Đề xuất hình phạt “tử hình treo” trong luật hình sự
Bổ sung hướng quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân; áp tội tham nhũng với cả khu vực tư; duy trì án tử hình nhưng xem xét chế định hoãn thi hành án, “tử hình treo”… Đây là những nội dung mới được đề xuất đưa vào Bộ luật hình sự sửa đổi.
Ngày 15/3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 làm cơ sở sửa luật thời gian tới.
Hình sự hóa “tội” làm giàu phi pháp
Hội nghị trực tuyến với các địa phương được tổ chức tại Bộ Tư pháp.
Liên quan đến việc hình sự hóa đầy đủ các hành vi tham nhũng theo công ước LHQ về chống tham nhũng, Thứ trưởng Tư pháp Hoàng Thế Liên báo cáo, luật tố tụng hiện hành xác định chủ thể của hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội Việt Nam. Người có chức vụ quyền hạn ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các công ty 100% vốn nước ngoài, công ty cổ phần, HTX… không phải là chủ thể của tội này.
“Tuy nhiên, với tư cách là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, chúng ta phải hình sự hoá một số hành vi tham nhũng được nêu trong Công ước như: hối lộ trong khu vực tư; biển thủ tài sản trong khu vực tư; hối lộ công chức nước ngoài…” – ông Hoàng Thế Liên nói.
Trên thực tế ở Việt Nam đã xuất hiện trường hợp vì lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc địa phương mình mà cá nhân Việt Nam đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, tổ chức phi chính phủ… nhưng hiện không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với các đối tượng này về hành vi nhận hối lộ cũng như hành vi đưa hối lộ.
Trong định hướng sửa BLHS lần này, việc quy định các điều kiện miễn, giảm hình phạt với người có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo và khắc phục hậu quả cũng được cân nhắc.
“Cũng cần nghiên cứu khả năng hình sự hóa hành vi &’làm giàu bất hợp pháp’ theo tinh thần Công ước”, Thứ tưởng Bộ Tư pháp cho biết.
Video đang HOT
Tham gia ý kiến về vấn đề này, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn phân tích, đây là câu chuyện bàn cãi nhiều lần. Qua những lần sửa Bộ luật Hình sự trước đây, từng có đề nghị đưa vào luật tội “nhận quà biếu có giá trị cao” nhưng chưa được.
Đồng ý với nhận định đã đến lúc phải tính căn cơ về vấn đề này nhưng ông Phàn cũng chỉ ra khó khăn, thách thức nằm ở việc phải đồng bộ chính sách, vì hiện chưa quản lý và làm rõ được giữa thu nhập bất chính và thu nhập chính đáng, thu nhập hợp pháp và không hợp pháp.
Nghiên cứu hình phạt “tử hình treo”
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ băn khoăn vì định hướng, quan điểm sửa luật Bộ Tư pháp đưa ra vẫn mới chỉ thiên về yếu tố “công” tức là lo cho cơ quan nhà nước, làm sao cho “thuận” cho cơ quan pháp luật trong cuộc đấu tranh với tội phạm chứ chưa toát lên tư tưởng làm lại luật như nào để dân không bị oan, để người dân có công cụ bảo vệ quyền lợi của mình.
Ông Thụ cho rằng, không có luật nào tác động đến người dân lớn như luật hình sự – lĩnh vực có thể gây hệ quả trực tiếp định đoạt mạng sống, đến việc trừng phạt, tước quyền tự do, quyền tài sản… của một con người nên việc sửa Bộ luật lần này phải đề cao cả 2 hướng tiếp cận, tạo cơ sở vững chắc cho cả cơ quan bảo vệ pháp luật lẫn cơ sở để người dân bảo vệ được mình.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia chỉ đạo hội nghị.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một yêu cầu, việc sửa đổi BLHS nằm trong Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi 2013. Do đó, bộ luật sửa đổi phải được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần của Hiến pháp mới, đặc biệt là phải bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; cần có cơ chế khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tự bảo vệ mình và bảo vệ quyền lợi của người khác.
Khẳng định tư tưởng đề cao yếu tố nhân quyền, nhân đạo đặt ra trong lần sửa luật này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu một dẫn chứng, cơ quan soạn thảo dự kiến bổ sung các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm hạn chế đến mức tối đa khả năng áp dụng hình phạt này. Hình phạt tử hình sẽ chỉ được áp dụng với một số ít trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất dã man, tàn bạo xâm phạm tính mạng con người (như giết người man rợ, kèm cướp của, hiếp dâm…); đe dọa sự tồn vong của nhà nước (xâm phạm an ninh quốc gia…); đe dọa nghiêm trọng trật tự an toàn xã hội và sự phát triển giống nòi (ma túy); tội phạm mang tính toàn cầu, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế (khủng bố, tham nhũng, chống loài người, chiến tranh…).
Khả năng áp dụng chế định hoãn thi hành án tử hình (tử hình treo) để giảm việc thi hành hình phạt tử hình trên thực tế cũng được nghiên cứu.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Công an) nêu quan điểm, việc duy trì hình phạt tử hình trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, thể hiện chính sách hình sự của nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Nhiều nước phát triển vẫn tiếp tục duy trì quy định về hình phạt tử hình nhưng coi đó như một biện pháp tự vệ, chủ yếu chỉ áp dụng hình phạt chung thân trọn đời (chung thân không giảm án).
Cũng về vấn đề hình phạt, cơ quan soạn thảo cũng đã nghiên cứu giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ như: phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết, tính nhân đạo trong chính sách hình sự được thể hiện trước hết ở việc giảm nhẹ các hình phạt có tính hà khắc đối với người phạm tội, giảm bớt hình phạt tù đối với người phạm tội. Theo đó, muốn giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, thì cần sửa luật theo hướng quy định hình phạt tù chủ yếu áp dụng đối với các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đối với các tội phạm nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng thì chỉ nên áp dụng hình phạt này khi xét thấy nếu để người phạm tội ở ngoài xã hội sẽ còn gây hại cho xã hội. Các trường hợp còn lại sẽ xem xét áp dụng các hình phạt không phải là tước tự do.
P.Thảo
Theo Dantri
Xem xét trách nhiệm lãnh đạo tòa án tối cao vì làm chậm luật
Chuẩn bị dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án cả năm qua, 2 lần trình UB Thường vụ QH vẫn chưa đạt, các Phó Chủ tịch QH đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo TAND tối cao trong việc chậm trễ này.
Sáng 14/3, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án. Pháp lệnh này để đồng bộ hóa với Luật xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1/7/2013). Điều 48 luật này quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân được xử phạt hành chính. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm hành chính cản trở hoạt động tố tụng của tòa án mà Tòa án nhân dân được xử phạt lại chưa được quy định cụ thể.
Vì vậy, Quốc hội giao UB Thường vụ, TAND tối cao xây dựng Pháp lệnh này. 6 tháng trước, dự thảo Pháp lệnh đã được trình một lần nhưng chưa "thông". Lần này, do khoảng trống pháp luật, các hành vi can trơ hoat đông tô tung của Tòa án xảy ra nhiều, có xu hướng gia tăng cả trước, trong và sau phiên tòa, gây khó khăn cho việc giải quyết án mà không xử lý được nên UB Thường vụ Quốc hội gắt gao đốc thúc.
Theo dự kiến, khi Thường vụ thông qua Pháp lệnh trong ngày hôm nay, sáng thứ 2 tuần tới, 17/3, Văn phòng Chủ tịch nước cũng tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh của Chủ tịch nước để đưa ngay các quy định vào cuộc sống.
Các Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu đều bất bình với việc dự thảo pháp lệnh lần thứ 2 trình lại vẫn sao y bản cũ.
Tuy nhiên, cho đến lần cho ý kiến chốt lại sáng nay, dự thảo Pháp lệnh do TAND tối cao trình vẫn bị "phê" nhiều mặt. Cơ quan thẩm tra - UB Tư pháp của Quốc hội không tán thành với nhiều quy định trong Dự thảo. UB Tư pháp cho rằng Dự thảo có nhiều điều khoản trùng lặp; chưa phù hợp với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, dự thảo Pháp lệnh trình Thường vụ lần này không có nội dung nào mới so với bản dự thảo cũ đã được thẩm tra tại phiên họp toàn thể của UB này 6 tháng trước. TAND TC cũng không có báo cáo giải trình lý do giữ nguyên dự thảo Pháp lệnh đã trình lần 1.
UB Tư pháp cũng nhận thấy một số nội dung trong Dự thảo chưa phù hợp với quy định trong Hiến pháp 2013 cũng như chưa đảm bảo tính thống nhất với nhiều bộ luật khác.
Cụ thể, Hiến pháp 2013 quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật". Tuy nhiên, một số quy định cụ thể của Dự thảo Pháp lệnh đã hạn chế quyền cơ bản của công dân (như quy định về hành vi bị xử lý, người bị xử lý... mở rộng hơn so với quy định của các đạo luật tố tụng, hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính của người bị xử phạt...) nên cần được xem xét lại.
Nhiều quy định của Dự thảo Pháp lệnh cũng không phù hợp với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự, Luật Báo chí, Luật Khiếu nại. Ví dụ: Quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; về thẩm quyền tạm giữ người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án theo thủ tục hành chính; về thi hành quyết định xử lý bằng phạt tiền...
Bức xúc về việc làm luật chậm trễ, thiếu trách nhiệm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đã nhiều lần có ý kiến với UB Tư pháp để đốc thúc cơ quan soạn thảo nhưng phía TAND tối cao vẫn quá chậm. Yêu cầu rút kinh nghiệm vì khó chấp nhận chuyện "tắc trách" như này, ông Lý băn khoăn hướng xử lý tiếp theo là tiếp tục hoãn pháp lệnh này hay quyết hoàn thành gấp cho đúng kế hoạch đã định.
Phó Chủ tich Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng việc "ép tiến độ" không khả thi vì nếu chỉ một vài điều khoản có vấn đề còn bàn bạc, chỉnh kịp nhưng ở đây ngay cả quan điểm xây dựng dự thảo cũng... trái khoáy.
"Ai lại để dự thảo 6 tháng trước và 6 tháng sau vẫn trình lại y nguyên, không có giải trình gì. Tôi cũng nghĩ phải xem xét cả người phụ trách việc này đã để tình trạng đến vậy" - ông Sơn phê phán thẳng.
Tán thành hướng dừng một lần nữa việc cho ý kiến với Pháp lệnh để TAND tối cao chuẩn bị lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng cần xem xét trách nhiệm cơ quan soạn thảo và các bên liên quan trong việc chậm trễ này.
P.Thảo
Theo Dantri
Kinh hoàng 6 người phụ nữ kéo nhau đi đánh ghen 6 người phụ nữ kéo nhau lên hội quán của xóm khi chị Y. đang nói trên loa phóng thanh rồi bắt đầu đánh ghen. Họ dùng kéo cắt tóc, lột quần áo, bôi ớt, phân trâu lên người nạn nhân rồi đem trói vào cột của bóng chuyền cho hả giận. Lê Thị T. tại cơ quan điều tra. Ngày 11/3, công...