Đề xuất đổi tên nước: “Đang là nghiên cứu sinh, không thể xưng danh tiến sĩ”
“Còn khoảng cách để đạt tới CNXH nên lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới đúng thực tiễn, bản chất. Tên gọi này sẽ được lợi nhiều mặt như chính trị, kinh tế… về lâu về dài, từ trong nước đến quốc tế, tốn kém, xáo trộn chỉ là nhất thời…”
Hàng nghìn ý kiến của độc giả Dân trí gửi về tòa soạn thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới đề xuất thay đổi tên nước, lấy lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như nội dung thể hiện tại một phương án trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi mới được chỉnh lý. Mỗi bài viết về vấn đề đăng tài trên Dân trí 1 tuần qua đều có đến hàng nghìn comment, ý kiến phản hồi hết sức phong phú, tiếp cận từ nhiều hướng, nhiều góc độ.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên gọi chính thức của nước ta từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 (Ảnh: VOV)
Tên nước gắn với bài ca thống nhất
Có không ít những ý kiến “can gián”. Độc giả QuachBuuMai viết: “Tôi thấy việc này không cần thiết. Người dân vẫn phải lao động, làm ăn… Việc đổi tên nước sẽ khiến người dân mất thêm 1 khoản thời gian không nhỏ để đăng ký thay đổi lại tất cả các loại giấy tờ tùy thân. Sự phát triển của nước ta đến nay là tốt quá rồi”.
Độc giả Trần Văn Uy (vanuy113@gmail.com) cũng nhận định, việc thay đổi tên nước hay không không quan trọng. Việc thiết thực hiện tại, theo độc giả là tập trung phát triển dân sinh hơn nữa thay vì đầu tư thời gian, công sức cho việc thay đổi… cái tên.
Đa phần các ý kiến “lăn tăn” này đều bắt đầu từ lo ngại về những xáo trộn, tốn kém có thể có từ việc thay đổi. Độc giả tại địa chỉ maile1680468@rmqkr.net kiến nghị giữ nguyên tên nước như hiện tại vì tất cả các loại giấy tờ đều đã ghi “tựa đề” nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thay đổi sẽ phiền phức, tốn thêm tiền của.
Độc giả Phạm Văn Dũng (phamvandung80@gmail.com) nêu quan điểm: “Tôi nghĩ không nên thay đổi. Điều quan trọng là cách chúng ta làm và điều hành đất nước theo định hướng. Đổi tên làm gì, sẽ kèm theo cả một hệ lụy về hành chính, tốn kém”.
Độc giả Phùng Văn Quang cảnh báo, đổi tên nước không đơn giản, bởi lẽ, tên nước thể hiện định hướng, con đường phát triển cho đất nước, cho một thể chế chính trị. Theo đó, độc giả đặt vấn đề, nếu thực sự cho rằng con đường cả nước đã đi mấy chục năm qua chưa đúng, chưa tốt, chưa đưa đất nước tiến lên đúng thực lực của mình và cần thiết phải làm lại rồi sau hãy đổi tên nước. Ngược lại, đã định hướng đúng thì cứ để vậy mà tiến.
Đối lập với những hướng suy nghĩ này, một tỷ lệ áp đảo các ý kiến khác lại hoàn toàn hồ hởi, tán thành đề xuất lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Video đang HOT
Độc giả có mail bm_quach@yahoo.com khẳng định, cái tên Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mang đúng ý nghĩa theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, độc giả lập luận, Việt Nam hiện chưa đạt được mức độ phát triển đúng với đúng tên gọi đó và thực tế còn khoảng cách rất xa để đạt tới CNXH. Vì vậy, mong muốn của độc giả lấy lại tên nước lần này sẽ đúng với thực tại đất nước lại vẫn không tách rời con đường XHCN.
Độc giả Manh Cong (manhcong.love@gmail.com) dẫn câu chuyện, trong tiết học Chính trị ở trường đại học, bạn đọc có hỏi thầy giáo “Việt Nam ta tới khi nào thì tiến lên thành 1 nước XHCH”. Giáo sư đứng lớp khi đó đã trả lời không do dự: “Hiện ta đang ở thời kỳ quá độ, còn khi nào trở thành 1 nước XHCN thì chưa trả lời được”. Vậy nên, độc giả này cũng cho rằng, tên gọi nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam là hợp thực tiễn và đúng bản chất giai đoạn phát triển này.
Bạn đọc Nguyễn Văn Bảy (mail baynv@gmail.com) khiêm tốn tự nhận bản thân không đủ thông tin và trình độ để đánh giá tác động của việc thay đổi tên nước. Tuy nhiên, độc giả cũng hóm hỉnh nhận xét: “Tên tự xưng nói chung cũng giống như danh hiệu, cần phải phải đúng với thực tế. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là tôi đang phấn đấu để đạt học vị tiến sĩ nhưng chưa có thì không thể xưng tiến sĩ”.
Từ góc độ lịch sử, văn hóa, độc giả Trần Văn (trandungcoa@gmail.com) đồng tình với đề xuất việc lấy lại tên nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa vì cái tên đã gắn liền với một giai đoạn hào hùng của dân tộc… Độc giả kiến nghị thêm, đây là một việc trọng đại của đất nước, của dân tộc, nên cần tổ chức trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Độc giả Đỗ Xuân Tùng (doxuantung.tl@gmail.com) thì liên hệ đề xuất lấy lại tên nước gợi nhớ đến lời bài hát luôn vang mãi trong mọi trái tim người dân Việt Nam khi thống nhất đất nước “…ba mươi năm Dân chủ cộng hòa, kháng chiến đã thành công…”.
Tốn kém nhất thời, lợi ích lâu dài
Phản hồi về bài phỏng vấn Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão (Bài “Tên nước VNDCCH sẽ tạo thế đi lên”), độc giả Đinh Văn Long (dinhlong88kstbyt@gmail.com) đồng tình với những kiến giải của ông Mão, cho rằng việc đổi tên đất nước là hợp lý, mang tư tưởng mới cho đất nước đang vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ…
“Gật đầu” với những lập luận ông Mão nêu ra, độc giả Nguyễn Thịnh (jungwoochan23@gmail.com) nhấn mạnh, Việt Nam chưa phải là nước “XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”, mới đang ở giai đoạn quá độ lên “XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”. Vậy tốt nhất để tên là “VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA”- cái tên nêu nổi bật tính dân chủ của nhà nước.
Gạt bỏ những lo ngại về những xáo trộn, tốn kém như nhiều người nêu, độc giả Ngọc Nam(nguyenngocnam2584@gmail.com) hoàn toàn đồng ý nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão là việc đổi tiên nước kéo theo những hệ lụy trước mắt nhưng cái được thì rất nhiều. Nội dung phân tích của ông Mão, bạn đọc đánh giá, đã trình bày rất đầy đủ.
Về bài viết ghi ý kiến phân tích của GS Sử học Lê Mậu Hãn (Bài “Trở lại tên nước VNDCCH là tôn trọng thực tiễn”), bạn đọc có mailvxb125@yahoo.com bình luận, tên nước là VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA là hợp lý, hợp tình, nhằm đề cao khối đại đoàn kết dân tộc, như vốn dĩ ban đầu như thế. Không phủ nhận việc thay đổi, nếu có, có thể khó khăn đôi chút, song độc giả cho rằng, điều đó càng thể hiện ý chí của cả dân tộc luôn hướng về một xã hội tốt đẹp, dân chủ, hạnh phúc. Đồng thời hoàn toàn phù hợp với bối cảnh đất nước và thế giới hiện nay.
Tương tự, độc giả Lê Thắng (thelang623@yahoo.com) nhìn nhận, trở lại tên gọi cũ hoàn toàn không ảnh hưởng đến thể chế chính trị và định hướng của Đảng và Nhà nước. Tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được duy trì trong thời gian không ngắn (1945-1976), gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc qua 2 cuộc kháng chiến “lừng lẫy năm châu”, “chấn động địa cầu”.
“Theo tôi, nên thay đổi vì khi đó, Việt nam ta sẻ được lợi nhiều mặt như chính trị, kinh tế… về lâu về dài từ trong nước cho đến quốc tế. Còn việc nghĩ rằng thay đổi tên gọi sẽ tốn kém chi phí thay đổi cái này cái kia chỉ là nhất thời mà thôi” – độc giả viết.
Như ông Hãn phân tích “chữ “dân chủ” trong tên nước vì vậy được đặt đúng nghĩa là nhà nước của nhân dân”, bạn Ngọc Hùng (mail: ngochung70@ymail.com.vn) rất tâm đắc với chữ “dân chủ” này trong tên nước. Độc giả cho rằng việc đó sẽ “nhắc nhở” giai cấp lãnh đạo bao giờ cũng phải lấy dân làm gốc, lấy lợi ích quốc gia làm đầu khi hoạch dịnh hay xây dựng bat kỳ đường lối chính sách.
Tương quan các ý kiến tán thành và không tán thành của độc giả gửi đến rất phù hợp với tỷ lệ kết quả bình chọn trên Dân trí. Cụ thể, đến thời điểm này, đã có gần 26.000 bạn đọc “bỏ phiếu thuận” cho phương án lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chiếm tỷ lệ 77% trong khi quan điểm nên giữ tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hơn 7600 “phiếu” (tương đương 23%).
Ngoài ra, nhiều bạn đọc cũng gửi tới những ý kiến cân nhắc, cẩn trọng hơn. Độc giả Phạm Dương (duong661@gmail.com) cho rằng, cần đổi, sẽ đổi tên nước nhưng đề nghị tính toán thời điểm, không nên đổi lúc này. Độc giả Nguyễn (duc.nguyentlp@gmail.com) đề nghị nên trưng cầu ý dân trước khi đưa ra Quốc hội xem xét và biểu quyết bởi 1 quyết định sai sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người dân.
Theo Dantri
"Trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tôn trọng thực tiễn"
"Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần 2 đưa ra phương án trở lại cách đặt tên nước Bác Hồ đã đặt trước đây là tôn trọng lịch sử và tôn trọng thực tiễn nguyện vọng quần chúng" - GS Sử học Lê Mậu Hãn thẳng thắn bày tỏ.
GS. Lê Mậu Hãn cho biết, thời gian qua, cá nhân ông dành nhiều quan tâm và tham gia góp ý nhiều nội dung trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại các hội nghị do TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức. Trong thời gian 3 tháng lấy ý kiến, ông đã được thông tin về những đề xuất lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mới đây, sau đề xuất lấy lại tên nước "từ thời cụ Hồ", ông cũng nghe được những ý kiến từ những cuộc trao đổi trên đường, trong cuộc sống thường nhật.
GS. Lê Mậu Hãn nêu quan điểm, tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp với thực tiễn Việt Nam, ngay cả ở thời điểm hiện tại và giàu ý nghĩa đối với một dân tộc có lịch sử ngàn năm văn hiến, có quá trình đấu tranh anh dũng suốt mấy chục năm chống thực dân Pháp, lật đổ ách đô hộ đó để lập nên nhà nước độc lập. Chữ "dân chủ" trong tên nước vì vậy được đặt đúng nghĩa là nhà nước của nhân dân.
"Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sự công bố chính thức lần đầu tiên với toàn thế giới và Tuyên ngôn độc lập Bác đọc khi đó khẳng định công lý, lẽ phải của thực tiễn Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập. Điều đó buộc các nước khác không thể không công nhận" - ông Hãn nêu bật ý nghĩa.
Chế độ Dân chủ Cộng hòa, nhà nước Dân chủ Cộng hòa, GS. Hãn khẳng định, là kết quả do sự kiện lịch sử cách mạng tạo nên, phù hợp xu thế, phù hợp nguyện vọng, mục tiêu của toàn dân tộc. Cụ thể, tư tưởng độc lập tự do là nội dung cốt lõi của tinh thần dân tộc, qua sự thể hiện này. Và theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng độc lập tự do không chỉ là đấu tranh giải phóng dân tộc mà phải xác định con đường phát triển theo hướng giải phóng con người khỏi bóc lột. Đó là lý do Bác đã chọn con đường duy nhất phù hợp là tiến lên CNXH. Theo đó, cả nước đã xác định 3 chặng đường chiến lược phải thực hiện là giải phóng dân tộc, hoàn thành thể chế dân chủ, xây dựng thành công CNXH.
GS. Lê Mậu Hãn
Để bình chọn cho một trong hai phương án về tên nước, mời bạn đọc bấm vào đây.
Vị GS Sử học nhìn nhận, con đường xây dựng CNXH, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là con đường lâu dài. Thời kỳ quá độ lên CNXH cũng rất lâu dài. Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu quá trình đó và sẽ còn gặp nhiều trắc trở hơn nữa. Tại Việt Nam chưa có CNXH thật sự. Khi nào chế độ kinh tế không còn sơ sở cho việc người bóc lột người thì mới là xã hội như tuyên ngôn mà Đảng Cộng sản đề cập. Và sự thực, các nước đi theo con đường này cũng chưa nước nào đạt được "đích" đến đó, tất cả đều ở thời kỳ quá độ.
"Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần 2 đưa ra phương án trở lại cách đặt tên nước Bác Hồ đã đặt trước đây là tôn trọng lịch sử và tôn trọng thực tiễn nguyện vọng quần chúng. Tôi cảm thấy dường như đông đảo người dân cũng mong muốn tên nước đó" - ông Hãn nhấn mạnh.
Trở lại lần đổi tên nước thành Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 1976), GS. Lê Mậu Hãn cho rằng, đó là vì bối cảnh cả nước trong tư tưởng tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH.
Ông Hãn nhấn mạnh, tư tưởng xây dựng CNXH trong suốt lịch sử cách mạng của đất nước vẫn giữ nguyên như Bác Hồ từng nói. Nhưng con đường đó còn rất lâu dài. Và việc giữ tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không có gì gọi là rời xa khuynh hướng XHCN.
"Chế độ Cộng hòa Dân chủ đã được người dân đón nhận, tôn trọng, người dân sẽ bảo vệ đến cùng - như đã bảo vệ nhà nước do Cụ Hồ sáng lập, đi theo từ những ngày đầu, đã đấu tranh và chấp nhận hi sinh cả tài sản, tính mạng... để bảo vệ. Vậy nên phải dựa vào nguyện vọng toàn dân, đáp ứng cho đúng, bởi điểm nào thuyết phục thì người dân sẽ theo" - ông Hãn lập luận.
Vị GS Sử học cũng bày tỏ tiếp: "Tôi thấy các đại biểu Quốc hội và bản thân cũng cảm nhận được nguyện vọng tha thiết của quần chúng làm thế nào có một xã hội ổn định. Và trong điều kiện này, trở lại cái tên vẫn đang có giá trị thực tiễn là đúng đắn. Khi căn cứ hiện thực là mức độ phát triển đã đạt đến XHCN chưa có, đặt lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ phù hợp thực tiễn. Đó sẽ là bàn đạp để cả dân tộc tiến lên".
Với những lập luận đó, ông Hãn thẳng thắn cho rằng, nói việc lấy lại tên nước làm thụt lùi lại lịch sử là không hiểu thấu đáo lịch sử và hơi chủ quan. Tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đúng với nội dung thể chế mà Bác Hồ đưa ra và đặt vấn đề trên đúng cơ sở thực tiễn mới là hướng suy nghĩ biện chứng, không vội vàng, hợp logic lịch sử.
Theo Dantri
Đề cao quyền con người trong hoạt động tố tụng Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp về bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi do Đoàn Luật sư Hà Nội tổ chức, luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư đã có một số tham góp đáng chú ý liên quan đến chế định luật sư và quyền được trợ giúp pháp lý được nêu ra trong...