Đề xuất điều chỉnh mức thu nhà máy lọc dầu Dung Quất
Quảng Ngãi đề xuất Bộ Tài chính giảm dự toán thu ngân sách của nhà máy lọc dầu Dung Quất vì cho rằng mức thu vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng trong năm tới là khó khả thi.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 2015 nhằm tạo điều kiện xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội phù hợp với thực tế địa phương.
Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong điều kiện giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm mạnh (giảm khoảng 25% so với giữa năm 2014) thì Bộ Tài chính giao nguồn thu năm 2015 cho nhà máy lọc dầu Dung Quất đến 28.600 tỷ đồng (vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng so với dự tính ban đầu) là khó thực hiện.
Bồn, bể chứa nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Trí Tín.
“Điều này sẽ gây khó cho địa phương trong việc xây dựng các chỉ tiêu như giá trị sản xuất công nghiệp, tổng sản phẩm GDP… vào năm tới”, ông Chữ nói.
Trước tình hình này, Quảng Ngãi đề xuất Bộ Tài chính thời gian tới nghiên cứu điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhập khẩu xăng, dầu từ đó sẽ tăng nguồn thu điều tiết từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, đảm bảo dự toán thu được giao.
Ông Chữ cho rằng muốn hoàn thành nguồn thu đạt 28.600 tỷ đồng thì năm tới nhà máy này phải hoạt động đến 112% công suất thiết kế (đạt sản lượng hơn 6,6 triệu tấn) là khó khả thi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn, cho rằng nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động hết mức cũng chỉ đạt 105% công suất thiết kế chứ không thể tăng cao hơn được nữa.
Theo kế hoạch gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, năm 2015, Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn sản xuất, tiêu thụ khoảng hơn 5,7 triệu tấn dầu. Từ năm 2010 đến 2013, nhà máy sản xuất gần 23,4 triệu tấn, công suất hoạt động trung bình đạt hơn 5,8 triệu tấn mỗi năm.
Video đang HOT
Trí Tín
Theo VNE
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Sẽ không "máy móc" trong điều chỉnh giá xăng dầu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: "Nếu theo Nghị định 84 thì đáng lẽ chúng ta phải chờ đến ngày 27/11 mới được giảm giá. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là khi giá xăng dầu thế giới đã giảm thì không máy móc thực hiện theo quy định đó".
Bên hành lang Quốc hội hôm nay 7/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chia sẻ về quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu sớm hơn quy định và các vấn đề liên quan về điều hành giá xăng dầu hiện nay.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Từ 11h hôm nay 7/11, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã chính thức điều chỉnh giảm giá các mặt hàng xăng dầu từ 360 đồng/lít đến 950 đồng/lít (kg). Như vậy, chỉ sau khi Nghị định 83 có hiệu lực 6 ngày, giá xăng dầu đã được doanh nghiệp điều chỉnh giảm, sớm hơn so với quy định đề ra. Liệu đây có phải là do "áp lực" buộc phải giảm giá sớm như trong đợt họp Quốc hội trước đây có đại biểu nêu "Cứ Quốc hội họp là xăng lại giảm giá"?
Nếu theo Nghị định 84 thì đáng lẽ chúng ta phải chờ đến ngày 27/11 mới được giảm giá. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là khi giá xăng dầu thế giới đã giảm thì không máy móc thực hiện theo qui định đó. Nếu mình thấy có lợi cho dân thì làm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, liên Bộ đã thống nhất điều chỉnh giảm.
Có thể khẳng định rằng, việc giảm giá xăng dầu lần này không phải do dư luận mà do tính toán giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Vậy xin Bộ trưởng cho biết, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay sẽ do Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính "cầm trịch"?
Điều hành giá xăng dầu vẫn theo qui định của Nghị định 83. Theo Nghị định 84 thì tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu gồm Bộ Tài chính và Công Thương nhưng Bộ Tài chính chủ trì. Còn theo Nghị định 83 thì vẫn 2 Bộ này nhưng thay lại Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì, Bộ Tài chính phối hợp. Tất cả những gì liên quan đến điều chỉnh xăng dầu đều có ý kiến của hai Bộ này.
Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã điều chỉnh giá xăng dầu 8 lần, tổng số tiền giảm giá đã cao hơn số tăng giá. Nghị định 83 mới có hiệu lực từ 1/11/2014 nên chưa thể đánh giá mặt được hay chưa được.
Có mấy nội dung mới trong Nghị định mới, đó là tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để cạnh tranh hơn, cái đó có lợi cho người tiêu dùng. Và khi đã có nhiều doanh nghiệp tham gia trên thị trường bán lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp buộc phải luôn tìm cách phục vụ tốt hơn, cải tiến công nghệ trong phân phối, bán xăng dầu; cũng như tạo điều kiện, cơ sở để thị trường xăng dầu phát triển.
Cái mới nữa là rất nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thực hiện phương thức bán lẻ, trước đây chỉ có các đại lý. Bây giờ có cả đại lý, có cả mua đứt, bán đoạn, nhượng quyền, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Giá dầu thế giới giảm sâu, trong khi ngân sách thu phụ thuộc rất lớn nguồn xuất khẩu từ dầu. Bộ trưởng đánh giá thế nào về thực tế này?
Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, nhưng hiện nay, giá dầu thô giảm liên tục, xuống mức rất thấp trong mấy năm trở lại đây. Vừa qua, giá dầu thế giới giảm, giá xăng dầu thành phẩm cũng sẽ giảm. Bù lại, Việt Nam có lợi vì chúng ta nhập đến 70% sản phẩm xăng dầu tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, giá dầu giảm như vậy thì dầu thô của mình xuất đi có vấn đề. Nếu so với năm ngoái, có lúc lên tới trên 100 USD/thùng, bây giờ chỉ còn 75 - 76 USD. Chính vì thế, thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô hiện nay đang giảm. Đấy là khó khăn nhưng mình không thể vừa muốn xuất được dầu thô với giá cao và muốn nhập được xăng dầu thành phẩm với giá thấp.
Là Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông có thể cho biết, Việt Nam chủ động ứng phó như thế nào khi giá xăng dầu giảm sâu và còn giảm nữa?
Có 2 cách, chúng ta có thể tăng cường khâu dự trữ dầu thô. Hiện nay, Chính phủ đã có chỉ đạo thực hiện chiến lược này. Đấy là cách vừa thực hiện đảm bảo an ninh năng lượng dầu khí cũng như ứng phó với biến đổi giá bất lợi cho khai thác và sản xuất dầu trong nước.
Bên cạnh đó, để ứng phó với giá dầu giảm sâu, chúng ta cũng phải tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo để điều chỉnh kế hoạch khai thác. Không phải khai thác đều trong năm mà có thể căn cứ vào diễn biến, nếu thấy giá dầu có lợi thì tăng khai thác tăng lên, nhưng với điều kiện là phải phù hợp với nhu cầu thực. Còn khi nào giá bất lợi thì giảm lượng khai thác, sản xuất.
Tiến tới chúng ta phải làm theo cách này. Một số nước cũng đang áp dụng, nhưng muốn làm được thì dự báo phải tương đối chính xác diễn biến, nhu cầu thị trường.
Giá dầu giảm liên tục trong 3 tháng gần đây, vậy chúng ta có điều chỉnh giảm mục tiêu không, thưa Bộ trưởng?
Hiện nay chưa nói gì đến việc điều chỉnh, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đang xem xét thông qua Nghị quyết về kinh tế-xã hội và thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015.
Diễn biến thị trường dầu thế giới rất khó lường, vì không phải chỉ vấn đề kinh tế mà còn chính trị giữa các nước khai thác dầu với những nước nhập khẩu dầu, rồi vấn đề tranh chấp lãnh thổ, khu vực... tất cả những yếu tố này đều liên quan đến giá dầu. Tình hình xung đột chính trị giữa các quốc gia, khu vực chưa thể dự đoán sẽ đi đến đâu cho nên khó có thể dự báo chính xác xu hướng về khai thác và tiêu thụ dầu trên thế giới.
Tuy nhiên, điều chúng ta có thể làm lúc này là phải tăng cường hơn nữa công tác thông tin, nắm bắt tình hình và cũng phải đưa ra một số kịch bản ứng phó với diễn biến xấu xảy ra để làm sao có thể đảm bảo vẫn khai thác được dầu nhưng hiệu quả cao nhất.
Đó là câu hỏi đặt ra với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội.
Kịch bản đó gồm các tình huống: Giá dầu có thể tiếp tục giảm như hiện nay; giảm một thời gian rồi tăng dần lên theo kiểu tiệm tiến và có thể có những đột biến tăng lên cao ngay.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
Không có tiền để tăng lương năm 2015 Do ngân sách năm 2015 còn nhiều khó khăn, bội chi lớn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở. Đây là nội dung mà Thường trực Chính phủ báo cáo trước Ủy ban Thường vụ sáng nay (9/10) về tình hình thực hiện thu chi Ngân sách Nhà nước và tình hình kinh...