Đề xuất tăng phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương
Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức phí dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương từ 1.000 đồng/km lên 1.500 đồng/km; sử dụng phần doanh thu tăng này để xây dựng 2 nút giao Tân Tạo và Chợ Đệm.
Theo văn bản kiến nghị, thời gian bắt đầu thu phí từ ngày 1/6/2015 đến 31/12/2018. Nhóm xe dưới 12 chỗ ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng sẽ đóng 60.000 đồng để đi hết tuyến thay vì 40.000 đồng như hiện nay. Nếu được chấp thuận, tổng doanh thu tăng thêm khoảng 620 tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư cho hai nút giao Tân Tạo – Chợ Đệm khoảng 945 tỷ đồng. Để đủ vốn đầu tư, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 325 tỷ đồng từ nguồn bán quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương để đầu tư cho dự án.
Doanh thu tăng thêm từ việc tăng mức phí sẽ được sử dụng để đầu tư xây dựng 2 nút giao thuộc cao tốc TPHCM – Trung Lương
Nút giao thông giữa tuyến nối Tân Tạo – Chợ Đệm với tỉnh lộ 10B và đường Trần Đại Nghĩa hiện hữu của TPHCM là các hạng mục bổ sung vào dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương đã được Thủ tướng Chính Phủ chấp thuận chủ trương năm 2009 và Bộ GTVT phê duyệt năm 2010.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó nguồn vốn ứng trước từ Ngân sách nhà nước của dự án đang tập trung hoàn thành tuyến đường chính nên không đủ nguồn vốn bố trí cho hạng mục này nên việc triển khai xây dựng 2 nút giao thông trên tạm dừng, chưa thể triển khai được.
Theo báo cáo của đơn vị quản lý cao tốc TPHCM – Trung Lương, đoạn tuyến nối Tân Tạo – Chợ Đệm có mật độ giao thông lớn, tốc độ tăng trưởng phương tiện nhanh, lưu lượng xe ra vào Khu công nghiệp Tân Tạo, Lê Minh Xuân, An Hạ,… nhiều gây nguy cơ ùn tắc giao thông giờ cao điểm tại nút giao tỉnh lộ 10B và đường Trần Đại Nghĩa. Để giải quyết tình trạng trên thì việc xây dựng 2 nút giao thông khác mức là rất cần thiết.
Đường cao tốc TPHCM – Trung Lương chính thức thu phí từ ngày 25/2/2012. Lúc đó, mức phí khá cao, đối với xe container 40 feet là 8.000 đồng/km. Nhiều phương tiện chuyển hướng sang di chuyển sang quốc lộ 1A, khiến lượng xe trên quốc lộ tăng cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông và số vụ tai nạn giao thông tăng cao.
Video đang HOT
Trước tình hình trên, UBND TPHCM và Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM đã kiến nghị giảm mức phí để các phương tiện di chuyển sang đường cao tốc.
Ngay sau đó, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét giảm từ 25 – 30% phí cho xe tải trên 18 tấn qua cao tốc TPHCM – Trung Lương. Đến tháng 7/2012, Chính phủ đã đồng ý phương án giảm phí của Bộ Tài chính.
Hiện nay, phí thu qua cao tốc này có mức từ 1.000 đồng đến 6.000 đồng/km tùy từng loại xe. Mức phí 1.000 đồng áp dụng cho xe dưới 12 chỗ ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng.
Đường cao tốc TPHCM – Trung Lương được thiết kế với tốc độ 120 km/h, gồm 6 làn xe với tổng chi phí khoảng 10.000 tỷ đồng. Ngày 3/2/2010, tuyến cao tốc này được đưa vào khai thác, với vận tốc 120km/h, sau đó được điều chỉnh xuống 100km/m.
Mới đây, Cục Quản lý đường bộ 4 – đơn vị quản lý và duy tu đường cao tốc TPHCM – Trung Lương đã giao Trung tâm kỹ thuật đường bộ, thuộc Tổng cục Đường bộ, tư vấn thẩm tra an toàn giao thông để nâng tốc độ cho xe lưu thông từ 100 km/h lên 120 km/h.
Quốc Anh
Theo Dantri
Bộ trưởng Thăng lại "trảm tướng"
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng quyết định thay giám đốc điều hành và Ban Quản lý dự án 2 do Quốc lộ 1 thi công ì ạch
Sáng 24/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị chức năng về việc xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án mở rộng Quốc lộ (QL) 1 đoạn qua tỉnh Bình Định, Phú Yên.
Thi công chậm chạp, nắm việc lơ mơ
Trước đó, ngay mùng 3 Tết (21-2), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế, nhận định việc thi công ở các dự án này rất chậm chạp. Bộ trưởng chỉ rõ hàng loạt nguyên nhân: Ban Quản lý dự án (QLDA) 2 - đơn vị quản lý các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Bình Định và Phú Yên, nắm việc lơ mơ; nhà đầu tư yếu cả năng lực và tài chính; nhà thầu thi công kém cỏi. Do vậy, ngay tại cuộc họp sáng 24-2, bộ trưởng quyết định thay giám đốc điều hành dự án và thay thế Ban QLDA 2 bằng Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh rà soát lại năng lực các nhà đầu tư, nếu nhà đầu tư nào không đáp ứng thì loại ngay; đồng thời phối hợp với Ban QLDA 2 kiểm tra lại các thủ tục, công việc thi công tại công trường.
Công trường thi công các gói thầu nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định trong những ngày Tết vừa qua hầu như không động tĩnh gì Ảnh: Anh Tú
"Cần tăng cường lực lượng cho tất cả gói thầu. Đưa ngay Cienco 4 và các nhà thầu thi công đã hoàn thành trên QL1 đoạn Thanh Hóa - Vũng Áng và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên vào Bình Định và Phú Yên thi công các đoạn do Ban QLDA 2 đang quản lý" - ông nhấn mạnh.
QL1 đoạn qua tỉnh Bình Định dài gần 120 km. Trong đó, dự án phải mở rộng là 83 km, còn lại là nâng cấp mặt đường. Trên tuyến này, ngoài dự án nâng cấp, mở rộng QL1 bằng hình thức trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 41%, vượt 1% so với kế hoạch, 2 dự án BOT Bắc và Nam Bình Định chỉ đạt 20%, chậm 3% so với phương án điều chỉnh.
Để bù tiến độ chậm trễ, các nhà thầu cam kết thi công xuyên Tết. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, ngoại trừ mùng 3 Tết, hôm Bộ trưởng Bộ Đinh La Thăng đi kiểm tra thực tế, toàn tuyến qua Bình Định hầu như không có động tĩnh gì. Ở gói thầu số 7 (tư Km 1153 đên Km 1161 500, thuộc địa bàn huyện Phù Mỹ) do Tông Công ty Thanh An thưc hiên, trên cả đoạn 10 km đã giao mặt bằng chỉ lèo tèo 3 máy đào cũ kỹ, không một bóng công nhân. Tại nhiều vị trí thuộc gói thầu số 4 (dự án BOT Bắc Bình Định) thuộc địa bàn huyện Hoài Nhơn, nhà thầu cũng chưa hề đưa máy móc vào thi công.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, địa phương đã hoàn thành 98% khâu giải phóng mặt bằng nhưng việc thi công vẫn rất chậm. "Để bảo đảm tiến độ, Bộ GTVT cũng cần thay ngay những nhà thầu năng lực yếu" - ông Dũng đề nghị.
Sân bay Long Thành: Làm trước 1 đường hạ cánh
Cũng trong sáng 24-2, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), đề xuất giai đoạn 1 của dự án Cảng HKQT Long Thành chỉ làm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga với công suất 25 triệu hành khách/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 6,598 tỉ USD (trước đây 7,8 tỉ USD).
Ông Đinh Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam, cho biết theo phương án 1, đường cất hạ cánh có thể bảo đảm 254.000 lần cất hạ cánh/năm. Nếu tính bình quân 150 hành khách/chuyến, công suất tối đa sẽ đạt 38 triệu lượt hành khách/năm.
Giải thích việc chỉ làm 1 đường cất hạ cánh, ông Thắng cho rằng một số sân bay lớn như sân bay quốc tế Kansai của Nhật Bản trong giai đoạn đầu cũng chỉ có 1 đường cất hạ cánh, sau 5 năm mới triển khai giai đoạn 2. Theo ông, với 1 đường cất hạ cánh của sân bay Long Thành, trong trường hợp gặp sự cố thì sử dụng phương án dự phòng là giải tỏa hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất, mất khoảng 1-2 giờ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị các cơ quan liên quan làm lại tờ trình gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ tính khả thi, hiệu quả của phương án làm 1 đường cất hạ cánh; rà soát lại tổng mức đầu tư của dự án và tất cả hạng mục ở giai đoạn 1; kêu gọi tối đa xã hội hóa đầu tư.
Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định Cảng HKQT Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, đã được công bố quy hoạch từ năm 2005 và đã một lần bộ trình Quốc hội cho ý kiến. Thời gian qua, Bộ GTVT cũng đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia trong và ngoài nước, đồng thời giải trình làm rõ để xây dựng được một dự án có căn cứ, có hiệu quả.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vụ Kế hoạch - Đầu tư và ACV phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát hoàn chỉnh báo cáo dự án Cảng HKQT Long Thành trình Chính phủ ngay trong ngày 24-2. Dự kiến tại phiên họp thứ 35 diễn ra từ ngày 25 đến 27-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án này.
Theo Văn Duẩn - Tô Hà - Anh Tú
Người Lao động
Bộ Tư pháp "tuýt còi" thông tư do Bộ Xây dựng ban hành Thông tư do Bộ Xây dựng ban hành có quy định mở rộng hơn việc xử lý vi phạm hành chính so với quy định của Chính phủ, gây nhầm lẫn giữa quy định về "vi phạm hành chính nhiều lần" và "tái phạm", ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm...