Đề xuất rà soát đơn kêu oan của tử tù, người bị kết án nặng
Năng lực thẩm phán hạn chế, số lượng bản án bị kháng nghị phúc thẩm tăng, tiến độ thi hành án tử hình chậm, cơ sở giam giữ xuống cấp… là thực trạng được Ủy ban Tư pháp nêu sáng nay trước Quốc hội.
Sáng 25/10, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày nội dung thẩm tra các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và công tác thi hành án trước Quốc hội.
Năm 2014 chất lượng công tác xét xử các vụ án hình sự được đánh giá đã “nâng lên” và “đạt yêu cầu”. Số vụ án và bị cáo được toà án nhân dân các cấp thụ lý xét xử tăng, hạn chế được việc trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; xét xử nhiều vụ án lớn về trật tự xã hội, ma tuý, kinh tế… Không có trường hợp nào toà án kết án oan người không có tội.
Tuy nhiên, báo cáo cho thấy tỷ lệ các bản án sơ thẩm bị kháng nghị, kháng cáo và được toà án cấp phúc thẩm chấp nhận lại tăng so với năm trước. Tỷ lệ bản án bị huỷ, sửa… do nhận định và quyết định chưa đúng tính chất mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội vẫn còn cao. “Có bị cáo đáng được hưởng án treo nhưng bị xử phạt tù, ngược lại, có trường hợp đáng bị xử phạt tù lại được án treo”, báo cáo nêu.
Ủy ban Tư pháp nhận thấy việc tranh tụng tại toà còn hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hành chính mới. Năm 2014 tỷ lệ quyết định các vụ án dân sự bị sửa, huỷ do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 4.600 bản án quyết định dân sự vi phạm. Số lượng các bản án quyết định bị kháng nghị phúc thẩm tăng… Nhiều vụ án dân sự tranh chấp đất đai nhà ở, thừa kế xét xử nhiều lần gây bức xúc. Đường lối xét xử án dân sự không thống nhất, mỗi cấp một cách.
“Có vụ án xét xử 13 lần qua sơ thẩm, phúc thẩm, 3 lần giám đốc thẩm, trong đó 2 lần do hội đồng thẩm phán toà án tối cao xét xử giám đốc thẩm. Đã qua 19 năm, từ 1995 nay lại trở về sơ thẩm, không biết khi nào kết thúc. Việc xét xử như vậy gây mất lòng tin của nhân dân”, ông Hiện nói.
Trong tổng thể, các vụ án hành chính không nhiều, chỉ 1,76% nhưng tỷ lệ các bản án quyết định sơ thẩm bị kháng cáo kháng nghị trên 40%, tỷ lệ sửa, huỷ cũng rất cao, gấp nhiều lần các án khác. Nguyên nhân chính là do thẩm phán né tránh trách nhiệm, ngại va chạm với các cơ quan hành chính.
Video đang HOT
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện. Ảnh: TTXVN.
Báo cáo cho thấy số người bị kết án phạt tù còn ở ngoài xã hội lớn với hơn 3.000 người. Hơn 1.400 người đã trốn thi hành án nhiều năm đến nay vẫn chưa truy bắt được. Tình trạng phạm nhân sử dụng ma tuý, đánh bạc, dùng điện thoại xảy ra ở nhiều nơi tạm giam. Nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện đã lập hồ sơ xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù nên không được toà án chấp nhận. Đặc biệt, số người bị kết án tử hình chưa được thi hành án còn nhiều, nhưng tiến độ thi hành án còn rất chậm. Đây được cho là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu lực răn đe, phòng ngừa tội phạm, gây sức ép cho công tác quản lý giam giữ.
Theo phản ánh của các địa phương, cách thức tổ chức thi hành án tử hành bằng cách tiêm thuốc độc rất tốn kém. Việc tổ chức nhà tử hình chưa hợp lý nên các địa phương gặp nhiều khó khăn, phải tổ chức áp giải bị án đến nơi thi hành án và mang xác tử tù về các địa phương.
Theo ông Hiện, cán bộ toà án đã được tăng cường, bồi dưỡng, nhưng năng lực trình độ của một bộ phận cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán… còn rất hạn chế. Một bộ phận vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật đã bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc phân bổ kiểm sát viên, thẩm phán còn bình quân, chưa phù hợp với nhu cầu công việc cần giải quyết, dẫn đến nơi ít việc thì thừa người, nơi nhiều việc thì thiếu cán bộ.
Uỷ ban tư pháp kiến nghị cần tập trung đầu tư cơ sở ở nơi giam giữ đã xuống cấp nghiêm trọng, đẩy nhanh tiến độ thi hành án. Ủy ban đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát, TAND tối cao xử lý có hiệu quả các vụ án, khắc phục bỏ lọt tội phạm, tránh lạm dụng hình thức tạm giam với những trường hợp không thực sự cần thiết, không để xảy ra dùng nhục hình, không làm oan người vô tội, khắc phục triệt để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự, quyết định cho hưởng án treo với tội phạm tham nhũng…
“Cần đẩy nhanh rà soát những đơn thư kêu oan, nhất là các trường hợp có mức phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình… Cần thường xuyên thanh tra kiểm tra nội bộ, phát hiện kịp thời, xử lý cán bộ công chức, đặc biệt với những người có chức danh tư pháp vi phạm kỷ luật và pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp nói.
Hoàng Thuỳ
Theo VNE
Vụ bị cáo kêu oan: Viện kiểm sát ký quyết định cho bị cáo tại ngoại
Sau khi TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên hủy bản án sơ thẩm vụ án "Cố ý gây thương tích" tại phiên xử phúc thẩm ngày 16/10 vừa qua vì cho rằng có nhiều sai sót, vi phạm tố tụng..., ngày 24/10, bị cáo được đại diện VKS huyện ký quyết định cho tại ngoại.
Theo đó, ông Nguyễn Đình Thế, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã ký quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo Trần Văn Thống (SN 1964, ngụ tại thôn Yên Châu, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa).
Căn cứ vào các quyết định này, bị cáo Trần Văn Thống sẽ được tại ngoại trong lúc chờ các cơ quan chức năng điều tra lại vụ án theo thủ tục.
Trước đó, ngày 23/4/2014, Trần Văn Thống bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Tĩnh Gia tống đạt quyết định bắt tạm giam và ngày 5/5/2014 bị bắt tạm giam từ đó đến nay.
Bị cáo Thống được người thân đón ra khỏi trại giam
Như Dân trí đã thông tin, ngày 16/10, TAND tỉnh Thanh Hóa đã xét xử phúc thẩm vụ án "Cố ý gây thương tích" đối với bị cáo Trần Văn Thống. Tại phiên tòa, bị cáo Thống một mực kêu oan, khẳng định bản thân không đánh bị hại là bà Nguyễn Thị Thanh.
Trong quá trình xét xử tại phiên tòa, đại diện VKS cũng đã đưa ra nhiều dẫn chứng nghi vấn xung quanh những kết luận trong giám định pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời, quan điểm của đại diện VKS tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các điều tra viên Công an huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã vi phạm luật tố tụng hình sự, vì trong khi ra quyết định bắt tạm giam Trần Văn Thống, các điều tra viên không triệu tập nhân chứng, bị cáo lấy lời khai để làm chứng cứ, nhưng lại lấy những lời khai trước đó. Cùng với đó, luật sư phía bị hại cũng chỉ ra nhiều bất thường trong quá trình điều tra vụ án.
Văn bản cấm đi khỏi địa phương đối với bị cáo Thống do Viện trưởng VKSND huyện Tĩnh gia ký quyết định
Căn cứ vào những điều trên, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Trần Văn Thống về tội "Cố ý gây thương tích" và giao hồ sơ vụ án cho Viện KSND huyện Tĩnh Gia để điều tra lại theo thủ tục chung.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Người cha tìm mọi cách kêu oan cho kẻ giết con trai Ba lần bảy lượt, ông Xuân viết đơn kêu oan cho thanh niên bị tuyên phạt vì tội giết con trai mình. Bi kịch từ mối tình chắp nối Anh Trần Văn Phát từng có một đời vợ nhưng do cuộc sống gặp nhiều mâu thuẫn nên hai người quyết định kéo nhau ra tòa án ly hôn. Anh Phát biết, cha mẹ...