Đề xuất họp Quốc hội ngắn ngày, nhiều kỳ/năm
Đây là ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Đáng, ông cho rằng mỗi kỳ họp chỉ nên kéo dài 10 ngày, và một năm họp nhiều hơn 2 kỳ, qua đó có thể mang lại hiệu quả tốt hơn trong công tác xây dựng pháp luật.
Mỗi kỳ kéo dài 10 ngày sẽ phù hợp hơn với đại biểu
Hôm nay (5-11), Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tập trung về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau nổi lên.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Huỳnh Ngọc Đáng
Đóng góp ý kiến, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nói: Dự thảo ghi Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ, trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường, Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội.
Ngay từ Hiến pháp năm 1946 đã ghi Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ. Điều này trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó là phù hợp. Trong thời kỳ đó Quốc hội Khóa I họp mỗi năm cũng không đủ 2 kỳ do tình hình ác liệt của chiến tranh. Sau này các Hiến pháp kế tiếp cũng chưa có điều kiện sửa đổi nội dung này do nhiều lý do khác nhau.
Hiện nay theo tôi nội dung điều khoản này không còn phù hợp. Tại sao Quốc hội chỉ họp mỗi năm 2 kỳ, mỗi kỳ dài trên 30 ngày. Muốn họp thêm phải có các thủ tục quy định khá chặt chẽ. Nếu Quốc hội họp nhiều kỳ, mỗi kỳ khoảng 10 ngày thì có gì là khó khăn hay kém hiệu quả hay không? Tôi thấy ngược lại có khi tốt hơn vì hợp lý hơn với tâm sinh lý đại biểu và tác động tốt đến năng suất làm việc của đại biểu trong kỳ họp.
Video đang HOT
Sắp tới đây khi tòa nhà Quốc hội hoàn thành đưa vào sử dụng thì điều kiện họp nhiều kỳ càng thuận tiện hơn. Hơn nữa Quốc hội Khóa XIII và chắc là Quốc hội các khóa tới theo tôi sẽ luôn trong tinh thần đổi mới phương thức và nội dung hoạt động, họp nhiều kỳ ngắn ngày trong năm của Quốc hội là rất thích hợp.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Vũ Tiến Lộc
Hiến định doanh nhân trong Hiến pháp
Với suy nghĩ “bản Hiến pháp không chỉ là khuôn khổ pháp lý nền tảng của quốc gia mà còn là lời hiệu triệu toàn dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới mà ở đó nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm và doanh nghiệp, doanh nhân là đội quân xung kích”, đại biểu Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình) cho rằng việc bổ sung doanh nhân vào Hiến pháp, bên cạnh cách giai tầng khác xã hội khác như công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang là hợp lẽ.
Ông cho hay, cả nước hiện có hàng triệu doanh nhân đang “đứng mũi chịu sào”, lãnh đạo điều hành gần 500.000 doanh nghiệp, 15.000 hợp tác xã, 4 triệu hộ kinh doanh. Họ đã có những đóng góp quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân đưa đất nước vượt khỏi một nước nghèo để trở thành một nước có thu nhập trung bình, một thành tựu quan trọng bậc nhất của công cuộc đổi mới kinh tế những năm qua.
“Việc hiến định doanh nhân trong Hiến pháp sẽ góp phần xác nhận chắc chắn vị trí của doanh nhân, sẽ tạo niền tin và điểm tựa cho họ trong những nỗ lực trụ vững để vươn lên trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thương trường, góp phần và sự nghiệp chấn hưng đất nước”- đại biểu Lộc kết thúc phần phát biểu của mình.
Ngoài ra, đáng chú ý các đại biểu Quốc hội đã đóng góp thêm ý kiến vào các nội dung như: vai trò, vị trí của các tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thành niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam trong Hiến pháp; quy định về Tòa án nhân dân tối cao và Ban hội thẩm; quy định về Hội đồng bảo hiến; quyền lực nhà nước…
Vào ngày 18-11 tới, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về việc chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
An Huy
Theo ANTD
Dự thảo Hiến pháp đạt đồng thuận cao
Ngày 23-10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhiều ý kiến thống nhất, dự thảo trình Quốc hội lần này đã đạt được đồng thuận cao về hầu hết các vấn đề.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 23-10
Ảnh: PHÚ KHÁNH
Làm rõ hơn quy định "chính quyền địa phương"
ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), thành viên Ban biên tập dự thảo cho biết, hầu hết những vấn đề lớn được các ĐBQH, người dân và cử tri cả nước góp ý đều đã được nghiên cứu, chỉnh lý: "Đến nay đã đạt được đồng thuận cao về hầu hết các vấn đề". Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng tán thành rất cao với Dự thảo lần này.
Ông cho rằng, trên cơ sở kế thừa những quan điểm cốt lõi của Hiến pháp 1992, dự thảo đã tiếp tục hoàn thiện hơn nữa thể chế chính trị trong sự gắn kết không thể tách rời với bộ máy quyền lực Nhà nước. Đặc biệt, quyền làm chủ của người dân tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ trong dự thảo lần này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Quyền còn băn khoăn về quy định "chính quyền địa phương" trong dự thảo. Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đồng tình với việc không quy định thiết chế Hội đồng Hiến pháp.
Nhiều ý kiến ĐBQH cũng băn khoăn về các quy định liên quan tới chính quyền địa phương, đặc biệt là việc có nên tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) ở các địa phương hay không. ĐB Hồ Thanh Thủy (Vĩnh Phúc) cho biết, khi thí điểm không tổ chức HĐND ở 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Vĩnh Phúc, có nói thí điểm để sau này sửa đổi Hiến pháp, song hiện nay, vẫn chưa tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Một số ý kiến cũng đề nghị trong dự thảo Hiến pháp nên quy định cụ thể chính quyền có mấy cấp và gồm những cơ quan nào, không nên để "lơ lửng".
Bồi thường đất theo giá thị trường
Quan tâm tới nội dung về thu hồi đất, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thu hồi đất vì phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, nhưng nếu quy định không chặt chẽ sẽ bị lợi dụng. Ông cho rằng, dự thảo Hiến pháp cần thiết kế lại nội dung này, cần ghi rõ, thu hồi đất đáp ứng lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. ĐB Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị, không cần ghi trong dự thảo Hiến pháp quy định "thu hồi đất vì mục đích kinh tế-xã hội" mà chỉ cần nêu "thu hồi đất vì an ninh, quốc phòng, quốc gia và công cộng" là đủ. Nhấn mạnh, vấn đề thu hồi đất đai được nhân dân đặc biệt quan tâm, ĐB Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: "Dự thảo có thể sửa theo hướng, Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp cần thiết, còn lại sẽ do Luật Đất đai quy định".
Cũng bàn tới các quy định về đất đai, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy hoạch sử dụng đất hiện nay đang bị lạm dụng và xâm phạm quyền lợi của người dân. Sự bất an của người dân hiện nay chính là quy hoạch sử dụng đất không rõ ràng, vì vậy dự thảo Hiến pháp cần bảo đảm điều này để người dân an tâm. "Người dân không phản đối việc Nhà nước thu hồi đất mà họ quan tâm nhất là giá đền bù có thỏa đáng hay không. Đề nghị, quy định rõ giá đền bù phải tuân theo cơ chế thị trường. Nếu không quy định rõ, chỉ để "theo quy định của pháp luật" thì dân không yên tâm, dễ bị lợi dụng" - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Theo nghị trình, ngày 5-11 tới, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận. Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường. Cuối cùng, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp vào sáng 28-11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lời nói đầu chưa chuẩn xác
Góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại buổi thảo luận tổ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ĐBQH TP Hà Nội) nói: "Với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa. Còn nếu chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn, ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa, chưa nên đưa vào. Tôi thấy tất cả những nội dung trong dự thảo lần này đã đáp ứng được điều đó". Góp ý vào lời nói đầu của dự thảo Hiến pháp, Tổng Bí thư nói: "Lời nói đầu tuy ngắn gọn nhưng phải như một tuyên ngôn, viết có sự tổng kết, cô đọng, khái quát, nhưng đặc biệt phải chuẩn xác. Nếu viết hay, có tính chất như lời kêu gọi, hiệu triệu thì rất tốt. Hiện nay, so với yêu cầu ấy, tôi thấy chưa đạt được...". Chỉ ra 4 điểm cần sửa đổi, bởi "nghe gò bó, không chuẩn xác", Tổng Bí thư nhận xét: "Tôi thấy sửa so với trước thì được ưu điểm là ngắn gọn hơn, súc tích hơn, nhưng chuẩn xác thì chưa, hay thì lại càng chưa, chưa có sức vang vọng như lời kêu gọi hay hiệu triệu..."
Theo ANTD
Thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Văn phòng Quốc hội cho biết, bước sang tuần làm việc thứ ba, Quốc hội chủ yếu dành thời gian cho công tác lập pháp. Trong tuần, Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến vào một số dự án như Luật đất đai (sửa đổi); Luật xây dựng (sửa đổi); Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật hôn nhân và gia...