Đề xuất thành lập lực lượng kiểm ngư ở 28 tỉnh, thành
Cùng với tổ chức kiểm ngư ở trung ương, Ban soạn thảo Luật thuỷ sản (sửa đổi) đề xuất thành lập lực lượng này tại 28 tỉnh, thành ven biển.
Sáng 21/3, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật thuỷ sản (sửa đổi).
Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam với chiều dài hơn 3.200 km bờ biển, phạm vi ngư trường hàng triệu km2, tiềm năng nghề cá rất lớn. Cùng với tổ chức kiểm ngư ở trung ương, Ban soạn thảo Luật đề xuất thành lập lực lượng này tại 28 tỉnh, thành ven biển.
“Đây là việc rất cần thiết để tăng cường giám sát, bảo vệ vùng biển”, Bộ trưởng Cường nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, đã có Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng kiểm ngư, hơn nữa Bộ Nông nghiệp chưa tổng kết, đánh giá về lực lượng này nên việc thành lập kiểm ngư cấp tỉnh là chưa hợp lý. “Theo tôi vẫn duy trì kiểm ngư ở cấp trung ương, sau này nâng nghị định lên pháp lệnh thì lực lượng này sẽ được mở rộng theo”, ông Tỵ nói.
Về việc thành lập quỹ bảo vệ và phát triển thuỷ sản, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét sự cần thiết, nhất là xu hướng gần đây các luật đều dành ra một phần nội dung cho việc thành lập quỹ.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Cường nói quỹ này sẽ được thành lập ở các tỉnh và mở rộng bằng nguồn xã hội hóa.
“Ô nhiễm môi trường là một nguy cơ hiện hữu, nếu không có quỹ cấp tỉnh sẽ không xử lý được tức thời. Chẳng hạn ở 4 tỉnh miền Trung gặp sự cố môi trường biển, để phục hồi, tái tạo cần một số tiền khổng lồ, nếu không có quỹ sẽ không xử lý được”, ông Cường nói.
Video đang HOT
Bộ Nông nghiệp đề xuất thành lập lực lượng kiểm ngư ở 28 tỉnh, thành. Ảnh: Sơn Thủy
Theo Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, việc khai thác thuỷ sản hiện đang trong tình trạng báo động. Bản thân ông với hơn 30 năm đi tất cả các vùng biển của đất nước, nhận thấy nguồn thuỷ sản của Việt Nam đang bị tận diệt bằng đủ các hình thức đánh bắt như kích điện, dùng thuốc nổ, hóa chất…
“Trước kia chúng tôi đi biển, một ngày câu được rất nhiều cá, nhưng bây giờ tất cả các vùng ven biển từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc cá đã không còn. Vì vậy ngư dân ta phải đi đánh bắt ở vùng biển xa, nhiều tàu ngư dân đi vào vùng biển của nước khác đã bị bắt”, Tướng Minh nói.
Trước thực trạng trên, ông Minh đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể khu vực được đánh bắt, những nơi cần hạn chế và nghiêm cấm để bảo tồn, nhất là ven bờ. .
Ngoài ra, ông Minh cũng cho biết gần một tháng qua có đến hơn 90 tàu cá bị tai nạn, gồm có chìm tàu, bị phá nước, mất tài sản, đâm nhau, tai nạn lao động… “Các vụ tai nạn đều được ứng cứu, nhưng gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng. Vì vậy, cần thắt chặt kiểm định chất lượng hoạt động của các tàu cá”, Tướng Minh nêu ý kiến.
Hoàng Thuỳ
Theo VNE
Thường vụ Quốc hội bàn về nợ công: "Có người trả nợ, sẽ dễ làm ẩu"
"Nợ công tăng nhanh là thực tế khách quan. Chúng ta khả năng thì có hạn, nhu cầu chi tiêu lớn, nhưng quyết chi tiêu theo nhu cầu trong khi tăng trưởng kinh tế thì thấp" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói như vậy khi giải trình về vấn đề nợ công tăng cao.
"Nợ công tăng nhanh là đúng rồi!"
Ngày 20.3, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), nhiều thành viên đã đặt câu hỏi nợ công tăng nhanh là do luật hạn chế hay do tổ chức thực hiện, thông lệ quốc tế về vấn đề này thế nào?
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Nợ công tăng nhanh trước hết là do chúng ta. Giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế của chúng ta đặt ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là 7,5%. Sau đó tình hình suy giảm kinh tế thế giới, chúng ta mới điều chỉnh lại mức tăng trưởng từ 6,5 đến 7%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định nợ công của Việt Nam tăng nhanh trước hết do điều hành. Ảnh: T.L
"Nhưng thực tế cả nhiệm kỳ chúng ta chỉ thực hiện đạt được 5,9%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế là như vậy, trong khi đảm bảo các yêu cầu khác như an sinh xã hội, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ theo Nghị quyết của T.Ư và Quốc hội, do đó trong thời gian dài bội chi của ta rất cao" - Bộ trưởng Dũng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, việc giải ngân vốn ODA cũng tăng nhanh, và bội chi lên đến 5,6 -5,7%, là quá cao. "Theo Luật Ngân sách cũ, ngoài khoản bội chi này, chúng ta còn phát hành thêm trái phiếu chính phủ 330.000 tỷ đồng, cho nên tổng vay của cả giai đoạn là 1,4 triệu tỷ đồng. Như vậy nợ công tăng nhanh là đúng rồi" - Bộ trưởng Dũng nói.
Người đứng đầu ngành tài chính cho biết thêm, trong điều hành, rõ ràng sự phối hợp giữa các cấp, đặc biệt là các ngành chưa ăn ý. "Chúng tôi trình phương án điều hành thống nhất tập trung, đã được Thủ tướng ủng hộ. Nhưng khi ra Chính phủ bỏ phiếu thì không thông qua nên phải theo cơ chế điều hành tập thể" - Bộ trưởng Dũng cho biết.
Lo ngại đưa nợ doanh nghiệp vào nợ công
"Nếu mở rộng đối tượng thì tạo suy nghĩ có Chính phủ lo cho rồi thì làm bừa, làm ẩu, không khéo làm loạn nền kinh tế." Ông Võ Trọng Việt
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đào Quang Thu nói thêm: Vừa qua nợ công tăng nhanh chủ yếu do điều hành và sử dụng nợ công. Sử dụng nợ công liên quan đến đầu tư kém hiệu quả. "Để giải quyết vấn đề không phải ở luật này mà chủ yếu ở Luật Đầu tư công và một phần ở Luật Xây dựng. Đầu tư của chúng ta vượt quá khả năng của nền kinh tế" - Thứ trưởng Thu cho hay.
Một trong những vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý là quy định về phạm vi điều chỉnh mà dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Dự thảo luật quy định về phạm vi nợ công theo hướng giữ nguyên quy định của luật hiện hành. Theo đó, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đặt vấn đề: Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có phải khu vực công không? Nếu xếp Ngân hàng Nhà nước, DNNN vào khu vực công thì nợ của những tổ chức đó dù có bảo lãnh hay không Nhà nước cũng phải có trách nhiệm. "Khi những anh này bị phá sản thì tài sản của Nhà nước bị mất. Vì trách nhiệm và uy tín của Nhà nước thì Nhà nước cũng phải ra bảo lãnh và trả nợ. Ví dụ trường hợp Vinashin, Vinalines, nếu họ phá sản, khoản nợ để lại Chính phủ phải trả" - ông Bình bày tỏ.
Trong khi đó, Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng: Nếu mở rộng thêm đối tượng như nợ của DNNN vào nợ công thì rất nguy hiểm. "Nếu mở rộng đối tượng thì tạo suy nghĩ có Chính phủ lo cho rồi thì làm bừa, làm ẩu, không khéo làm loạn nền kinh tế. Cái gì cũng có hai mặt, nhưng theo tôi, khoanh rõ phạm vi với 3 đối tượng như dự thảo là phù hợp" - Tướng Việt nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm, cần tính đến xử lý hậu quả khi không đưa nợ của DNNN vào nợ công, vì đây là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nên các khoản nợ này về bản chất Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm.
Theo Danviet
'Không để tình trạng thật thà ăn cháo, bố láo ăn cơm' Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh Nông nghiệp nông thôn (Bộ Công an), cho rằng phải mạnh tay với làm ăn gian dối trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Câu chuyện xử lý người đứng đầu được nhiều đại biểu dành thời gian trao đổi tại hội nghị trực tuyến triển khai năm cáo điểm hành động vệ...