Đề xuất lập đơn vị chống tham nhũng chuyên trách trong cơ quan thanh tra
Thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng nên nghiên cứu thành lập đơn vị chống tham nhũng chuyên trách trong cơ quan thanh tra các bộ, thanh tra tỉnh.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng vừa chủ trì buổi làm việc cùng đại diện Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan để bàn bạc kế hoạch xây dựng thể chế năm 2015 của Thanh tra Chính phủ; trong đó trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Luật Thanh tra.
Đại diện Vụ Pháp chế – Thanh tra Chính phủ, cho rằng việc sớm sửa đổi, bổ sung Luật PCTN năm 2005 (đã sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007 và 2012) và Luật Thanh tra năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2010) là hết sức cần thiết. Trong đó đặc biệt chú ý tới việc sửa đổi các quy định liên quan đến việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập còn mang tính dàn trải; quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng chưa phát huy tác dụng trên thực tế, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn bất cập.
Nhiều đại biểu đồng tình cho rằng biện pháp xử lý sau kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm cần cụ thể. Nên bổ sung quy định về thẩm quyền khởi tố và điều tra ban đầu cho cơ quan thanh tra và kiểm toán…
Quý 4/2014 đã có 8 người đứng đầu bị kỷ luật hành chính, xử lý hình sự vì để xảy ra hành vi tham nhũng.
Đồng ý với việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật PCTN, đại diện Bộ Tư pháp, Văn Phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội lưu ý Thanh tra Chính phủ cân nhắc về thời gian, tên hồ sơ trình Chính phủ để tránh việc phải xin ý kiến nhiều lần; vai trò của người dân và báo chí cũng cần được chú trọng hơn nữa trong luật để nâng cao hiệu quả PCTN.
Video đang HOT
Đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tăng thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan thanh tra trong việc chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa thanh tra các bộ, ngành, địa phương cũng như việc xử lý sau thanh tra. Thậm chí, có thể nghiên cứu thành lập đơn vị chống tham nhũng chuyên trách trong cơ quan Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh; quy định về phối kết hợp giữa thanh tra với cấp ủy, ủy ban kiểm tra trong Luật Thanh tra để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý tổ chức Đảng, Đảng viên vi phạm; giao thẩm quyền ký kết luận thanh tra cho cục trưởng, vụ trưởng và trưởng đoàn thanh tra…
Như Dân trí đã phản ánh, Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về công tác PCTN quý 4/2014. Theo đó, các cấp, ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 1.708 cán bộ, công chức, viên chức tại nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Ở các bộ ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan đã có 8 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó, 6 người bị xử lý kỷ luật hành chính và 2 người bị xử lý kỷ luật hình sự. Cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý điều tra 176 vụ việc với 431 bị can phạm tội về tham nhũng. Đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 48 vụ với 122 bị can.
Ngoài ra, qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan chức năng phát hiện 11 vụ việc với 26 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Các cơ quan nhà nước tiến hành tự kiểm tra nội bộ cũng phát hiện 20 vụ việc, 52 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Thế Kha
Theo Dantri
ĐBQH Châu Thị Thu Nga bị bắt: Văn phòng Quốc hội lên tiếng
Hiện bà Châu Thị Thu Nga đã bị đình chỉ quyền miễn trừ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết.
Liên quan đến vụ đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga bị bắt tạm giam tối 7/1, chia sẻ trên tờ Đại lộ, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay: "Hiện bà Châu Thị Thu Nga đã bị đình chỉ quyền miễn trừ".
Ông Dũng cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ QH đã có Nghị quyết về vụ việc này.
Liên quan đến vụ việc, theo tin tức từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, Cơ quan này đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất (H.ousing Group) do bà Châu Thị Thu Nga làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Bà Châu Thị Nga. Ảnh: VnExpress
Kết quả điều tra xác định: Từ năm 2008 đến nay, dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp Giấy phép xây dựng nhưng bà Châu Thị Thu Nga và đồng phạm tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để bán.
Cụ thể, Housing Group đã ký 752 hợp đồng góp vốn và thu 377.287.934.482 đồng của nhà đầu tư, đến nay không còn khả năng chi trả.
Hành vi của bà Châu Thị Thu Nga đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139 Bộ Luật hình sự.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 7/1/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra các Quyết định: Khởi tố hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Điều 139 Bộ Luật Hình sự) xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất, Hà Nội; Khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với Châu Thị Thu Nga, sinh năm 1965, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, chiều tối 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 866/NQ-UBTVQH13 về việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Châu Thị Thu Nga vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với VTC News sáng 8/1, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội mới chỉ bị đình chỉ nhiệm vụ để phục vụ công tác điều tra. Hiện tại, bà Nga vẫn chưa bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội.
Theo NTD
Kỳ họp Quốc hội đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vào chiều 28-11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời câu hỏi của phóng viên Báo về công tác đảm bảo an ninh trật tự phục vụ kỳ họp, Công an Hà Nội đảm bảo tuyệt đối an toàn kỳ họp thứ...