Đề xuất lập “thùng trả bia” ở Biên Hòa
“Người dân TP.Biên Hòa nên lập một thùng (ngay chỗ xảy ra tai nạn) ghi là “Nơi trả bia” để tiếp nhận số bia bị lấy cắp. Hoặc ai đã trót uống bia thì có thể quy ra tiền và kèm lời xin lỗi coi như “người uống bia trả chậm thanh toán tiền cho anh tài xế”", một độc giả đề xuất.
“Hôi của” là ăn cướp trắng trợn giữa ban ngày
Câu chuyện “hôi bia” đầy tai tiếng xảy ra vào chiều 4/12 tại khu vực vòng xoay Tam Hiệp (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) như một “vết đen” trong văn hóa của người Việt năm 2013.
Trên diễn đàn, bạn đọc Hải Dương, một thầy giáo, chua chát nói: “Hôm nay lên lớp tôi đã nói chuyện với các em học sinh về câu chuyện trên. Không biết các bài giảng đạo đức của chúng tôi cho các em có phải là sáo rỗng không khi trong xã hội con người cư xử với nhau như vậy.
Các bậc làm cha làm mẹ đã cướp những lon bia kia, một mai chẳng may con cái họ hư hỏng, họ có biết là có trách nhiệm của mình không hay lại chỉ đổ hết lên nhà trường, lên ngành giáo dục”.
Bạn đọc Nguyễn Nguyên cho rằng: “Nếu một xã hội có nhân văn thì người dân xung quanh sẽ xúm lại mỗi người một tay giúp lái xe và chủ hàng gom nhặt các lon bia vương vãi xếp lại vào thùng và trông nom giúp chủ hàng khi đó đang rất lúng túng và hoảng sợ.
Nhưng họ đã làm ngược lại, đây chính xác là hành vi “ngang nhiên chiếm đoạt tài sản” đã được quy định trong Bộ luật Hình sự”.
Hình ảnh “hôi của” tại TP.Biên Hòa.
Trên một diễn đàn khác, bạn Hữu Thắng, viết: “Hồi mình ở Củ Chi, TP.HCM cũng có một trường hợp xe chở bia bị lật, bia văng tứ tung. Cả khu trọ gần đấy toàn dân hay nhậu vậy mà ra đó giúp người ta gom xếp gọn vào vỉa hè.
Khi được tài xế tặng hẳn vài thùng, mấy chú, mấy anh đó còn từ chối không lấy. Đọc bài này mà thấy buồn ghê”.
Lý giải về hành vi đáng xấu hổ này, một độc giả viết: “Người ta không cướp giật do đói khát, thiếu thốn mà là gần như bản năng. Thậm chí một số người thấy đồng loại mình tham gia “hôi của” cũng nhảy vào vì tâm lý đám đông, thấy “người ta làm mình cũng làm theo”.
Bởi trong số đó tôi nhìn thấy cả những thanh niên mặt mũi sáng sủa, ăn vận bảnh bao, những người đi xe máy xịn vứt hẳn xe giữa đường để nhào vô cướp bia”.
Đâu phải chuyện hiếm!
Video đang HOT
Cũng với thái độ chua chát, một độc giả ở Hà Nam phản hồi: “ Sao mọi người lại quá ngạc nhiên đến vậy? Chuyện này đâu có hiếm. Tôi đã từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn. Nạn nhân bị đâm ngã lăn ra đường chưa biết sống chết thế nào nhưng mấy người ở gần đó chỉ chờ có thế lao vào “giật” điện thoại, móc tiền trong ví của người ta”.
“Lần trước tôi được một người bạn kể chuyện: 1 nữ sinh viên đang đạp xe trên đường thì bị 2 tên cướp giật túi, may mà e quàng quai túi vào tay nắm xe nên chúng không lấy được.
Nhưng em bị ngã, túi xách bị bung, tiền trong túi rơi hết ra đường, đám đông mặc kệ em ngã đau còn chưa kịp định thần, lao bổ vào cướp tiền. Em chỉ kịp ú ớ “Các cô, các bác đừng lấy, trả cho cháu, tiền học của cháu…”. Nghe mà đau lòng”.
Cũng gặp trường hợp tương tự, anh Lê Văn (Hà Tĩnh) kể: “Tháng 9 vừa rồi, anh rể tôi lái ô tô 4 chỗ gặp tai nạn. Trong khi anh tôi vào bệnh viện cấp cứu, người dân quanh đấy hùa nhau vào khuân hết đồ đạc trên xe xuống.
Từ tiền bạc, quần áo trong vali đến gói bánh kẹo… người ta cũng vét sạch, chỉ duy nhất giấy tờ cá nhân là vứt lại chỏng chơ trên xe”.
Những người cướp bia sao chưa xin lỗi?
Cũng như nhiều độc giả khác, bạn đọc Hoàng Đăng Khoa thắc mắc: “Đã nhiều ngày rồi mà sao chưa thấy ý kiến gì của một trong vô số những người hôi bia, chỉ toàn là ý kiến của những người không có liên quan, một lời xin lỗi cũng không có”.
Nhiều phương án thiết thực cũng được các độc giả chia sẻ để nhằm gánh bớt thiệt hại cho tài xế trong vụ “hôi của” đáng sợ này.
Độc giả Trần Đức cho rằng: “Những người đã “cướp bia” hãy trả bia cho anh hoặc nếu đã trót uống thì quy số bia mình đã lấy thành tiền theo giá thị trường để trả cho anh tài xế”.
Bạn đọc Nguyễn Nga cũng nói: “Người dân TP.Biên Hòa nên lập một thùng (ngay chỗ xảy ra tai nạn) ghi là “Nơi trả bia” để tiếp nhận số bia bị lấy cắp. Hoặc ai đã trót uống bia thì có thể quy ra tiền và kèm lời xin lỗi coi như “người uống bia trả chậm thanh toán tiền cho anh tài xế”".
Nhiều độc giả cũng xin số tài khoản của tài xế gặp chuyện không may để mong muốn giúp đỡ anh.
Thay vì sự bức xúc, độc giả Vũ Tuyết Mai (TP. HCM) lại có một góc nhìn khác: “Mình cũng bị rơi tiền và được nhiều người nhặt giúp trả lại tuy có mất chút ít. Điều đó chứng tỏ vẫn có nhiều người tốt bên cạnh người chưa tốt lắm.
Tuy vậy báo chí và mọi người cũng không nên quá đà trong việc tốt xấu ở vụ Biên Hoà. Đừng lên án gay gắt vì con người ai cũng có lỗi lầm”.
“Con người không phải ai cũng hoàn hảo, hãy coi như đây là một bài học chung cho người Việt. “Đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại” hãy cho họ cơ hội sửa sai thay vì chỉ trích họ”, một độc giả khác viết.
Theo Vietnamnet
Tài xế bị "hôi bia": "Nếu bị bắt đền, tôi chỉ biết đi tù..."
Đó là lời khẳng định của tài xế Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê Bình Định) khi nói về việc đền bù số tiền 310 triệu cho công ty Trang Tuấn nơi anh đang làm việc.
Gia cảnh cơ cực tài xế bị "hôi bia"
Sáng 11/12, PV Dân trí đã tìm đến phòng trọ của tài xế Hồ Kim Hậu nạn nhân trong vụ hôi bia vào trưa 4/12 gây xôn xao dư luận. Hiện anh Hậu đang tạm trú cùng vợ và đứa con mới 5 tháng tuổi tại tổ 9, ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).
Dãy nhà trọ nơi vợ chồng anh Hậu tạm trú
Lúc chúng tôi ghé thăm nhà trọ cũng là thời điểm anh Hậu đang ăn dở gói mì tôm để kịp ra hiện trường phối hợp với công an dựng lại hiện trường vụ tai nạn vào trưa cùng ngày.
Trong căn phòng khoảng 15m2, lỉnh kỉnh đồ đạc trẻ nhỏ anh Hậu tâm sự, vì ở quê nghèo khổ, không có công ăn việc làm nên 3 năm trước anh vào Đồng Nai làm ăn. Sau thời gian làm công nhân tích góp đủ tiền anh đi học lái xe. Sau khi có bằng, anh Hậu xin vào làm việc tại công ty TNHH Vận tải Trang Tuấn (trụ sở chính trên đường Phan Đình Giót, Nha Trang, Khánh Hòa).
Tài sản của đôi vợ chồng trẻ cũng không có gì quý giá
Anh chị gặp nhau, thương yêu và đi đăng ký kết hôn chứ không có tiền làm đám cưới. "Cuộc sống nơi đất khách quê người vất vả, không có nơi nương tựa nên hai vợ chồng động viên nhau, gắng làm việc để sau này con cái không phải chịu khổ. Nhưng không ngờ tai họa lại ập đến với tôi". Anh Hậu buồn rầu.
"Số tiền thiệt hại bằng cả chục năm làm việc của gia đình, con mới sinh được 5 tháng, giờ hai vợ chồng chưa biết phải làm thế nào nữa". Anh anh Hậu lo lắng.
Đang lúi húi chăm con nhưng khi nghe chúng tôi hỏi đến vụ tai nạn xe chở bia bị lật của anh Hậu, chị Phạm Thị Hương (vợ anh Hậu) sụt sùi "Sau xảy ra sự việc vì không muốn em lo lắng nên anh giấu mọi chuyện. Anh về nhà mà ngồi một chỗ không yên, hết thở dài rồi lại đi ra đi vào, em hỏi thì anh nói lo lắng chuyện hàng hóa đi trên đường. Đến khi xem tivi thấy phát tên anh, sau đó một người bạn làm cùng công ty gọi điện báo thì em mới biết. Hai vợ chồng lúc đó chỉ biết động viên nhau, mong tai qua, nạn khỏi".
2 vợ chồng anh Hậu buồn bã sau vụ tai nạn
Chị Hương cho biết: chị đang làm công nhân tại công ty ChangShin Việt Nam, lương cơ bản khoảng 3 triệu đồng/tháng. Hôm nay là đúng thời điểm chị đi làm trở lại, nhưng con nhỏ lại bị sốt nên chị xin công ty nghỉ thêm vài ngày. Hiện tại, cuộc sống gia đình đang rất khó khăn, anh Hậu thì đang nghỉ làm phục vụ điều tra, tiền hỗ trợ nghỉ thai sản cũng đã hết. Ngoài trả tiền phòng trọ 700.000 đồng/tháng, chị phải vay mượn khắp nơi để có tiền mua sữa cho con và lo cho chồng.
"Tôi chỉ biết đi tù..."
Khi chúng tôi hỏi về số tiền 310 triệu nếu công ty bắt buộc anh phải đền thì anh làm sao, anh Hậu khựng lại rồi trả lời "Nếu công ty dứt khoát bắt đền thì tôi chỉ biết đi tù chứ lấy đâu ra số tiền 310 triệu để đền, đến chiếc xe đạp cũng không có đi lấy đâu ra số tiền lớn như vậy". Được biết hằng ngày chị Hương đi bộ đến chỗ làm khoảng 1 cây số, còn anh Hậu phải bắt 2 chuyến xe buýt lên quận 12 để làm việc.
Nhìn về phía đứa con anh Hậu nghẹn ngào: Từ hôm tôi bị nạn nó cũng bị sốt, không chịu ăn uống gì cả, khóc nhiều lắm. Giờ chỉ mong sao phía bảo hiểm họ đền bù, chứ với số tiền hơn 300 triệu thì gia đình tôi làm cả chục năm cũng chưa chắc đã có".
Tôi làm tài xế đã lâu, từng nhiều lần bị rơi đồ nhưng chưa có lần nào bị người ta ào ra "hôi của" như vừa rồi. Thú thực, đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao người ta lại "cướp của" tàn nhẫn đến thế, tôi quỳ lạy, van xin mà người ta cũng không tha", anh Hậu nhớ lại. "Thời điểm này công ty nhiều việc, tôi đang bàn với vợ sẽ chăm chỉ làm việc để kiếm tiền về quê ăn tết, nhưng không ngờ...", anh Hậu buồn bã.
Anh Hậu đang ăn tạm gói mì tôm để tranh thủ lên làm việc với cơ quan công an
Cũng trong ngày 11/12, PV Dân trí đã liên lạc với anh Lê Nguyên Quốc, quản lý phía Nam công ty vận tải Trang Tuấn (địa chỉ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), là người trực tiếp quản lý của anh Hậu.
Mở đầu cuộc trao đổi, anh Quốc cho biết "Công ty chúng tôi chưa đặt vấn đề bồi thường đối với tài xế vì hậu quả vụ việc quá lớn trong lúc hoàn cảnh của anh Hậu lại rất khó khăn".
Anh Quốc khẳng định, lãnh đạo công ty vô cùng chia sẻ với tai nạn xảy ra. Dù trong hợp đồng lao động có quy định trong quá trình vận chuyển hàng hóa, tài xế phải chịu trách nhiệm trong việc bảo quản hư hao, mất mát hàng hóa nhưng trong vụ việc này, thiệt hại quá lớn, ngoài khả năng bồi thường của anh Hậu nên công ty sẽ xem xét để có hướng giải quyết vừa hợp tình, hợp lý.
"Trước mắt công ty đã bồi thường đầy đủ cho nhà phân phối ở Phan Thiết, đồng thời anh Hậu vẫn làm việc bình thường và chúng tôi chờ kết luận từ phía Công an, cũng như đơn vị bảo hiểm mới có hướng giải quyết vụ việc", anh Quốc khẳng định.
Đình Thảo
Theo Dantri
Đừng chỉ xấu hổ vì chuyện cướp bia Suốt tuần qua, vụ người dân đổ xô cướp bia của một chiếc xe tải bị tai nạn ở Biên Hòa (Đồng Nai) đã trở thành tâm điểm của sự xấu hổ cho những người có hiểu biết trong xã hội. Người đàn ông giăng khẩu hiệu xấu hổ vì vụ cướp bia ở Đồng Nai Thậm chí có người xấu hổ tới...