“Đêm dữ” với bác sĩ cấp cứu
Sau gần 1 tháng thức trắng cùng ca trực khoa Cấp cứu của nhiều bệnh viện (BV) ở TP.HCM, PV Thanh Niên ghi nhận càng lúc càng nhiều nạn nhân bị đâm chém, hành xử bạo lực, côn đồ được đưa vào cấp cứu. Thực trạng đã đến mức báo động cho một thế giới về đêm không yên bình ở TP.
Ở BV Chấn thương chỉnh hình TP, chỉ tính từ 20 – 23 giờ đêm 5.10, khoa Cấp cứu đã tiếp nhận đến 4 ca vào viện do bị đâm chém.
N.H.C và N Đ.C bị chém trọng thương được đưa vào phòng cấp cứu BV đa khoa Thủ Đức đêm 13.10 – Ảnh: Thanh Thùy
Khoảng hơn 20 giờ, tiếng còi xe cấp cứu đổ dồn về BV này. Anh Đ.T.N (39 tuổi) và vợ là chị B.T.H (41 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) được các y, bác sĩ (BS) nhanh chóng đưa vào, trong tình trạng bị nhiều vết thương ở chân, tay và vai. Sau khi được sơ cứu, chị H. run run kể lại sự việc kinh hoàng. Theo đó, chồng chị có thiếu nợ một người ở Q.4, đến ngày trả nhưng chưa có tiền đành xin hoãn. Tối ngày 5.10, vợ chồng chị đang ở quán thì có một nhóm khoảng 8 thanh niên cầm mã tấu xông vào. Chị H. nhận ra là người của chủ nợ. Chưa kịp nói gì, bọn chúng đã xả liên tiếp nhiều nhát vào người hai vợ chồng. Chị H. bị thương nặng hơn chồng. Giường bệnh của hai vợ chồng đặt cạnh nhau. Anh N. ôm cánh tay đang băng vết chém dính máu đỏ bê bết chỉ biết nhìn chị H., với vẻ mặt đau đớn.
Không ngớt người nhập viện do bị đâm chém Hầu như đêm nào khoa Cấp cứu của các BV Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Chấn thương chỉnh hình… cũng tiếp nhận những ca nhập viện do đánh nhau, đâm chém. Những đối tượng này thuộc nhiều lứa tuổi (khoảng 16 đến 40 tuổi). Theo các BS, tình trạng đả thương về đêm nhiều hơn ban ngày.
Trước đó 30 phút, BV đã tiếp nhận L.Đ.Q (26 tuổi, ngụ Q.8) với vết chém trên tay trái, mất nhiều máu, ngón tay không cử động được. Một BS cấp cứu ngao ngán: “Chuyện mâu thuẫn giữa con người là khó tránh khỏi. Nhưng rất ít người tìm cách giải quyết ổn thỏa mà chỉ biết dùng nắm đấm, dao búa để nói chuyện. Thật đau lòng”.
Đêm 13.10, câu chuyện giữa PV và các BS tại phòng cấp cứu của BV Chợ Rẫy phải dở dang khi xe cấp cứu hú còi liên hồi đưa anh T.V.T (38 tuổi, ngụ Q.12) vào. Anh T. là tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố. Khi thấy một thanh niên định đi vệ sinh gần phòng trực, anh nhắc nhở và lỡ tay tát người thanh niên. Người thanh niên bỏ về rồi trở lại với mã tấu lăm lăm, chém liên tiếp vào đầu anh T.
Trong lúc đó, ở BV đa khoa Thủ Đức, một chiếc xe cứu thương dừng gấp trước cửa phòng cấp cứu đưa 2 ca bị thương nặng nhập viện. Đó là N.H.C và N.Đ.C, đều 25 tuổi và cùng bị một nhóm côn đồ chém nhiều nhát, đâm sâu vào bụng, thủng dạ dày máu chảy ướt áo quần. Hai thanh niên này nằm chưa được 20 phút, lại có thêm ca bị chém dọc cánh tay trái là N.N.T, công nhân trọ ở Q.Thủ Đức…
Bực là “xử”!
Bà H.T.L (53 tuổi, ngụ Q.1) bị thương giữa trán, máu tứa khắp mặt chỉ vì một lời nói vào tối 6.10. Ngồi ở phòng cấp cứu BV Nhân dân Gia Định, bà L. kể: “Tôi đem rác ra định bỏ ở góc đường. Hai vợ chồng trẻ bán nước gần đó lớn tiếng bảo tôi đem rác đi chỗ khác”. Do không trông thấy bảng thông báo cấm đổ rác nên bà L. nói lại với hai vợ chồng kia. Họ đáp trả bằng những câu tục tĩu. Bà L. nói: “Các em chỉ đáng tuổi con tôi nên ăn nói cho lịch sự”. Chỉ có vậy, chị vợ liền xông vào, dội ngay cái khay đựng đồ uống cho khách vào trán bà. “Tôi đâu nghĩ vì cái bịch rác mà phải đổ máu thế này”, bà L. buồn bã.
Video đang HOT
“Một vài lời cãi nhau, thoáng nhìn thiếu thiện cảm… đều có thể khiến người ta bực mình rồi đả thương nhau”, BS Lê Ngọc Huy, khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy chia sẻ. Lúc 22 giờ 30 đêm 2.10, BV này tiếp nhận ông N.Đ.S (32 tuổi, ngụ Đồng Xoài, Bình Phước) nhập viện trong tình trạng bị 3 vết đâm phía lưng, một vết gần sườn trái, ra máu rất nhiều. Ông S. kể: “Tôi làm nghề sửa xe máy. Khoảng 20 giờ có hai thanh niên vào sửa xe. Thấy bị thủng 3 lỗ nên tôi nói giá 25.000 đồng. Hai người trả 20.000 đồng. Tôi nói được thì vá tôi không mặc cả bao giờ. Vá xong họ bỏ đi rồi bất thình lình quay lại đâm tôi”.
Khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 ngày 8.10 cũng tiếp nhận một lúc nhiều trường hợp bị chém vì can ngăn đánh nhau. Anh H.Q.T (29 tuổi, ngụ xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè, TP.HCM) được vợ đưa vào trong tình trạng bị chém hai cánh tay đứt gân duỗi và nhiều vết trên người. T. thấy B., là hàng xóm đang vật một ông hàng xóm khác vội nhào tới can ra. B. lớn tiếng bảo anh T. không can thiệp nhưng anh T. cứ can ngăn, khuyên giải. B. nổi máu côn đồ đâm anh T. Thấy vậy, anh P.V.V (27 tuổi, bạn của T.) nhảy vào bênh vực cũng bị B. đâm một nhát vào giữa ngực. Nằm trên hai băng ca cạnh nhau, hai người hàng xóm tức tối chửi tên B. om sòm.
Những ngày trước đó, ông H.V.S (49 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) được đưa vào khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 trong tình trạng bị thương nặng. Vợ ông S. kể, con trai họ bị nhóm thanh niên trong xóm đánh nên ông S. ra can ngăn. Công an xã tới, gia đình đã đồng ý giảng hòa. Thế nhưng, công an vừa về, nhóm thanh niên này quay lại đuổi chém ông S. tới tấp.
Theo Thanh Niên
Bác sĩ cấp cứu - nghề nguy hiểm
2h sáng, 4-5 thanh niên cởi trần, xăm rồng trổ phượng, hùng hổ bước vào khoa cấp cứu bệnh viện la hét, đập bàn đập ghế yêu cầu các bác sĩ phải cấp cứu ngay cho một người bê bết máu. Một tên còn đe dọa: "Cứu nó, nó chết tôi chặt tay ông".
Theo lời kể của các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), trong lúc các bác sĩ đang tập trung cấp cứu cho người bị thương, thì một nhóm thanh niên khác, tay gầm gậy gộc, mã tấu ào vào đánh túi bụi và rượt đuổi nhóm thanh niên trước. Không ít nhân viên y tế và bệnh nhân hoảng sợ tìm chỗ tránh. Cuộc hỗn loạn chỉ kết thúc khi công an đến. Rất may không ai bị thương trong vụ xô xát này, nhưng đây cũng là một đêm trực kinh hoàng của không ít y bác sĩ và sinh viên y khoa.
Những chuyện xích mích, hăm dọa, đánh nhau như trên ở khoa cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức không phải là hiếm. Nhiều "đại ca" giang hồ sau những vụ thanh trừng lẫn nhau thường được đưa đến đây cấp cứu. Không chỉ thế, một số đối tượng còn chọn đây là nơi giải quyết mâu thuẫn. Không tháng nào bệnh viện không phải thay cửa kính vỡ vì dân giang hồ vừa đòi cấp cứu cho đồng bọn vừa thị uy.
Nhiều bác sĩ tại khoa đùa với nhau "làm việc ở khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức mà chưa bị sứt đầu, mẻ trán là may lắm rồi".
Khoa cấp cứu các bệnh viện thường là những điểm hay xảy ra xô xát giữa bác sĩ và người nhà bệnh nhân. Ảnh: P.N.
Gần đây tại Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư, Thái Bình, sự việc một bác sĩ bị đâm chết, một bác sĩ khác bị trọng thương khiến nhiều người làm trong nghề y không khỏi băn khoăn.
Theo lời kể lại của một số nhân chứng, ngay khi bệnh nhân được đưa vào cấp cứu, người nhà đã có hành động đập phá bệnh viện và đe dọa nếu không cứu được người sẽ đâm chết cán bộ y tế. Lo sợ trước tình huống trên, nhân viên bệnh viện đã điện cho công an, tuy nhiên vẫn không ngăn được vụ xô xát.
Tại TP HCM, với hơn một triệu lượt người đến khám và điều trị trong năm, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là nơi thường xuyên xảy ra chuyện nhân viên y tế gặp chuyện rắc rối từ những bệnh nhân cũng như người nuôi bệnh.
Các cán bộ thuộc đội bảo vệ chuyên nghiệp của Bệnh viện Chợ Rẫy - những người được xem là cứu cánh duy nhất của nhân viên y tế khi "có sự cố", cho biết, tuy chưa có cảnh đuổi đánh hay hành hung, nhưng chuyện lớn tiếng chửi bới thì "như cơm bữa".
Nửa đêm 6/7, sau khi được các bác sĩ khoa Cấp cứu khâu vá vết thương ở mắt, băng bó vết thương ở đầu, thay vì chờ chụp CT sọ não, nam bệnh nhân 42 tuổi mình đầy vết xăm đã bật ngồi dậy đòi xuất viện.
"Tao đã nói tao không bị sao, tại sao bắt tao chụp hình. Tính tiền nhanh đi rồi cho tao xuất viện. Đứa nào lu bu, tao gọi đàn em đến chém hết", người này vừa quát đập bàn nơi 2 điều dưỡng đang làm việc khiến các cô này bỏ chạy. Mãi đến khi lực lượng bảo vệ xuất hiện, người đàn ông mới hạ giọng nhưng vẫn tiếp tục hăm dọa.
Một trường hợp khác, thấy người thân bị chấn thương sọ não cứ nằm chờ mổ vì chưa đến lượt, gia đình của nạn nhân đã đập đá liên tục vào cánh cửa khu phẫu thuật vừa chửi bới vừa hăm dọa "Con tôi mà chết, tui đốt bệnh viện".
"Rất nhiều bệnh nhân vào cấp cứu nhưng vẫn hung hãn. Chuyện lớn tiếng chửi mắng rồi hù dọa sẽ trả thù sau khi nhập viện hay túm cổ điều dưỡng to tiếng chửi tục là không lạ. Ngay cả khi chúng tôi đến họ vẫn trỏ thẳng vào mặt và quát. Lúc đó chỉ còn cách gọi công an đến hỗ trợ", một nhân viên bảo vệ nói.
Nhiều nhân viên y tế phải tự học cách bảo vệ mình. Ảnh: P.N.
Không có nhiều bệnh nhân như Chợ Rẫy, song do thường xuyên tiếp nhận các trường hợp cấp cứu do đả thương, đội ngũ y bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (nằm tại trung tâm thành phố) cũng nhiều phen hú vía vì thói côn đồ của cả bệnh nhân lẫn người thân.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, trung bình mỗi tháng có 6-10 trường hợp người thân của bệnh nhân "nặng nhẹ" với nhân viên y tế, trong đó 1-2 trường hợp gay gắt.
"Nhiều bệnh nhân dùng dụng cụ y tế đánh bác sĩ, nhưng nguy hiểm hơn là chuyện các băng nhóm xông vào truy đánh bệnh nhân. Điều này ít nhiều gây áp lực cho nhân viên khoa cấp cứu", ông Nghiệm nói.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, giám đốc Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng cho hay nơi đây không ít lần gặp phải gia đình bệnh nhân kiểu "trời ơi". Bệnh nhân qua đời vì những yếu tố khách quan như nhập viện muộn, bệnh quá nặng không thể chữa được, thì người nhà lại nặng nhẹ bác sĩ, thậm chí hù dọa kiện cáo hoặc đòi hành hung.
"Có trường hợp nửa đêm, bệnh nhân xuất hiện nằng nặc đòi gặp bác sĩ. Nhân viên bảo vệ ngăn lại thì chửi rủa không chịu đi", bác sĩ Châu kể.
Để nhân viên yên tâm làm việc, hầu hết các bệnh viện đều hợp đồng với các công ty vệ sĩ chuyên nghiệp. Song theo lãnh đạo của nhiều bệnh viện, nếu có chuyện xảy ra và "đối tượng" quá hung hãn thì lực lượng bảo vệ vẫn phải cần sự hỗ trợ của công an địa phương.
Tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, ngoài lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, ban giám đốc còn chủ động giáo dục cán bộ y tế cách chịu đựng bệnh nhân, cách ứng xử hòa nhã để "hạ nhiệt" những cơn thịnh nộ. Tuy nhiên ngoài các biện pháp trên, để nhân viên có thể kịp cầu cứu, một hệ thống chuông báo động đã được lắp đặt ở những vị trí thuận tiện nhất.
"Việc tự phòng vệ thôi chưa đủ, chúng tôi và tất cả các bệnh viện khác cần có các văn bản mang tính pháp lý để bảo vệ mỗi khi có sự cố", phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn nói.
Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các vụ hành hung, tấn công bác sĩ khi họ đang khám chữa bệnh không phải gần đây mới xảy ra nhưng dẫn tới chết người như trường hợp ở Thái Bình là lần đầu. Việc bác sĩ không cứu sống được người bệnh mà cầm đao đâm chết bác sĩ là hành động không thể chấp nhận được, cần phải lên án, trừng trị thích đáng.
Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ đầu năm 2011 có quy định rất rõ, người bệnh có nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề, chấp hành chỉ định chẩn đoán, điều trị của người hành nghề.... Trong bệnh viện, bệnh nhân cũng như người nhà có trách nhiệm tuân thủ nội quy trong bệnh viện, như không được gây gổ, nói to...
"Tuy vậy, không phải ai đi khám bệnh cũng tuân thủ những quy định đó. Ngành y tế đang xây dựng quy định về tài chính y tế, trong đó sẽ bổ sung những quy định mới, như bảo hiểm cho cán bộ y tế trong khi thực hiện nhiệm vụ", ông Khuê cho biết.
Theo VNE
"Đêm trắng" cùng bác sĩ khoa cấp cứu Cánh cửa sau xe cứu thương bật mở, một bệnh nhân mình mẩy bê bết máu, khuôn mặt biến dạng nằm bất động. Người bệnh lập tức nhận được sự chăm sóc của bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy. Ngoài sảnh, những chuyến xe vẫn nối đuôi nhau đi về. Nằm trên chiếc băng ca ngay ngoài cửa phòng mổ là một thanh...