Đề xuất gọi “tiền ảo” là “tài sản số” hay “tiền thuật toán”
Tại hội thảo “Xây dựng khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam – Một số vấn đề đặt ra” đã có ý kiến cho rằng cách sử dụng khái niệm “tiền ảo” rất dễ nhầm lẫn với “tiền tệ” nên đề xuất gọi “tiền ảo” là “tài sản số” hay “tiền thuật toán”.
Tại hội thảo “Xây dựng khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam – Một số vấn đề đặt ra” vừa diễn ra, ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế ( Bộ Tư pháp) cho rằng tiền ảo (virtual currency) hay tiền mã hóa (cryptocurrency) không phải mới xuất hiện nhưng lại là hiện tượng đang gây sốt trên toàn thế giới. Tiền ảo được tạo ra từ việc giải các thuật toán mã hóa phức tạp dựa trên các phần mềm mã nguồn mở sử dụng công nghệ chuỗi khối (điển hình nhất là công nghệ blockchain).
Người dân TPHCM tụ tập trước cổng công ty M.T để phản đối công ty tiền ảolừa đảo 15 nghìn tỉ của khách hàng (Ảnh: Huy Hùng).
Hiện nay trên thị trường có khoảng gần 1.600 loại tiền mã hóa hay còn gọi là tiền ảo, tổng giá trị vốn hóa thị trường các loại tiền ảo rơi vào khoảng trên 260 tỷ đô la mỹ với lưu lượng giao dịch mỗi ngày ước tính khoảng 11 tỷ đô la mỹ (tính đến ngày 30/3/2018).
Theo ông Tú, ngoài việc gắn liền với sự xuất hiện, ra đời của Bitcoin và rất nhiều loại tiền ảo khác, Blockchain là một công nghệ có rất nhiều tiềm năng ứng dụng vào mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội như tài chính ngân hàng, quản lý dữ liệu, dân cư, hợp đồng thông minh…
Một số đại biểu cho rằng, trước khi ban hành những khung pháp lý mới để quản lý tiền ảo, các cơ quan nghiên cứu lập pháp nên tiến hành rà soát khung khổ pháp luật hiện hành như pháp luật công nghệ thông tin, pháp luật giao dịch điện tử, pháp luật về dân sự hay pháp luật về chứng khoán để làm rõ “tiền ảo” đã thuộc phạm vi điều chỉnh và là đối tượng áp dụng của các quy phạm pháp luật hiện hành hay chưa?
Trong khi đó, đại diện cho một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ khẳng định, muốn quản lý được hiện tượng “tiền ảo” và các công nghệ kèm theo một cách hiệu quả cần phải xác định rõ mục đích của việc quản lý. Ví dụ như quản lý tiền ảo nhằm tăng thu cho ngân sách Nhà nước (thu thuế) hay quản lý để tạo môi trường phát triển khoa học, công nghệ?
Video đang HOT
Một số ý kiến đề xuất Bộ Tư pháp làm rõ bản chất, khái niệm của “tiền ảo”; các ứng dụng của công nghệ tạo nên tiền ảo; sàn giao dịch tiền ảo; sử dụng tiền ảo để gọi vốn thông qua hoạt động ICO…
Thậm chí, một số đại biểu băn khoăn về cách sử dụng khái niệm “tiền ảo” vì rất dễ nhầm lẫn với “tiền tệ” nên đề xuất gọi “tiền ảo” là “tài sản số” hay “tiền thuật toán”. Đối với các hoạt động huy động vốn bằng cách phát hành tiền ảo (ICO) thì việc quản lý khâu trung gian (các sàn giao dịch) là một phương án khả thi và cần thiết.
Hội thảo đã đi tới thống nhất cần ban hành khung pháp lý để quản lý các hoạt động mua bán, giao dịch tiền ảo tại Việt Nam. Cụ thể, phải có cơ chế pháp lý để quản lý khâu trung gian của hoạt động mua bán, trao đổi, giao dịch các loại “tiền ảo” là sàn giao dịch. Theo đó, Nhà nước nghiên cứu, ban hành khung pháp lý nhằm quy định rõ các điều kiện để có thể thành lập sàn; cũng như các điều kiện cụ thể dành cho các cá nhân, nhà đầu tư muốn giao dịch qua sàn. Các quy định nhằm bảo đảm giải quyết các rủi ro, các tranh chấp có thể xảy ra giữa sàn với các nhà đầu tư hoặc giữa các nhà đầu tư với nhau.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo, cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…); vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.
Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp vớ i Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.
Kha Xuân Lộc
Theo Dantri
Vụ 32.000 người bị lừa đảo 15.000 tỷ tiền ảo qua góc nhìn pháp lý
Vụ việc 32.000 người bị lừa đảo khi tham gia vào dự án tiền ảo iFan cho thấy, không ít người đang cố tình vi phạm pháp luật, nhiều người biết tiền ảo không được công nhận nhưng vẫn "nhắm mắt" đầu tư...
Liên quan đến dự án iFan của Công ty Modern Tech bị người dân tố lừa đảo 15.000 tỷ đồng, trao đổi với báo NTNN/Dân Việt, luật sư Đặng Huỳnh Lộc - Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh, Trưởng Văn phòng luật sư Huyền Vũ nhận định, sự việc hơn 32.000 người được cho là bị Công ty Modern Tech chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng từ việc đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin vào Công ty này là bài học cảnh tỉnh đắt giá cho những người có tham vọng đầu tư tiền ảo.
Luật sư Đặng Huỳnh Lộc - Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh, Trưởng Văn phòng Luật sư Huyền Vũ
Theo Trưởng Văn phòng Luật sư Huyền Vũ, từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng lên tiếng cảnh báo không công nhận Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác như một loại phương tiện thanh toán theo pháp luật Việt Nam.
Cuối năm 2017, Đại học FPT dự kiến cho phép thu học phí bằng đồng Bitcoin đối với sinh viên nước ngoài đang học tại trường, NHNN khẳng định không cho phép. Thậm chí từ 1.1.2018, theo Bộ Luật hình sự, việc sử dụng thanh toán bằng tiền ảo có thể bị xử phạt mức cao nhất lên tới 200 triệu đồng, có thể xử lý vi phạm hình sự.
Luật sư Đặng Huỳnh Lộc nhấn mạnh: Theo luật pháp Việt Nam, tiền ảo không phải là đồng tiền hợp lệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam được quy định tại Nghị định 96 và Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện một trong các hành vi, trong đó có hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Điều 206 của Luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có đối tượng điều chỉnh rộng hơn, không chỉ giới hạn là các tổ chức tín dụng như điều 206 của Luật Hình sự 2015 mà còn bao gồm các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Do đó, điểm h, khoản 1, điều 206 Luật Hình sự sửa đổi 2017 liên quan tới các chủ thể khác, trong đó có cá nhân trong hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp khác.
"Như vậy, Công ty Modern Tech có hoạt động kinh doanh tiền ảo là hành vi vi phạm pháp luật, doanh nghiệp và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hậu quả nếu có xảy ra", luật sư Đặng Huỳnh Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Trưởng Văn phòng Luật sư Huyền Vũ cho rằng: Trong sự việc này, có một vấn đề pháp lý cũng cần được lưu ý là việc Công ty Modern Tech tuyên bố giải thể. Việc giải thể của Công ty Modern Tech trước hết phải tuân thủ đúng lộ trình theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp, nghĩa là phải công bố thông tin giải thể, Quyết định giải thể doanh nghiệp, báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp, danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (nếu có).
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh nhìn nhận, vụ việc xảy ra tại Công ty Modern Tech, cơ quan chức năng có thể tiến hành khởi tố; xử lý theo quy định tại điều 290 Bộ luật hình sự 2015.
"Chế tài xử phạt ở mức cao nhất cho loại tội danh này lên đến 20 năm quy định tại khoản 4 của điều này; khoản 5 của điều luật này còn quy định, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản", luật sư Truyền cho biết.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico cho rằng vụ việc trên rõ ràng là lừa đảo, các đối tượng lừa đảo trong vụ này có thể bị xử tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc tội "Kinh doanh đa cấp trái pháp luật".
Theo Danviet
Trắng tay vì "nhắm mắt" đầu tư tiền ảo iFan Với mức lợi nhuận "khủng" được vẽ ra cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án tiền ảo, thời gian hoàn vốn chỉ trong vài tháng là tối đa, giá trị trên sàn giao dịch của đồng tiền ảo tăng chóng mặt, các chủ sàn giao dịch tiền ảo đã khiến hàng ngàn người dân "mờ mắt". "Tiền mất,...