ nhưng với người dân nơi đây, họ không để nỗi sợ biến thành sự bi quan.
Đêm qua, những ánh nến đã được thắp sáng ở nhà văn hoá, một chút bánh kẹo được soạn sẵn, chiếc loa tích điện bật giai điệu rộn ràng… để tổ chức Tết Trung thu. Trên sân khấu, các em nhỏ cùng nhau nhảy múa, tiếng trẻ cười đùa giúp cuộc sống người dân sống ở vùng hạ lưu hồ Thác Bà dần trở lại với trạng thái… bình thường mới.
Hồ Thác Bà đã ở ngưỡng an toàn. Ảnh: Đức Hoàng
Tiên Phong là một trong hàng chục thôn của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái phải sơ tán vì nước lũ dâng cao. Thống kê cho thấy, trong thời gian rất ngắn, khi có chỉ đạo từ Trung ương, tỉnh Yên Bái đã di dời hơn 3,1 nghìn hộ với trên 11 nghìn nhân khẩu của 24 thôn, tổ ở các xã Vĩnh Kiên, Yên Bình, Hán Đà, Đại Minh, thị trấn Thác Bà (huyện Yên Bình) đến nơi an toàn.
Từ chiều 11/9, khi hồ Thác Bà ở ngưỡng an toàn, nhiều hộ dân đã trở lại nơi ở để dọn dẹp nhà cửa, lau dọn bùn đất để ổn định cuộc sống sau lũ. Tỉnh Yên Bái cũng đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tại chỗ sẵn sàng chung tay hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ.
4.000 ngôi nhà ở Phú Thọ bị ngập, người dân thốt lên 'lũ chưa từng thấy'
Lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về trong 2 ngày qua rất lớn, người dân tại 2 huyện Hạ Hòa và Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) đang phải căng mình chống chọi với dòng nước lũ.
Hai ngày qua, mực nước trên sông Hồng tại xã Ấm Thượng (huyện Hạ Hòa) là 28,69m, trên mức báo động 3 là 2,69m, vượt đỉnh lũ lịch sử vào năm 1971. Nhiều hộ dân tại 2 huyện Cẩm Khê và Hạ Hòa đã bị ngập sâu.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet vào chiều 10/9, tuyến đê tả, đê hữu sông Hồng trên địa bàn huyện Hạ Hòa và Cẩm Khê có nhiều điểm nước đã mấp mé tràn đê. Các địa phương đang triển khai đắp đất chống tràn.
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Phú Thọ, gần 4.000 hộ dân đã bị nước ngập và phải di dời người, tài sản đến vị trí an toàn.
Khu vực gần cầu Hạ Hoà, các ngôi nhà đã chìm trong biển nước, nhiều gia đình buộc phải di dời đến nơi an toàn. Ảnh: Đức Hoàng
Theo người dân ven sông tại huyện Hạ Hòa, nước lũ dâng lên rất nhanh chỉ trong 1 ngày. Ảnh: Đức Hoàng
Ngôi nhà mới xây của ông Trần Đại Hải (khu 1, xã Minh Hạc, huyện Hạ Hòa) bị ngập sâu hơn từ hôm 9/9. Ông Hải thốt lên "chưa từng thấy trận lũ nào như vậy". Ảnh: Đức Hoàng
Nằm ở phía trong đê, xưởng gỗ của gia đình ông Trần Văn Minh (khu 1, xã Minh Hạc, huyện Hạ Hòa) đang được tháo dỡ để di dời, bảo vệ máy móc. Ảnh: Đức Hoàng
Gà của người dân ven đê mang đi chạy lũ. Ảnh: Đức Hoàng
Tại xã Minh Hạc, diện tích lớn lúa đang trổ đòng đã bị nước lũ tràn vào. Ảnh: Đức Hoàng
Giống như bên kia sông, tại huyện Cẩm Khê, hàng nghìn hộ dân cũng đã bị ngập nước. Ảnh: Đức Hoàng
Nhiều nơi nước đã ngập gần đến nóc nhà. Ảnh: Đức Hoàng
Người dân xã Tuy Lộc liên tục dùng đất đắp đê ngăn nước tràn. Ảnh: Đức Hoàng
Người dân căng mình bảo vệ tuyến đê huyết mạch. Ảnh: Đức Hoàng
Vụ sạt lở khiến 6 người tử vong ở Sa Pa: Hàng trăm người sơ tán trong đêm Sau vụ sạt lở khiến 6 người tử vong, 9 người bị thương tại thị xã Sa Pa (Lào Cai), chính quyền địa phương đang tiếp tục sơ tán các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Sáng 9/9, tại xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa) vẫn có mưa to trên diện rộng, chính quyền địa phương đã...