Đề xuất quyền được chết: Không nên đưa vào Luật!
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đề xuất bổ sung “ quyền được chết” vào Luật Dân sự trong tình hình hiện nay là không phù hợp với văn hóa, tập tục, phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam…
Trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lãnh đạo Bộ Y tế, đề xuất của Vụ Pháp chế đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội.
Vụ Pháp chế đã đề xuất bổ sung quyền được chết, hay quyền an tử cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân sống thực vật không còn hy vọng cứu chữa. Những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản, nhưng không một bác sĩ nào, không một bệnh viện nào dám thực hiện điều này, bởi pháp luật không cho phép.
Nếu pháp luật không cho phép mà bác sĩ giúp người bệnh thì vô tình cũng vướng vào hành vi “giết người”. Ngược lại, nếu pháp luật cho phép, thì bác sĩ có thể giúp người bệnh muốn chết vì bệnh trọng có một lối thoát…
Để làm rõ hơn về đề vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cung cấp cho độc giả cái nhìn trên góc độ pháp lý.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đề xuất bổ sung “quyền được chết” vào Luật Dân sự trong tình hình hiện nay là không phù hợp với văn hóa, tập tục, phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam. Tưởng chừng là giải pháp tốt cho họ, nhưng hậu quả của nó sẽ không lường hết được như phát sinh khiếu kiện giữa các con người chết, giữa con người chết với cơ quan y tế.
Vấn đề đặt ra là ai có thẩm quyền quyết định việc này. Đến một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng còn phải được sự kiểm duyệt của Chủ tịch nước trước khi họ bị thi hành án tử hình, thì việc này khó mà thực hiện được, nếu có được thực hiện thì không thể kiểm soát được. Vì vậy không nên đưa vào luật quyền được chết như nhiều ý kiến nêu.
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bi tươc đoat tính mạng trái luật”.
Mặt khác, Điều 101 BLHS qui định Tội: Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát: “Người nào xúi giục làm người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
Theo Luật sư Thơm, việc áp dụng quyền được chết, hay quyền an tử cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân sống thực vật không còn hy vọng cứu chữa là vấn đề rất phức tạp và rất dễ bị lạm dụng vì những mục đích khác nhau.
Những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo có thực sự mong muốn được chết hay không. Đây là có phải là ý chí hay nguyện vọng của họ hay không hay chỉ là do lúc túng quẫn, chán trường mới có suy nghĩ tiêu cực như vậy. Căn cứ nào để chứng minh rằng đó là ý chí, nguyện vọng thực sự của họ là muốn được chết. Họ có thực sự tỉnh táo, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi đưa ra quyết định đó hay không. Hôm nay họ có suy nghĩ tiêu cực như vậy nhưng ngày mai họ thay đổi thì như thế nào. Đã có cơ quan chuyên môn theo qui định của pháp luật giám định tâm thần của họ hoàn toàn minh mẫn, đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi quyết định hay chưa.
Mặt khác, họ bị bệnh hiểm nghèo mà không thể cứu chữa được thì cơ quan chuyên môn nào sẽ phải giám định sức khỏe theo qui định của pháp luật để kết luận họ không thể sống được trong thời gian bao lâu nữa.
Nếu khi người bệnh mong muốn được chết thì người nhà không đồng ý thì sẽ phải quyết định ra sao để tránh việc khiếu nại, kiện tụng sau này của những người thân. Người thân có thể là bố, mẹ, vợ, con, anh, chị em,.. Nếu một trong những người thân thuộc hàng thừa kế mà không đồng ý thì có thể giải quyết được không.
Video đang HOT
“Có thể nói hệ lụy của việc áp dụng quyền được chết là rất lớn. Nếu chúng ta không xây dựng một cơ chế pháp lý đồng bộ thì việc thực thi áp dụng quyền được chết là rất khó thực hiện trên thực tế và gây ra những hậu quả pháp lý sau khi người đó chết”, luật sư Thơm băn khoăn.
Khánh Công
Theo_VnMedia
Giữ hay bỏ hình phạt tử hình?
Trong thảo luận về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) có những ý kiến đề nghị nghiên cứu tiến tới bỏ hẳn hình phạt tử hình. Có nên không?
* PGS.TS Nguyễn Tất Viễn (thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương): Tham nhũng, phải tử hình
Tử hình là hình phạt có tính răn đe, trừng trị nghiêm khắc nhất, được áp dụng đối với những người phạm tội xét thấy không còn khả năng cải tạo và cần phải loại trừ ra khỏi đời sống xã hội.
Việc quy định hình phạt này trong các Bộ luật hình sự (BLHS) 1985, 1999, 2009 cũng như áp dụng đúng đắn trong thực tiễn đã khẳng định chính sách hình sự nghiêm minh, công bằng, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử của đất nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Tất Viễn.
"Riêng với tội nhận hối lộ, tham ô thì vẫn nên giữ hình phạt tử hình".
Nghiên cứu các quy định về hình phạt tử hình trong các BLHS nêu trên, chúng ta thấy rõ rằng xu hướng giảm hình phạt tử hình là chủ yếu.
Lần sửa đổi BLHS năm 1997 có 44 tội danh áp dụng hình phạt tử hình, BLHS năm 1999 còn 29 tội, đến BLHS năm 2009 giảm xuống còn 22 tội và hiện nay Chính phủ đang đề xuất giảm còn 15 tội có hình phạt tử hình.
Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, phù hợp xu hướng chung trên thế giới là ngày càng thu hẹp dần và tiến tới bỏ hình phạt tử hình.
Tôi đồng tình giảm số lượng các tội có hình phạt tử hình bởi BLHS hiện hành quy định 22 tội danh có hình phạt tử hình là chiếm tỉ lệ quá cao so với các tội danh khác trong bộ luật này.
Tôi cho rằng tới đây chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự, an toàn công cộng, xâm phạm tính mạng con người và tội phạm tham nhũng.
Cũng chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, cố ý thực hiện tội phạm đến cùng, hoặc người thuộc dạng lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, xét thấy không còn khả năng cải tạo.
Riêng đối với tội nhận hối lộ, tội tham ô vẫn nên giữ hình phạt tử hình bởi lẽ đây là các tội phạm gây bất bình lớn trong xã hội, ảnh hưởng lớn đến uy tín, hiệu lực của bộ máy nhà nước, sự an nguy của chế độ.
* Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên chánh án Tòa án quân sự trung ương): Không nên tử hình tội phạm kinh tế
Dự thảo BLHS (sửa đổi) có quy định thêm nhiều tội không áp dụng án tử hình là đúng. Có những tội chỉ quy định trong luật nhưng trên thực tế không áp dụng thì nên bỏ đi.
Thực tế cho thấy các tội như giết người, buôn bán ma túy, một vài tội tham nhũng và rất ít trường hợp tội cướp tài sản mới áp dụng hình phạt tử hình. Hầu như các tội còn lại có quy định nhưng không áp dụng mà để lại mang tính răn đe.
Chúng ta phải có kỹ thuật lập pháp làm thế nào để người đáng tử hình thì tử hình, người không đáng thì thôi.
Trung tướng Trần Văn Độ.
Dự thảo BLHS đã sửa đổi điều 194 BLHS hiện hành về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy theo hướng tách riêng thành các tội danh độc lập, nếu đơn thuần chỉ là hành vi tàng trữ hoặc vận chuyển thuê chất ma túy trái phép thì hình phạt chung thân là đủ nghiêm khắc.
Theo tôi, dự thảo quy định như vậy là hợp lý. Áp dụng theo luật hiện hành tôi thấy có vụ án ma túy ở Quảng Ninh mà tòa tuyên tới 30 án tử hình là quá mức.
Tại sao phải giảm hình phạt tử hình, quy định tử hình có tác dụng răn đe hay không? Tôi thấy hình phạt tù đày nhiều không giải quyết được vấn đề.
"Đối với tội phạm kinh tế thì không nên áp dụng hình phạt tử hình".
Chúng ta phải giải quyết nguyên nhân xã hội là chủ yếu. Đó là môi trường xã hội, chính sách kinh tế - xã hội, công ăn việc làm, đời sống, quản lý xã hội, giáo dục...
Quan điểm của tôi là chỉ với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mới áp dụng hình phạt tử hình. Chỉ nên giữ lại khoảng 10 tội danh có án tử hình.
Đối với các tội phạm về kinh tế thì không nên áp dụng hình phạt tử hình. Vì tử hình là người phạm tội không có khả năng giáo dục được nữa. Trong khi với các tội về kinh tế thì chúng ta đặt nặng vấn đề khắc phục hậu quả hơn là hình phạt tước đi mạng sống.
* Luật sư Phan Trung Hoài (chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ luật sư): Phù hợp với xu thế thế giới
Thực tiễn tham gia tố tụng hình sự, cá nhân tôi thấy đề xuất giảm nhóm tội hoặc tội danh có hình phạt tử hình là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Hiện nay có 94/193 nước là thành viên của Liên Hiệp Quốc vẫn còn áp dụng hình phạt tử hình.
Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai nước dân số đông nhất thế giới nhưng hình phạt tử hình vẫn được áp dụng. Điều này cho thấy tùy theo điều kiện của mỗi nước mà có quy định cho phù hợp.
Đối với Việt Nam, BLHS nhằm trấn áp tội phạm, tạo môi trường an toàn cho người dân thì việc áp dụng hình phạt tử hình trong một giai đoạn vẫn có tác dụng răn đe.
Về vấn đề có nên quy định hay bỏ hình phạt tử hình, theo tôi, khi tính toán vấn đề này phải cân nhắc đến quyền con người. Tử hình là tước đoạt mạng sống của con người.
Điều 19, chương 2 Hiến pháp 2013 có quy định công dân có quyền được sống, không ai được quyền tước đoạt tính mạng nếu việc tước đoạt là trái pháp luật.
Thứ hai, BLHS sửa đổi được áp dụng lâu dài. Khi sửa đổi nên tính đến xu hướng phát triển và dự báo về tình hình tội phạm trong điều kiện kinh tế - xã hội nói chung.
Xu hướng chung trên thế giới đặt nặng các tội phạm giết người, chiến tranh, ma túy, ở Việt Nam đặt nhu cầu cao về tội tham nhũng.
Nếu mục tiêu của BLHS là lấy lại lòng tin của người dân, trừng phạt các tội về tham nhũng thì việc cân nhắc duy trì án tử hình là cần thiết.
* Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Cần có hình phạt tù chung thân không thời hạn
Với tư cách là luật sư bào chữa cho thân chủ trong các vụ án, tôi luôn mong có thể bỏ đi án tử hình là tốt nhất. Nhưng thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay lại còn cần án tử hình.
Những tiêu chí của nền tư pháp văn minh tiến bộ thì nước nào cũng giống nhau, tức là tôn trọng nhân quyền, cho nên khi chưa bỏ được án tử hình thì phải giảm tối đa số tội danh áp dụng mức án này.
Tôi ủng hộ việc chuyển đổi án tử hình thành hình phạt tù chung thân nhưng không giảm án.
Ngoài ra tôi thấy vấn đề của pháp luật hình sự hiện nay là để đảm bảo việc xử phạt nghiêm minh cần quy định mở rộng cách tuyên án của tòa theo hướng tuyên án tù chung thân hoặc tù có thời hạn nhưng không được giảm án.
Như thế sẽ đảm bảo hình phạt nghiêm minh, chứ như lâu nay người phạm tội khi đã thụ án có khi được giảm số năm tù vì những nguyên cớ không rõ ràng, làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo_Zing News
Phạt tù đến 10 năm khi gây tai nạn nghiêm trọng Theo quy định tại Điều 204, Bộ Luật Hình sự, nếu sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn mà phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Khoảng 13h45 ngày 30/3, trên Quốc lộ 32, đoạn qua xã Ngọc Tảo, huyện...