Đề xuất ‘tù tại gia’: Nghiên cứu kỹ không tạo kẽ hở cho những kẻ phạm tội thoát án tù
Đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét về tỷ lệ dành cho đối tượng tù tại gia như thế nào bởi nếu không sẽ tạo kẽ hở cho những người phạm tội thoát án tù đồng thời dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực.
Chiều 12/11, trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lần đầu tiên đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM).
Bên hành lang Quốc hội ngày 14/11, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng đây là một đề xuất cũng đáng chú ý.
“Đặt trong hoàn cảnh như hiện nay các nhà giam của chúng ta luôn trong tình trạng quá tải. Đề xuất này cũng phù hợp với Hiến pháp 2013 đó là đề cao quyền con người để việc cải tạo giúp phạm nhân thực sự nhìn được lỗi lầm của mình, sau đó tái hòa nhập cộng đồng”, đại biểu Lan nói.
Tuy nhiên, bà Lan cho rằng để áp dụng được đề xuất này có lẽ chúng ta cần có lộ trình và cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, đặc biệt cần tham khảo tại một số quốc gia đã triển khai. Chúng ta cần xem xét về tỷ lệ dành cho đối tượng này như thế nào bởi nếu không sẽ tạo kẽ hở cho những người phạm tội thoát án tù đồng thời dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực.
“Nếu chúng ta không có quy định rõ ràng trường hợp nào áp dụng tù tại gia và trường hợp nào không. Tù tại gia có nhiều điểm tương tự với án treo, như vậy làm cách nào để không có nhầm lẫn giữa hai loại trên. Bởi đối với án treo hoặc tù trong trại giam thì trong Bộ luật Hình sự đã có mức phạt rõ ràng, cụ thể. Do đó, với loại hình tù tại gia này chúng ta cũng cần có những nghiên cứu hết sức thận trọng”, nữ đại biểu TP.HCM đề nghị.
Video đang HOT
Về việc phân biệt án treo và tù tại gia, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng bản thân bà cũng có những băn khoăn.
“Nhìn ở khía cạnh công nghệ từ các nước khi các tù nhân không ở trong trại giam sẽ được gắn con chip hoặc các phương tiện theo dõi, không được đi ra khỏi phạm vi cho phép (không khác án treo), tuy nhiên ở trường hợp này thì có áp dụng công nghệ đó là gắn con chip. Đây chính là điểm khác giữa 2 hình thức này”, đại biểu Lan nói.
Trước nhiều ý kiến lo ngại việc chạy án để giảm tình tiết phạm tội để hưởng loại hình tù tại gia, đại biểu Lan cho rằng điều này cũng cần lưu ý.
“Tốt nhất chúng ta cần giáo dục để không phạm tội, bởi khi đã phạm tội rồi nhiều người mới tỏ ra ăn năn hối lỗi.
Nếu như ở trong tù, cách ly xã hội là hình thức trừng phạt nặng hơn nhiều so với hình thức phạt tù tại gia, phạm nhân được ở trong nhà, gặp gỡ người thân với điều kiện sinh hoạt tốt hơn nhiều so với ở trong tù, nên sẽ dễ nảy sinh chuyện “có cung có cầu”. Do đó, cần có hình thức quản lý chặt sẽ.
Tuy nhiên, theo đà phát triển của xã hội, theo quyền con người và tiệm cận với xu hướng phát triển của thế giới thì đây là một đề xuất rất đáng chú ý, cũng có thể khả thi.
Tôi cho rằng, mục tiêu cao nhất chúng ta cần giáo dục để không phạm tội. Và đối với những phạm nhân phạm tội phải ở tù, cũng mong rằng tại các trại giam cũng cần đáp ứng được những yêu cầu tối thiếu. Hiện nay, tôi rất băn khoăn về chất lượng y tế tại các trại giam”, nữ đại biểu TP.HCM bày tỏ.
MINH ĐỨC
Theo VTC
Đại biểu Quốc hội đề xuất nghiên cứu 'tù tại gia' giảm bớt áp lực quá tải trại giam
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam.
Chiều nay (12/11), trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lần đầu tiên đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Đồng tình với đề xuất này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ở một số nước có áp dụng gắn chip theo dõi để quản lý tại gia, và đây là giải pháp để một số lượng lớn người cố gắng cải tạo tốt có thể được ở ngoài.
Đại biểu Hồ Đức Phớc.
Liên quan đến đề xuất dạy nghề và lao động của phạm nhân ngoài trại giam, bà Nga cho rằng việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động sẽ rất phức tạp và thực tế đã có trường hợp bỏ trốn, gây hình ảnh phản cảm, tác động đến người dân.
Chung quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Hùng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Nguyên, cũng đề nghị xem xét kỹ lưỡng.
"Đã là phạm nhân thì phải có sự khác biệt. Tội phạm được đưa vào trại là để cải tạo, có cách ly để thi hành án. Lao động của phạm nhân là trong trại giam, tại các điểm sản xuất... để tránh trốn trại, bảo đảm an toàn. Tôi không đồng tình cho phạm nhân ra lao động ở ngoài", đại biểu Hùng quả quyết.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) thì đặt vấn đề liên quan đến tính khả thi khi quy định các quyền hiến xác, hiến nhận tinh trùng, mô, phôi... dành cho phạm nhân trong Luật Thi hành án hình sự.
"Ở hoàn cảnh hiện nay, chúng ta có làm được việc đó hay không hay tạo ra nhiều hệ luỵ khác. Nếu phạm nhân muốn thực hiện các quyền này thì đưa ra khỏi trại giam thế nào, chăm sóc sức khoẻ cho họ sau khi hiến ra sao.
Khi người ta hiến mô, bộ phận cơ thể, tức là hi sinh cho cộng đồng, theo quy định, sẽ được hưởng quyền phục hồi sức khoẻ miễn phí, cấp thẻ bảo hiểm...Liệu chúng ta có áp dụng được không?
Rồi việc trữ tinh trùng, trứng cũng có thể tạo ra việc bất bình đẳng ngay trong môi trường nhà tù vì đâu phải tù nhân nào cũng có điều kiện tài chính làm việc đó."
Luật Thi hành án hình sự được đánh giá là một bộ luật khó, nhiều điều luật. Các đại biểu Quốc hội có hai phiên thảo luận dự án luật này (tại tổ và tại hội trường). Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội xem xét, thảo luận dự án luật tại 3 kỳ họp để đảm bảo chất lượng.
NHẠC DƯƠNG
Theo VTC
Cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu Thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, đại biểu đề nghị, cần quy định rõ trách nhiệm từ khâu đầu tiên lựa chọn dự án, đến thẩm định, triển khai thực hiện và kết quả. Ở mỗi khâu đều phải rõ trách nhiệm của người đứng đầu, có như vậy mới đảm bảo...