Đề xuất tăng hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM
Việc tăng hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM để giảm thời gian và chi phí rút tiền cho khách hàng…
Ngân hàng Nhà nước VN vừa đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động ATM.
Dự thảo quy định các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 5 triệu đồng đối với giao dịch nội mạng, quy định hiện nay là 2 triệu đồng.
Việc tăng hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM để giảm thời gian và chi phí rút tiền cho khách hàng. Ngoài ra, tại nơi đặt ATM phải có số điện thoại và địa chỉ liên hệ của đơn vị quản lý vận hành ATM để khách hàng liên hệ khi gặp sự cố trong giao dịch.
Một trong những sửa đổi đáng chú ý nữa là quy định về thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM.
Theo đó Dự thảo Thông tư vẫn giữ nguyên quy định “Thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM là 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần” như hiện hành. Song bổ sung thêm quy định “Đối với máy ATM lắp đặt tại những địa điểm khách hàng chỉ có thể tiếp cận ATM trong những thời gian nhất định thì thời gian phục vụ của ATM tùy thuộc vào địa điểm lắp đặt ATM”.
Video đang HOT
Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 5 triệu đồng đối với giao dịch nội mạng. (Ảnh minh họa).
Tại sao phải giới hạn số tiền rút?
Thông tin trên Trí thức trẻ, hiện nay, tùy thuộc vào chính sách của các ngân hàng mà họ giới hạn số tiền rút tối đa cho một lần giao dịch trên máy ATM. Có nhiều ngân hàng quy định cụ thể số tiền tối đa/tối thiểu cho mỗi lần giao dịch bằng thẻ ATM và số tiền tối đa/tối thiểu cho một ngày giao dịch bằng thẻ ATM. Thậm chí, có ngân hàng còn quy định số tờ tiền tối đa cho mỗi lần rút không phân biệt các mệnh giá.
Mục đích của việc quy định hạn mức sử dụng thẻ ATM còn là do các ngân hàng cố gắng hạn chế số lượng tiền rút ra của khách hàng. Ngân hàng mong muốn khách hàng để tiền trong tài khoản càng lâu và càng nhiều thì càng tốt. Đây là cách mà các ngân hàng muốn duy trì thanh khoản, đảm bảo ổn định nguồn tiền trong lưu thông.
Ngoài lý do tăng sự an toàn cho hệ thống ATM, tránh việc mất cắp như một số ngân hàng cho biết, thì việc quy định hạn mức thẻ ATM cũng là cách để ngân hàng thu thêm mức phí giao dịch của khách hàng.
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã thu phí giao dịch ATM nội mạng. Các giao dịch ngoại mạng (liên ngân hàng) cũng đều mất phí giao dịch. Nếu khách hàng càng giao dịch nhiều lần, tức là thực hiện nhiều thao tác rút tiền thì mức phí phải trả cho ngân hàng càng lớn. Một số ngân hàng đang thu mức phí giao dịch nội mạng là 1.100 đồng/giao dịch và ngoại mạng là 3.300 đồng/giao dịch.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Những điều không nên bỏ qua khi rút tiền ATM dịp Tết
Tình trạng rút tiền qua ATM bị quá tải dịp Tết khiến người tiêu dùng lo ngay ngáy. Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam từng tiết lộ "kỹ năng" rút tiền qua ATM dịp Tết.
Lựa chọn thời gian giao dịch thuận lợi
Theo Hội thẻ Ngân hàng, khi thực hiện các giao dịch, đặc biệt là rút tiền qua ATM, khách hàng nên tránh các giờ cao điểm như từ 17-19h hàng ngày. Kinh nghiệm từ những năm trước đây cho thấy, trong các ngày 26-28/12 âm lịch là thời gian "cao điểm" tại các ATM, nên chủ thẻ cần dự trù trước, tránh thực hiện giao dịch trên ATM vào thời điểm này.
Thao tác hiệu quả trên ATM
Khi rút tiền tại các ATM đông người xếp hàng, chủ thẻ cần lưu ý nhập chính xác thông tin để thực hiện được ngay, tránh nhập lại nhiều lần. Khi vượt quá số lần nhập sai nhất định, thẻ có thể sẽ bị tạm khóa và không thực hiện được giao dịch. Khi giao dịch được thực hiện thành công, khách hàng phải nhận tiền ngay khi ATM trả tiền, tránh việc tiền bị nuốt trở lại vào trong máy.
Chủ thẻ cũng cần theo dõi thông tin trên ATM để thực hiện những bước kế tiếp, tránh trường hợp một số khách hàng nghĩ rằng sau khi máy nhả thẻ ra là giao dịch không được thực hiện mặc dù trên thực tế là giao dịch đang thực hiện, nhưng khách hàng có thể không đợi để lấy tiền và bỏ đi. Sau đó, ATM mới trả tiền ra và số tiền này sẽ bị lấy đi khi người tới sau sử dụng ATM. Vì vậy, khách hàng lưu ý nên chờ trong thời gian tối thiểu là 60 giây.
Nếu gặp trường hợp ATM chưa trả tiền mà màn hình trở lại chế độ bình thường, chủ thẻ cần liên lạc với ngân hàng phát hành thẻ theo số điện thoại hỗ trợ in tại mặt sau của thẻ hoặc theo số điện thoại hỗ trợ thông báo trên ATM. Khi ATM thông báo giao dịch không thành công, chủ thẻ cũng nên kiểm tra lại số dư tiền trong thẻ. Ngoài ra, nếu máy ATM trả tiền rách, tiền không đảm bảo, khách hàng cần phải giữ lại hóa đơn giao dịch để được đổi lại tại các điểm giao dịch gần nhất của ngân hàng quản lý ATM.
Hiệp hội Ngân hàng cũng khuyến cáo người tiêu dùng về vấn nạn tội phạm hoạt động mạnh dịp cuối năm. Do đó, chủ thẻ cần lưu ý để tránh nguy cơ bị lộ thông tin thẻ và dẫn tới việc mất tiền trong tài khoản. Khi sử dụng tại các ATM chưa được trang bị phần che bàn bàn phím, chủ thẻ nên dùng tay để che khi nhập PIN đề phòng kẻ xấu gắn camera quay trộm. Trường hợp ATM có các dấu hiệu không bình thường (như có các thiết bị gắn thêm ...), thì không nên thực hiện giao dịch và thông báo tới ngân hàng để xử lý.
Theo NTD
Có tái diễn tình trạng lương, thưởng "kẹt" trong máy ATM? Cùng với niềm vui lĩnh lương thưởng dịp cuối năm là nỗi lo không biết có rút nổi tiền ra khỏi máy ATM để kịp tiêu Tết. Có thể vẫn quá tải Chiều 13/1, theo phản ánh của anh Thanh Tường (Hà Đông, Hà Nội) anh đến rút tiền tại 3 máy ATM của ngân hàng Techcombank trên đường Bà Triệu (Hà Đông)...