Đề xuất dời ga Nha Trang để xây nhà ở, cao ốc thương mại
Quy hoạch TP Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không có việc giải tỏa ga Nha Trang chuyển thành đất ở nhưng trong các phương án cải tạo, dời ga này lại đang đề xuất xây nhà ở, cao ốc thương mại.
Ga Nha Trang hiện nay tại trung tâm thành phố, nằm trên đường Thái Nguyên, chỉ cách bãi biển Nha Trang chừng 500m – Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa, Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung là doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông vận tải chủ trương, cho phép lập các phương án đề xuất cải tạo, dời ga Nha Trang nhằm đầu tư khai thác kinh doanh quỹ đất của ga Nha Trang hiện nay.
Ngày 18-3, theo lãnh đạo một đơn vị của tỉnh tham dự cuộc họp do UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức về vấn đề trên, đơn vị tư vấn và Công ty Tuấn Dung đã báo cáo hai phương án cải tạo, di dời ga Nha Trang.
Theo đó, phương án 1 chỉ dời hoạt động vận chuyển hàng hóa đến ga mới, dự kiến xây dựng tại xã Vĩnh Trung (TP Nha Trang). Còn ga hành khách vẫn tiếp tục duy trì tại ga Nha Trang hiện nay.
Phương án 2, dời toàn bộ ga Nha Trang đến ga mới sẽ xây dựng tại xã Vĩnh Trung.
Theo phương án di dời toàn bộ ga Nha Trang đến xã Vĩnh Trung, khi tàu lửa chạy đến đoạn đường sắt tại nút giao thông Ngọc Hội (giao cắt với đường 23-10 tại Vĩnh Điềm Trung, gần siêu thị Big C) sẽ không còn đường rẽ xuống ga Nha Trang như hiện tại. Theo đó, tất cả tàu lửa khi đến nút giao cầu vượt Ngọc Hội sẽ theo đường sắt được cải tạo, chạy vòng lên hướng Diên Khánh để vào ga mới tại xã Vĩnh Trung, gần đường Võ Nguyên Giáp.
Trước khi Công ty Tuấn Dung chính thức có phương án đề xuất dời ga Nha Trang như trên để chuyển đất làm dự án BT, tháng 2-2017, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đường sắt và cho di dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành theo hình thức đối tác công- tư.
Đến tháng 12-2019, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Giao thông vận tải xem xét báo cáo đề xuất phương án cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang theo các đề xuất của nhà đầu tư là Công ty Tuấn Dung.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa, trong cả 2 phương án của Công ty Tuấn Dung mà UBND tỉnh đã giao cho sở xem xét, phương án nào cũng đều có mục đích “quy hoạch sử dụng đất ga Nha Trang, bố trí xây dựng chung cư cao tầng (30 tầng), công trình hỗn hợp (35 tầng), nhà liền kề, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ”.
Video đang HOT
Đường vòng hình bóng đèn cho tàu lửa chạy trở đầu trong ga Nha Trang – Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Việc di dời toàn bộ ga Nha Trang cũng như việc chuyển mục đích sử dụng đất ga Nha Trang thành đất ở để xây dựng các công trình khai thác kinh doanh như cả hai phương án của doanh nghiệp Tuấn Dung đã đề xuất đều “không phù hợp” với quy hoạch chung thành phố Nha Trang mà Thủ tướng đã phê duyệt; kể cả quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của tỉnh cũng chưa có các phương án sử dụng đất, xây dựng các công trình đó.
“Một đánh đổi rất lớn”
Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc – nguyên giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa: “Theo quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2012 đã có quy định về quy mô dân số của thành phố Nha Trang và đã tính đến chỗ ở cho dân số theo quy mô đó.
Vậy hà cớ gì phải lại xây dựng thêm các cao ốc, chung cư, nhà ở liền kề, nhà ở thương mại trái quy hoạch vào khu vực ga Nha Trang? Việc “nhồi” thêm dân cư cùng các công trình nhà ở đó sẽ phá vỡ quy hoạch dân số, hạ tầng đô thị và cả cảnh quan kiến trúc của đô thị Nha Trang rất nhiều”.
“Còn việc phá dỡ ga Nha Trang và đường sắt vào tận trung tâm thành phố du lịch Nha Trang hiện nay, chỉ cách biển chừng 500m, để cho làm dự án BT theo đề xuất của doanh nghiệp tư nhân đã nêu sẽ là một “đánh đổi rất lớn” của thành phố Nha Trang. Bởi việc dỡ bỏ nhà ga Nha Trang đã có lịch sử cả trăm năm cùng cả hệ thống đường sắt hiện hữu vào ga này thì hàng trăm năm sau không dễ gì có thể khôi phục, xây dựng lại được.
Đó là điều mà giới kiến trúc sư cùng nhiều người dân sống lâu năm ở thành phố Nha Trang đề nghị các cơ quan rất cần phải thận trọng khi xem xét, quyết định” – ông Lộc nói
PHAN SÔNG NGÂN (tuoitre.vn)
Khánh Hòa hết dịch Covid-19, nhưng không được chủ quan
"Nếu nhìn lại 30 ngày trước, ít ai dám nghĩ Khánh Hòa sẽ vượt qua dịch Covid-19 nhanh như vậy", Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nói.
Được xem là địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao vì có đông du khách, nhất là khách Trung Quốc đến nghỉ dưỡng, Khánh Hoà đang hoàn tất thủ tục để công bố hết dịch Covid-19. Khánh Hòa không có ca nhiễm mới trong 30 ngày.
Theo ông Nguyễn Đắc Tài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, mặc dù đã đủ điều kiện để công bố hết dịch Covid-19, nhưng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu tất cả cơ quan, ban ngành không được chủ quan, dù chỉ một ngày.
Từng có tâm lý sợ hãi, hoang mang
Ngay khi thông tin về dịch Covid-19 được công bố, tâm lý lo sợ bắt đầu xuất hiện ở Khánh Hòa, bởi Nha Trang là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, tâm dịch Covid-19.
Bãi biển Nha Trang đông nghịt du khách những ngày sau dịch Covid-19. Ảnh: An Bình.
Theo ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, ngay khi nhận thông tin về 2 du khách Trung Quốc nhiễm virus corona chủng mới, sở đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị xác minh ngay khách sạn và những nơi họ đến. "Những ai tiếp xúc gần đều được theo dõi sát, còn khách sạn cũng được tẩy trùng nhằm hạn chế sự phát tán của dịch bệnh", ông Minh nói.
Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cũng cho biết trong nhiều người có tiếp xúc với 2 cha con người Trung Quốc thì nữ lễ tân tên H. chỉ xách giúp vali cho khách thì bị lây nhiễm.
"Chính vì lây nhiễm quá dễ dàng nên đã có tâm lý e sợ và lo ngại dịch bùng phát. Tuy nhiên, nhờ công tác tuyên truyền và dặc biệt là việc chữa trị cho người nhiễm duy nhất thuận lợi nên đã trấn an được người dân và cả du khách", ông Minh nói thêm.
Chia sẻ về việc điều trị cho ca nhiễm virus corona ở Khánh Hòa, bác sĩ Nguyễn Đông, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, không giấu được niềm vui.
"Nhiều người dân đến khám và cả bệnh nhân khi vào đều lo lắng, vì lúc đó dịch Covid-19 với họ là cái gì đó rất nguy hiểm, huyền bí mà lại chết người. Nhưng phương châm của bệnh viện ngoài chữa bệnh thì còn phải ổn định tâm lý cho họ. Ngay như cô lễ tân khách sạn, khi mới vào tinh thần suy sụp, chán nản, nhưng chỉ sau vài ngày điều trị và được chúng tôi tư vấn cô ấy vui vẻ và còn gọi điện, lên mạng trấn an gia đình, bạn bè và những người còn lo lắng", ông Đông nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài cũng thừa nhận sau khi công bố dịch, tâm lý sợ hãi ở Khánh Hòa là có. "Người dân, du khách và nhiều người quản lý chính quyền cũng sợ. Sợ dịch lây lan rộng ra cộng động vì Nha Trang là thành phố du lịch. Nếu nhìn lại 30 ngày trước, ít ai dám nghĩ Khánh Hòa sẽ vượt qua dịch Covid-19 nhanh như vậy", ông Tài nói.
Ông Tài nhìn nhận công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong vệc ổn định tâm lý người dân. "Một vài thông tin lan truyền trên mạng không thật sự chính xác đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý người dân. Những nhìn chung việc tuyên truyền kịp thời đã giúp Khánh Hòa vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, đặc biệt là thành công khi chữa khỏi cho ca bệnh nhiễm virus corona chủng mới", ông Tài cho biết.
Nhịp sống dần trở lại
Theo Sở Du lịch Khánh Hòa dịch Covid-19 đã làm sụt giảm số lượng lớn khách đến địa phương nghỉ dưỡng. Nếu trước khi có dịch mỗi ngày Nha Trang - Khánh Hòa đón hơn 200.000 khách Trung Quốc, thì nay con số này giảm rất nhiều. Tuy nhiên, bù lại khách các thị trường như Nga, Hàn, Nhật Bản và cả châu Âu đang tăng trở lại.
Khách Hàn Quốc đang dần chiếm thị phần lớn ở Khánh Hòa sau khi hết dịch Covid-19. Trong ảnh du khách Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm ở di tích Tháp Bà Ponagar. Ảnh: An Bình.
"Hiện mỗi ngày Nha Trang - Khánh Hòa vẫn đón 6 chuyến bay từ Nga, 13-15 chuyến bay từ Hàn Quốc. Đó là chưa kể các chuyến bay từ Thái Lan, Nhật Bản. Nếu so với thời gian trước số chuyến bay không giảm", bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết.
Cũng theo bà Thanh, sau khi tỉnh công bố dịch Covid-19, sở đã làm việc với các doanh nghiệp khách sạn, công ty lữ hành nhằm tuyên truyền việc chấp hành phòng, chống như khuyến cáo của Bộ Y tế.
"Đến nay công tác này đã được các doanh nghiệp thực hiện tốt. Ngay cả những khách sạn có du khách nhiễm virus corona từng lưu trú cũng đã tẩy trùng, vệ sinh để đảm bảo môi trường sạch, không lây lan dịch bệnh", bà Thanh cho hay.
Còn theo ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, sau khi công bố dịch Covid-19, đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho các đơn vị trên địa bàn về công tác phòng chống dịch bệnh; tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng để người dân phòng chống bệnh và tránh tâm lý hoang mang.
Ông Bùi Xuân Minh cũng cho biết, đã 30 ngày Khánh Hòa không ghi nhận ca nhiễm mới nên đủ điều kiện để công bố hết dịch. Tuy nhiên, bệnh này là bệnh mới, chưa có trong hướng dẫn thường quy của Bộ Y tế và Chính phủ.
"Hiện Khánh Hòa đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, công tác phòng chống dịch hiệu quả. Song sở vẫn chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ, tránh tạo ra tâm lý chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch", ông Minh nói.
Nhịp sống của người dân Nha Trang cũng bắt đầu trở lại bình thường, nhiều hàng quán đã mở cửa đón khách trở lại, trên bãi biển đã đông nghịt du khách. "Nghe tin Khánh Hòa chuẩn bị công bố hết dịch Covid-19 nên tranh thủ con đang nghỉ học đưa ra đây nghỉ dưỡng ít ngày", anh Danh, du khách từ TP.HCM nói.
Theo news.zing.vn
Tàu hơn 30 m mắc cạn ở Nha Trang Người dân và du khách bất ngờ khi con tàu dài hơn 30 m mắc cạn ở Nha Trang. Nhiều người đến đây chụp ảnh dù biển có sóng lớn. Một con tàu dài hơn 30 m mắc kẹt trên bãi biển Nha Trang, đoạn trước Vincom Plaza Trần Phú (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, Khánh Hòa) nhiều ngày qua. Ông Lê...