Đêm cuối của ‘cách mạng dù’ Hồng Kông
Đêm 10.12, trước khi cảnh sát thực hiện lệnh tòa án, khu Admiralty (Kim Chung) vẫn đông đúc, dù không nhộn nhịp như cách đây một tuần. Những băng-rôn chế nhạo đặc khu trưởng vẫn còn đó. Lều trại vẫn san sát nhau trên đường Harcourt. Và xuất hiện băng-rôn mới, mang dòng chữ “Chúng tôi sẽ trở lại”.
Người biểu tình Hồng Kong hẹn “Chúng tôi sẽ trở lại” – Ảnh: Nguyễn Thành Trung
Tính đến ngày 10.12, cuộc biểu tình bất tuân dân sự của sinh viên Hồng Kông trước khu hành chính Admiralty của chính quyền đặc khu đã bước sang ngày thứ 74. Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng ngành hành pháp Hồng Kông cũng thuyết phục được bên tư pháp ra lệnh giải tỏa lều trại của người biểu tình trên đường Harcourt, con đường chính ở Admiralty (Kim Chung) vào 9 giờ sáng nay 11.12.
Nếu người biểu tình kháng lệnh tháo dỡ của tòa án sẽ bị xem như vi phạm pháp luật. Cảnh sát đã thành công trong việc giải tỏa khu Vượng Giác (Mong Kok) và mục tiêu cuối cùng hiện nay là khu Amiralty.
Những giờ cuối cùng của phong trào dù Hồng Kông – Ảnh: Nguyễn Thành Trung
Ngày 10.12 bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Chánh văn phòng Đặc khu cảnh báo người biểu tình sẽ lãnh hậu quả “không mong muốn” nếu quay lại khu Admiralty vào ngày hôm sau. Bà Lâm cũng kêu gọi phụ huynh, giáo viên, và hiệu trưởng các trường đại học thuyết phục người biểu tình nên rút khỏi khu Admiralty. Tuy nhiên, mọi thứ phải đợi đến giờ cuối mới biết tình hình diễn ra như thế nào.
Tối ngày 10.12 tôi trở lại khu Admiralty, một đêm trước khi cảnh sát thực hiện lệnh tòa án. Admiralty vẫn đông đúc, mặc dù không còn nhộn nhịp như xưa như cách đây một tuần.
Video đang HOT
Một sinh viên đăng đàn phát biểu – Ảnh: Nguyễn Thành Trung
Những băng-rôn, khẩu hiệu động viên tinh thần người biểu tình, chế nhạo đặc khu trưởng vẫn còn đó. Lều trại vẫn còn san sát nhau trên đường Harcourt. Không khí nơi đây không có nhiều dấu hiệu cho thấy ngày 11.12 đường phố sẽ trở lại bình thường như tuyên bố của chính quyền.
Tuy nhiên, tôi bắt gặp những băng-rôn mới, mang dòng chữ “Chúng tôi sẽ trở lại” (We will be back). Đây có vẻ không phải là một lời hứa suông, mà là một tuyên bố mạnh mẽ của giới trẻ Hồng Kông rằng họ sẽ không bỏ cuộc.
Truyền thông Hồng Kông và thế giới theo dõi suốt tình hình đến những giờ cuối cùng – Ảnh: Nguyễn Thành Trung
Tôi đã phỏng vấn nhiều sinh viên, và tất cả họ đều nhận thức cách tốt nhất để có thể giải quyết những vấn đề Hồng Kông hiện nay như tương lai việc làm bấp bênh, thị trường nhà đất bị lũng đoạn, giá nhà thuộc loại cao nhất thế giới, văn hóa Hồng Kông đang dần mất bản sắc trước sức ép to lớn của sự ồ ạt của hơn 20 triệu du khách đại lục mỗi năm và o ép của chính quyền trung ương Bắc Kinh.
Tuy nhiên, họ không lạc quan cho rằng những điều mong muốn có thể đạt được trong tương lai trước mắt. Có thể hôm nay họ không thể đòi được những thứ họ muốn, nhưng họ đã bắt đầu làm quen với việc tổ chức phong trào, tôn trọng đa nguyên ý kiến, dung hòa giữa phái ôn hòa và cực đoan, đắm mình trong không khí tranh luận dân chủ.
Một biểu ngữ kêu gọi ngưng tấn công bạo lực lên người biểu tình – Ảnh: Nguyễn Thành Trung
Tôi bắt gặp ở khu Admiralty có nhiều bục diễn đàn cho mọi người đăng ký lên phát biểu. Chủ đề hết sức đa dạng. Tối nay, tôi nghe được một cô khá lớn tuổi vừa phát biểu vừa khóc xin lỗi thế hệ trẻ vì đã không mạnh dạn tranh đấu khi cùng tham gia soạn thảo Bộ luật Cơ bản Hồng Kông (the Basic Law) với đoàn phía Trung Quốc.
Bộ luật Cơ Bản Hồng Kông được coi là hiến pháp mini của Hồng Kông, được Quốc hội Trung Quốc thông qua vào ngày 4.4.1990 và có hiệu lực vào ngày trao trả Hồng Kông 1.7.1997, dùng để thay thế luật trước đó của Anh quốc.
Lều trại của người biểu tình vẫn đặt sát nhau trong những giờ cuối cùng – Ảnh: Nguyễn Thành Trung
Theo điều 45 của Bộ luật Cơ bản, Đặc khu trưởng Hồng Kông sẽ được lựa chọn thông qua bầu cử địa phương hoặc thông qua chỉ định bởi chính quyền trung ương Bắc Kinh. Phương thức lựa chọn sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế của Hồng Kông.
Ngày 31.8 Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc ra thông báo cuộc bầu cử Đặc khu trưởng Hồng Kông vào năm 2017 sẽ được tổ chức bằng phương cách phổ thông đầu phiếu nhưng dựa trên danh sách ứng cử viên do Bắc Kinh thông qua.
Khu tự học của sinh viên biểu tình (dù xanh). Hình được chụp từ xa để tránh ảnh hưởng tới sinh viên. Hình chụp vào tối 10.12.2014 tại Admiralty.
Chính vì vậy, học sinh sinh viên Hồng Kông, trước đó mong đợi rất nhiều, đã cảm thấy vô cùng thất vọng với cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu “giả hiệu” này và kêu gọi một tuần bãi khóa vào ngày 22.9 và sau đó xuống đường phong tỏa khu Admiralty, rồi sang Mong Kok vào ngày 28.9 đòi phổ thông đầu phiếu thật sự vào năm 2017.
Ở một bục diễn đàn khác, một bạn trẻ đăng đàn nói về mục tiêu thiết thực hơn cho phong trào dân chủ là giành nhiều ghế hơn ở cuộc bầu cử Hội đồng Quận (District Council) vào năm sau. Hiện nay các Hội đồng Quận vẫn do các đảng phái thân đại lục và giới đại tư bản chiếm đa số. Đây có lẽ phương cách dân chủ hóa lâu dài, xuất phát từ cơ sở và dễ dàng được nhiều tầng lớp dân chúng tiếp nhận hơn.
Lời hẹn sẽ quay trở lại của người biểu tình – Ảnh: Nguyễn Thành Trung
Có lẽ sau hôm nay, lực lượng ủng hộ “cách mạng dù” ở Hồng Kông sẽ khác đi nhiều khi một nhóm sinh viên biểu tình mới thành lập có tên là Mặt trận sinh viên (Student Front) kiên quyết sẽ kháng cự lại lệnh giải tỏa lều trại của tòa án. Vấn đề là tiêu chí bất bạo động của phong trào bất tuân dân sự có đủ mạnh để giữ phong trào không tan vỡ.
Tôi gặp một số bạn đã thu dọn lều của mình trước cảnh báo của chính quyền. Có lẽ một bộ phận người biểu tình cảm thấy đã đến lúc kết thúc việc phong tỏa đường phố, và suy nghĩ chuẩn bị cho các hình thức tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn nhiều người nghĩ rằng họ sẽ không bỏ vị trí trừ khi họ bị bắt. Dù thế nào đi nữa, chắc chắn họ sẽ trở lại.
Nguyễn Thành Trung từ Hồng Kông
Theo Thanhnien