Đề xuất xử phạt dùng điện ít hơn đăng ký
Một đề xuất đáng chú ý của Bộ Công thương là bên mua điện sản xuất sử dụng điện thấp hơn 50% công suất trong biểu đồ phụ tải được đăng ký trong hợp đồng mua bán điện sẽ bị phạt.
Bộ Công thương đang soạn Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi). Một đề xuất đáng chú ý ở dự thảo này là bên mua điện sản xuất sử dụng điện thấp hơn 50% công suất trong biểu đồ phụ tải được đăng ký trong hợp đồng mua bán điện sẽ bị phạt.
Ngăn chặn xin nhiều dùng ít
Theo lý giải Bộ Công thương, việc bổ sung quy định dùng ít điện hơn đăng ký sẽ bị coi là vi phạm và bị phạt nhằm tránh tình trạng lãng phí đầu tư trong trường hợp bên mua điện đăng ký công suất cao nhưng thực tế lại dùng rất thấp.
Trao đổi với PV về đề xuất của Bộ Công thương, ông Nguyễn Văn Điệp – Chánh Văn phòng Hiệp hội Xi măng VN cho rằng, quy định như vậy là khó khả thi. Ông Điệp nói: “Sản xuất của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế xã hội. Doanh nghiệp nào cũng muốn phát huy hết công suất điện đã đăng ký mua nhưng sản xuất bị cầm chừng, ứ đọng hàng hóa thì không thể thực hiện được”.
Hiện có tình trạng điện cho sản xuất thì thừa, cho sinh hoạt lại thiếu
Ông Điệp cho biết, hiện tại, các nhà máy xi măng đều phải sản xuất cầm chừng. Đặc biệt, những nhà máy mới đưa vào sản xuất thì việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ gần như không thể. 1/3 nhà máy xi măng sản xuất ở dạng bình thường, có lãi một chút, lãi rất ít; 1/3 là hòa vốn; còn 1/3 nhà máy xi măng trong tình trạng lỗ, nặng nhất là các nhà máy xi măng đang đầu tư vào hoặc mới đầu tư xong. Trong tình hình đó, các nhà máy làm sao có thể sử dụng hết lượng điện đăng ký, vậy phạt sẽ như thế nào?
Trái với quan điểm của ông Điệp, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN lại cho rằng, quy định như Bộ Công thương đề xuất là hoàn toàn đúng. “Ở đâu thì cũng phải xây dựng định mức tiêu hao điện năng, doanh nghiệp cũng vậy. Doanh nghiệp sử dụng điện ít hơn mức đăng ký thì phải chịu phạt để đảm bảo cho ngành điện cung ứng đủ điện, phân bổ nguồn điện cho toàn xã hội, từ đó thu tiền điện hiệu quả để tái đầu tư phát triển” – ông Ngãi nói.
Doanh nghiệp phải tính
Tuy nhiên, ông Ngãi cũng lo ngại việc “cào bằng” tỷ lệ phần trăm sử dụng điện như đề xuất của dự thảo sửa đổi sẽ gây khó khăn trong việc xử phạt và chưa thật công bằng. Bởi thực tế, sản xuất xi măng sử dụng điện khác với sản xuất thép do công suất mỗi ngành khác nhau. Do vậy, thay vì quy định “thấp hơn 50%”, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu các mức phần trăm khác nhau, như 40%, 30%, 20%; tùy vào sản xuất của từng ngành cụ thể, không nên quy định chung chung.
Video đang HOT
Theo Bộ Công thương, thực tế đã xảy ra tình trạng điện cho sản xuất thì ế thừa, trong khi nhiều nơi người dân không có điện để sử dụng, rất bất hợp lý. Nhiều năm, ngành điện vẫn phải bù cho các khoản nợ khó đòi, nợ xấu của các đơn vị sử dụng điện do không có quy định chặt chẽ, trách nhiệm ràng buộc, từ đó càng thêm áp lực phải tăng giá điện.
Việc các doanh nghiệp “kêu” khó khăn, sản phẩm tồn kho nên không sử dụng hết công suất điện đã đăng ký, theo ông Ngãi là không thể được. Bởi, các doanh nghiệp phải tự tính toán, cần đối lượng điện trong hoàn cảnh của mình để đăng ký với ngành điện.
Dự thảo sẽ còn phải lấy ý kiến rộng rãi, tuy nhiên, Bộ Công thương khẳng định việc quy định như trên hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh sử dụng điện ở VN vô cùng lãng phí. Theo thống kê của bộ này, năm 2012, để tăng trưởng 1% GDP thì Việt Nam phải mất 2,5 tỷ suất sử dụng điện, nghĩa là nguồn năng lượng sử dụng gấp đôi tăng GDP.
Chưa kể, theo hợp đồng cung cấp điện, ngành điện không cung ứng đủ điện như đã đăng ký của các đơn vị thì sẽ bị phạt hoặc vi phạm cắt điện cũng bị phạt; do vậy bên sử dụng điện cũng phải bị ràng buộc để đảm bảo việc sử dụng điện đem lại hiệu quả.
Theo 24h
Lãi 6.000 tỉ, EVN vẫn đòi tăng giá
Trao đổi với PV bên lề hội nghị tổng kết năm 2012 của Tập đoàn điện lực VN (EVN) ngày 11/1, chủ tịch EVN Hoàng Quốc Vượng đã thừa nhận lãi gần 6.000 tỉ đồng. Thế nhưng EVN vẫn tiếp tục đòi tăng giá điện trong thời gian tới.
Tại hội nghị tổng kết, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cam kết sẽ đủ điện nhưng cũng thông báo trước có thể có căng thẳng về cung cầu điện ở miền Nam...
Lãi hơn dự kiến...
"Năm 2012, Thủ tướng đã phải kỷ luật một số đồng chí EVN, vì vậy đề nghị hội đồng thành viên phải tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không lại tái lỗi"
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải
Theo báo cáo tổng kết của EVN, năm 2012 tổng doanh thu bán điện của EVN năm qua lên tới trên 143.000 tỉ đồng (tức gần 7 tỉ USD - PV). Đáng lưu ý, tại buổi họp báo tăng giá điện ngày 21/12/2012, phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho hay dự kiến năm 2012, EVN sẽ lãi khoảng 3.500-4.000 tỉ đồng, nhưng tại báo cáo tổng kết EVN lại không đưa ra con số lãi. Nếu như các năm trước báo cáo tổng kết của EVN đều nêu mức lãi hoặc lỗ thì năm nay chỉ ghi: năm 2012 tập đoàn kinh doanh có lợi nhuận, đã trích bù để giảm lỗ các năm trước được 3.500 tỉ đồng.
Trao đổi với PV bên lề hội nghị, khi được hỏi có phải năm nay EVN có lợi nhuận khoảng 6.000-7.000 tỉ đồng, ông Hoàng Quốc Vượng, chủ tịch EVN, đã xác nhận mức lợi nhuận năm 2012 của tập đoàn này là gần 6.000 tỉ đồng. Ông Vượng cũng cho rằng con số lợi nhuận có thể công khai, không cần giấu. Một phó tổng giám đốc EVN khi được hỏi chỉ cho biết mức lợi nhuận trên chưa bù lỗ theo quy định... nên sau khi bù lỗ và làm các nghĩa vụ tài chính, có thể lợi nhuận của EVN sẽ thấp hơn rất nhiều.
Giải thích về "hiệu quả kinh tế cao" năm 2012, báo cáo EVN nêu năm qua tập đoàn này đã huy động được nhiều thủy điện hơn, vượt tới 5,5 tỉ kWh so với kế hoạch. Sản lượng phát điện bằng dầu cũng giảm tới 125 triệu kWh. Ngoài ra, năm 2012 EVN đã được tăng giá điện hai lần và mỗi lần EVN đều công nhận việc tăng giá giúp thu thêm được vài ngàn tỉ đồng...
Công nhân ngành điện lắp đặt điện kế cho một hộ nông dân ở ấp Giồng Giữa, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Về tổn thất điện năng mà người dân quan tâm mỗi lần tăng giá điện, báo cáo của EVN nêu mức tổn thất năm 2012 ở mức 9%, đã giảm 0,23% so với năm 2011. Phát biểu ở một hội nghị tại Bộ Công thương ngay sáng 11/1, ông Hoàng Quốc Vượng đã tự đặt câu hỏi mức tổn thất 9% là cao hay thấp và dẫn chứng mức tổn thất của một số nước như Indonesia 9,4%, Philippines trên 11%, Malaysia 10%, Nhật Bản 5,5% và Trung Quốc 8%... Từ đó, theo ông Vượng, mức tổn thất hiện nay của VN là "không đến mức, dù còn nhiều việc phải làm"...
Về hạn chế, EVN công nhận năm qua nhiều đơn vị truyền tải và phân phối không tuân thủ đúng quy trình và kỷ luật khiến đôi khi gây ra những sự cố nghiêm trọng. Sự cố thấm nước thủy điện Sông Tranh 2, EVN cũng cho rằng đã có yếu kém trong quản lý dự án, giám sát thi công và quản lý chất lượng công trình...
Tiềm ẩn khả năng tăng giá điện...
Giống như EVN năm qua đã có lãi, lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cũng thông báo năm 2012 lãi khoảng 100 tỉ đồng. Dù đã có lợi nhuận nhưng các lãnh đạo EVN đều cho rằng năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn.
EVN cảnh báo tình hình khô hạn ở miền Trung và khả năng thiếu khí có thể khiến EVN phải huy động 1,8-2,4 tỉ kWh điện chạy dầu để đảm bảo điện cho miền Nam. Trao đổi với phóng viên, một phó tổng giám đốc EVN cho biết nếu trường hợp này xảy ra, chưa biết năm 2013 EVN có lại lỗ to hay không nhưng chắc chắn tập đoàn này sẽ phải bù khoảng 10.000 tỉ đồng. Và theo quy định, chắc chắn những khoản lỗ do đổ dầu phát điện sẽ được phân bổ vào giá thành điện để tính toán việc điều chỉnh giá trong những lần tiếp theo...
Năm 2012, EVN đã tăng thu hàng ngàn tỉ đồng từ hai lần tăng giá điện - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/7/2012, do giá EVN đang mua của các nhà máy thấp nên khi chào giá trên thị trường, thực tế xu hướng giá lại tăng lên. Thực tế năm qua giá điện EVN phải trả tăng thêm do thị trường vận hành đã khoảng 300 tỉ đồng... Nếu thị trường mạnh hơn, các chi phí được đưa hết vào giá thành thì giá EVN phải mua có thể sẽ còn cao hơn.
Cũng trong báo cáo tổng kết, năm 2013 tập đoàn này sẽ cần khoảng 106.000 tỉ đồng (khoảng 5 tỉ USD) để đầu tư nguồn và lưới điện. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị "Chính phủ kiên trì thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường"...
"Đừng nghĩ giá điện rẻ"
Phát biểu chỉ đạo tại lễ tổng kết của EVN, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những cố gắng của EVN và cho rằng năm nay EVN lãi sẽ giúp hình ảnh tập đoàn cải thiện hơn trong mắt các nhà tài trợ vốn. Liên quan đến đề xuất giá điện theo thị trường, ông Hải có nhắc lại khoản lỗ tích lũy khoảng 40.000 tỉ đồng và sau đó ông cho biết liên bộ Công thương - Tài chính đang chỉ đạo giá điện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, ông Hải cũng thẳng thắn nêu mức tổn thất điện năng 9% dù EVN đã nỗ lực nhưng vẫn còn cao, cần giảm hơn vì "bình quân thế giới là 8,4%".
Về những tồn tại như quá tải, mất điện, chất lượng điện chưa cao, Phó thủ tướng yêu cầu EVN phải có chương trình, phân công cụ thể để khắc phục, tránh tình trạng lỗi "muôn thuở". Cho rằng vấn đề trên liên quan đến chất lượng quản lý, ông Hải cho rằng phải tiêu chí hóa từng việc. Như phàn nàn của khách hàng thì giải quyết trong bao lâu, thời gian sửa chữa hai giờ hay lâu hơn.
Theo ông Hoàng Trung Hải, giá điện ở VN giờ đã là 7,2 cent/kWh, thấp hơn quốc gia khác nhưng không phải rẻ nữa! Vì vậy, EVN phải đẩy dịch vụ đi theo tương ứng. "Khách hàng không cần giá rẻ, họ cần giá cạnh tranh, minh bạch và dịch vụ tương ứng" - ông Hải nhận định.
"Năm 2012, Thủ tướng đã phải kỷ luật một số đồng chí EVN, vì vậy đề nghị hội đồng thành viên phải tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không lại tái lỗi" - Phó thủ tướng nhắc và yêu cầu EVN tiếp tục giải thích rõ hơn cho người dân về động đất kích thích ở Sông Tranh 2. Dù trước mắt là hạn hán nhưng ông Hải nêu EVN cần quan tâm phương thức vận hành và tiết kiệm để năm 2013 có lãi...
Rút ngắn lộ trình điện theo thị trường
Theo lộ trình ngành điện đi theo thị trường của Bộ Công thương, từ ngày 1/7/2012, VN đã vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Đến năm 2015 sẽ bắt đầu thị trường bán buôn cạnh tranh. Đến sau năm 2022 mới có thị trường bán lẻ cạnh tranh. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết Bộ Công thương sáng 11/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu EVN phải đảm bảo đủ điện cho đất nước, đi liền là chất lượng điện, không phập phù. Điện lực phải giảm tổn thất mạnh hơn. Việc tiến tới thị trường điện, Thủ tướng nêu rõ cần "cố gắng rút nhanh hơn lộ trình đã công bố" và nhấn mạnh giá điện phải đảm bảo tính minh bạch...
Theo TNO
Tổng Giám đốc EVN bị Thủ tướng kỷ luật Vì có vi phạm trong việc để Công ty Viễn thông điện lực (EVN Telecom) kinh doanh thua lỗ gây hậu quả nghiêm trọng, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh đã bị Thủ tướng kỷ luật khiển trách trong khi nguyên Chủ tịch EVN Đào Văn Hưng bị cảnh cáo. Ngày 28/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký 2 quyết định...